Cha Lucas Perozzi, người Brazil
“Cuộc sống của họ là cuộc sống của tôi, số phận của họ là số phận của tôi.” Đó là những lời của cha Lucas Perozzi, một linh mục người Brazil đang truyền giáo tại Ucraina. Đang sống trong cảnh chiến tranh ở Ucraina nhưng cha Lucas từ chối rời đất nước này. Cha cảm động trước nhiều tấm gương hy vọng mà cha đã chứng kiến trong cuộc xung đột này.
Cha Lucas đã ở Ucraina từ năm 2004. Khi còn trẻ, cha đã tham dự một cuộc gặp gỡ của phong trào Con đường Tân Dự tòng ở Ý và cuối cùng được mời đến Ucraina, nơi cha trở thành một linh mục. Hiện nay cha đang ở Kiev, thủ đô của Ucraina. Kể từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, cha và ba linh mục khác đã tiếp đón khoảng 30 người tại giáo xứ Đức Trinh Nữ Maria. Mặc dù không khoẻ và có thể rời khỏi Ucraina nếu muốn, cha quyết định ở lại với những người cha đến để phục vụ và yêu thương.
Cha Lucas giải thích với tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” của Toà Thánh: “Trong thời kỳ chiến tranh này, người dân không thể ở trong nhà riêng của họ mà phải qua đêm trong boongke và trong các nhà ga dưới lòng đất. Thật là khủng khiếp, bởi vì những nơi này lạnh lẽo, bẩn thỉu và rất tối. Họ sợ hãi, kinh khiếp. Những người đến ở với chúng tôi bây giờ có thể ngủ qua đêm, trong bầu không khí yên bình, bất chấp chiến tranh. Ở đây có tình liên đới huynh đệ, mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Khi ai đó thất vọng, buồn sầu và sợ hãi, sẽ có ai đó giúp đỡ họ.” Cha cho biết rằng âm thanh của chiến tranh đã vang lên suốt cả ngày. Hàng hóa cũng đang khan hiếm dần. “Một số cửa hàng vẫn mở cửa, nhưng các kệ hàng của họ ngày càng trống trải. Thuốc men cũng bắt đầu cạn kiệt.” (CSR_1336_2022)
Cha Pedro Zafra, người Tây Ban Nha
Một linh mục khác cũng thuộc phong trào Con đường Tân dự tòng, cũng đang sẵn sàng ở lại Ucraina với đoàn chiên của mình. Đó là cha Pedro Zafra, 31 tuổi, một linh mục đến từ Córdoba, Tây Ban Nha. Cha đến Kiev vào năm 2011 để được đào tạo làm linh mục và được chịu chức linh mục hồi tháng 6/2022. Hiện cha đang phục vụ tại giáo xứ Đức Mẹ Hồn xác lên trời ở thủ đô của Ucraina.
Mặc dù chiến tranh bùng nổ, nhưng vị linh mục này vẫn quyết định ở lại với giáo dân của mình và không rời bỏ Ucraina. Cha nói rằng “đó là một cuộc chiến nội tâm”, và cho biết cha đã tìm thấy câu trả lời trong lời cầu nguyện từ đoạn Phúc âm “nói về sứ vụ truyền giáo và sự hỗ trợ của ơn Chúa để thực hiện nó”, và đó là lý do tại sao cha quyết định ở lại.
Cho đến ngày 24/2/2022, khi Nga bắt đầu xâm lược Ucraina, cuộc sống trong giáo xứ của cha vẫn giống như bất kỳ nơi nào khác. Nhưng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, giáo xứ đã trở thành một trung tâm tiếp nhận, nơi hơn 20 giáo dân phải trú ẩn dưới tầng hầm vì nhà của họ không đủ an toàn.
Cha Zafra khẳng định: “Tôi không phải là anh hùng. Tôi không thể tự mình giải quyết tình huống này. Chính Chúa là Đấng ban cho tôi sức mạnh thông qua lời cầu nguyện và các bí tích.” Cha giải thích: “Có những lúc tôi trở nên hơi lo lắng trong sự vô nghĩa khi về mặt con người tôi không hiểu lý do của những gì đang xảy ra, nhưng bây giờ tôi đã tìm thấy nhiều ý nghĩa hơn trong lời cầu nguyện và các bí tích, những điều ban cho tôi ân sủng để không bỏ trốn và kiên trì với những người đang đau khổ.”
Cha cho biết cộng đoàn trong thời chiến của cha thức dậy lúc 7:30 sáng, cùng nhau cầu nguyện, ăn sáng và sau đó dành cả buổi sáng để làm các công việc khác nhau. Cha thường đến thăm những người bệnh và người già không thể rời khỏi nhà của họ, mang Mình Thánh cho họ và bất cứ thứ gì họ có thể cần.
Ngoài ra, giáo xứ Đức Mẹ Hồn xác lên trời còn là một trung tâm phân phối viện trợ nhân đạo vì rất nhiều người, kể cả những người ngoại đạo, đến đây mỗi ngày để xin giúp đỡ về vật chất và tài chính.
Phần lớn các dịch vụ cơ bản như trạm xăng, siêu thị và nhà thuốc vẫn mở cửa. Cha Zafra cho biết rằng họ đi lại bình thường, mặc dù đôi khi họ nghe thấy tiếng nổ ở xa.
Giáo xứ cũng tiếp tục các hoạt động tương đối bình thường, mặc dù họ đã dời Thánh lễ lên sớm hơn để các tín hữu có thể trở về nhà trước giờ giới nghiêm, và đôi khi trước nguy cơ có thể bị đánh bom, họ đã chuyển xuống cử hành Thánh lễ ở tầng hầm. Trong những tuần gần đây, họ đã cử hành hai Thánh lễ Rước lễ Lần đầu và ba lễ cưới.
Cha Zafra cũng lưu ý rằng vào tháng trước, số người tham dự thánh lễ đã tăng lên. Cha giải thích về điều này: “Mọi người đến để tìm kiếm câu trả lời cho sự đau khổ. Trước đây họ có công việc, dự án cuộc đời của họ và bây giờ tất cả điều đã biến mất, họ không còn bất kỳ sự an toàn nào nữa và họ đang tìm kiếm câu trả lời từ Chúa.”
Cha nhấn mạnh đến nỗi đau khổ tột cùng của người dân Ucraina: “Có rất nhiều căng thẳng, lo lắng cho an ninh, cho chính cuộc sống của mình. Sự không chắc chắn phát sinh bởi việc họ không biết điều gì sẽ xảy ra; họ sống từ ngày này sang ngày khác. Chúng tôi không biết liệu mình có còn sống vào ngày mai hay không.”
Hồng Thủy – Vatican News