Suy Niệm 1. ĐỂ TƯỞNG NHỚ ĐẾN THẦY
Vào lúc này hay lúc khác, tất cả chúng ta không được ai biết đến hoặc làm lơ. Điều ấy làm chúng ta rất khổ sở. Chúng ta cảm thấy việc chúng ta làm không được thừa nhận và chính chúng ta bị đối xử như thể chúng ta thật sự không có gì đáng kể.
Nhưng có một điều còn tệ hơn việc chúng ta không được biết đến. Chúng ta có thể bị bỏ quên. Điều này còn làm chúng ta khổ sở hơn. Điều đó không chỉ ở chúng ta có ít giá trị mà ở chỗ không có giá trị nào cả. Như thể chúng ta đã không hiện hữu.
Đức Giêsu cũng muốn đước tưởng nhớ. Đêm trước khi Người sắp chết, khi Người ngồi ăn với các môn đệ, Người cầm lấy bánh và nói: Đây là mình Thầy bị nộp vì các con: Rồi Người cầm lấy chén rượu nho và nói: “Này là chén máu Ta… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Dĩ nhiên, Đức Giêsu không đòi các môn đệ tưởng nhớ chỉ vì nhu cầu riêng của Người. Người cũng nghĩ đến các môn đệ của Người. Họ cũng cần nhớ đến Người. Vì tình yêu của Người đối với họ. Người đã để lại cho họ một phương thế đặc biệt để họ nhớ Người tức là Thánh Thể.
Mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Lễ, chúng ta nhắc lại một vài việc làm và lời nói kỳ diệu của Người. Chúng ta suy nghĩ về những điều ấy và áp dụng vào đời sống chúng ta. Nhưng Thánh Lễ còn kỳ diệu hơn thế nữa.
Khi chúng ta nhớ đến theo cách ấy, Người trở nên hiện diện với chúng ta. Không phải bằng thể chất, nhưng là hiện diện thật.
Qua Thánh Thể một dây liên kết được hình thành ở giữa chúng ta, với kết quả là chúng ta có thể bước vào sự thân mật sâu xa với Người hơn cả khi Người hiện diện bằng thể chất. Chúng ta không chỉ giao tiếp với Người nhưng ở trong sự hiệp thông với Người, một sự hiệp thông thánh thiện.
Trí nhớ là một khả năng quý giá. Nó liên kết chúng ta với người khác và các biến cố không còn hiện diện với chúng ta nữa. Nếu chúng ta ấp ủ hồi ức về những người chúng ta yêu mến, họ trở nên hiện diện với chúng ta. Họ không chỉ là một hồi ức nhưng còn là một sự hiện diện mà chúng ta cảm thấy hơn là nhìn thấy. Khi tưởng nhớ đến họ, chúng ta tiếp tục thu hoạch một mùa gặt từ những gì họ đã gieo trồng khi họ còn sống giữa chúng ta.
Tưởng nhớ đến Đức Giêsu còn sinh lợi hơn biết bao, đặc biệt trong cách mà Người yêu cầu chúng ta nhớ đến Người.
Suy Niệm 2. TRONG ĐÊM NGƯỜI BỊ PHẢN BỘI.
Đêm hôm trước ngày Người chết, Đức Giêsu ngồi vào bàn tiệc với các Tông đồ. Nhóm nhỏ quy tụ xung quanh bàn tiệc gợi lên sự gần gũi, thân mật, ấm cúng, tín thác và yêu thương. Nhưng nếu có phản bội bước vào trong khung cảnh ấy thì sự chia cắt tình cảm càng sâu xa hơn, và tổn thương gây ra càng nhiều hơn. Khi sự rạn nứt xảy ra giữa những người rất thân nhau thì sự giải quyết gay go hơn so với những người không thân nhau đến thế.
Giuđa cũng đã có mặt. Tại sao ông ta lại tham dự bữa Tiệc Ly khi mà ông ta đã có ý định phản bội Đức Giêsu? Có lẽ, ông ta muốn tạo ra cảm tuởng rằng mọi việc vẫn bình thường, và do đó Đức Giêsu sẽ không có chút nghi ngờ nào.
Bản tường thuật của bữa Tiệc Ly của Phaolô là bản cổ nhất mà chúng ta có trong Tin Mừng. Ông viết: “Trong đêm Người bị phản bội, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em hãy cầm lấy bánh mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”.
Một câu đập vào mắt của chúng ta. Đó là “Trong đêm Người bị phản bội”. Chính trong đêm ấy chứ không phải một đêm nào khác. Thay vì đoạn tuyệt với các Tông đồ, Người cho họ một dấu chỉ của tình yêu Người: Người ngồi ăn bữa tối thân mật với họ. Rồi Người nói: “Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”. Đó là cách mà họ phải nhớ đến Người. Chính trong đêm đó, một người trong bọn họ đã phản bội Người.
Chúng ta không nên nghĩ rằng Đức Giêsu không bị sự phản bội của Giuđa làm tổn thương. Người đã bị tổn thương một cách sâu xa. Thánh Gioan nói rằng khi Người bắt đầu nói về kẻ phản bội “Người đau buồn sâu sắc”. Và chắc chắn là thế. Người đã đích thân tuyển chọn và đào tạo Giuđa. Giuđa đã nghe những lời Người giảng dạy và chứng kiến những phép lạ của Người. Giuđa là một người trong vòng thân cận. Thế mà giờ đây, ông ta định phản bội Người. Sự phản bội của một người bạn càng gây ra nhiều sự tổn thương và khó khăn hơn khi đối phó với sự phản bội của một kẻ thù.
Đối phó với sự phản bội là một việc rất gay go. Tuy nhiên, những người bị phản bội có thể có được niềm an ủi từ sự kiện Đức Giêsu đã cảm thấy bị phản bội như thế nào. Họ không thể cho rằng mình không bị phản bội làm tổn thương. Đức Giêsu cho thấy Người bị tổn thương như thế nào và đã bộc lộ bằng lời nói. Điều quan trọng là chúng ta phải đối phó với sự tổn thương như thế nào. Nó có thể làm cho chúng ta chua chát hơn và cám dỗ chúng ta trả thù.
Dù cảm thấy bị tổn thương, Đức Giêsu không trả đũa Giuđa. Người cũng đã từ chối bêu xấu ông ta trước mặt những người khác. Nhưng khi đưa cho Giuđa miếng bánh nhỏ (một cử chỉ bạn bè), Người để ông ta biết rằng Người biết kế hoạch của ông ta. Và khi từ chối lấy tay chỉ thẳng vào ông ta, Người để cánh cửa mở rộng cho ông ta quay lại với tập thể.
Điều Giuđa làm cũng gây ra sự tổn thương cho các Tông đồ khác. Dẫu sao, ông ta cũng là một người của họ. Họ đã tin tưởng ông ta và cùng ông ta chia sẻ mọi việc. Họ nghĩ rằng họ biết ông ta, nhưng ông ta đã trở mặt làm một kẻ phản bội. Khi phản bội Giêsu, ông ta cũng đã phản bội họ.
Chúng ta không nhớ đêm ấy vì sự phản bội của Giuđa. Chúng ta nhớ đêm ấy vì ơn lành mà Đức Giêsu để lại cho chúng ta dù rằng có sự phản bội đó. Thánh Thể sẽ giúp đỡ chúng ta bình phục trước sự phản bội mà bàn tay người khác đã gây ra cho chúng ta. Và Thánh Thể cũng giúp chúng ta không trở thành kẻ phản bội của bất kỳ ai khác.
McCarthy