Khi nói đến Lòng Chúa Thương Xót là chúng ta nghĩ đến các gia đình Lòng Chúa Thương Xót, Giáo Hội quan tâm cách đặc biệt về Gia đình và coi gia đình là đại dương của Lòng Thương Xót.
Con người trong xã hội ngày nay quá bận rộn, tất bật và hối hả. Vì thế, người ta không có thời giờ nhìn lại ngày sống của mình, để điều chỉnh, uốn nắn lại những cảm xúc và hành vi đã làm tổn thương nhau, thậm chí xé lòng những người thân yêu.
Trong đời sống gia đình, mỗi thành viên cần cảm nhận được Lòng Thương Xót của Chúa qua người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và người con của mình. Gia đình cần có những thời gian quây quần bên nhau như giờ cơm chung và giờ kinh tối. Tuy nhiên ngay cả trong những thời gian ấm cúng ấy, cũng rất cần sự lắng nghe để tìm hiểu và thông cảm với nhau. Chẳng hạn, người chồng sẵn sàng lớn tiếng với người vợ chỉ vì chị đã không dọn bữa điểm tâm sáng kịp giờ đi làm, mà không biết rằng cô ấy đã phải thức suốt đêm, chăm sóc đứa con đang đau ốm. Thay vì được mời gọi làm dấu chỉ của Lòng Thương Xót, chúng ta lại làm tổn thương nhau bằng thái độ, ngôn từ, hành vi rất vô tâm.
Có nhiều lúc sự vô tâm của con cái làm cha mẹ đau khổ mà chúng không hề nhận ra!. Cho nên, trong các sinh hoạt của gia đình, khi biết để ý, nhìn trước ngó sau và tạo sự thoải mái cho nhau, thì chúng ta đang tập sống Lòng Thương Xót.
Trong gia đình, cần bớt những câu nói đay nghiến, những cái nhìn khinh khỉnh, những cử chỉ hằn học, để tập sống Lòng Thương Xót đối với những người thân yêu. Cũng vậy, nếu cha mẹ không là nơi để con cái tin tưởng và chia sẻ, không trở thành bạn của con, thì có khi vô tình, chính cha mẹ xô đẩy con cái ra ngoài xã hội, nơi có rất nhiều cạm bẫy bủa vây.
Gia đình chính là “đại dương” của Lòng Thương Xót. Bởi lẽ, Lòng Thương Xót trong những con người cùng huyết thống thì rất rộng lớn, bao la và dạt dào như sóng biển dâng trào. Thủy triều có lúc hạ xuống, nhưng rồi nó lại dâng lên. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên nhủ các cặp vợ chồng: “Chúng con cứ việc cãi nhau. Nhưng phải làm hòa với nhau và tha thứ cho nhau trước khi đi ngủ”. Bởi vì, bản chất của yêu thương là tha thứ: Nếu không chịu tha thứ là không còn yêu thương. Thật vậy, Lòng Thương Xót mang ý nghĩa của sự sống và phát triển, nên ai có Lòng Thương Xót thì phải làm cho người khác sống triển nở, hạnh phúc và bình an.
Sống Lòng Thương Xót là trách nhiệm của bất cứ ai đã đón nhận Lòng Thương Xót từ Thiên Chúa. Năm Thánh Lòng Thương Xót là kết quả linh hứng của Chúa Thánh Thần dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô để tái lập lại tình yêu mẫu tử của Hội Thánh đối với các Tín hữu. Xin Chúa Thánh Thần giúp các gia đình chúng ta sống Lòng Thương Xót qua từng ánh mắt, lời nói và việc làm, để những người thân yêu trong gia đình, không còn cảm thấy bị hất hủi, bị bỏ rơi mà nhận ra được “Dung mạo Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa Tình Yêu.