“Các con hãy có đức ái, giữ lòng khiêm tốn và tình nguyện sống nghèo”
Trong tông thư gửi tất cả những người sống đời Thánh hiến, ĐTC Phanxicô đã viết: “năm đời sống thánh hiến sẽ là dịp thuận lợi giúp mỗi gia đình đặc sủng nhớ lại cội nguồn và phát triển lịch sử của mình để tạ ơn Thiên Chúa. Ngài nhấn mạnh: kể lại lịch sử riêng của mình là điều cần thiết để giữ cho căn tính sống động, và như thế làm vững mạnh sự hiệp nhất của gia đình dòng tu; đồng thời đem lại ý nghĩa cho các thành viên trong gia đình đó khi nhìn lại các thế hệ trong quá khứ về linh đạo, đặc sủng và các giá trị khởi đầu từ vị sáng lập”.
Cha thánh Đa Minh là vị sáng lập của Dòng “Giảng Thuyết” với ơn gọi ngôn sứ – Loan báo Tin Mừng bình an và hy vọng. Nhưng di ngôn của Cha để lại cho con cái xem ra lại không trực tiếp nói về sứ vụ rao giảng Lời. Ngài nói: “Các con hãy có đức ái, giữ lòng khiêm tốn và tình nguyện sống nghèo”.
Phải chăng vì Cha Đa Minh đã xác tín Lời Chúa trong thư thứ nhất thánh Phaolo gửi tín hữu Côrintô: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13,1-3)
Vâng, phải chăng vì Cha Đa Minh đã chiêm ngắm Chúa Giêsu trong Tin Mừng – một Chúa Giêsu sinh cơ hàn, sống nghèo nàn, chết khổ nhục, dạy khó khăn. Cha muốn sống theo gương của Chúa và tuân giữ những chỉ thị Chúa truyền cho các môn đệ, khi sai các ông ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời, không được mang theo gì hết mà chỉ dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Nói cách khác, Cha Đa Minh đã hướng về nếp sống hơn lời giảng. Cha muốn người tu sĩ thuyết giáo phải giảng bằng lời và bằng cả cuộc đời.
Đối với Cha Đa Minh, rao giảng Lời Chúa là giới thiệu Đức Giêsu cho tha nhân, một Đức Giêsu yêu thương đến cùng và yêu cả kẻ thù, một Đức Giêsu khiêm tốn hủy mình ra không để đền tội thay cho nhân loại, một Đức Giêsu sống tự do, thanh thoát, khó nghèo để giới thiệu cho nhân loại gia nghiệp Nước Trời. Vì thế, Cha Đa Minh muốn các tu sĩ trong Dòng của ngài phải chiêm ngắm Chúa Giêsu trước khi đi rao giảng, phải mang theo mình hành trang là đời sống đức ái, khiêm tốn và khó nghèo như Đức Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá. Đó là ba yếu tố nền tảng, trọng tâm, không thể thiếu trong chương trình đào tạo của đời tu Đa Minh. Với ý nghĩa và mục đích trên xin trình bày bài viết theo ba ý sau:
- Các con hãy có đức ái
- Khiêm tốn và sống nghèo
- Để canh tân đời thánh hiến
1. Các con hãy có đức ái
Đức ái là điều răn quan trọng nhất của Luật Mô-sê: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” và “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Đó là câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của thầy thông luật. (Mt 22,37-39). Sau này trong bữa tiệc ly, chính Chúa Giêsu đã để lại di ngôn cho các môn đệ: “Thày ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34). Chúa Giêsu còn tuyên bố rõ ràng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng thương yêu nhau.”( Ga 14,35). Như vậy trong di ngôn của mình, Cha Đa Minh đã lập lại di ngôn của Chúa Giêsu với xác tín rằng: sống yêu thương là lời loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất.
Tiếp đến, thánh Gioan thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu” và đã giải thích cho chúng ta tình yêu là gì? “Đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1Ga 3,16). Thánh Gioan chứng minh thêm với điểm nhấn về hậu quả của một đời sống không có đức ái: “Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,7-8). Như thế, người tu sĩ Đa Minh khi thi hành sứ vụ giảng thuyết, nếu không có đức ái, không sống yêu thương theo mẫu gương hiến mạng của Chúa Giêsu, thì chúng ta thực sự không biết Thiên Chúa; do đó không thể giới thiệu về Thiên Chúa là Cha nhân hậu đầy lòng xót thương.
Đức Hồng y Carlo Maria Martini, đã dựa vào gương của Chúa Giêsu trong Tin Mừng (Lc 7,11-17) để giải thích bác ái khởi đi từ lòng thương cảm của Chúa Giêsu với bà mẹ góa thành Na-in đang đi chôn đứa con trai duy nhất. Tiếp đến là lời nói an ủi của Chúa: “Bà đừng khóc nữa”. Sau cùng là hành vi yêu thương Chúa sờ vào quan tài và nói: “Này anh thanh niên, tôi bảo anh hãy trỗi dạy”.{[1]} Và còn rất nhiều câu chuyện trong Tin Mừng đã nói lên lòng bác ái từ nhân của Chúa Giêsu, Chúa luôn thương cảm và làm những điều tốt lành cho những người đau khổ, bệnh tật và lỗi lầm. Tất cả những ai tiếp cận với Chúa Giêsu, đặc biệt là các tội nhân, đều được chữa lành và tràn đầy niềm vui đổi mới. Vì thế, Cha Đa Minh luôn muốn con cái mình có đức ái nghĩa là có Chúa trong lòng để hương thơm của Chúa tỏa ra thu hút những ai lầm lạc trở về căn nhà yêu thương của Cha trên trời.
Các sử gia kể lại rằng: Cha Đa Minh là người vui vẻ, tốt bụng, nhẫn nại, luôn tươi cười, giầu lòng trắc ẩn và là một người an ủi của anh em; ngay cả khi sửa dạy anh em, Cha cũng làm việc đó trong đức ái. Cha đối xử với những anh em lỗi phạm với tất cả sự tôn trọng và đúng đắn. Nếu thấy anh em nào phạm lỗi, Cha bỏ qua như không thấy, nhưng sau đó với lòng nhân hậu, Cha nhẹ nhàng nói với người anh em đó: “Này anh, anh đã sai rồi; anh hãy ăn năn hối hận về việc đó đi nhé.” Nhờ đó, Cha giúp họ sám hối và thay đổi đời sống. Trong hành trình giảng thuyết, Cha Đa Minh luôn mang nơi mình lòng tin tưởng vào đức ái. Khi được những người hâm mộ phỏng vấn về những tài liệu Cha đã nghiên cứu cho bài giảng, Cha nói: “ Tôi đã học được từ quyển sách đức ái nhiều hơn bất kỳ quyển sách nào khác bởi vì quyển sách đức ái là sách giáo khoa của mọi sách giáo khoa.” {[2]}
Tuy nhiên, bác ái không chỉ là một đức tính nhân bản tự nhiên, nhưng theo thánh Phaolô, bác ái là “hoa trái của Thần Khí” (Gal 5,22). Vì thế, Cha Đa Minh đã chọn linh đạo cho Dòng là chiêm niệm và chia sẻ cho tha nhân chân lý mình đã chiêm niệm. Điều này nói lên rằng chỉ trong cầu nguyện, chúng ta mới có thể nghe được hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để sống yêu như Đức Giêsu. Vâng, chỉ trong cầu nguyện, chúng ta mới đón nhận được hồng ân “sức mạnh” để có thể bình tâm sống an hòa với những người khác biệt với chúng ta; và mới có thể tha thứ cho người xúc phạm hay gây nên nỗi khổ cho chúng ta. Khi cầu nguyện chúng ta nâng lên trước sự hiện diện của Thiên Chúa tất cả những đau khổ của thế giới này; đặc biệt những mối tương quan huynh đệ đang bị bế tắc, xin Thiên Chúa chạm tay vào và chữa lành. Đó là lời cầu nguyện mà Cha Đa Minh hằng đêm đã van xin Thiên Chúa, lời cầu nguyện yêu thương ấp ủ cả kẻ thù và toàn thế giới, nơi mọi biên cương Dòng được sai đến để trở nên nhịp cầu hòa giải các tội nhân với Thiên Chúa.
2. Khiêm tốn và sống nghèo.
Thiên Chúa là tình yêu và Ngài muốn diễn tả tình yêu cứu chuộc nhân loại bằng thái độ tự hạ, hủy mình ra không của Ngôi Lời nhập thể. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philíphê đã viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8). Vâng, khi chiêm ngắm đời sống của Chúa Giêsu, Cha Đa Minh đã nhận ra rằng: hoa trái đầu tiên của đức ái chính là đời sống hiền lành và khiêm tốn thể hiện trong tâm tình, thái độ, lời nói và nếp sống khó nghèo tự nguyện. Vì thế, khi lập Dòng Cha đã không tiếp tục nếp sống quí tộc với phong cách trưởng giả của hàng giáo sĩ hay kinh sĩ thời bây giờ, nhưng Cha đã muốn các tu sĩ trong Dòng họa lại chân dung của người môn đệ đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời theo lệnh truyền của Đức Giêsu trong nếp sống đơn sơ, giản dị, thanh thoát của người nghèo, sống bằng những gì tha nhân bố thí cho trong ngày.
Bài ca đức ái của thánh Phaolô cũng cho thấy mối liên hệ giữa đời sống đức ái và khiêm tốn: “Đức Ái thì nhẫn nhục hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.”(1 Cr 13,4-7). Đối với Cha Đa Minh, sống khiêm nhường là sống với sự thật; và tâm điểm của sự thật là tất cả những gì con người có đều do Thiên Chúa ban.{[3]}. Đó là kết quả của đời sống cầu nguyện truy tìm chân lý trong Lời Chúa để luôn xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu và con người chỉ là hạt bụi được yêu thương và tuyển chọn. Vì thế, suốt cuộc đời, Cha Đa Minh đã đi loan báo Tin Mừng Đức Giêsu với thái độ khiêm tốn của một tu sĩ nghèo, không tự hào về kiến thức hay tham lam lợi nhuận, không dễ nổi giận với người yếu kém hay người chống đối mình. Trái lại với thái độ khoan hậu, tôn trọng mọi người là hình ảnh Thiên Chúa, Cha dễ thân thiện, lắng nghe, đối thoại với tha nhân và được người nghèo tiếp nhận. Sau cùng Cha hướng dẫn mọi người tôn vinh danh Chúa.
Trong lịch sử Dòng Anh Em Thuyết Giáo đã ghi lại nhiều gương sống khiêm nhường của thánh Tổ Phụ. Đặc biệt tích truyện: Cha Đa Minh là người đầu tiên qui định trong Hiến pháp Dòng: cấp “Tổng hội” có quyền bính tối cao trong Dòng, nghĩa là chính Cha Đa Minh cũng ở dưới quyền của Tổng hội – một sáng kiến mang tính cách mạng của đời tu thời bấy giờ. Hơn nữa, dù là người sáng lập Dòng nhưng trong Tổng hội đầu tiên Cha Đa Minh đã xin từ chức Bề trên: “Thưa anh em, tôi đáng bị cách chức, vì tôi không thích hợp với vị trí này và còn tắc trách nữa.” Tuy Cha không được Tổng hội chấp nhận lời thỉnh cầu, Cha vẫn phải tiếp tục giữ vai trò Tổng quyền cho đến khi qua đời, nhưng toàn thể anh em trong Dòng đều nhận thấy nơi Cha – một con người khiêm tốn thẳm sâu thánh thiện. [[4]]
Lòng khiêm tốn của Cha Đa Minh thể hiện trong đời sống vui tươi – cầu nguyện, ca tụng, cảm tạ Thiên Chúa và dồn mọi năng lực vào việc thực thi ý Chúa thay vì bực bội với những tranh dành ảnh hưởng hay hơn thua trong quan điểm sống. Cha thường nói với anh em về câu Lời Chúa: “Lời cầu nguyện khiêm nhường và nhu mì luôn luôn làm hài lòng Đức Chúa” (Giuđitha). Đó là lời cầu nguyện của người biết lắng nghe Lời Chúa, chiêm ngắm Chúa và trở nên người phục vụ theo mẫu gương của Chúa Giêsu. Nhờ đó, Cha yêu mến đời sống nghèo, khao khát chia sẻ ơn cứu độ cho người nghèo, đặc biệt các tội nhân và những người chưa biết về tình yêu hiến tế của Đức Giêsu Kitô.
3. Để canh tân đời thánh hiến
Canh tân đời sống thánh hiến là trở về với ơn gọi Đức Ái hoàn hảo theo mẫu gương của Đức Kitô. Là tu sĩ Đa Minh, chúng ta kiểm thảo đời sống theo di ngôn của Cha Thánh về đức ái, khiêm tốn và khó nghèo. Hơn nữa, với định hướng: CANH TÂN ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN THEO LINH ĐẠO ĐA MINH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG của Hội dòng, thì dịp đại lễ mừng kính Cha Thánh, chính là thời điểm đẹp nhất, ý nghĩa nhất và thích hợp nhất để chúng ta xin ơn biến đổi và làm mới lại sứ vụ của Hội dòng. Đồng thời nhắc nhớ chúng ta chú tâm hơn vào việc huấn luyện và tự huấn luyện theo linh đạo và di ngôn của Cha Đa Minh.
* Nhìn lại đời sống ĐỨC ÁI
Vâng, nếu mỗi chị em chúng ta thành tâm nhìn lại đời sống dâng hiến của mình qua từng chặng đường huấn luyện, theo tuổi đời, nơi những môi trường chúng ta hiện diện và phục vụ, chúng ta sẽ nhận ra rằng: đời tu của chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh, bình an hay bất an, vui mừng hay buồn nản đều tùy thuộc vào thái độ sống ĐỨC ÁI hay TỰ ÁI của mình. Nói cách khác, chính cái tôi tự ái của mình đã gây nên biết bao lỗi lầm về đức ái trong tương quan với tha nhân, dẫn tới những rạn nứt trong đời sống huynh đệ cộng đoàn và bế tắc trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Phải chăng vì chưa “từ bỏ mình” (Mt 16,24), chúng ta chưa có thể gặp gỡ Chúa như người môn đệ. Hay phải chăng vì quá thần tượng mình, chúng ta chưa thực sự “yêu mến Chúa trên hết mọi sự”(x.Mt 22,37) và cũng chưa “yêu tha nhân như chính mình” (x.Mt 22,39). Quả thật, trong tương quan giao tiếp hằng ngày chúng ta chưa đặt Chúa Giêsu làm trung tâm nên chúng ta chưa có tình yêu đủ để sống khiêm tốn, nhẫn nhục và hiền hậu; vẫn còn đôi chút tự ái, tìm tư lợi, bộc phát nóng giận khi không vừa ý. Vậy, nếu chúng ta lấy mình làm trung tâm thì thật là khó để giữ được tính ôn hòa, dịu dàng, nhã nhặn, tự chủ, đối với những người làm mất thì giờ của chúng ta và những người làm chúng ta khó chịu vì sự khác biệt của họ. Chúng ta trở nên cứng nhắc, hay nhăn nhó, cáu kỉnh và chưa thật lòng tha thứ cho nhau. Điều này có thể dẫn đến những hệ quả lỗi đức ái mà ĐTC Phanxicô đã nghiêm khắc nhắc nhớ chúng ta: “những lời phê bình, nói hành, nói xấu, ghen tị, ghen tương, đố kỵ, là những thái độ không có quyền được ở trong nhà của chúng ta.” {[5]}. Khi đó chúng ta xem ra đã quên mục đích của ơn gọi thánh hiến là bước theo Đức Giêsu và tham dự vào tình yêu cứu độ của Người. Vì thế, năm “Đời Sống Thánh Hiến”, chúng ta được mời gọi làm mới lại đặc sủng của Đấng sáng lập, xuất phát lại từ Đức Kitô vì “Đời sống thánh hiến thực sự là một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giêsu trong tương quan với Cha và với anh em Người” (HP 1).
* Nhìn lại đời sống khó nghèo
Trong di ngôn của mình Cha Đa Minh đã muốn các tu sĩ trong Dòng sống đời khiêm tốn như hoa trái đầu tiên của đức ái; đồng thời thể hiện trong nếp sống khó nghèo tự nguyện. Như vậy, phải chăng theo Cha Đa Minh, nếu thái độ sống thần tượng bản thân của chúng ta đã phá đổ đức ái thì việc tôn thờ vật chất cũng đánh mất niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa vì chúng ta chỉ có thể chọn một trong hai Ông chủ: Thiên Chúa hay Tiền Của (x. Mt 6,24). Về điểm này, Thánh kinh cho thấy đã ứng nghiệm nơi tông đồ Giuđa. Cha Raniero Catalamessa vị giảng thuyết trong phủ Giáo Hoàng đã nói: “Mammon, thần tài, không chỉ là một ngẫu tượng trong số rất nhiều ngẫu tượng, nhưng đó là thứ ngẫu tượng trổi vượt nhất, đó là thứ “thần được người ta đúc lên”(x.Xh 34,17). Tiền Của là thứ “thần có thể nhìn thấy được” trái ngược với Thiên Chúa là Đấng vô hình… Nó chính là “Bố Già” quỷ quyệt, quyền uy ngất ngưởng đứng sau hậu trường đã giật dây cho tất cả mọi chuyện để đạt mục tiêu chỉ mình hắn ta biết mà thôi. [ [6]]
Theo Cha Raniero nếu Kinh Thánh đã nói: “Lòng yêu mến tiền bạc là căn nguyên của mọi tội lỗi” (1Tim 6,10) thì đằng sau mọi sự dữ trong xã hội chính là tiền bạc như trong chính trị, kinh tế, tham nhũng, sản xuất và bán các vũ khí, buôn bán nội tạng con người lấy từ trẻ em. Cha cho rằng: sự phản bội của Giuđa vẫn tiếp tục xuyên suốt trong lịch sử, và người bị phản bội luôn luôn là Chúa Giêsu. Giuđa bán Đầu (ý chỉ Chúa Giêsu), trong khi những kẻ bắt chước ông bán phần thân mình, vì người nghèo là chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô. (x.Sđd). Thực trạng này nhắc nhở cho chúng ta rằng: giữa một xã hội đang thượng tôn tiền tài và bị nó chi phối như thế, người tu sĩ cần phải tỉnh thức để khỏi bị rơi vào cạm bẫy của sa tan đang dùng mọi hình thức để vật chất hóa sứ vụ loan báo Tin Mừng của chúng ta. Trong mọi lãnh vực sứ vụ của Hội dòng hiện nay: truyền giáo và bác ái xã hội, giáo dục, mục vụ giáo xứ, phục vụ cộng đoàn, chúng ta đã thực tâm phục vụ Đức Kitô nơi người nghèo như thế nào hay người nghèo chỉ là bình phong và trở thành bàn đạp để chúng ta tiến thân? Mặt khác, vật chất và tiền của có chi phối thái độ ứng xử của chúng ta với những đối tượng chúng ta đang phục vụ không; đặc biệt nơi những người hèn mọn, những anh chị em đang mặc cảm với nhiều lỗi lầm trong cuộc sống?
Như vậy, đời thánh hiến trong xã hội hiện đại với những sinh hoạt và mức sống như hiện nay, thiết nghĩ việc tự huấn luyện để có một thái độ sống nghèo tự nguyện thật rất quan trọng. Thực tế, có rất nhiều nhu cầu đang chi phối chị em chúng ta, chúng ta cần giữ vững căn tính của người môn đệ Đức Giêsu để khôn ngoan biện phân đâu là nhu cầu thiết yếu và đâu là nhu cầu giả tạo của thời mốt theo phong trào dẫn đến nô lệ dưới nhiều hình thức. Quả thực, nếu chúng ta tình nguyện muốn sống nghèo như Đức Kitô và quyết tâm phục vụ Đức Kitô nơi người nghèo, chúng ta luôn có đức ái đủ để có những quyết định chính xác cho từng nhu cầu của chính mình.
