Ngày 26 tháng 09 năm 2021
Chúa Nhật XXVI Thường Niên năm B
I. LỜI CHÚA: Mc 9, 38-43.45.47-48
38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”39 Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
41 “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
42 “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.46 [ ]47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
II. SUY NIỆM:
Ngày xưa lũy tre làng bao bọc một xóm, một làng hoặc một thôn như bức tường ngăn cách làng với thế giới bên ngoài, duy trì phong tục của làng mà người ta thường gọi là “đất lề quê thói”. Thì ngày nay khoa học tiến bộ, con người đã sử dụng phương tiện truyền thông để xích lại gần nhau. Qua các mạng lưới phát thanh, truyền hình, sách báo, tạp chí, mạng Internet đã cung cấp cho cư dân toàn cầu những thông tin về khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới nhất một cách nhanh chóng, toàn diện và phong phú, giúp con người nâng cao trình độ hiểu biết cho mình. Nhưng bên cạnh những điểm sáng đó cũng có những điểm tối làm cho những nhà giáo dục cũng như các bậc phu huynh đau đầu vì không thể chạy theo ngôn ngữ của tuổi trẻ đang trên đà xuống dốc không phanh vì những phương tiện truyền thông đại chúng này.
Thời nào cũng có những gương mù nhưng cái thời lũy tre ken dày mét sông và giọng nói đậm chất làng quê không đâủ trộn lẫn, thì cái lối sống tiêu cực của bà con lối xóm không có cơ hội lan rộng. Lý do người ta chủ trương giấy rách phải giữ lấy lề: Người ta còn e ngại với phong tục tập quán của làng xóm; trân trọng lề thói của bậc tiền nhân, giữ gia phong, truyền thống tốt đẹp của ông bà, tổ tiên, và của gia đình mình. Nhưng ngày nay, nhất là tuổi trẻ đã vượt ra khỏi lũy tre làng, cao bay xa chạy để lo tương lai, thì việc ý thức bảo vệ nếp gia phong, giữ gìn và phát huy mọi truyền thống tốt đẹp của gia tiên, của gia tộc không còn. Lũy tre tinh thần không còn, con người dễ bị lôi cuốn vào những thói xấu.
Ngày xưa các cụ thường mắng con cháu không chịu học hành: “ Cả đời mày không đi ra khỏi lũy tre làng.” Còn ngày nay ngược lại, giới trẻ có cánh tìm cách bay khỏi gia đình để lo tương lai. Xa khỏi nơi an toàn gia đình, họ dễ rơi vào tệ nạn xã hội.
Ngày nay con người xích lại gần nhau hơn trước nên ảnh hưởng trên nhau rất lớn. Dẫu biết hay không biết thì chính chúng ta cũng là vật chướng ngại trên đường đi của anh em hay là tảng đá cản lối trên đường đi đến ơn cứu độ.
Chúng ta nên cớ vấp phạm cho anh em:
- Khi chúng ta độc ác và bất công gây nên những đau thương trầm trọng cho anh em. Đẩy anh em vào chỗ chết dần chết mòn trong cuộc sống nghiệt ngã không lối thoát.
- Khi chúng ta không thông cảm, khoan dung với những yếu đuối của anh em. Sự kết án không khoan nhượng làm cho anh em mặc cảm không thể chỗi dạy. Suốt đời anh em phải sống trong mặc cảm tội lỗi vì thái độ thiếu yêu thương của chúng ta.
- Khi chúng ta lăng nhục, nguyền rủa, loại trừ anh em như cặn bã của xã hội.
- Khi chúng ta sống ích kỷ, vô cảm trước những đau khổ, nghèo túng, bệnh tật…của anh em.
Là những người giáo dục đức tin, chúng ta phải sống điều mình dạy nghĩa là phải làm nhân chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống cầu nguyện, yêu thương, bác ái, nhiệt tâm đem Chúa đến cho anh em. Và luôn ý thức rằng gương mù gương xấu hay dịp tội là lôi kéo anh em phạm tội đi vào con đường xấu của mình. Gương xấu là những việc gây nguy hại thiêng liêng cho phần rỗi con người và nhất là ngăn cản sự phát triền lành mạnh về tinh thần của trẻ em, những tâm hồn đơn sơ trong trắng chỉ biết làm theo người lớn vì trẻ hay bắt chước. Điều này rất nguy hiểm nên Chúa đã cảnh cáo rất mạnh mẽ: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã” (Lc 17,1-2).
Đối với những bậc cha mẹ, chúng ta là những thần tượng của con cái. Con cái học đòi bắt chước cha mẹ trước khi đến với những người khác. Nếu trường học Đức tin đầu tiên này mất nền tảng đạo đức, truyền thống bị băng hoại, cha mẹ bê tha thì không mơ có những người con lành thánh. Vì gương sáng là một bài giảng hùng hồn, có sức hấp dẫn, lôi cuốn và thuyết phục con cái nhất.
Sách Giáo lý công giáo dạy về nguy cơ của gương mù, gướng xấu như sau:
“Gương xấu là thái độ hoặc cử chỉ khuyến khích người khác làm sự dữ. Người làm gương xấu trở thành kẻ cám dỗ người khác, phá hoại nhân đức và sự ngay chính. Kẻ làm gương xấu cũng có thể lôi kéo anh em mình vào sự chết về mặt tinh thần. Như thế, gương xấu là một lỗi phạm nghiêm trọng nếu cố ý có hành động lôi kéo người khác phạm lỗi nặng” (Sđd, số 2284).
Đức Thánh Cha Phanxico nói: Chúa Giê-su đã cảnh cáo các môn đệ của Ngài rằng:“ Hãy đề phòng!“ Và Đức Thánh Cha giả thích:“Nó có nghĩa là: hãy coi chừng, đừng gây ra những gương mù. Gương mù là điều tồi tệ, vì nó gây tổn hại, nó gây tổn thương cho Dân Chúa, đặc biệt là gây tổn thương cho những người yếu đuối trong Dân Chúa, và rồi, thường thì một vết thương như thế sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời và không thể khép lại được nữa. Gương mù không chỉ gây tổn thương, nhưng nó còn có thể sát hại: nó giết chết niềm hy vọng, giết chết những giấc mơ, giết chết các gia đình và sát hại rất nhiều con tim…“
Ngày nay gương mù gương xấu lan rất nhanh qua những mạng truyền thông. Người ta làm gương xấu qua phim ảnh, những câu chuyện bạo lực trong gia đình, những cặp ông bà, cha mẹ, anh chị em ly dị thường hằng trong cuộc sống, từng cặp đôi bạn sống thử trước hôn nhân, những tội phá thai của tuổi học sinh, xì ke ma túy… Ngày xưa những điều tiêu cực này rất hiếm xẩy ra trong làng, trong xóm,trong xứ đạo nhưng ngày nay xảy ra nhan nhản . Tội lỗi tràn lan như một bệnh dịch. Ngày xưa ông bà cha mẹ thúc giục con cái đến với Chúa qua mẫu gương sống đạo của mình. Còn ngày nay cha mẹ bê tha chẳng những không lôi kéo con mình đến với Chúa mà còn là chướng ngại vật ngăn cản qua gương xấu của mình. Trước tình trạng bi quan này, trong Tin mừng Chúa Giê-su đã thốt lên trong thất vọng: “ Liệu khi Con người đến còn thấy niềm tin trên mặt đất này nữa chăng?”
Gương mù gương xấu là lời nói hay việc làm gây cớ vấp phạm cho anh em, lôi kéo họ vào đường tội lỗi. Một ngọn đèn tối hù không soi sáng được cho ai mà còn làm cho nhiều người vấp ngã bởi bóng tối đó. Họ chẳng những không xây dựng Nước Chúa nhưng còn phá đổ. Gương xấu tai hại như thế nên Chúa lên án gắt gao vì họ dập tắt đức tin nơi người khác : « họ đáng buộc cối đá và quăng xuống biển. » Một loại hình phạt đáng sợ sau hình phạt thập giá. Kẻ lôi kéo anh em xuống hỏa ngục phải lãnh án phạt nặng nề khủng khiếp cả đời này và đời sau. Trước tội lỗi nặng nề này, Chúa Giê-su não nuột thốt lên : “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã” (Lc 17:1-2).
Bài Tin Mừng hôm nay đang cật vấn mỗi người chúng ta, phải chăng số người tin Chúa còn ít ỏi vì thiếu nhân chứng, vì gương mù quá nhiều làm cho những người chưa tin Chúa phải khựng lại vì lối sống phản Tin Mừng của chúng ta.
Giáo Hội tha thiết mời gọi chúng ta hãy lên đường đem Chúa đến cho anh em. Nhưng đem bằng cách nào? Bằng cách sống thánh thiện, tránh xa tội lỗi, thực thi lòng mến Chúa yêu người qua những hành động cụ thể trong đời sống hằng ngày. Tránh gây cớ vấp phạm cho anh em. Hãy can đảm lội dòng nước ngược của những trào lưu văn hóa sự chết.
Xin Chúa giúp chúng ta nhiệt tình mở mang Nước Chúa trong thế giới hôm nay, một thế giới đang bị lôi cuốn mạnh mẽ bởi những cám dỗ ngọt ngào của ba thù để xô đẩy con người vào sự chết đời đời, bằng đời sống chứng nhân. Amen!
Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu