Như chúng ta đã biết, Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII, được Đức Bênêđictô XVI triệu tập, đã diễn ra tại Roma vào tháng 10, năm 2012 với chủ đề: “Tân Phúc âm hóa để thông truyền Đức Tin Kitô giáo”. Tân Phúc Âm hoá không phải là tìm kiếm hay giới thiệu một Phúc Âm mới, nhưng chính là nỗ lực loan báo Tin Mừng với cách diễn đạt mới, phương pháp mới, phong cách mới, cường độ mới, nhiệt huyết mới hay khí thế mới trước những thách đố mới của tâm thức và văn hóa thời đại. Có thể nói, lời mời gọi loan báo Tin Mừng theo phong cách mới tỏ ra cấp bách hơn bao giờ hết. Chúng ta cần tìm hiểu tâm thức của con người đang sống trong một thời kỳ lịch sử rất đặc biệt với nhiều đổi thay, căng thẳng, lo âu, mất cân bằng, mất phương hướng và đầy những hoài nghi. Vì thấm nhuần chủ nghĩa tục hoá, con người dường như sống chìm ngập trong những hưởng thụ hiện tại và toan tính nhất thời. Nhưng để có thể trả lời cho những thách đố đa diện của thời đại, có lẽ Giáo Hội phải dấn thân trên nhiều con đường khác nhau, để Tin Mừng đích thực là lời đáp cho mọi người, cho tất cả lịch sử. Giáo Hội “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng” của mình. Nhưng “phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1Pr 3,15-16). Dựa theo những phân tích này, chúng ta cố gắng tổng hợp và gợi ra những cách thức, phương pháp, hay ngôn ngữ mới để diễn tả và rao giảng Phúc Âm, để hy vọng có cuộc gặp gỡ đối thoại giữa Giáo Hội và con người, giữa những khát vọng của con người hiện đại với Tình Yêu của Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
- Bằng chứng tá đời sống
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Độ” đã nhất trí với nhận định của Đức Phaolô VI trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng rằng: con người ngày nay tin vào các nhân chứng hơn là các thầy dạy. Muốn người khác tin không phải chỉ dạy đạo lý mà còn phải sống đạo lý mình dạy nữa.
Ngàn năm thứ 3 đã đến, chúng ta hãy là những phát ngôn viên cho Tin Mừng. Hãy phổ biến với hết sức lực chúng ta Lời Cứu Rỗi, sự thật của Thiên Chúa, để biến đổi trọn cả thực tại trần gian theo tinh thần Tin Mừng. Mỗi tín hữu xét theo tư cách là hành phần của Giáo Hội, cần phải lãnh lấy phần trách nhiệm của mình. Mỗi người trong chúng ta cần phải làm cho những ai sống bên mình trong gia đình, tại học đường, trong các môi trường lao động, văn hóa được hiểu rằng: “Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là sự Sống” của loài người. Cần phải công bố và làm cho từng người biết được sự thật cứu rỗi, vì chúng ta không thể nào sống lãnh đạm trước sự kiện hàng triệu triệu người chưa biết hay biết không đúng về Chúa Kitô và Tin Mừng cứu độ của Người. Hôm nay, chúng ta đang tiếp tục làm chứng về Đức Giêsu cho đồng bào Việt Nam ở thế kỷ 21, làm chứng bằng một cuộc sống tỏa hương của một sự trong sạch, ngay thẳng bằng thái độ siêu thoát mọi ràng buộc vật chất, mọi quyến rũ của dục vọng. Làm chứng như thế là lội ngược dòng với thế gian. Nhưng Chúa Kitô cần đến chúng ta để đem Tin Mừng Cứu Độ đến mọi nẻo đường thế giới. Chúa Kitô cần đến tâm hồn quảng đại của chúng ta, cần đến đời sống chứng tá của chúng ta để bày tỏ cho mọi người tình thương vô biên của Người.
Năm Đức Tin đã kết thúc, nhưng đời sống đức tin thì không kết thúc. Đức tin vẫn là một hành trình dài với nhiều thử thách cam go. Hãy nỗ lực sống chứng tá đức tin một cách thiết thực ngay trong môi trường cụ thể chúng ta đang sống, với những con người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Chúa Kitô cần đến chúng ta để đem Tin Mừng vào lòng các dân tộc. Chúa Kitô cần đến tâm hồn quảng đại, cần đến đời sống chứng tá của chúng ta để bày tỏ cho anh em mình tình yêu thương vô biên của Người. Một đời sống chứng tá đượm chất cầu nguyện hy sinh, một đời sống chứng tá đậm chất hiệp nhất yêu thương và một đời sống chứng tá đầy chất văn hoá văn minh là một đời sống truyền giáo luôn có ý nghĩa đặc biệt nhất.
- Phương tiện truyền thông
Việc loan báo Tin Mừng qua truyền thông vào buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, là một thách đố mà Giáo hội phải đương đầu, để làm thế nào có thể sử dụng các phương tiện đó cách tốt nhất, cần thiết nhất cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, để xác định, phổ biến, làm sáng tỏ nội dung đức tin một cách mới mẻ, đáp ứng lại những nhu cầu thiết thực của con người, và đồng thời để xây dựng, bồi đắp “văn hoá sự sống”, nối kết mọi người hướng tới một nền “văn minh tình thương”. Do truyền thông có tầm ảnh hưởng lớn trên đời sống con người, cách riêng đối với những người tín hữu, nên Công đồng Vaticanô II ban hành Sắc lệnh Inter Mirifica đề nghị nhiều phương pháp cụ thể nhằm bảo đảm rằng Giáo hội không được chậm trễ đưa các phương tiện truyền thông vào những hình thức phục vụ đa dạng phù hợp cho việc mục vụ tông đồ, đặc biệt trong việc rao giảng Tin mừng.
Ngày nay, bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, thông tin ngày càng được đăng tải, loan truyền trực tiếp, nhanh chóng và rộng rãi. Nhìn ở một khía cạnh nào đó, ta có thể thấy rằng việc rao giảng Tin mừng trong thời đại ngày nay sẽ bị giới hạn rất nhiều nếu không có các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại. Ngay từ Tông huấn Evangelii Nuntiandi (1975), Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố: “Hội Thánh sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Thiên Chúa nếu không vận dụng các phương tiện mạnh mẽ này mà tài năng con người không ngừng làm cho phát triển và hoàn thiện mỗi ngày”[1], bởi vì đây là những phương tiện rất hiệu lực: chúng có khả năng mở rộng hầu như vô tận phạm vi nghe lời Chúa và chúng đưa Tin mừng đến hàng triệu người. Đây cũng là một tòa giảng theo kiểu hiện đại và hiệu nghiệm, nhờ đó mà Giáo hội nói được với đại chúng.
Vì thế, Giáo hội khuyến khích việc sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội vào việc loan báo Tin Mừng, như lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố trong Tông huấn Ecclesia in Asia rằng: “Vì các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng có ảnh hưởng lớn cả ở các vùng xa xôi của Châu Á, chúng có thể trợ giúp rất nhiều cho việc loan báo Tin mừng tới mọi góc cùng của châu lục”[2]. Chính vì thế, các loại hình truyền thông ngày càng lan tỏa rộng rãi về số lượng cũng như chất lượng: Lời Chúa, những giáo huấn, thông điệp, các hoạt động của Giáo hội cũng như các tin tức liên quan được chuyển tải đến thế giới bằng nhiều phương cách khác nhau, và phương tiện truyền thông là một trong muôn vàn phương cách đó. Nhưng khi dùng phương tiện trần gian, để trình bày, mời gọi mọi người, cùng hướng dẫn họ đến với Tin mừng của Chúa. Chúng ta phải cảnh tỉnh, trung thành với nội dung Tin mừng của Chúa, với cung cách sống đức tin hợp với nền văn hóa xã hội, và nhất là tôn trọng sự thật cùng đạo đức tình người[3]. Hay nói như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: “Ở giữa trần gian, nhưng không do trần gian, mà cho trần gian, với những phương tiện của trần gian.”
Nhưng cũng có thắc mắc được đặt ra: Những phương tiện truyền thông có thật sự góp phần hữu ích thiết thực cho việc loan báo Tin mừng và làm chứng cho Chúa không? Việc chạy theo phương tiện truyền thông của thời đại có thể làm biến đổi Tin mừng của Chúa, dẫn đến việc hiểu sai lạc, những hoạt động sống đức tin bị tục hóa theo lối sống kiểu “đời”?
Để trả lời được những câu hỏi trên quả thật không dễ dàng! Chính vì thế, trước khi Giáo hội dùng những phương tiện lợi hại này để phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, đòi hỏi phải chú trọng tới yếu tố con người. Một người có đủ tài đức biết sử dụng những phương tiện này để loan báo Tin Mừng, cổ vũ cho công bình và bác ái thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Ngược lại, phương tiện này khi nằm trong tay của người có tài nhưng thiếu cái tâm thì nó lại trở thành một loại vũ khí “giết chóc” vô cùng nguy hiểm, đúng như điều đã được khẳng định trong Huấn thị Mục vụ Aetatis Novae: “Người ta có thể dùng các phương tiện thông tin để loan báo Tin mừng, nhưng cũng có thể dùng chúng để bắt Tin mừng chết lặng trong tâm hồn con người”[4].
- Đối thoại tôn giáo
Trong một thế giới “toàn cầu hoá” như hiện nay, vấn đề giao lưu gặp gỡ giữa Kitô giáo với các nền văn hoá và các tôn giáo trở thành sự kiện phổ quát, ngày càng được cảm nhận cách sâu sắc. Giáo Hội tiếp tục con đường đối thoại, vì đó vẫn là một phương thức quan trọng, đầy hy vọng, trong việc truyền bá Phúc Âm. Trong Tông huấn Evangelium nuntiandi, năm 1975, Đức Phaolô VI đã đưa ra một nhận định tích cực về các tôn giáo ngoài Kitô giáo như là những cộng đồng mang theo mình “tiếng vang của hàng ngàn năm tìm kiếm Thiên Chúa”, cũng như các giá trị thiêng liêng của các tôn giáo như “những hạt giống của lời” và như “một chuẩn bị cho Tin Mừng”[5]. Đức Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp về truyền giáo, Redemptoris missio, cũng mạnh mẽ khẳng định đạo lý về “Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất của toàn thể nhân loại, là Đấng duy nhất có thể mạc khải Thiên Chúa và đưa đến cùng Thiên Chúa”, đồng thời nhìn nhận cuộc đối thoại liên tôn là một phần của sứ vụ rao giảng Tin Mừng[6].
Về điểm này đại sư Buddhadasa có những nhận định rất chí lý: “Mang tinh thần đối thoại hoàn toàn không có nghĩa là ngây thơ tin tưởng hoặc làm cho người ta có cảm tưởng rằng mình nghĩ là vị thế của đối phương tiên quyết đã ưu việt hơn mình, bởi vì nếu mỗi người đối thoại hăm hở bênh vực quan điểm của đối phương thì cuối cùng ai sẽ đối thoại với ai đây? Mỗi người tham gia đối thoại cần phải đào sâu không những kiến thức của mình về Đạo của người, mà cả kiến thức về lý thuyết của Đạo mình nữa”[7]
Một số văn kiện mới đây của Giáo hội như thông điệp “Dominum et vivificantem”(1986) và“Redemptoris Missio” của Đức Gioan Phaolô II, tài liệu “Đối thoại và Rao giảng” của Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn và Thánh bộ Truyền giáo, tài liệu “Kitô giáo và các tôn giáo khác” của Ủy ban thần học quốc tế, tài liệu của Thượng hội đồng Giám mục Á châu, Tông thư “Giáo hội tại Á châu”, tuyên ngôn của Thánh bộ Đức tin “Dominus Jesus”(2000)… đã tổng quát vấn đề đối thoại và rao giảng Đức Kitô mỗi bên có sắc thái và nhiệm vụ riêng, nhưng cả hai đều cần thiết và liên kết chặt chẽ trong sứ vụ của Giáo hội nói chung và của mỗi Kitô hữu nói riêng. Từ chối rao giảng Tin Mừng là phản bội lý tưởng Kitô giáo và đánh mất căn tính của mình. Nhưng trong bối cảnh đa phức tôn giáo hôm nay, loan báo Tin Mừng nên được thực hiện qua dạng thức đối thoại liên tôn.
Nói tóm lại, tất cả Kitô hữu được mời gọi để thực thi sứ vụ truyền bá Tin Mừng và trong thế giới hôm nay, đối thoại được coi là một phương thế hay nhất để thực thi sứ vụ đó. Động cơ thâm sâu của sứ vụ truyền bá Tin Mừng này nằm ở mầu nhiệm tình yêu. Chính tình yêu Thiên Chúa và tha nhân thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng cho anh em ta. Đây là một tặng vật tình yêu được trao tặng cho đồng loại, với tất cả sự chân thành, trân trọng và yêu thương. Thực vậy, nếu chúng ta “thực sự yêu mến Chúa Kitô thì không thể không chia sẻ tình yêu đó cho người khác”[8]
Kết Luận
Từ những suy tư và nhận định trên, sứ vụ rao giảng Tin Mừng với phương thức mới, với nhiệt tình mới là thông truyền đức tin trong nỗ lực đối thoại với thời đại chúng ta, là làm sao có thể nối kết con người của ngày nay với Thiên Chúa. Công cuộc loan báo Tin Mừng Tình Yêu cứu độ và hiệp nhất của Đức Kitô khởi sự trước hết nơi mỗi người tín hữu trong sức mạnh của Thần Khí nối kết tất cả, làm cho tất cả nên một với Đức Kitô, phục vụ thế giới dưới dấu chỉ của Thập Giá, chuẩn bị cho Lễ Hội Nước Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đây là một hành trình khó khăn, thăm thẳm và diệu vợi. Liệu có kết qủa gì không? Sẽ đi về đâu và cho đến bao giờ? Chẳng ai có thể trả lời thỏa đáng câu hỏi trên. Nói cho cùng, chỉ duy Thiên Chúa biết lúc nào và vào giai đoạn nào sẽ hoàn thành hành trình thăm thẳm mà con người đang lần bước tìm gặp Ngài. Cũng chỉ duy Ngài có khả năng viết những dòng chữ thật thẳng bằng những nét ngoằn nghèo, hay vẽ những đường cong tuyệt mỹ với những nét thẳng. Nhiệm vụ của chúng ta trong lúc này là mạnh dạn dấn thân vào con đường loan báo Tin Mừng với tất cả khả năng của trí tuệ, sức mạnh của con tim và niềm tin tưởng lạc quan nơi quyền năng của Thiên Chúa, Đấng tác tạo và hướng dẫn muôn vật theo kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Ngài. Chúng ta hãy hiệp nhất với Giáo Hội và ý thức mình là kẻ được sai đi để can đảm rao giảng lời Chúa cho mọi người cần đến chúng ta.
NML
[1] ĐGH. Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 45.
[2] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, số 48.
[3] Xc. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 906, 2496.
[4] Huấn thị Aetatis Novae, số 4.
[5] T. P. Rausch, Đạo Công Giáo Thiên Niên Kỷ thứ Ba, Nguyễn Đức Thông chuyển dịch, NXBTG: 2010, tr. 432
[6] Gioan Phaolô II, Redemptoris missio, số 5 và 55.
[7] Đại sư Buddhadasa, Kitô giáo dưới mắt một Phật tử, Định Hướng tùng thư, 1996, tr.178.
[8] Đối thọai và rao truyền, số 83