Thứ Hai sau Chúa Nhật VII Thường Niên năm C
TIN MỪNG: Mc 9, 14-29
14 Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông.15 Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người.16 Người hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế? “17 Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám.18 Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi.”
19 Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.”20 Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép.21 Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi? ” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé.22 Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.”23 Đức Giê-su nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.”24 Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! “
25 Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa! “26 Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi! “27 Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên.28 Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? “29 Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
1. Thần câm điếc
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại trường hợp một bé trai bị “quỉ câm” hành hạ. Và khi chữa lành cho em bé, Đức Giê-su còn gọi tên quỉ là “thần câm điếc” (c. 25). Bởi vì, câm điếc luôn đi đôi với nhau. Nhưng người ta không chỉ bị câm điếc thể lí, nhưng còn có nhiều lúc, như chính mỗi người chúng ta có kinh nghiệm, câm điếc đối với Chúa và câm điếc đối với nhau.
Thực vậy, đã có những lúc, chúng ta không nghe được lời sự sống của Chúa với lòng ước ao, chúng ta không thực sự lắng nghe nhau với sự cảm thông. Và vì thế, chúng ta không “nói thực sự” được với Chúa, không “nói thực sự” được với nhau. “Nói thực sự” là nói điều chúng ta là, là dấn thân trong điều chúng ta nói; và điều chúng ta là, tự bản chất, là sự sống, là sự thiện và là tình yêu, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa
Câm điếc ở bình diện tương quan được hiểu như trên, có khi còn gây ra những hậu quả nghiêm trong cho sự sống của chúng ta, còn hơn là câm điếc thể lí. Những lúc như thế, chúng ta có nhận ra rằng, mình đang bị “thần câm điếc” làm chủ không?
2. Sự chết và sự sống
Theo trình thuật Tin Mừng, là “thần câm điếc”, nhưng ma quỉ lại muốn hành hạ thân xác của em bé, nghĩa là làm phương hại đến sự sống: “Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra”. Ma quỉ không chỉ hành hạ, nhưng còn muốn giết chết, vì đó là năng động của Sự Dữ, luôn đi tới tận cùng là hủy diệt, như cha của em bé kể lại: “Từ thủa bé. Nhiều khi quỉ xô nó vào lửa, hoặc đẩy xuống nước cho nó chết”!
Ngược lại, Đức Giê-su đến để phục vụ cho sự sống của con người, đến để làm cho con người được sống và sống dồi dào. Và Người không chỉ trao ban sự sống của mình để phục vụ cho sự sống của chúng ta, nhưng Lời Sự Sống của Người mạnh hơn ma quỉ, mạnh hơn sự chết. Thực vậy, vừa thấy Đức Giê-su, ma quỉ liền phản ứng, ma quỉ chứ không còn là em bé, vì ma quỉ làm chủ. Nhưng ma quỉ không thể đứng vững trước Lời Sự Sống của Người:
Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!” Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết… Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. (c. 25-27)
Người không chỉ đụng chạm em bé bằng lời, nhưng bằng chính thân thể của Người, để làm cho em bé được giải thoát và “đứng lên”. Người vẫn làm thế cho chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, để giải phóng chúng ta khỏi “quỉ câm điếc” và làm cho chúng ta sống sự sống của Người. Nhưng chúng ta có chịu tin không? Chúng ta có cầu nguyện không?
3. Lòng tin và cầu nguyện
Các môn đệ không chữa được, như trình thuật Tin Mừng kể lại: “Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi”; “Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” (c. 18; 28).
Chỉ có Đức Giê-su mới có quyền năng trừ quỷ, nhưng Người chỉ cho chúng ta con đường để được chia sẻ quyền năng này, đó là lòng tin gắn liền với cầu nguyện:
Mọi sự đều có thể đối với người tin. (c. 23)
Giống quỉ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi. (c. 29)
Vì lòng tin và cầu nguyện mở lòng, mở tai và mở miệng của chúng ta ra với Chúa, và để cho chính Chúa hành động, vì Người là Ngôi Lời chữa lành tình trạng câm điếc, Người là ánh sáng xua tan bóng đêm, Người là sự sống mạnh hơn sự chết.
Vậy, như người cha đáng thương, chúng ta hãy thưa với Chúa:
“Lạy Chúa, con tin!
Nhưng xin Chúa giúp
lòng tin yếu kém của con”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc