NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA TAM NHẬT VƯỢT QUA
Từ thời các Tông đồ, các Kitô hữu đã tưởng niệm cuộc tử nạn và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Những biến cố gần gũi chung quanh sự kiện tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô hợp thành một thời điểm cao trọng nhất trong năm phụng vụ gọi là Tuần Thánh; và cao điểm của Tuần Thánh chính là Tam Nhật Vượt Qua, cũng gọi là Tam Nhật Thánh hay Tam Nhật Phục Sinh – gồm Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy Tuần Thánh, và Lễ Phục Sinh. Đây chính là trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo, vì chính sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là trung tâm ơn cứu độ Kitô giáo.
Giáo lý Hội Thánh Công giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tam Nhật Thánh: “Bắt đầu bằng Tam Nhật Thánh như nguồn ánh sáng, thời đại mới của sự phục sinh đổ đầy cả năm phụng vụ bằng sự rực rỡ của ánh sáng. Dần dần, về phương diện khác của nguồn gốc này, năm được tôn lên bằng phụng vụ. Đây thực sự là “năm của ân sủng Thiên Chúa”. Sự cứu độ hoạt động trong khung thời gian, nhưng vì sự viên mãn trong cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu và sự tràn đầy Thánh Thần, đỉnh cao của lịch sử được tiên báo là “sự nếm trước” và Vương quốc của Thiên Chúa đến trong thời đại của chúng ta” (GLHTCG, số 1168) .
TAM NHẬT VƯỢT QUA
- Tổng quát
a. Từ ngữ
Từ ‘ Vượt Qua ’ trong tiếng Hípri là Pascha (pèsah) , bắt nguồn từ tiếng Aram là pashâ. Người ta còn bàn cãi về nguồn gốc của danh từ này. Có người gán cho nó một căn ngữ từ tiếng Assyria, nhưng chưa có giả thuyết nào có giá trị quyết định. Thánh Kinh cho từ pèsah đồng nghĩa với động từ pasah , có nghĩa là đi khập khiễng hoặc nhảy múa theo nghi thức quanh lễ vật hy tế (x 1V 18,21.26) hoặc theo nghĩa bóng là nhảy qua, bỏ qua, tha thứ. Lễ vượt qua là việc đi ngang qua của Thiên Chúa, Người lướt qua trên những nhà người Israel, đang khi đó Người lại trừng phạt những nhà người Ai Cập (x Xh 12,13.23.27; Is 31,5).
Trải qua thời gian từ “Vượt Qua” đối với Đức Giêsu và Kitô giáo mang nhiều nghĩa mới như: xây lại đền thờ có ý về việc Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ tạm thời và loan báo đền thờ vĩnh cửu là thân thể phục sinh của Người (x Ga 2,13-23); Vượt Qua của Chiên Mới: Đức Giêsu là chiên vượt qua, thiết lập bữa tiệc Vượt Qua mới và thực hiện cuộc Xuất Hành riêng của Người, vượt qua thế gian về cùng Cha (Ga 13,1). Vượt qua tức là Tiệc Thánh Thể: khi ăn thịt và uống máu mình, Đức Giêsu đã diễn tả cái chết của Người như là hy lễ Vượt Qua mà Người là Chiên Mới (x Mc 14,22-24). Sau cùng vượt qua còn chỉ bữa tiệc cánh chung: bữa tiệc trên trời, bữa tiệc mà mọi người đang trên đường tới dự (x Kh 5,6-12; 12,1).
b. Nguồn gốc
Thời Giáo hội sơ khai, chỉ có lễ Phục Sinh. Trong giờ kinh nguyện canh thức được kéo dài suốt đêm thứ Năm Thánh cho đến rạng sáng lễ Phục Sinh, các Kitô hữu thời sơ khai cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô tử nạn và Phục sinh như một đại lễ. Dựa vào lời của một kitô hữu Syria thế kỷ thứ III đã viết: “ Vào ngày thứ Sáu và ngày Sabat tất cả hãy ăn chay và không được nếm một thứ gì. Anh em cùng nhau đến và vọng canh thức suốt đêm bằng việc đọc kinh dâng lời khẩn nguyện, đọc sách các Tiên Tri, Tin Mừng và hát Thánh Vịnh… cho đến giờ thứ ba ban đêm sau ngày Sabat; đoạn chấm dứt chay tịnh. Kế tiếp anh em hãy dâng các lễ vật; sau đó anh em hãy ăn uống và reo hò, vui mừng và hớn hở vì thực Đức Kitô, sự Phục sinh của chúng ta, đã sống lại. Đây mãi mãi là luật cho anh em cho đến tận thế”. (X. The litury and Time , p 35-36).
Đối với các Kitô hữu thời sơ khai, đó là đêm có rất nhiều ý nghĩa. Các tác giả sách Tin Mừng kể cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại xảy ra trong bối cảnh lễ Vượt Qua, là cử hành quan trọng nhất trong niên lịch của người Israel. Vượt Qua đánh dấu đêm sứ thần Thiên Chúa sát hại các con đầu lòng của người Ai cập, giải thoát dân Israel khỏi kiếp nô lệ. Nhưng theo truyền thống Israel, ngày lễ Vuợt Qua có một lịch sử xa xưa hơn nhiều. Vào ngày này, Thiên Chúa đã tác tạo Adam. Vào ngày này, Thiên Chúa đã gọi Abraham. Vào ngày này, sứ thần của Chúa đã dừng tay Abraham khi ông định sát tế Isaac. Vì thế, vào dịp lễ Vượt Qua, dân Do thái nhìn lại toàn bộ lịch sử của họ, nhớ lại tình thương đặc biệt Thiên Chúa dành cho họ ngay từ buổi bình minh của tạo dựng (X. Điển ngữ Thần học Thánh Kinh tập IV , Bản dịch Hviện Đà lạt Pio X, 1973, trang 445-448).
Ngày thánh thiêng nhất đối với người Do thái đã trở thành ngày thánh thiêng nhất đối với người Kitô hữu. Cũng vậy, trong đêm dài canh thức, các Kitô hữu nhìn lại lịch sử thánh và nhận ra Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Đức Kitô trỗi dậy từ trong kẻ chết. Thánh Phaolô đã viết: “Chiên lễ Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô, đã chịu hiến tế” (1 Cr 5,7).
Sự gia tăng ý thức về tính lịch sử của các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu đã dẫn đến sự hình thành Tam nhật Vượt Qua, rồi đến Tuần Thánh và cuối cùng là Mùa Chay. Truyền thống này bắt đầu vào thế kỷ IV, thời Thánh Ambrôsiô (ở Milano nước Ý) và Thánh Augustinô (ở Hippone, Bắc Phi), Tam Nhật Thánh được cử hành vào 3 ngày. Lý do cử hành trong “ba ngày” là để làm đúng theo công thức “ba ngày” được nhiều câu Sách Thánh nói tới, như Hs 6,2; Gn 2,1 và Mt 12,40). Các Kitô hữu kính nhớ cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu theo đúng thời gian, bước theo Người từ lúc Người tiến vào Giêrusalem, khi bị bắt, bị đóng đinh cho đến khi Người phục sinh như Tin Mừng đã thuật lại.
Cũng vào cuối thế kỷ này, thời thánh Augustinô, Bí tích Thánh tẩy cho người lớn là nét trọng tâm của Tam Nhật. Khoảng năm 1951-1955, Đức Thánh cha Piô XII đã phục hồi lại Tam Nhật thánh, cho phép cử hành phụng vụ thứ Năm thánh và Canh thức chiều tối, và khuyến khích việc Rửa tội cho người lớn vào đêm Canh thức Phục sinh. Những canh tân này nhấn mạnh đến sự tham dự của dân chúng và trở về sự thực hành thời Giáo Hội sơ khai.
c. Ý nghĩa
Tam Nhật Vượt Qua thường được gọi là “thánh” vì chúng khiến cho chúng ta sống trở lại biến cố chính của ơn cứu độ; thật thế chúng dẫn đưa chúng ta vào trong nhân tố của lòng tin Kitô: là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đó là những ngày mà chúng ta có thể coi như một ngày duy nhất, vì chúng là trọng tâm của toàn năm phụng vụ cũng như của đời sống Giáo Hội. Đây là thời điểm kết thúc con đường Mùa Chay để chúng ta chuẩn bị bước vào chính bầu khí mà Chúa Giêsu đã sống khi xưa tại Giêrusalem. Chúng ta muốn khơi dậy ký ức sống động về các khổ đau mà Đức Giêsu đã chịu vì chúng ta và chuẩn bị cử hành Chúa Nhật tới đây với niềm vui lễ Vượt Qua đích thực, mà Máu Chúa Kitô đã bao phủ bằng vinh quang. Đó là Lễ Vượt Qua mà trong đó Giáo Hội cử hành Lễ là nguồn gốc của mọi thánh lễ khác như được khẳng định trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ Phục Sinh theo nghi thức thánh Ambrôsiô.
Mầu nhiệm vượt qua này là trung tâm điểm của các việc cử hành trong Năm phụng vụ. Công đồng chung Vaticanô II đã nhấn mạnh nhiều tới điều này trong Hiến chế về phụng vụ ở các số 5. 6. 61 và 102. Và “Văn Kiện Những Quy Luật Tổng Quát Năm Phụng Vụ” nói một cách rõ ràng rằng : “Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt qua của Người. Chính Tam nhật Vượt qua, nhằm tưởng niệm cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của cả Năm phụng vụ”. (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma , số 18.19 )
Như vậy cử hành mầu nhiệm này là cử hành công cuộc cứu chuộc chúng ta và toàn thể nhân loại. Do vậy toàn thể nội dung của tuần thánh nhằm làm nổi bật và làm sáng tỏ mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô.
Sau thời gian cử hành Mùa Chay thánh, trong đó Giáo hội hướng về Đại lễ Phục sinh bằng việc chuẩn bị cho các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo: Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể trong đêm Vọng Phục sinh; đồng thời dọn lòng cho con cái để mừng Đại Lễ này với các việc đọc Lời Chúa, tham dự phụng vụ, cầu nguyện, ăn chay hãm mình, canh tân trở lại, sống bác ái và làm việc bố thí.
Vì vậy, hiểu rõ ý nghĩa Tuần thánh và Tam Nhật Thánh là một điều quan trọng. Công đồng Vaticanô II cũng đã lưu ý tới điều này trong Hiến chế về phụng vụ Thánh Công đồng viết như sau : “Mỗi năm một lần, Giáo Hội còn cử hành hết sức trọng thể vào dịp lễ Phục sinh sự sống lại cùng với cuộc Thương khó của Người” (PV, 102). Chính vì thế, Tuần Thánh khởi sự bằng cuộc rước lá trước thánh lễ, nhằm gợi lại việc Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia, như sách Giacaria đoạn 9,9-10 đã tiên báo, Người đã muốn làm như thế trước khi chịu nạn, đã chiếu rọi vào cuộc khổ nạn một ánh sáng báo trước cuộc toàn thắng của Người. Khi lặp lại những tiếng hoan hô của dân Do Thái ngày xưa, cộng đoàn Kitô hữu tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô. Theo sau cây thập giá và linh mục, dân Thiên Chúa long trọng tiến vào nhà thờ, nơi họ sẽ dâng lại lễ tế giao hòa với Thiên Chúa. Trong đi rước, họ nói lên niềm hy vọng vì biết rằng khi lên trời, Chúa Giêsu đã mở cửa thành Giêrusalem thiên quốc cho họ, và giờ đây họ đang tiến về nơi đó.
Như vậy, Tuần Thánh bắt đầu bằng Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá nhằm tung hô Chúa Giêsu khải hoàn, tiếp đó là mời gọi ta theo Người trên con đường khổ nhục. Và Phụng vụ đêm Phục Sinh sẽ ca tụng Chúa Giêsu Kitô đã tự hạ đến cùng để bước vào vinh quang, đã sống lại để chiến thắng thần chết. Chúng ta phải được ánh sáng của Chúa Kitô thu hút mới có thể theo Người trong cuộc khổ nạn mà không chùn bước. Chúng ta phải thông hiệp với thập giá của Người mới được chia sẻ sự sống của Người. Đó là tất cả ý nghĩa của Tuần Thánh gồm tóm lại trong hai hướng đi đó.
- Thứ Năm Tuần Thánh
a. Thánh Lễ Làm Phép Dầu
Nguồn gốc
Dầu tượng trưng cho sự phong phú và chúc lành của Thiên Chúa. Dầu cũng là dấu hiệu của sự hân hoan, vui mừng. Đức Kitô, Đấng được xức Dầu, trở thành Tư Tế, thành Tiên Tri và thành Vướng Đế của Tân ước. Y tưởng này bắt nguồn từ Cựu ước. Thời Cựu ước, người ta quen dùng nghi thức xức dầu để tấn phong các vị tư tế, tiên tri và vua.
Dầu đem lại sự hân hoan tươi tắn, đem lại sức mạnh và làm cho tâm hồn trở nên thơm ngoan dịu dàng trước mắt. Chính vì thế, Chúa Kinh Thánh có 3 hình ảnh khác về ý nghĩa của dầu: Hình ảnh Nước Đại Hồng Thuỷ tẩy sạch trần gian, rồi tiếp đó là cành lá của cây Ôliu do chim câu tha về. Hình ảnh Aharon được tắm rửa, thanh tẩy trước khi được xức dầu. Hình ảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan. Sau đó, được xức dầu tấn phong nhờ Chúa Thánh Thần qua hình chim bồ câu.
Ý nghĩa
Việc làm phép dầu được đưa vào thánh lễ từ sau cuộc canh tân 1955. Trong thánh lễ này Đức Giám mục sẽ làm phép Dầu Bệnh nhân, Dầu Dự Tòng và thánh hiến dầu thánh, sau đó phân phát đến các giáo hạt và các giáo xứ. Điều này có ý nói rằng Dầu từ Nhà thờ Chánh Tòa, là Nhà thờ của Đức Giám Mục Giáo phận chia đi tới các nẻo đường, các vùng trong giáo phận. Và con đường mà Dầu từ trung tâm là Nhà thờ Chánh Tòa được phân chia đi các nhánh đó sẽ được minh họa bằng một từ gọi là Con Đường Dầu. Con Đường Dầu này nói lên vai trò trung tâm của Đức Giám Mục và nói lên sự liên kết đằm thắm giữa ngài các Linh mục trong Giáo phận.
Thông thường, thánh lễ này được tổ chức vào sáng ngày thứ Năm Tuần Thánh. Do đó, thánh lễ Dầu là thời điểm để quy tụ các linh mục bên cạnh Đấng bản quyền của mình để hiệp dâng thánh lễ. Đồng thời, dân chúng cũng được mời gọi tham dự đông đủ vào nghi lễ quan trọng này. Trong thánh lễ, các linh mục lặp lại những lời cam kết của họ khi được thụ phong linh mục vì tình yêu Đức Kitô và tâm tình phục vụ Giáo hội.
b. Lễ tưởng niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu
Nguồn gốc
Mỗi năm, dân Do thái ăn lễ Vượt Qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh áp bức của người Aicập và Thiên Chúa đã ký kết giao ước với họ. Chúa Giêsu Kitô đã mở đầu cuộc Thương Khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa tiệc Vượt Qua đó. Từ giờ phút này, Đức Kitô sẽ thực sự dấn thân vào cuộc thương khó tử nạn. Ngài đã khởi đầu bằng một bữa tiệc Vượt Qua cổ truyền để chấm dứt Lễ Vượt qua của Cựu Ước, đồng thời mở đầu cho lễ Vượt Qua của Tân Ước bằng chính máu thịt Ngài. Cuộc hiến tế đẫm máu trên đồi Canvê giờ đây được tiên báo bằng việc lập Bí tích Thánh Thể. Như vậy, Ngài đã muốn cho bữa tiệc này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Nhiệm tích này sẽ tồn tại mãi mãi như một kỷ niệm và là một lễ hy sinh mỗi khi được tái hiện trên bàn thờ. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Ngài.
Thứ Năm Thánh bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua. Ban đầu, Tam Nhật chỉ gồm Thứ Sáu Thánh và Thứ Bảy Thánh (theo cách tính của người Do Thái là ba ngày). Sang thế kỷ 4 Thế kỷ IV, thời Thánh Augustinô ở Bắc Phi, vì Giáo Hội muốn sống từng giờ với Đức Giêsu trong cuộc vượt qua của Ngài nên đã lập ra nghi lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Vì ý muốn đó cho nên đây là ngày duy nhất buộc cử hành đúng vào giờ bữa ăn tối. Trước đó, Thứ Năm Thánh có tên là thứ năm Lễ Tiệc Ly. Ngày này tưởng niệm bữa tiệc ly của Chúa và kỷ niệm Chúa lập bí tích Thánh Thể. Và thứ năm này cũng có tên khác là thứ năm của Giới Răn Mới dựa theo Ga 13,34. Trong nghi lễ thứ năm có nghi thức rửa chân, để nhớ mãi giới luật tình yêu Chúa đã dạy trong đêm tiệc ly này. Nguyên thủy Thứ Năm Thánh chỉ là ngày chuẩn bị lễ mừng mầu nhiệm Vượt Qua. Vào ngày này, các hối nhân được xá giải và tái nhập vào cộng đoàn để họ được tham dự vào lễ Vượt Qua. Từ hôm nay, dầu thánh cũ bị hủy bỏ, các nhà thờ sẽ sử dụng dầu thánh mới để cử hành bí tích Thánh Thể và Thêm Sức vào đêm Phục Sinh.
Truyền thống cử hành nghi thức Lễ Tiệc Ly tại Giêrusalem, là địa điểm và thời điểm tiến hành bữa tiệc ly của Chúa theo tương truyền. Về sau cả Giáo Hội đã áp dụng nghi thức Thứ Năm Thánh tương tự truyền thống ở Giêrusalem. Tập tục này có từ thế kỷ IX.
Ý nghĩa
Thánh Lễ hôm nay bắt đầu cho Tam Nhật Vượt Qua. Trong Thánh Lễ này, chúng ta tưởng niệm lại 3 ý nghĩa chính sau đây: Tái diễn lại bữa tiệc của Chúa Giêsu với các môn đệ. Đây là thời điểm Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể và chức Linh Mục Thượng Phẩm để qua những con người này Ngài trực tiếp hiện diện với nhân loại cho đến ngày tận thế. Hôm nay Giáo Hội cũng kỷ niệm lại với những lời trăn trối tâm huyết cuối cùng mà Ngài đã dành cho các môn đệ đó là việc Ngài ban giới luật yêu thương được cụ thể hóa bằng việc rửa chân cho các Tông đồ. Ba sự việc này diễn ra trong thời gian sau cùng mà Đức Giêsu còn ở giữa các môn đệ. Như vậy, chiều hôm nay, Giáo Hội sống lại những giây phút cao quí nhất, tuyệt vời nhất của tình yêu nơi Đức Kitô, một tình yêu không thể đo lường hay sánh ví.
- Thứ Sáu Tuần Thánh
a. Nguồn gốc:
Việc cử hành phụng vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Giêrusalem được ghi nhận đầu tiên vào thế kỷ IV do sử gia Esgerie tường thuật lại về việc cầu nguyện và suy niệm về cuộc Thương khó Chúa trong suốt lộ trình từ Nhà Tiệc Ly đến chân đồi Gôlgôtha. Trên lộ trình này, dân chúng dừng lại từng chặng để nghe các đoạn sách Ngôn sứ nói về cuộc Thương khó của người Tôi Tớ Thiên Chúa, suy niệm các đoạn Tin mừng nói về đau khổ của Chúa, cầu nguyện và hát thánh ca. Cuối lộ trình là nơi Chúa chịu đóng đinh, Giám mục sẽ đưa cao cây Thánh giá cho dân chúng tôn thờ.
Tại Rôma thế kỷ VII, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh người ta tưởng niệm cuộc khổ nạn bằng cách suy gẫm trình thuật Thương khó theo Tin mừng Gioan, sau đó cộng đoàn sẽ đọc lời cầu chung cho Giáo Hội, các nhà lãnh đạo thế giới, cầu cho sự hiệp nhất và cho mọi nhu cầu của nhân loại. Vì không cử hành thánh lễ nên nhiều nhà thờ tổ chức cử hành phụng vụ Lời Chúa cách trọng thể: Thánh giá có tượng chịu nạn được để trên bàn thờ cho dân chúng tôn thờ, nghe Lời Chúa và suy gẫm về cuộc khổ nạn của Người, sau đó rước lễ (x. Năm phụng vụ , Nguyễn Thế Thủ, ĐCV Giuse Tp HCM 2001, tr 59).
Trước năm 1955, việc cử hành phụng vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có sự khác biệt so với hiện nay: ban sáng cử hành phụng vụ Lời Chúa và suy tôn Thánh giá, buổi chiều đi đàng Thánh giá, buổi tối nghe “giảng đại phúc” về cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Nhưng sau 1955 có sự sắp xếp lại việc cử hành nghi thức: buổi chiều cử hành cuộc Thương khó và tôn vinh Thánh giá, đồng thời cho phép cộng đoàn phụng vụ rước lễ nhưng không cử hành thánh lễ. Nghi thức từ năm 1970 đến nay không thay đổi gì nhiều về cấu trúc và giờ cử hành, nhưng chỉ thay đổi về các bài đọc, sắp xếp lại các lời nguyện cũng như thêm vào một số ý nguyện mới theo tinh thần của Vaticano II. (x. Năm phụng vụ , Nguyễn Thế Thủ, ĐCV Giuse Tp HCM 2001, tr 66)
b. Ý nghĩa
Theo Kinh Thánh, trước ngày Lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu đã bị xử án tại dinh Philatô vào lúc tảng sáng, rồi Người bị kết án Tử hình, vác thập giá đến pháp trường, bị đóng đinh vào thập giá, bị treo lên và rồi Người tắt thở trên thập giá vào khoảng 3 giờ chiều. Vì thế, hôm nay Giáo Hội muốn chúng ta hãy chăm chú suy niệm về tình thương của Ngài qua những khổ hình và cuộc tử nạn của Người được trình bày qua bài Thương Khó. Chúng ta hãy suy niệm về mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô. Hôm nay là ngày thích hợp để mỗi Kitô hữu chúng ta trở về với lòng mình. Chúng ta hãy kết hợp lòng mình với những đau khổ mà Ngài đã chịu vì yêu thương ta và muốn cứu độ ta.
Việc cử hành vào chiều Thứ Sáu không phải là Thánh lễ mà chỉ là một Nghi lễ tưởng niệm việc Đức Giêsu chịu chết. Đây không phải là những lễ nghi chỉ gợi nên một cuộc trình diễn bi kịch cảm động về cuộc thương khó của Đức Giêsu. Đây là một mầu nhiệm Đức Tin. Chúng ta phải luôn tin rằng Đức Giêsu chết và đã sống lại để cứu độ chúng ta. Nhưng để có thể hiểu chúng ta được cứu khỏi một vực thẳm đầy tội lỗi và gian tà như thế nào, chúng ta cùng với Ngài bước xuống vực thẳm đó. Nghi lễ Thứ Sáu tuần thánh nhắc lại việc Đức Giêsu xuống vực thẳm ấy, đó là tội lỗi của loài người, những đau khổ của nhân loại về thể xác cũng như tinh thần (bị hất hủi, bị người thân phản bội, bị thất bại, bị xâm phạm thân thể, bị đối xử bất công, bị nhục nhã, nỗi lo âu khủng khiếp như hấp hối, sợ hãi, chết v.v.). Nghi lễ hôm nay phải giúp ta ý thức tầm mức nghiêm trọng của sự dữ và sự tội ; đồng thời ý thức giá trị tuyệt vời của việc Chúa cứu chuộc chúng ta. Hôm nay cũng là dịp thuận tiện để ta giục lòng thống hối, hoán cải tâm hồn qua việc chay tịnh, hãm mình hy sinh và đền tội.
- Thứ Bảy Tuần Thánh
a. Nguồn gốc
Ngay từ thế hệ Kitô hữu đầu tiên, đã có việc cử hành hằng năm mừng Chúa sống lại. Trong suốt ba thế kỷ đầu, đây là lễ hội duy nhất được ghi nhận trong Giáo Hội. Việc cử hành nguyên thủy – tiền thân của Lễ Phục Sinh sau này – được thực hiện bằng hình thức một cuộc canh thức (vigilia trong tiếng La tinh có nghĩa là “sự tỉnh thức” hay “đợi chờ”). Thật dễ hiểu tại sao các Kitô hữu đã chọn những giờ khắc của ban đêm để cử hành cảm nghiệm tôn giáo của mình về cuộc khải thắng của Đức Kitô trên sự chết và tội lỗi – đồng thời đó cũng là cuộc khải thắng của chính họ cùng với Đức Kitô. Chính trong những giờ khắc của đêm tối trước ngày thứ nhất trong tuần (ngày Chúa Nhật) mà mầu nhiệm này đã diễn ra. (Mt 28,11; Mc 16,1; Lc 24,1; Ga 20,1).
Vào thời Giáo Hội sơ khai, có một niềm tin rất phổ biến rằng Chúa Phục Sinh sẽ trở lại trong chính những giờ khắc đêm tối này của Đêm Canh Thức Phục Sinh. Vì vậy, điều đương nhiên là tất cả mọi người cùng có mặt và chờ đợi. Đây sẽ là sự trở lại cuối cùng trong vinh quang của Người, và ngày nay trong mỗi Thánh Lễ, lời loan báo về sự cáo chung của thời gian vẫn còn vang lên để xác tín: “Đức Kitô đã chết, đã sống lại và sẽ đến!”.
Ngoại trừ một số thay đổi, nhất là thay đổi về thời lượng, nghi thức đã được canh tân ngày nay phản ảnh rõ chính nghi thức của những thế kỷ ban đầu. Vừa khi sao hôm xuất hiện trên bầu trời, các nghi thức bắt đầu được cử hành và kéo dài suốt cả đêm. Những khoảnh khắc đầu tiên dành cho việc đọc các bài đọc Thánh Kinh và những lời nguyện. Các bài đọc Thánh Kinh – thường gồm 12 bài – nhấn mạnh ý nghĩa tiên tri về một công cuộc sáng tạo và cứu độ mới bằng nước. Đó là những bản văn nói về cuộc tạo dựng ban đầu, sự sa ngã, trận lụt hồng thủy, câu chuyện sát tế Isaac, biến cố các thiên thần vượt qua cửa nhà người Do Thái để tàn sát các con trai đầu lòng của người Ai Cập, cuộc vượt qua Biển Đỏ và hành trình tiến vào Đất Hứa.
Khi bóng tối đã trùm kín không gian cũng là lúc chủ đề nói trên được thể hiện bằng nghi thức sáng tạo mới qua nước của Phép Rửa, nhất là Phép Rửa cho người trưởng thành. Vốn là một nét đặc trưng của Đêm Canh Thức Phục Sinh, nghi thức này bắt đầu với việc làm phép nước Phục Sinh một cách trọng thể. Trong khi cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh, cây Nến Phục Sinh cháy sáng được cắm vào nước, và dầu thánh cũng được chế vào hòa lẫn với nước. Giờ đây, những người dự tòng – thường đã được chuẩn bị từ vài năm trước – sẽ tuyên hứa từ bỏ mọi ảnh hưởng của Satan trên con người cũ của mình; họ tuyên xưng đức tin, lãnh nhận Phép Rửa, được xức dầu và mặc áo trắng. Vào thế kỷ thứ 5, trong Giáo Hội Rôma có thực hiện việc xức dầu lần thứ hai do đức giám mục – và đây chính là dạng ban đầu của bí tích Thêm Sức.
Trong những thế kỷ đầu tiên, người ta có thói quen trao sữa và mật ong đã được làm phép cho những người mới lãnh nhận Phép Rửa. Cử chỉ này có ý nghĩa rằng người mới lãnh Phép Rửa là người còn non nớt trong đức tin, gọi là tân tòng. Cử chỉ ấy cũng ám chỉ rằng họ vừa mới tiến vào miền Đất Hứa mới “chảy tràn sữa và mật ong”. Việc thực hành nói trên, có tầm vóc đánh dấu một mốc điểm quan trọng trong cả đời sống, vốn là một thực hành được vay mượn từ các thần thoại ngoại giáo. Cuối cùng, gần lúc tờ mờ sáng, những người mới lãnh Phép Rửa sẽ rước Thánh Thể lần đầu cùng với cộng đoàn tín hữu.
b. Ý nghĩa
Việc tưởng niệm Đức Kitô chịu chết và sống lại đạt tới cao điểm trong đêm nay. Đêm nay là đêm thánh của người Kitô hữu. Đêm nay cộng đoàn Kitô hữu ôn lại tất cả lịch sử cứu độ, từ buổi khai sinh lập địa và việc dân Israel ra khỏi Aicập cho đến việc Đức Giêsu sống lại và được tôn vinh trên trời. Thánh Augustin, trong tác phẩm “ Sermo ” đã coi Canh thức Vượt Qua trong đêm Vọng Phục Sinh là “ Mẹ của mọi lễ Canh Thức ”. Khi cử hành Canh thức này, Giáo hội canh thức để mong đợi Chúa Kitô sống lại và cử hành mầu nhiệm Phục sinh ấy trong các bí tích. Vì thế, mọi cử hành trong đêm Canh thức Vượt Qua phải được tổ chức vào ban đêm, nghĩa là khi bắt đầu đêm tối và kết thúc trước rạng đông ngày Chúa nhật. (x. Sách lễ Roma, Quy định tổng quát về năm phụng vụ và Niên lịch, số 21)
Đêm nay, người Kitô tận hưởng niềm vui Chúa Phục Sinh sau 40 đêm ngày ăn chay, hãm mình và cầu nguyện. Đêm nay, niềm vui của người Kitô hữu được thể hiện qua việc đi từ đêm tối đến ánh sáng, đi từ cõi chết âm u tiến vào cõi sống tưng bừng hoan hỷ. Đêm nay người Kitô hữu được mời gọi theo lời khuyên của Đức Kitô, họ cầm đèn sáng trong tay giống như những người đang tỉnh thức đợi chủ trở về để đưa họ vào bàn tiệc. Đêm nay, họ được nếm trước niềm vui của thánh Giêrusalem trên trời. Vì thế, đêm nay, họ hát vang lời Allêluia! Mừng Chúa Phục Sinh!
Lời Kết
Biến cố Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại xảy ra trong bối cảnh lễ Vượt Qua, là cử hành quan trọng nhất trong niên lịch của người Do thái. Ngày quan trọng nhất đối với người Do thái đã trở thành ngày thánh thiêng nhất đối với người Kitô hữu. Việc cử hành phụng vụ Tam nhật thánh không dừng lại ở việc hướng về, tưởng nhớ một sự kiện lịch sử chan hòa ý nghĩa xúc động và đầy sức tác động, nhưng quan trọng trên hết chính là tái diễn cách sống động sự kiện Đức Giêsu đã chết và sống lại trong hiện tại và kéo dài đến tương lai. Vì thế, cuộc sống của người Kitô hữu được mời gọi nối dài các mầu nhiệm của Đức Kitô, đặc biệt là Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Chúng ta được mời gọi biết chết với Đức Kitô để rồi cũng được sống lại với Ngài. Chính là Chúa Giêsu Kitô là sức mạnh, bình an và nguồn mọi ơn phúc của mỗi người chúng ta.
Lược trích Phụng Vụ Tuần Thánh Nguồn Gốc, Ý Nghĩa Và Việc Cử Hành