Thứ Ba sau Chúa Nhật III Mùa Chay năm C
TIN MỪNG: Mt 18, 21-35
21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.”27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.
28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao! “29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.”30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.
31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? “34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.
35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
Nội dung bản văn Tin Mừng được sắp xếp theo cấu trúc song song đối xứng như sau:
A (c. 21-22): Tha thứ. Chúa mời gọi thánh Phê-rô không chỉ tha thứ bảy lần nhưng bảy mươi lần bảy.
B (c. 23-34): Dụ ngôn “Đức Vua và người đầy tớ độc ác”. Được Đức Vua chạnh lòng thương xóa nợ mười ngàn yến vàng, nhưng người đầy tớ này lại đi xiết nợ một trăm quan tiền với người bạn của mình.
A’ (c. 35): Tha thứ. Cha Trên Trời sẽ đối xử với chúng ta “như thế”, nghĩa là như dụ ngôn diễn tả. Thiên Chúa tha cho chúng ta những món nợ không lồ, để chúng ta cũng biết tha cho nhau những món nợ nhỏ bé.
* * *
Nếu chúng ta gặp khó khăn trong nỗ lực sống lời mời gọi “tha thứ bảy mươi lần bảy” của Đức Giê-su, thì chính kinh nghiệm đích thân được tha thứ, mà dụ ngôn diễn tả, sẽ mở rộng con tim của chúng ta để cũng có thể tha thứ cho nhau đến vô hạn.
Nếu không, chúng ta sẽ tự làm cho mình trở thành bất xứng với ơn tha thứ đã nhận được hay với ơn tha thứ mà chúng ta xin Chúa thương ban cho chúng ta mỗi ngày với Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng ta con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
1. Từ “bảy lần” đến “bảy mươi lần bảy” (c. 21-22)
Trước hết, chúng ta hãy chú ý con số đầu tiên, là con số bảy. Tại sao lại là bảy? Bởi vì con số bảy đối với người Do Thái cũng giống như con số chín của chúng ta: bảy là hoàn hảo rồi; còn chúng ta, chín “nút” là chắc ăn! Chúng ta phải thán phục thánh Phêrô, vì ngài sẵn sàng tha thứ cho người anh em xúc phạm đến mình, không chỉ đôi ba lần, nhưng còn dự kiến tha thứ đến bảy lần. Bảy lần, phải chăng là đã quá nhiều? Chúng ta cứ nhớ lại kinh nghiệm sống của mình, để nhận ra rằng, bảy lần không quá nhiều như chúng ta tưởng; nhất là sự xúc phạm trong thực tế được tiến hành và được cảm nhận một cách rất tinh vi. Bởi vì, chúng ta xúc phạm đến người khác, không chỉ bằng hành động hay lời nói, nhưng còn bằng ánh mắt, bằng thái độ bắt nguồn từ những ý nghĩ không tốt về người khác. Thật vậy, tha thứ 7 lần không quá nhiều,
- khi người anh em hay chị em là người sống trong cùng một nhà, cùng một cộng đoàn, nghĩa là ngày nào chúng ta cũng phải đối diện ;
- khi người người anh em, hay chị em, là người mình có thành kiến hay mình không ưa ;
- khi bản thân chúng ta là người chi li và thích dò xét ;
- khi vấn đề phạm lỗi, trong thực tế, thường được giải thích một cách chủ quan ;
- khi mà người anh em không biết mình phạm lỗi với cái anh đó, hay chị đó.
Như thế, người anh em hay chị em trong thực tế có thể phạm lỗi đối với mình hơn bảy lần và đôi khi trong một thời gian rất ngắn; thậm chí, bản thân của người anh em, tự thân, là một lỗi đối với tôi, là một xúc phạm đối với tôi. Hơn nữa, chúng ta cứ đếm mà xem : 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7. Chúng ta đếm hết bảy lần rất nhanh ; và sau đó là không tha nữa ! Sống với nhau mà không tha thứ cho nhau, thì loài người chúng ta không thể tồn tại, không thể tồn tại từ trong trứng nước, nghĩa là từ trong gia đình của chúng ta. Chúng ta cứ nhớ lại mà xem, để chúng ta sống được như hôm nay, cha mẹ đã tha thứ cho chúng ta bao nhiều lần. Chắc chắn là không thể đếm được. Nhưng nếu chỉ tha bảy lần thôi, thì tiếp theo là chuyện gì xẩy ra? Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rồi: đó là tai họa, là loại trừ, là đỗ vỡ, là đoạn tuyệt, là nghỉ chơi, là không còn tương lai cho đời sống chung nữa.
Chính vì thế, Đức Giêsu dùng chính con số mà thánh Phêrô đưa ra để đẩy nó tới một con số rất lớn : 70 mươi lần 7 bằng 490 lần. Vừa nãy chúng ta đếm rất nhanh đến số bảy; bây giờ có ai trong chúng ta có can đảm đếm cho mọi người nghe 490 lần! Nếu đếm theo nhịp đồng hồ, thì sẽ mất hơn tám phút! Còn nếu rải đều ra trong thực tế: giả sử, ngày nào cũng tha một lần, thì sẽ kéo dài một năm bốn tháng! Về phương diện số học, đó là một con số hữu hạn, nhưng trong thực tế, chỉ có lòng bao dung vô hạn mới tha thứ được nhiều như thế. Và nếu ai đã tha được đến 490 lần thì chắc chắn cũng có khả năng tha đến 490 lần nữa ! Nghĩa là cứ tha thứ thôi, không thèm đếm nữa, tha thứ đã trở thành lẽ sống đem lại bình an và niềm vui rồi. Bởi vì một tâm hồn chấp nhất, không tha thứ, sẽ bị ô nhiễm bởi sự bực dọc, tức tối, phẫn nộ và cả báo thù nữa.
Lời của Đức Giêsu dạy chúng ta phải tha thứ cho người khác nhiều như thế, phải chăng là ảo tưởng, phải chăng là không thực tế ? Không ảo tưởng chút nào ; nhưng ngược lại là rất thực tế, vì đời sống của gia đình, của cộng đoàn, của giáo xứ và rộng hơn là giáo phận, là Giáo Hội, là xã hội, là cá nhân loại, cần lòng bao dung vô hạn như thế, để tồn tại.
Hiểu như thế và chắc ai cũng đồng ý, nhưng làm sao thực hành được ? Làm sao mà tha thứ nhiều như thế và tha thứ mãi như thế được. Nhiều khi một lần thôi cũng không được. Chúng ta hãy nhớ lại mà xem, có ai đó đã xúc phạm đến chúng ta như thế nào đó, phản ứng đầu tiên là tha thứ hay muốn trả đũa, và trả đũa một cách thích đáng ?
2. Mười ngàn yến vàng và một trăm quan tiền (c. 23-34)
Dụ ngôn của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta mở rộng con tim hẹp hòi của chúng ta. Theo dụ ngôn, ai trong chúng ta cũng « xúc phạm » đến Chúa rất nhiều lần. « Nhiều lần » ở đây không chỉ ở bình diện đếm được ; giống như khi chúng ta chuẩn bị đi xưng tội, chúng ta cố đếm những hành vi lỗi phạm ; nhưng « nhiều lần » còn có nghĩa là chúng ta đã xúc phạm đến hình ảnh Thiên Chúa có ở nơi mỗi người chúng ta : chúng ta được dựng nên, được ban sự sống, được sinh ra theo hình ảnh Thiên Chúa ; nhưng nội tâm, ý nghĩ, lời nói, cách sống, lối sống của chúng ta đã bao lần đi ngược với hình ảnh Thiên Chúa có nơi chúng ta ? Ở bình diện, này thì chúng ta chịu thua, không thể đếm được ; bởi vì đó là cả một năng động sống xúc phạm đến chính Thiên Chúa, và đó cũng là gốc rễ của những hành vi phạm lỗi bên ngoài.
Cũng như người kia, trong dụ ngôn, mang một món nợ khổng lồ đối với Đức Vua : mười ngàn yến vàng ! Theo một nhà chuyên môn, mười ngàn yến vàng tương đương với một trăm ngàn lượng vàng. Và với một người thợ thời đó, phải mất cả trăm đời người mới có thể tích lũy được số vàng lớn như thế[1]. Giống như con số 490 lần, số nợ mười ngàn yến vàng muốn diễn tả món nợ khổng lồ không thể trả nổi ; mà món nợ khổng lồ, thì cần đến lòng thương xót khổng lồ, nghĩa là lòng thương xót vô bờ vô bến.
Thật vậy, chỉ vì chạnh lòng thương mà Đức Vua tha hết món nợ khổng lồ của người đầy tớ. Đây chính là Tin Mừng rất lớn đối với chúng ta. Thiên Chúa thương xót và tha thứ chúng ta một cách vô hạn ; và đây chính là động lực để chúng ta biết tha thứ cho nhau, tha cho nhau những món nợ thật nhỏ bé, giống như hình ảnh một trăm quan tiền, so với số nợ khổng lồ, mười ngàn yến bạc, mà chúng ta được Chúa tha.
Dụ ngôn có nói tới sự nghiêm khắc của Đức Vua, nhưng sự nghiêm khắc đến sau sự độc ác của người đầy tớ; sự nghiêm khắc của Đức Vua là hậu quả của sự độc ác. Trong khi đó, vị vua tỏ lòng nhân hậu trước. Chính người đầy tớ đã tự biến thành bất xứng đối với ơn tha thứ vô hạn mà mình đã lãnh nhận. Ngoài ra, sự độc ác còn làm khổ mình và làm khổ người khác, làm khổ cả Đức Vua: thay vì tỏ lòng biết ơn Đức Vua và hành động theo lòng biết để làm cho Đức Vua vui lòng, thì sự độc ác của anh làm khổ Đức Vua: “Tôn chủ nổi cơn thịnh nộ” !
3. Cha của Thầy ở trên trời (c. 35)
Chúng ta được tha thứ vô hạn, thì chúng ta cũng sẽ có khả năng tha thứ cho người anh em hay chị em vô hạn. Nếu chúng ta chưa tha thứ được, đó là vì chúng ta giống người tôi tớ tồi tệ kia: quên ơn, vô ơn và trục lợi lòng thương xót của Thiên Chúa.
Chính chúng ta cũng được Thiên Chúa tha trước : tha thứ tất cả và luôn luôn tha thứ ; và nếu chúng ta không sẵn sàng tha thứ cho nhau, chúng ta sẽ tự biến mình trở thành bất xứng với ơn tha thứ đã lãnh nhận. Như Chúa nói:
Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em
không hết lòng tha thứ cho anh em mình ». (c. 35)
Đây chính là một trong những lời nguyện xin trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc nhiều lần trong ngày và nhất là trong Thánh Lễ : « Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có nợ chúng con ».
* * *
Thực ra, lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa đã được ghói ghém ngay trong lời mời gọi tha thứ đến bảy mười lần bảy rồi. Bởi lẽ, Ngài không thể mời gọi chúng ta thực hiện điều chính ngài đã không thực hiện, đang thực hiện và sẽ thực hiện mãi mãi, đó là ơn tha thứ tội lỗi Chúa Cha ban cho chúng ta, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh ; bởi vì
Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 39)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
————————————————————-
[1] Claude Tassin, Tin Mừng Mat-thêu (L’Evangile de Matthieu, commentaire pastorale), Paris, Centurion, 1991, bản dịch Việt ngữ trang 301.