Hỏi – Đáp thứ Sáu Tuần Thánh
(Dựa theo bản văn: Paschale Solemnitatis (viết tắt: Ps) – Đây là
Thông tư của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích về việc chuẩn bị và cử hành Đại Lễ Phục Sinh, ngày 16.1.1988)
NHỚ THẬT KỸ: Thương Khó Chúa của ngày hôm nay có vị trí quan trọng và ý nghĩa trổi vượt hơn các hình thức đạo đức. (X. Ps. 27)
*******************************************
1/ H: Giáo Hội cử hành Thứ Sáu Tuần Thánh với ý nghĩa gì?
Đ: Vào ngày này, khi “Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua chịu hiến tế”, thì Giáo hội chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Chúa và Hôn Phu của mình, tôn thờ thánh giá, tưởng niệm mình đã xuất phát từ cạnh sườn Chúa Kitô đang an giấc trên thánh giá, và cầu xin cho cả thế giới được ơn cứu độ. (x. Ps. 58)
2/ H: Thứ Sáu Tuần Thánh có cử hành Thánh Lễ không?
Đ: Theo truyền thống xa xưa, hôm nay Giáo hội không cử hành thánh lễ: Mình Thánh Chúa chỉ được trao cho tín hữu trong Nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa mà thôi; tuy nhiên, vào bất cứ lúc nào trong ngày, cũng có thể mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân nào không thể tham dự nghi thức được. (x. Ps. 59)
3/ H: Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, toàn Giáo Hội tuân giữ điều gì?
Đ: Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày của sám hối, ăn chay và kiêng thịt, phải tuân giữ trên toàn Giáo hội. (x. Ps. 60)
4/ H: Có những nghi thức nào được cử hành và không được cử hành vào Thứ Sáu Tuần Thánh?
+ Trừ Bí tích Hòa Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân, Giáo Hội không cử hành Bí Tích nào cả. (Nếu tổ chức nghi thức an táng thì không hát, không đàn, không chuông, không chiêng trống.) (x. Ps. 61)
+ Nếu có thể, hôm nay nên cử hành giờ Kinh Sách và Kinh Sáng chung với giáo dân tại các nhà thờ. (x. Ps. 62)
+ Vào khoảng 3 giờ chiều, cử hành cuộc Thương Khó của Chúa. Nếu lý do mục vụ đòi hỏi, thì có thể cử hành vào giờ thuận tiện để qui tụ giáo dân dễ dàng hơn, ví dụ, sau 12 giờ trưa hay vào ban tối song đừng trễ hơn 9 giờ đêm. (x. Ps. 63) (Như Gx. Hiển Linh của chúng ta cử hành lúc 18h00)
5/ H: Thứ tự cử hành cuộc Thương Khó của Chúa diễn ra như thế nào?
Đ: Thứ tự cử hành cuộc Thương Khó của Chúa: Phụng vụ Lời Chúa, Kính thờ Thánh Giá và rước Mình Thánh Chúa, có nguồn gốc từ truyền thống xa xưa của Giáo hội. Do đó, mọi người phải trung thành và sốt sắng tuân giữ; không ai được thay đổi theo sáng kiến của mình. (x. Ps. 64)
6/ H: Vì sao linh mục phủ phục trước khi bước vào nghi thức?
Đ: Linh mục và các thừa tác viên cung kính bái chào bàn thờ và linh mục phủ phục xuống đất. Cử chỉ phủ phục này chỉ dành riêng cho nghi thức của ngày này, phải tuân giữ nghiêm túc vì nó biểu lộ vừa là sự nhục nhã của “con người trần tục”, vừa là sự sầu khổ và đau buồn của Giáo hội.
Khi linh mục và các thừa tác viên tiến vào, giáo dân đứng lên; và rồi khi linh mục phủ phục thì mọi người quỳ xuống và cầu nguyện trong thinh lặng. (x. Ps. 65)
7/ H: Cử hành phụng vụ Lời Chúa trong ngày này như thế nào?
Đ: Phải đọc tất cả các bài đọc đầy đủ. Thánh vịnh đáp ca và tung hô Tin Mừng phải hát như thường lệ. Bài Thương Khó theo Thánh Gioan có thể hát hoặc đọc theo cách thức như đã thực hiện vào Chúa Nhật Lễ Lá (x. số 33).
Kết thúc bài Thương Khó nên có bài giảng, sau bài giảng thì mời mọi người suy niệm giây lát trong thinh lặng. (x. Ps. 66)
8/ Tiếp sau phần phụng vụ Lời Chúa?
Đ: Lời cầu nguyện cho mọi người tiếp theo phần phụng vụ Lời Chúa và được cử hành theo cách thức cổ truyền. Các lời nguyện được sắp xếp theo lĩnh vực nhằm biểu thị cách rõ ràng cuộc Thương Khó của Chúa Kitô có giá trị cứu độ cho toàn thế giới. Trong trường hợp cộng đoàn có nhu cầu đặc biệt quan trọng, Đấng Bản quyền địa phương có thể cho phép hoặc ấn định những lời nguyện đặc biệt. (x. Ps. 67)
Đặc biệt: Trong phần Lời nguyện trọng thể của nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Các Bí Tích qua Thư gửi các Giám mục về việc cử hành Tuần Thánh 2022 đã gợi ý: “chúng ta hãy thành tâm cầu nguyện cho anh chị em chúng ta đang phải trải qua hoàn cảnh khủng khiếp của chiến tranh, đặc biệt tại Ukraine.”
9/ H: Có lưu ý gì về việc Tôn kính Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh?
Lưu ý 1: Về việc kính thờ Thánh giá: Thánh giá dùng cho việc suy tôn phải có kích cỡ và mỹ thuật thích hợp, và làm sao Thánh giá này toát lên vẻ uy hùng của mầu nhiệm ơn cứu độ. Cả lời kêu mời khi mở khăn che Thánh giá và lời đáp của dân chúng phải hát ; và phải dành một khoảng thời gian thinh lặng để tôn thờ Thánh giá và cầu nguyện sau mỗi lần kêu mời, trong khi chủ tế vẫn đứng và nâng cao thánh giá. (x. Ps.68)
Lưu ý 2: Thánh giá được trưng bày để cho từng tín hữu tôn kính, vì việc kính thờ Thánh giá của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng nhất của nghi thức này. Nếu vì tín hữu tham dự quá đông thì linh mục cầm thánh giá lên và kêu mời mọi người cùng thờ lạy. (x. Ps. 69)
Lưu ý 3: Chỉ dùng một Thánh giá duy nhất trong nghi thức kính thờ nhằm diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa biểu tượng của nghi thức. (x. Ps. 70)
Lưu ý 4: Kết thúc buổi cử hành, lột khăn bàn thờ ; Thánh giá vẫn để lại và có thêm 4 cây nến cháy sáng. (x. Ps. 71)
10/ Tiếp sau nghi thức suy tôn Thánh Giá là gì?
Đ: Linh mục hát lời mời gọi cộng đoàn, và rồi mọi người hát Kinh Lạy Cha. Cử chỉ chúc bình an vẫn như thường lệ. Nghi thức hiệp lễ diễn tiến như được trình bày trong Sách Lễ.
Khi cho giáo dân rước Mình Thánh Chúa, thì ca đoàn hát Thánh vịnh 21 hoặc những bài thánh ca nào thích hợp. Sau khi cho rước lễ xong, mang Mình Thánh Chúa đựng trong bình thánh đến nơi đã dọn sẵn ở bên ngoài nhà thờ.
12/ H: Tinh thần của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh được kéo dài trong bao lâu?
Đ: Đến trước khi cử hành nghi thức Canh Thức Phục Sinh. Từ ngày Thứ Sáu đến Trước giờ Canh Thức Phục Sinh cần lưu ý:
+ Thứ Bảy Thánh, Giáo hội ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ tông ; đồng thời ăn chay và cầu nguyện để trông đợi Chúa Phục Sinh. Hôm nay, cố gắng hết sức để có thể cử hành giờ Kinh Sách và Kinh Sáng chung với giáo dân (x. số 40). Ở đâu không cử hành được thì cử hành Phụng vụ Lời Chúa hoặc làm các việc đạo đức khác thích hợp với mầu nhiệm cử hành hôm nay. (x. Ps. 73)
+ Nên trưng bày trong nhà thờ hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá, hoặc táng xác trong mồ, hoặc xuống ngục tổ tông minh hoạ mầu nhiệm ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, cũng như hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi, để giáo dân suy niệm và cầu nguyện. (x. Ps. 74)
+ Hôm nay, Giáo hội không cử hành một Thánh Lễ nào. Chỉ có thể cho rước lễ như Của Ăn Đàng. Cấm cử hành nghi thức hôn phối, cũng như các bí tích khác, trừ bí tích Hoà Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân. (x. Ps. 75)
+ Các tín hữu cần được chỉ dẫn ý nghĩa những dấu hiệu đặc biệt của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Những tục lệ và truyền thống lễ hội trong ngày này không được diễn ra trước cử hành Đêm Canh Thức Phục Sinh mà phải dành cho Đêm Canh Thức và ngày Lễ Phục Sinh. (x. Ps. 76)
12/ Các việc đạo đức được khuyến khích thực hành vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh cho đến khi cử hành nghi thức Canh Thức Phục Sinh là gì?
Đ: Các “việc đạo đức” có giá trị mục vụ cần quý trọng là: đi Đàng Thánh giá, kiệu Thương Khó, suy gẫm các sự thương khó Đức Mẹ, v.v… Tuy nhiên, các bản văn và thánh ca sử dụng phải thích hợp với tinh thần phụng vụ của ngày lễ này. Những hình thức đạo đức như thế phải được phân chia vào một thời giờ nào đó trong ngày, sao cho việc cử hành phụng vụ cuộc Thương Khó Chúa của ngày hôm nay có vị trí quan trọng và ý nghĩa trổi vượt hơn các hình thức đạo đức.. (x. Ps. 72)