Thứ Hai tuần IV Mùa Chay năm C
TIN MỪNG: Ga 4, 43-54
43 Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Ga-li-lê.44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.
46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um.47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.48 Đức Giê-su nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu! “49 Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! “50 Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. 51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi.52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.”53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin.
54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
1. Thân phận con người
Một người cha có đứa con trai đang bị bệnh sắp chết. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về bệnh tật và những tai họa đủ loại, của chính mình, hoặc của những người thân yêu. Đó là sự bất hạnh của em bé, nhưng cũng là nỗi đau của bố, của mẹ, của cả nhà và của những người thân yêu.
Người ta nói, đời người là hành trình sinh-lão-bệnh-tử. Nhưng ở đây, trong trường hợp bé trai, chưa lão đã bệnh thập tử nhất sinh rồi ! Gia đình của chúng ta hay của những người thân yêu có thể đã trải qua những bi cảnh tương tự. Vì thế, con đau sắp chết, cha mẹ vừa lo chạy thầy chạy thuốc, vừa lo đi cầu đi khấn, nói cho chúng ta rất nhiều về thân phận và số phận con người.
Và các sách Tin Mừng mặc khải cho chúng ta biết, Đức Giê-su gắn bó với thân phận và số phận của con người biết bao ; và Ngài không chỉ gắn bó bằng sự quan tâm và ban ơn chữa lành, nhưng còn tự nguyện trở thành nạn nhân của một tai họa, của một bất hạnh lớn nhất trên đời này, trong cuộc Thương Khó, để vừa cảm thông và thêm sức, vừa ban cho chúng ta một ơn chữa lành khác, lớn hơn, triệt để hơn, và chữa lành một lần cho tất cả : đó là chữa lành chúng ta thoát khỏi sự sợ hãi đau khổ và cái chết.
Thật vậy, Thập Giá của Đức Ki-tô muốn nói với chúng ta rằng, thân phận con người không phải là một hành trình sinh lão bệnh tử, rồi cuối cùng đi đến ngõ cụt là sự chết, rằng Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để trắc nghiệm sự xứng đáng, thử thách đau khổ để thưởng công, xét xử và lên án, và rằng thân phận con người, dù có như thế nào đi nữa, dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua, vẫn cứ là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống. Như thánh Phaolô xác tín: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Đức Ki-tô Giê-su chịu đóng đinh, Chúa chúng ta (x. Rm 8, 3).
2. Lòng tin
Và Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta rằng, nếu có sự liên đới trong đau khổ, vì tình thương, thì cũng có sự liên đới trong ơn huệ sự sống nhờ lòng tin. Thực vậy, người con được cứu sống, chính là nhờ lòng tin của người cha :
« Ông cứ về đi, con ông sống », và ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình và ra về. (c. 50)
Lòng tin của người bố cứu được người con. Như thế, lòng tin của người này cứu được người kia ; và điều kì diệu này được ghi lại khắp nơi trong các Tin Mừng, đến độ chúng ta có thể xác tín rằng, Chúa cũng mến thương những người chúng ta thương mến trong Chúa. Đó chính là qui luật của tình yêu ; và Thiên Chúa là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Xác tín này an ủi chúng ta biết bao.
Lòng tin vào Lời ban sự sống, sẽ dẫn đến sự sống. Thật vậy, đúng vào lúc Đức Giê-su nói : « Con ông sống », nghĩa là vào lúc một giờ trưa, thì bé trai sống, nghĩa là bình phục trở lại. Đức Giê-su là Ngôi Lời Sự Sống và ban sự sống (x. Ga 1, 3), nên Người nói sống, là sống. Tương tự như trong mầu nhiệm Sáng Tạo :
Thiên Chúa nói : « Hãy có ánh sáng ». Ánh sáng liền có. (St 1, 3)
Lòng tin mang lại sự sống ; và sự sống, đến lượt mình, củng cố lòng tin và làm lây lan lòng tin. Thật vậy, sau khi bé trai bình phục, người cha và cả nhà đều tin. Và niềm tin nơi Đức Giê-su dẫn sẽ những người tin, là chính chúng ta, đi rất xa, bởi vì Ngài là Sự Sống và là Sự Sống lại, Người là Lời và là Bánh Hằng Sống, và ai tin vào Ngài, dù có chết rồi, cũng sẽ sống.
3. Niềm hy vọng
Đức Giê-su quan tâm đến sự sống của mỗi người, của cả loài người, và những gì Ngài làm, thật lạ lùng ; lạ lùng, nhưng cũng thật giới hạn. Bởi vì, em bé được chữa lành, nhưng khi lớn lên, em cũng sẽ lâm bệnh trở lại và cuối cùng cũng phải chết. Hơn nữa, Ngài cũng không chữa lành hết mọi người bệnh vào thời của Ngài ; và Người cũng không chữa lành hết mọi người bệnh trên đời này, trong đó có những người thân yêu của chúng ta, và cả chúng ta nữa. Như thế, thân phận của loài người và của từng người chúng ta vẫn còn nguyên !
Nhưng phép lạ nhỏ bé và giới hạn Chúa làm, lại là những dấu chỉ làm cho chúng ta hi vọng ơn huệ còn lạ lùng hơn, đó là ơn huệ sự sống viên mãn và vô hạn. Thật vậy, Đức Giêsu sẽ mang vào mình tất cả những đau khổ thuộc thân phận con người trên Thập Giá, và chuyển thành sự sống mới, thành sáng tạo mới. Chính niềm hi vọng đặt nơi ngôi vị của Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, làm cho chúng ta bình an và can đảm đảm nhận hôm nay phận người của mình, con đường của mình và ơn gọi của riêng mình, mà không ham muốn phép lạ, giống như Dân Do Thái trong sa mạc, hay giống như những người đương thời của Đức Giê-su và như con người của mọi thời, đó có con người thời nay, có chúng ta. Như chính Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng : « Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu! » (c. 48)
Xin Chúa biến đổi ngũ quan của chúng ta, để chúng ta nhận ra ơn huệ sự sống mỗi ngày là một điều lạ, như lời nguyện Thánh Vịnh xác tín :
Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ.
Rôi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi. (Tv 3, 6)
* * *
Và sẽ đến lúc mỗi người chúng ta lần lượt sẽ « thiếp ngủ » trong giấc ngủ của sự chết. Nhưng, chúng ta xác tín rằng, sự sống Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta hôm nay, chính là lời hứa trao ban sự sống viên mãn, khi làm cho chúng ta « thức dậy » nhờ, với và trong Đức Ki-tô Chết và Phục Sinh, Mầu Nhiệm mà chúng ta cử hành với niềm vui và niềm hi vọng trong Đêm Canh Thức Vượt Qua sắp đến.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc