PHÓ MÌNH TRONG TAY CHÚA CHA
Trình thuật về cuộc thương khó của Chúa, giúp chúng ta theo Chúa Giêsu từ phòng tiệc ly đến chân thánh giá. Trong biến cố này, có sự phản bội của Giuđa, sự hận thù ghen ghét của các kỳ mục Do Thái, sự thay lòng đổi dạ của quần chúng đám đông. Nhưng trên hết, đó là sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với thánh ý của Chúa Cha. “Người đã yêu thương đến cùng,” Thánh Gioan nói với chúng ta như vậy (Ga 13,1). Ðức Giêsu như một người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa được loan báo trong ngôn sứ Isaia. Người mang trên đôi vai mình tội lỗi của nhân loại. Người không dùng bạo lực đối lại với bạo lực, không dùng lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa. Người là con chiên vượt qua mà người Do Thái vẫn giết trong Ðền thờ vào dịp lễ để kỷ niệm cuộc xuất hành khỏi Ai Cập. Máu của Người đổ ra là hy lễ xá tội muôn dân.
Trước biến cố thập giá, Chúa Giêsu luôn phó thác nơi cánh tay Chúa Cha. Người sẵn sàng đón nhận cái chết để làm chứng cho lời mình rao giảng. Người đến trần gian để thực hành thánh ý của Chúa Cha. Người chấp nhận mọi sự, miễn là ý của Chúa Cha được thành tựu. Lời cầu nguyện: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” đã diễn tả niềm tín thác kỳ diệu ấy. Trong sa mạc, đã có lần ma quỷ thách thức Người gieo mình từ trên nóc Ðền thờ xuống. Nếu khi ấy, Người đã không gieo mình xuống theo thách thức của tên cám dỗ, thì giờ đây, Người lại hoàn toàn phó thác mà gieo mình vào lòng Chúa Cha. Người không tính toán, không băn khoăn, nhưng một niềm tin tưởng nơi Chúa Cha.
Thập giá là trung tâm điểm của nghi thức phụng vụ Tuần Thánh. Hai mươi thế kỷ đã qua, các tín hữu được mời gọi nhìn lên thập giá để cảm nhận lòng xót thương của Thiên Chúa. Thập giá là một mầu nhiệm mà trí khôn loài người không thể suy thấu. Quả thật, làm sao có thể lý giải được việc Thiên Chúa chịu đau khổ và chịu chết? Làm thế nào để hiểu sự kiện một Thiên Chúa quyền năng lại chấp nhận chịu bắt bớ, hy sinh và cuối cùng phải chết một cách nhục nhã trên cây thập giá?
Quyền năng Thiên Chúa ở đâu nơi thập giá? Có một câu trả lời duy nhất và ngắn gọn, đó là tình thương. Cũng như chỉ có tình thương mới giúp người mẹ hy sinh khuya sớm để chăm sóc đứa con bệnh tật lâu năm mà không một lời phàn nàn oán trách, chỉ có tình thương mới dẫn đưa Ðức Giêsu đến việc chấp nhận khổ đau và chết trên thập giá. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để tất cả những ai tin vào Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
Vụ án Chúa Giêsu không chỉ là câu chuyện của quá khứ, nhưng là của ngày hôm nay. Tại một số nước, vẫn có các Kitô hữu bị thảm sát, là nạn nhân của mối thù hận. Ðây đó trên thế giới, vẫn còn những người vô tội bị giết. Bóng thập giá vẫn phủ ngang qua mọi mảnh đời bất hạnh, phá vỡ hạnh phúc, xói mòn niềm tin. Ðấng Cứu thế vẫn đang bị hành hình nơi những người nghèo khổ, người di dân lánh nạn và người cô thế cô thân. Thập giá là tiếng kêu hãy ngưng bạo lực và đối xử với nhau cho xứng tình người. Một điều lạ lùng là, chính khi Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá là lúc mọi người nhận ra Người là Con Thiên Chúa, trong khi trước đó họ nhạo báng Người. Viên đại đội trưởng là đại diện cho dân ngoại, và dân chúng có mặt lúc bấy giờ đều đấm ngực ăn năn. Họ đã nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng Công chính. Khi chiêm ngưỡng và suy ngắm mầu nhiệm thập giá, chúng ta cũng hãy nhận ra nơi con người chịu treo trên thập giá là Ðấng Cứu độ trần gian. Thập giá cũng mời gọi chúng ta noi gương Chúa Giêsu, phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu, để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống trần gian. Ðó là niềm tín thác trọn vẹn của người con nơi cha mình, biết rằng bao giờ cha cũng muốn những điều tốt lành cho con và làm mọi sự để con được sống vui và hạnh phúc.
Bài Thương Khó kết thúc trong bầu khí trầm lắng suy tư. Mỗi người chúng ta có thể nhận ra mình là một nhân vật trong “vở kịch thương khó” mà thánh sử đã thuật lại. Dù chúng ta là nhân vật nào đi nữa, lời mời gọi nhận ra tình thương vô bờ của Thiên Chúa vẫn đang thôi thúc.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên