Suy niệm Chúa Nhật Lễ Lá năm C
Bài Thương Khó: Lc 22,14-23,56.
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “ba thập giá”.
Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét… tác giả như muốn nói rằng: không chừa một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chuẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt (tác giả của bức tranh).
Tại sao giữa đám đông của những kẻ đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra để giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng: chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói rằng, mọi người đều được dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá…
Thưa anh chị em,
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây 2000 năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để từ chối trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
Tuy nhiên, dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Đức Kitô trên thập giá là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm, bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đau đớn như thế? Mầu nhiệm, bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa 2000 năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đinh đóng vào thân thể Ngài…
Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá, nơi Ngài đã bị treo lên trong tủi nhục đau đớn. Nhìn lên thập giá của Ngài để thấy được án phạt của tội lỗi. Nhìn lên thánh giá của Ngài để thấy được tình yêu bao la của Thiên Chúa. Phải, bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.
Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm nếm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn…
Nhìn lên thập giá Chúa để cảm nếm được ơn tha thứ của Ngài. Như thế, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa hơn.