Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (Ga 17, 20-26).
Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
“Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”.
+++++++
Thánh sử Gioan thuật lại cho chúng ta những lời trăn trối cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly trước khi Người bị bắt, bị xét xử, bị kết án và bị xử tử.
Trong phần đầu “di chúc”, Đức Giêsu dặn dò, khuyên nhủ và khích lệ các môn đệ của Người. Nhưng ngay sau đó, Đức Giêsu cảm thấy rằng những gì mình phải nói vượt xa những lời nhắn nhủ này và chỉ có lời cầu nguyện mới diễn tả được những gì Người cảm nhận. Vì thế, thay vì nói với các môn đệ, Người cầu nguyện với Chúa Cha. Đó là điều mà chúng ta nghe trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay.
“Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta.” Điều mong ước của Đức Giêsu đối với Giáo Hội của Người, đó là sự hiệp nhất. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trên đây cho chúng ta thấy sự sáng suốt tuyệt vời của Người. Người biết trước sẽ có hàng triệu người tin vào Người và Người cũng biết trước thảm họa lớn sẽ xảy ra với các môn đệ của Người chính là sự chia rẽ. Quả vậy, sự chia rẽ là một thực trạng, một đề tài thời sự đau thương. Trên thế giới hôm nay, có biết bao sự đối nghịch, loại trừ, chia rẽ và hận thù! Giáo Hội cũng không tránh khỏi những thực trạng đó.
Khi nói về sự hiệp nhất, chúng ta luôn mơ ước về một sự hiệp nhất dễ dàng, nghĩa là những người không không cùng quan điểm với chúng ta phải gia nhập vào nhóm của chúng ta! Sự hiệp nhất theo ý Chúa muốn không phải là việc xóa bỏ những nét phong phú riêng biệt của mỗi người hoặc của mỗi nhóm. Giáo Hội phải xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng những khác biệt chính đáng. Chỉ có một Chúa, một phép rửa, một đức tin, nhưng có nhiều cách khác nhau để diễn tả đức tin.
Chúng ta lấy một ví dụ: các nhà truyền giáo công giáo không thể sử dụng cụm từ “tình yêu Thiên Chúa” với dân tộc Khơ-me (Khmer) ở Campuchia được. Lý do là những người Khơ-me thường sử dụng từ “tình yêu” để diễn tả mối quan hệ giữa hai người, đặc biệt là tình yêu tình dục. Đó là một sự ràng buộc thể hiện sự thiếu thốn của người đang yêu. Mặt khác, trong tiếng Khơ-me, không có từ nào để dịch ra từ “Chúa”. Theo vũ trụ học của người Khơ-me, các vị thần, vô hình, thuộc về thế gian; các vị thần này cũng có đam mê tình dục và có thể đầu thai thành con người hoặc động vật. Thân phận của họ chỉ thuận lợi hơn con người một chút. Còn Đức Phật ở thế giới bên kia, ở cõi Niết Bàn là nơi không còn đam mê nữa, nên Ngài cao siêu hơn tất cả các vị thần này. Vì thế, các vị thừa sai công giáo đã dịch “tình yêu Thiên Chúa” dành cho con người bằng từ “từ bi”, một từ quen thuộc đối với các tín đồ Phật giáo. Thiên Chúa là Đấng Từ Bi. Thật vậy, Thiên Chúa không bị xáo trộn nội tâm bởi sự thiếu vắng của người khác, nhưng Ngài đoái nhìn con người với lòng từ bi, trắc ẩn. Từ này được người Khơ-me hiểu ngay lập tức, như là phẩm chất tối cao của thần thánh.
Để giới thiệu và trình bày một Chúa Giêsu, phải cần bốn sách Tin Mừng, tại sao chúng ta không chấp nhận các cách giải thích và sống Tin Mừng khác nhau trong Giáo Hội và trên thế giới?
Trong thư gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 12, 12-30), thánh Phao-lô dùng hình ảnh các chi thể trong cùng một thân thể để nói về Giáo Hội trong sự đa dạng, phong phú, trong sự bổ túc và liên đới của mỗi thành viên. Thân thể có nhiều chi thể khác nhau. Tay, chân, mắt, mũi, tai và các chi thể khác đều phải cộng tác chặt chẽ với nhau để làm cho thân thể nên mạnh mẽ, và cùng liên đới chịu trách nhiệm với nhau về sự phát triển của thân thể. Cũng thế, mỗi người chúng ta đều là một chi thể của Giáo Hội. Tuy khác nhau về trình độ, về nhân sinh quan… mỗi người đều phải cộng tác với nhau để Giáo Hội được phát triển và liên đới chịu trách nhiệm về sự phát triển ấy.
Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, cho tất cả các thành viên biết sống hiệp nhất trong sự tôn trọng nhau với những khác biệt, biết lắng nghe và đối thoại. Hiệp nhất nhưng không đồng nhất, đa dạng trong hiệp nhất, đa diện trong hiệp thông. Lúc đó, Giáo Hội sẽ được ví như một vườn hoa muôn sắc, muôn hương, trong đó mỗi thành viên là một loài hoa với hương sắc khác nhau để tô điểm cho vườn hoa thêm rực rỡ.
Ôi đẹp thay, phong phú thay, Giáo Hội của Chúa Kitô!
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa