1. Thánh Giuse và hình ảnh “bóng mát”[1]
(a) “Thánh Giuse, đối với Đức Giê-su, là bóng mát dưới đất của Người Cha Trên Trời”
Nhà văn Ba Lan Jan Dobraczyński, trong tác phẩm “Bóng mát của Chúa Cha”,[24] đã kể lại cuộc đời của Thánh Giuse dưới hình thức tiểu thuyết.
Với hình ảnh mang lại cảm hứng là bóng mát, tác giả mô tả chân dung của Thánh Giuse, vốn đối với Đức Giê-su là bóng mát dưới đất của Người Cha Trên Trời. Ngài trông nom, bảo vệ Đức Giêsu, ngài không bao giờ xa rời Đức Giê-su, để dõi theo những bước chân của Người.
Chúng ta hãy tưởng nghĩ đến điều mà ông Môsê nhắc nhớ cho dân Israel: “Trong sa mạc, nơi anh (em) thấy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mang anh (em) như một người mang con mình” (Đnl 1, 31). Chính như thế mà Thánh Giuse đã thể hiện tư cách làm cha trong suốt cuộc đời của ngài.[25]
(b) “Trở nên người cha”
Người ta không sinh ra đã là người cha, người ta trở nên người cha. Và người ta không trở nên người cha chỉ là bởi vì mình sinh ra một người con, nhưng là bởi vì người ta săn sóc người con một cách có trách nhiệm.
Tất cả những lần có ai đó đảm nhận trách nhiệm về cuộc đời của một người khác, theo một nghĩa nào đó, người ấy thực hiện tư cách làm cha đối với người này.
(c) Giáo Hội cũng cần những người cha
Trong xã hội của thời đại chúng ta, các trẻ em dường như thường là những em mồ côi cha. Ngay cả Giáo Hội cũng cần những người cha.
Lời cảnh báo của thánh Phaolô dành cho các tín hữu Côrintô vẫn luôn mang tính thời sự: “Cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu!” (1Cr 4, 15). Mỗi linh mục hay giám mục phải có thể nói như ThánhTông Đồ: “Bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.” (ibid.). Và với các tín hữu Galata, ngài nói: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Ki-tô được thành hình nơi anh em” (4, 19).
2. Thánh Giuse và đức khiết tịnh
(a) Thánh Giuse, Đấng “rất khiết tịnh”.
Là người cha, có nghĩa là dẫn người con đến với kinh nghiệm cuộc sống, đến với thực tại. Không giữ lại người con, không giam hãm người con, không sở hữu người con, nhưng làm cho người con có thể lựa chọn, tự do và khởi hành. Có lẽ chính vì thế mà, bên cạnh danh hiệu người cha, Truyền Thống đã gọi Thánh Giuse là Đấng “rất khiết tịnh”. Đó không phải là một dấu hiệu đơn thuần thuộc cảm tính, nhưng đó là tổng hợp của một thái độ, diễn tả điều ngược lại với sở hữu.
Đức khiết tịnh là sự kiện giải thoát mình khỏi sự sở hữu trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống. Chỉ khi nào một tình yêu là khiết tịnh, thì tình yêu ấy mới thực sự là tình yêu. Tình yêu mà muốn sở hữu, ruốt cuộc sẽ trở nên nguy hiểm: nó giam hãm, bóp nghẹt và làm cho bất hạnh. Chính Thiên Chúa đã yêu con người bằng một tình yêu khiết tịnh, bằng cách để cho con người tự do, ngay cả tự do sai lầm và tự do quay ra chống lại Người.
Luận lý của tình yêu luôn luôn là luận lý của tự do, và Thánh Giuse đã biết yêu mến theo cách thức tự do một cách ngoại thường. Ngài không bao giờ tự đặt mình ở trung tâm. Ngài đã biết không quy về mình, nhưng đặt ở trung tâm đời mình, Mẹ Maria và Đức Giêsu.
(b) Thánh Giuse và sự trao tặng chính mình
Hạnh phúc của Thánh Giuse không nằm trong luận lý sát tế mình, nhưng là trao tặng mình. Người ta không bao thấy nơi ngài sự có gì là hụt hẫng, nhưng chỉ có sự tin tưởng. Sự thinh lặng kiên vững của ngài không bao gồm những lời than trách, nhưng luôn là những cử chỉ cụ thể của tin tưởng.
Thế giới cần những người cha, nó từ chối thủ lãnh, nó từ chối người muốn sử dụng sự sở hữu về người khác để làm đầy túi rỗng của riêng mình; nó từ chối những người trộn lẫn quyền bính với độc tài, phục vụ với lệ thuộc, đối chất với ức hiếp, bác ái với trợ lý, sức lực với hủy diệt. Mọi ơn gọi đích thực đều được sinh ra từ việc trao tặng chính mình, vốn là sự trưởng thành của sự hi sinh đơn giản.
Mẫu trưởng thành này được yêu cầu cả trong chức linh mục và trong đời sống thánh hiến. Ở nơi mà ơn gọi hôn nhân, độc thân hay khiết tịnh không đạt tới sự trưởng thành của sự trao tặng chính mình, mà chỉ dừng lại ở luận lý hi sinh, thì khi đó, thay vì làm cho mình thành dấu chỉ về vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu, ơn gọi đó có nguy cơ diễn tả nỗi bất hạnh, buồn bã và hụt hẫng.
3. Thánh Giuse, “dấu chỉ” qui về Tình Phụ Tử lớn hơn
(a) “Từ bỏ cám dỗ sống cuộc sống của con cái mình”
Người làm cha, mà biết từ bỏ cám dỗ sống cuộc sống của con cái mình, sẽ mở ra thật rộng lớn những không gian cho điều mới lạ. Mỗi đứa con đều mang trong mình một mầu nhiệm, một điều mới lạ, vốn chỉ có thể được bộc lộ ra với sự giúp đỡ của một người cha biết tôn trọng sự tự do của người con. Một người cha, nhận ra mình đang hoàn thành hành động giáo dục của mình và đang sống cách tròn đầy tư cách làm cha, chỉ khi nào người này làm cho mình trở thành “vô ích”, chỉ khi nào người này thấy người con trở nên độc lập và bước đi một mình trên những nẻo đường của cuộc sống, chỉ khi nào người này tự đặt mình trong hoàn cảnh của Thánh Giuse, vốn luôn luôn biết rõ rằng, Hài Nhi không phải là của mình, nhưng chỉ là được giao cho sự chăm sóc của mình. Thực ra, đó là điều mà Đức Giê-su muốn chúng ta hiểu, khi Người nói: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.” (Mt 23, 9).
(b) “Bóng mát” của Người Cha trên trời, “bóng mát” đi theo Người Con
Mỗi lần chúng ta được ở trong địa vị để thực hành tư cách làm cha, chúng ta phải luôn nhớ rằng, đó không bao giờ là một thực hành sự sở hữu, nhưng đó là một “dấu chỉ” qui về một tình phụ tử lớn hơn.
Trong một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta luôn luôn ở trong địa vị của Thánh Giuse: một bóng mát của Người Cha duy nhất trên trời, “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 45); một bóng mát đi theo Người Con.
* * *
“Hãy xin Thánh Giuse ơn huệ của các ơn huệ: sự hoán cải của chúng ta”.
(a) Yêu mến và cầu xin sự can thiệp của Thánh Giuse
Thiên Chúa nói với Thánh Giuse: “Hãy trỗi dậy, đem theo Hài Nhi và mẹ Người” (Mt 2, 13).
Mục đích của Tông Thư này là làm cho lớn lên tình yêu dành cho vị Thánh Cả, để chúng ta được thúc đẩy cầu xin sự can thiệp của ngài và để chúng ta noi theo các nhân đức và lòng nhiệt thành của ngài.
Thật vậy, sứ mạng đặc biệt của các thánh không chỉ là thuận ban các phép lạ và ơn huệ, nhưng còn là chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa, như Tổ Phụ Abraham [26] và ông Môsê [27] đã làm, và như Đức Giêsu đã làm, Người là “Đấng trung gian duy nhất” (1Tm 2, 5), “Trạng Sư” của chúng ta bên cạnh Chúa Cha (1Ga 2, 1), “Đấng hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 7, 25; x. Rm 8, 34).
Các thánh giúp các tín hữu “tìm kiếm sự thánh thiện và hoàn hảo phù hợp với bậc sống của mình”.[28] Đời sống của các ngài là một bằng chứng cụ thể rằng, có thể sống Tin Mừng.
(b) “Thánh Giuse cũng nói như vậy, ngang qua sự thinh lặng hùng hồn của ngài”
Đức Giêsu đã nói: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi hiền hậu và khiêm nhường trong tim” (Mt 11, 29), và đến lượt các thánh, các ngài là những gương sống để noi theo. Thánh Phaolô đã khuyến khích một cách rõ ràng : “Anh em hãy bắt chước tôi!” (1 Cr 4,16).[29] Thánh Giuse cũng nói như vậy, ngang qua sự thinh lặng hùng hồn của ngài.
Trước tấm gương của bao vị thánh nam và thánh nữ, Thánh Augustinô đã tự hỏi: “Điều các thánh nam ấy và các thánh nữ ấy đã có thể làm được, bạn không thể làm được sao?” Và như thế, ngài đã đạt được sự hoán cải dứt khoát, khi thốt lên: “Con đã yêu Chúa quá muộn màng, ôi Vẻ Đẹp rất cổ kính và rất tươi mới!” [30]
(c) “Xin kính chào, Đấng Gìn Giữ của Chúa Cứu Thế”
Vậy, hãy xin Thánh Giuse ơn huệ của các ơn huệ: sự hoán cải của chúng ta.
Chúng ta thưa với ngài lời nguyện xin:
Xin kính chào,
Đấng Gìn Giữ của Chúa Cứu Thế,
Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria.
Cho ngài, Chúa đã trao phó Con của Người;
nơi ngài, Mẹ Maria đã đặt để sự tin tưởng;
với ngài, Đức Kitô đã trở nên con người.
Lạy Thánh Giuse diễm phúc,
xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha đối với chúng con,
và xin hướng dẫn chúng con trên con đường của cuộc sống.
Xin giành lấy cho chúng con ân sủng, lòng thương xót và sự can đảm,
và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ.
Amen.
—————
Ghi chú:
[1] Từ “ombre”, trong bản văn Tiếng Pháp của Tông Thư, được dịch ở đây là “bóng mát”, với ý nghĩa của từ “bóng mát” trong bài hát “Mẹ là Bóng Mát”: Bóng mát (í i) che đầu, Mẹ là bóng mát (í i) che đầu…, của nhạc sĩ Phanxicô. Đoạn thứ bảy của Tông Thư có tựa là “Người Cha trong bóng mát”, Tiếng Pháp Père dans l’ombre (trong bản văn Tiếng Anh, A father in the shadows). Đề tựa này có nghĩa là “Người Cha trong vai trò là bóng mát” hay “Người Cha là bóng mát”, như Đức Thánh Cha nói trong Tông Thư: “Với hình ảnh mang lại cảm hứng là bóng mát, tác giả (Nhà văn Ba Lan Jan Dobraczyński) mô tả chân dung của Thánh Giuse, vốn đối với Đức Giê-su là bóng mát dưới đất của Người Cha Trên Trời”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc