TIN MỪNG: Mt 13, 24-30
24 Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.
27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? ” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó! ” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? “
29 Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
Trước khi lắng nghe các dụ ngôn, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Đức Giê-su. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như thánh sử Mát-thêu tường thuật, Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi (13, 1-2)[1].
Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong giáo xứ của chúng ta, ngay gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.
1. Ngôn ngữ dụ ngôn
Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng, nói về Thiên Chúa bằng dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34). Và như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống; chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời, như thánh sử Mát-thêu tường thuật trong bài Tin Mừng:
Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn,
công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa. (c. 35)
Hơn nữa, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”.
Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giê-su thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào.
2. Dụ ngôn Người Gieo Giống và các dụ ngôn khác
Dụ ngôn Người Gieo Giống (13, 1-23) là dụ ngôn đầu tiên, vì thế là dụ ngôn của mọi dụ ngôn, là “dụ ngôn mẹ”. Thực vậy, dụ ngôn này mặc khải cho chúng ta “những điều được giữ kín từ thủa tạo thiên lập địa” (c. 35), đó là mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa trong Sáng Tạo, mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa trong Lịch Sử, ngang qua những mảnh đất khác nhau và những hình ảnh nói về tội và Sự Dữ, về mầu nhiệm Nhập Thể và về mầu nhiệm Vượt Qua. Do đó, các Tin Mừng kể về dụ ngôn này dài nhất: dụ ngôn Người Gieo Giống (c. 1-9); ngôn ngữ dụ ngôn (c. 10-17); giải thích dụ ngôn Người Gieo Giống (c. 18-23). Và vì tầm mức quan trọng của dụ ngôn Người Gieo Giống, nên Đức Giê-su đã trách các môn đệ, khi họ xin Người giải thích: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu các dụ ngôn khác” (Mc 4, 13).
Sau dụ ngôn Người Gieo Giống, Đức Giê-su kể thêm một loạt sáu dụ ngôn. Tùy theo nội dung, các dụ ngôn này có thể được sắp xếp như sau:
(A) Dụ ngôn cỏ lùng (c. 24-30)
(B) | Dụ ngôn hạt cải và nắm men (c. 31-33) |
Du ngôn kho tàng và ngọc quí (c. 44-46) |
(A’) Dụ ngôn mẻ lưới (c. 47-50)
Theo sự phân chia của lịch phụng vụ, dụ ngôn Người Gieo Giống và những dụ ngôn nêu trên, được công bố từ thứ tư tuần XVI thường niên, đến thứ năm tuần sau, tuần XVII thường niên (đó cũng là các bài Tin Mừng của các Chúa Nhật XV, XVI và XVII, phụng vụ năm A).
Như thế, khi nói về Nước Trời, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn : dụ ngôn Người Gieo Giống, dụ ngôn Cỏ Lùng, dụ ngôn Hạt Cải, dụ ngôn Nắm Men, dụ ngôn Kho Tàng, dụ ngôn Viên Ngọc và dụ ngôn Mẻ Lưới. Như thế, một dụ ngôn không thể diễn tả hết được mầu nhiệm Nước Trời ; và để hiểu và sống mầu nhiệm Nước Trời, chúng ta cần lắng nghe nhiều dụ ngôn ; vì mỗi dụ ngôn nói cho chúng ta một khía cạnh về mầu nhiệm Nước Trời.
- (1) Dụ ngôn cỏ lùng và mẻ lưới nói về thời điểm tận cùng chắc chắn sẽ xẩy ra và về hành động của chính Thiên Chúa tách biệt ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết, điều tốt và điều xấu, những người công chính và những người gian ác.
- (2) Dụ ngôn hạt cải và nắm men nói về sự lớn mạnh và viên mãn tất yếu của Nước Trời, do dù điểm khởi đầu rất nhỏ bé, giới hạn và khiêm tốn.
- (3) Hai dụ ngôn kho tàng và viên ngọc quí khá giống nhau, vì đều nói đến thời gian sống hôm nay và đến hành động của con người, hành động này là sự lựa chọn dứt khoát, triệt để và trong niềm vui hướng về điều rất cao quí mình hằng ao ước và tìm kiếm.
Các dụ ngôn này soi sáng cho nhau, bởi vì nếu nhóm dụ ngôn thứ nhất chất vấn chúng ta và làm cho chúng ta sợ hãi, thì nhóm dụ ngôn thứ hai và thứ ba mang lại cho chúng ta niềm hi vọng và chỉ ra cho chúng ta con đường vượt qua sự sợ hãi, đó là lòng khao khát và tìm kiếm « Điều Cao Quí ». Và « Điều Cao Quí », chính là Đức Ki-tô, là lựa chọn và dấn thân trọn vẹn, triệt để và dứt khoát để có được « Điều Cao Quí », như kinh nghiệm của chính thánh Phao-lô :
Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Phil 3, 7-8)
Còn một điều khác, rất thú vị, chúng ta cũng cần để ý, đó là, để giúp chúng ta hiểu Nước Trời, ngang qua các dụ ngôn, Đức Giê-su khởi đi từ những điều rất đời thường ở dưới đất, đó là hạt giống, cây lúa, cọng cỏ, đánh bắt cá, kho tàng, viên ngọc.
Do đó, chúng ta được mời gọi « bắt chước » Đức Giê-su, và nhất là dưới ánh sáng đến từ ngôi vị của Ngài, từ lời nói và hành động của Ngài và nhất là từ mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mời gọi nhìn, nghe và sống những thực tại đời thường trong thiên nhiên và trong đời sống của chúng ta, như là những « dụ ngôn » nói về Nước Thiên Chúa và nói về chính Thiên Chúa.
3. Dụ ngôn cỏ lùng và chiếc lưới (c. 34-30 và 47-50)
Thế giới chúng ta đang sống giống như cánh đồng lúa, trong đó có lúa, những cũng có cỏ, cỏ ở khắp nơi; hay giống như cá ở dưới biển : có đủ thứ cá, cá tốt và cá xấu. Các dụ ngôn, khi được hiểu dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, sẽ củng cố niềm hi vọng mỏng dòn của chúng ta.
Với dụ ngôn thứ nhất về cỏ lùng, chúng ta cần ghi nhận rằng, chính kẻ thù đã gieo điều xấu. Điều này có nghĩa là, điều xấu không đến từ chúng ta, nhưng đến từ bên ngoài, từ Con Rắn (x. St 3, 1-7). Sự thật này phải giải phóng chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi chết chóc, và cởi bỏ khỏi lòng chúng ta trách nhiệm hoàn toàn đối với sự dữ và tội lỗi. Sự dữ đến từ bên ngoài và mạnh hơn chúng ta ; vì thế, chúng ta là nạn nhân cần được thương cảm hơn là bị lên án. Nhưng nếu Sự Dữ mạnh hơn chúng ta, thì Thiên Chúa mạnh hơn Sự Dữ. Lịch sử cứu độ, mà điểm tới là Mầu nhiệm Vượt Qua, nói cho chúng ta chân lí này.
Dụ ngôn này nói cho chúng ta biết rằng cây lúa, nghĩa là sự thiện, vẫn được bảo vệ và gìn giữ cho đến cùng, nghĩa là cho đến mùa gặt. Vì thế, chúng ta không cần phải đối đầu với sự dữ để chống chọi với sức của chúng ta, bởi vì Đức Giê-su mời gọi chúng ta « Đừng chống lại kẻ dữ » (Mt 5, 39) ; trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su đã sống lời này của Ngài, và sống cho đến cùng. Hơn nữa, chúng ta đâu có chống lại được Sự Dữ (x. St 3, 1-7) ; và thực tế cho thấy, chúng ta hay dùng phương tiện của Sự Dữ để chống lại Sự Dữ. Nhưng chúng ta được mời gọi nhận ra và làm cho sinh hoa kết quả « phần đất tốt » vốn có nơi chúng ta, nhận ra « hạt giống » tốt lành đã được gieo, và vẫn được gieo cách quảng đại mỗi ngày. Bởi vì, chúng ta được dựng nên bởi Ngôi Lời (x. St 1 và Ga 1, 3), theo hình ảnh của Ngôi Lời và cho Ngôi Lời. Và chính Sự Thiện và những gì thuộc về Sự Thiện có sức mạnh lấn át Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ, tương tự như ánh sáng phá tan bóng tối một cách tự nhiên và tất yếu.
Theo hai dụ ngôn này, sự phân loại sau cùng là điều tất yếu, vì sẽ đến lúc ánh sáng, sự sống và sự thiện sẽ phải tách rời tuyệt đối khỏi bóng tối, sự chết và sự dữ ; đó là lúc chúng ta phải trở về với Chúa hay vào ngày tận thế, và thời điểm này có thể làm cho chúng ta sợ hãi, bởi vì chúng ta hay tự xếp loại mình. Chúng ta hãy để cho Chúa « xếp loại » chúng ta : chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được sinh ra và được tái sinh làm con Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Vì thế, trong Ngài, không còn bị lên án nữa (x. Rm 8, 1) : chúng ta là giống tốt sinh ra lúa tốt, chúng ta là « cá tốt » chứ không phải cá xấu, là chiên chứ không phải là dê (x. Mt 25, 31-46). Chúa mời gọi chúng ta nhận ra, ước ao và nỗ lực sống mỗi ngày căn tính của chúng ta, ngang qua sự mỏng dòn và những thăng trầm của cuộc sống.
Chắc chắn, chúng ta sẽ là những « người công chính » (c. 43) vào thởi điểm tận cùng của cuộc sống và của thời gian, vào thởi điểm mà chỉ còn một mình Thiên Chúa mới có thể hành động mà thôi. Chúng ta là những người công chính không phải là do nỗ lực của chúng ta, vì chúng ta không thể tự tạo cho mình đức công chính của Nước Trời xuất phát từ con tim (x. Mt 7, 17-48), nhưng là đức công chính đích thực mà Đức Ki-tô chết và phục sinh ban cho chúng ta, như thánh Phao-lo nói :
Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang (Rm 8, 30)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
————————————————-
[1] Hình ảnh này đã có thể nói cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi: đám đông sẽ xổ đẩy Ngài vào sự chết, và Ngài cứ để như thế, để làm cho dụ ngôn Người Gieo Giống được hoàn tất cách trọn vẹn: Người Gieo Giống gieo chính mình, vì ngôi vị của Ngài là Hạt Giống, sẽ sinh hoa kết quả gấp trăm, khi “được gieo” vào lòng đất.