Để kết:
Với tâm nguyện canh tân đời sống thánh hiến theo linh đạo Đa Minh như hướng đi của Tổng hội TH.XIV, chúng ta cùng nhau trở về nguồn cội của Dòng, học theo gương đời sống Cha Đa Minh và các Anh Chị thánh trong Dòng một vài điểm trọng yếu sau đây:
– Yêu mến cầu nguyện dưới ánh sáng Lời Chúa.
– Chiêm ngắm mầu nhiệu Thiên Chúa Nhập Thể hạ sinh nơi hang đá Be Lem.
– Chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh giá
– Chiêm ngắm Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.
Hy vọng nhờ đó, chúng ta sẽ có đủ đức ái thể hiện qua thái độ khiêm tốn và sống nghèo để có thể mang Lời Chúa tiếp cận với mọi người và tỉnh thức lắng nghe được tiếng kêu cứu của những “người nghèo” – những chị em “bé mọn” trong cộng đoàn, những người bị loại trừ, những người đang bị khủng hoảng đức tin và những tội nhân đang thống khổ vì những lầm lỗi của mình – theo PHONG CÁCH CỦA CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ:
– Một sự hiện diện trao ban.
– Một sự hiện diện hiến tế.
– Một sự hiện diện không kết án.
Tiếp đến, trong chương trình đào tạo người nữ tu Đa Minh có khả năng loan báo Tin Mừng hiệu quả trong xã hội hôm nay, Hội dòng và các cộng đoàn huấn luyện; đặc biệt Ủy ban Đào tạo, quí Chị giáo có trách nhiệm, cần dựa vào DI NGÔN của Cha Đa Minh như TIÊU CHUẨN chính yếu để nhận định ơn gọi trước mỗi bước tiến của các em Thỉnh sinh, Tiền tập và Tập sinh; đặc biệt với các em chuẩn bị Tiên khấn và Khấn Trọn đời. Chúng ta cần can đảm đề nghị chuyển hướng ơn gọi khác cho những đối tượng không có thiện chí sống đức ái, không thể sống khiêm tốn từ bỏ mình và không yêu thích sống khó nghèo tự nguyện; cho dù đó là những ơn gọi có thể xuất sắc về nhiều mặt khác như sức khỏe, kiến thức và năng lực phục vụ cộng đoàn cũng như dấn thân truyền giáo; vì tất cả chẳng là gì, chẳng ích gì cho Hội dòng nếu không có đức ái và lòng khiêm tốn.
Thực ra, hành trình ơn gọi của mỗi người là hành trình thanh luyện từng ngày và qua từng chặng đường đào tạo suốt cả cuộc đời. Hy vọng nhờ hiệp thông với Đức Kitô, chúng ta luôn có ĐỨC ÁI là hoa trái của Chúa Thánh Thần – nguồn nội lực giúp chúng ta có thế từ bỏ cái tôi tự ái của mình, sống KHIÊM TỐN trong tâm tình, thái độ, lời nói và tự nguyện SỐNG NGHÈO. Đó là con đường Cha Thánh Đa Minh đã đi và để lại di ngôn cho chúng ta – CON ĐƯỜNG GIÊSU – Nhờ đó, gần tròn 800 năm qua, linh đạo ĐA MINH luôn tràn đầy sức sống của Chúa Giêsu như dòng sông xanh và những đồi núi xanh vây quanh địa cầu, tỏa ngát hương thơm Đức Kitô, đánh thức thế giới và thu hút những con chiên lạc tìm về với Đức Kitô.
____________________________
[1] x.DHY Carlo Maria Martini, Hoa Tri của Thần Khí, tr.14
[2] x. Michael Monshau, OP, Hnh trình tm linh với Th. Đa Minh, tr. 150-151
[3] x. Michael Monshau, OP, Hnh trình tm linh với Thnh Đa Minh, tr. 125
[4] x. Michael Monshau, OP, Hnh trình tm linh với Thnh Đa Minh, tr. 126
[5] ĐTC Phanxicô, Thư gửi các tu sĩ Năm Đời Sống Thánh Hiến
[6] Catalamessa, Câu chuyện của Giuđa Iscariot, Vietcatholic, 30.03.2015
Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh