Bài 19: CẢM NGHIỆM VỀ THIÊN CHÚA!
Thiên Chúa quá cao vời, uy quyền và huyền nhiệm. Chúng ta có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa như thế nào?
Trả lời:
“Sau này lớn, hai đứa cháu đi tu đi?!”
Hai đứa nhỏ nhìn nhau cười và tiếp tục hành trình dẫn bò đi ăn. Khi trời chạng vạng tối, người người tất bật trở về nhà, Liêm cũng dẫn bò về, cậu lại lấy cám gạo trộn với hèm rượu cho heo ăn thay bố mẹ còn đang mải ruộng vườn. Buổi tối sau bữa cơm, rửa chén bát xong, Liêm chẳng cần ai nhắc nhở đã yên vị trên gác sàn cỏn con để học bài.
Liêm thấm những gian khó của gia đình từ lúc có trí khôn. Cậu nhớ như in cảnh người ta rình bắt quả tang nhà Liêm đang nấu rượu không xin phép. Mặt bố cậu tái xanh cắt không ra máu trước đám người miệng la oang oang, hung hăng đập phá như thể gia đình này phạm tội tầy trời. Mẹ Liêm khóc trước cảnh cùng cực, tang hoang như chạy giặc… bốn đứa nhỏ nheo nhóc cũng khóc theo mẹ, miệng cũng lắp bắp van xin:
– Chú nhà nước tha cho mẹ cháu…
Tiếng khóc nỉ non của bọn trẻ yếu ớt trong tiếng nạt nộ quát tháo của người lớn, chẳng khác gì cảnh đày đọa thời cấm cách bắt đạo. Mặc cho sự van xin của người lớn và trẻ con, đám người mặt mũi hằm hằm sát khí cướp đi mấy cái nồi nấu rượu; đập bể mấy cái chum ủ cơm rượu của gia đình, làm cơm đang lên men chảy vương vãi trắng đục gian nhà, hơi men rượu tỏa ra cay nồng sống mũi… Đám người rút đi, gia đình Liêm lại gạt nước mắt dọn dẹp bãi chiến trường đổ nát. Bao gian khó của gia đình, Liêm đều cảm nhận. Cứ vậy, cuộc sống thăng trầm của gia đình Liêm trôi qua với những công việc bổn phận của những đứa trẻ biết thương gia đình.
Gia đình nghèo túng, kinh tế thiếu trước hụt sau, nhưng gia đình Liêm chẳng bao giờ thiếu lời kinh chung trong gia đình. Những lời kinh đã in đậm, nuôi dưỡng anh em Liêm lớn từng ngày, anh em Liêm thuộc kinh như cháo… Chỉ có điều càng lớn Liêm lại thắc mắc, Thiên Chúa ở đâu trong cảnh đau khổ của người nghèo, của chiến tranh loạn lạc, của bất công xã hội… Dường như Thiên Chúa quá cao vời, hình ảnh Ngài quá xa lạ với Liêm, Liêm chưa thể cảm nhận… thắc mắc đặt ra, người lớn chẳng trả lời được, hay chỉ đáp lại:
– Mày hỏi vớ vẩn quá! Tin thì cứ tin, đức tin là ơn Chúa ban.
Cứ vậy, những thắc mắc cứ dồn lại thành những khối u trong Liêm chưa được mổ xẻ. Đến lúc này, Liêm nghĩ mình tin, mà chẳng nghiệm như vậy có mù quáng không? Niềm tin của Liêm được nuôi dưỡng từ chính những ngày còn thơ ấu: đi lễ, đọc kinh, nghe những lời dạy bảo đầy xác tín của ông bà, bố mẹ về Thiên Chúa, về đức tin… Nhưng giờ đây, dường như suy nghĩ của Liêm đang đi ra ngoài quỹ đạo chung của gia đình dòng họ. Liệu rằng Liêm có đánh mất niềm tin Kitô Giáo truyền thống của gia đình? hay Liêm đang đi tìm một đức tin bền vững qua những thắc mắc của Liêm.
Kỳ thi đại học năm đó, bạn bè của Liêm chọn ngành nghề theo sở thích, năng khiếu… Có đứa còn chọn ngành học theo yêu cầu của bố mẹ, trong khi năng lực không ăn nhập gì với yêu cầu của phụ huynh. Riêng bố mẹ Liêm thì để cho cậu tự quyết định đến tương lai của mình. Bố Liêm cũng không muốn tạo áp lực lên con cái, ông hiểu rõ gia đình ông đã quá nhiều áp lực của cuộc sống, nên ông không muốn mình trở thành người uốn con theo một khuôn mẫu cứng nhắc. Tất nhiên, con hư thì phải dạy, phải uốn, chăm tỉa như bonsai thì mới thành người. Liêm thi khối B, cậu trúng tuyển ngành công nghệ sinh học – Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên (KHTN), ĐH Quốc Gia, TP. HCM và ngành Nha Khoa Đại học Y Dược, TP. HCM. Gia đình Liêm ngập tràn hạnh phúc, bố mẹ Liêm có chút âu lo khi con vào đại học. Đến lúc này thì bố mẹ Liêm lại mong Liêm sẽ chọn học nha sĩ vì nghe nói nghề này “hái ra tiền”…, nhưng cũng không dám tác động lên cậu vì ông bà hoàn toàn tôn trọng quyết định của con. Còn Liêm phân vân không biết chọn một trong hai nghề gì đây cho tương lai của mình. Cả tương lai phụ thuộc vào quyết định ở giây phút này, một nha sĩ, hay một người làm về môi sinh, trồng trọt… Cuối cùng, cậu chọn học công nghệ sinh học (ĐH KHTN) vì được ở Ký túc Xá (KTX) đỡ gánh nặng cho gia đình giữa nơi xa hoa, đắt đỏ.
Năm thứ nhất trôi qua khá nhẹ nhàng với những môn đại cương. Tết năm ấy, Liêm về thăm gia đình, cả nhà và Liêm đều mong chờ đến tết, tết đầu tiên của người “xì phố” trở về quê. Liêm háo hức một, bố mẹ cậu mong con mười. Bữa cơm gia đình đầm ấm tiếng cười trong câu chuyện ở trường ở quê làm ai cũng vui. Cậu rôm rả kể những chuyện ở KTX, việc học ở trường cho cả nhà nghe. Liêm cũng nhắc đến nhóm sinh viên Công Giáo của mình. Bố cậu cảm thấy hài lòng về Liêm, ông gật gù mỉm cười:
– Giữa chốn đô thị nhưng con ông vẫn giữ chất con nhà đạo.
Sau bữa cơm, ông Hoành ngồi lại cùng Liêm trò chuyện, cha con lại bàn luận đến việc đức tin của người Công Giáo, ông Hoành cảm nhận:
– Một cục “ngang ngang” đang mọc trong Liêm sau khi con mình học được hai ba con chữ ở trường đại học.
Còn Liêm vô tư chia sẻ điều Karl Marx nói:
– Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân! – Trường dạy Liêm như thế.
Cậu không đồng ý với việc “theo đạo là theo chứ không cần bàn cãi”. Ông Hoành quả quyết: “Đức tin là do ơn Chúa ban”. Liêm hỏi:
– Nếu nói vậy, thì bên làng Ka Đơn người ta đang tin là có ma lai rút ruột, đêm đêm vẫn về hút máu người này người kia. Trời chập tối là cả làng không có một bóng người ra ngoài. Cả làng Ka Đơn ai cũng tin có ma lai, vậy thì ma lai cho họ đức tin là có ma sao?
Câu hỏi của Liêm làm ông Hoành cứng họng, ông như bị Liêm dội một gáo nước lạnh giữa trời đông buốt giá. Ông im lặng không nói, mắt ông đượm buồn. Bố con Liêm nói thêm năm – ba câu chuyện rồi ông đứng dậy bỏ vào phòng.
Đêm đó, ông Hoành trằn trọc mãi không ngủ, ông suy nghĩ: “cho Liêm ăn học thành người, bây giờ Liêm mất đức tin thì còn mặt mũi nào ngước nhìn tổ tiên”… Liêm biết mình đã làm bố phận lòng, Liêm không có ý chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, cậu chỉ muốn nói lên chính kiến của mình về đức tin và khao khát muốn được cảm nghiệm một Thiên Chúa thực sự, chứ không phải tin là tin, hay:
– Ừ! đi lễ thì đi, chứ lòng thì đang ở quán bi da hay một tụ điểm vui chơi nào đó.
Hay giữ đạo theo kiểu đạo gốc cây như một số người mà Liêm vẫn gặp ở Thành phố. Thiên Chúa dường như quá xa, Ngài đang vắng mặt, nên chưa thể nghe được điều Liêm khao khát, cậu đang tự mày mò niềm tin trong khi mỗi ngày những tiến bộ của khoa học đang khẳng định vị trí, thế chỗ cho Đấng mang tên Thiên Chúa. Phải chăng cậu đã sai vì chính điều này đã làm tương quan cha con cậu bị rạn nứt.
Sau tết, Liêm trở lại thành phố với tâm trạng không vui. Cậu bước vào chương trình học với các môn học chuyên ngành. Liêm tập làm quen với phòng thí nghiệm với những chiếc kính hiển vi kích cỡ khác nhau. Tụi bạn Liêm vẫn ví von chúng là “kính chiếu yêu” như trong phim Tây Du Ký. Vì qua ống kính này, người ta có thể nhìn thấy tất cả những vi sinh vật nhỏ nhất mà mắt thường không thấy được. Hôm đó, giờ giải lao môn học tại phòng thí nghiệm, Liêm dùng nước mới rửa rau xà lách nhìn dưới kính hiển vi, qua tấm kính nhỏ cậu quan sát thấy hằng ngàn hằng ngàn vi khuẩn đang lúc nhúc trong ly nước. Liêm đem ly nước đun sôi và quan sát lại, đám vi khuẩn kia đã chết không còn một con. Cậu để ly nước ra ngoài không khí 30 phút cho nguội rồi soi lại dưới kính. Liêm không thể tin được, cậu thốt lên:
– Lạy Chúa, nó ở đâu rơi vào đây thế này?
Ly nước vô khuẩn kia đã sinh ra hằng ngàn vi khuẩn mới mà mắt thường của Liêm không thấy được. Liêm bừng tỉnh “sự sống ở xung quanh mà tôi không hề hay biết”. Qua môn học chuyên ngành, Liêm biết rằng trong bất cứ môi trường nào (nước, không khí…) đều có rất nhiều vi khuẩn. Nhưng hôm nay, Liêm được trực tiếp nhìn thấy thì thật là ngoài sức tưởng tượng. Những giờ học tiếp theo, Liêm khám phá, bề ngoài bàn tay rắn chắn của mình, là những tế bào “cực kỳ mong manh”. Bất cứ lúc nào, những vi khuẩn đâu đó cũng có thể xâm nhập vào cơ thể một cách dễ dàng. Nhưng cũng rất may, cơ thể con người có những đề kháng, những yếu tố chống lại chúng. Chính Thiên Chúa biết rõ những vấn đề đó, Ngài chuẩn bị cho cơ thể con người những yếu tố axít, phản ứng hóa học trong cơ thể để bảo vệ con người, để làn da mong manh của con người vẫn bảo đảm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Liêm bắt đầu nghĩ đến niềm tin của mình, “lâu nay cậu muốn cảm nghiệm được Thiên Chúa, việc này đâu khác gì ước muốn tận mắt nhìn thấy Ngài?” Liêm nghĩ đến chiếc kính hiển vi đã cho cậu khám phá ra nhiều điều mà mắt thường không thấy. Thiên Chúa là Đấng vô hình và Ngài vẫn hằng hiện hữu, mắt thường không thể thấy Ngài, nhưng Liêm có thể cảm bằng cái nhìn đức tin. Trong cuộc sống, có vô số những điều vẫn tồn tại mà con mắt giới hạn không cho phép chúng ta nhìn thấy. Trong mỗi lãnh vực nghiên cứu lại cần có những phương tiện để hỗ trợ nhìn. Nhà vi trùng học thì cần đến kính hiển vi, nhà thiên văn học thì cần có ống kính thiên văn để nhìn các ngôi sao thiên thạch cách mặt đất đến hơn mười tỉ năm ánh sáng…
Liêm nghĩ đến gia đình của mình, nghĩ đến ông bà bố mẹ, nghĩ đến những kỷ niệm thơ ấu đậm chất yêu thương… Thứ tình yêu đó đã nuôi dưỡng anh em Liêm khôn lớn. Tình mẫu tử, tình thương con người trao cho nhau Liêm không thể nhìn thấy bằng con mắt trần, cậu chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, bằng nghĩa cử yêu thương. Bây giờ Liêm cảm nhận Chúa thật gần với mình. Tim Liêm ấm lên, một niềm vui khoan khoái tràn ngập cả người Liêm. Cậu nhắm mắt chắp tay, Liêm xác tín chính Chúa đã quan phòng cho Liêm học ngành này, để Ngài trả lời cho Liêm câu hỏi đức tin mà cậu vẫn trăn trở.
Càng học, càng nghiên cứu Liêm lại thấy mình thật nhỏ bé trước vạn vật, trước tình yêu của Thiên Chúa. Liêm không thể giải thích được trước những điều kỳ diệu về cơ thể con người trong môn khoa học này. Cơ thể con người là một cỗ máy khổng lồ tuyệt diệu, hoạt động hoàn toàn nhịp nhàng ăn khớp với nhau. Cỗ máy này đã được Thiên Chúa sắp xếp một cách trật tự, tinh tế… mọi chi tiết nhỏ của cơ thể mà mắt thường không thấy đều mang lại sự sống. Cứ mỗi phút, 1 tế bào trong cơ thể có đến 1000 phản ứng hóa học khác nhau. Nếu không có Thiên Chúa “lo lắng” quan phòng cho những tế bào siêu nhỏ này thì những phản ứng sẽ không diễn ra một cách suôn sẻ, khi đó sự sống trong con người chắc chắn có vấn đề. Mỗi ngày có 70 triệu tế bào chết đi và từng ấy tế bào mới được sinh ra. Cứ 10 năm, toàn bộ cơ thể được tái tạo hoàn toàn.[1] Khi Liêm học năm cuối đại học, cơ thể Liêm đã thay đổi hoàn toàn đến hơn 2 lần. Nhưng tại sao những ký ức, trí nhớ trong Liêm vẫn còn nguyên vẹn ? Liêm không thể giải thích. Đến lúc này Liêm xác tín: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1, 37).
Thiên Chúa đã rất tinh tế khi tạo ra con người, Ngài chú ý đến từng chi tiết trong cơ thể của chúng sinh, để nó có thể hoạt động nhịp nhàng không lệch lạc. Tế bào thần kinh kết nối não bộ tương tự như cấu trúc vũ trụ. Liêm suy nghĩ, Trái tim mang lại sự sống cho Liêm thật mạnh mẽ. Trong một ngày, trung bình trái tim đập khoảng 100.000 lần để vận chuyển hơn 7.500 lít máu đi nuôi cơ thể.[2] Thông thường, máy bơm nước còn phải cho ngưng nghỉ vậy mà thi thoảng bố Liêm vẫn phải mang đi sửa. Vậy mà trái tim của con người bơm máu liên tục trong suốt cuộc sống của một con người: 20 năm, 50 năm, 90 năm thật kỳ diệu. Làm một bài toán vui, ở một người trưởng thành, nếu đem tất cả các động mạch, tĩnh mạch, mao mạch duỗi thẳng chúng và nối lại với nhau sẽ có độ dài khoảng 96.000 km, nó sẽ gấp 2,5 lần chu vi trái đất. Trái tim con người thật mạnh mẽ và tuyệt diệu, nó đã đẩy máu lưu thông cho 96.000 km.[3] Liêm xác tín chính Thiên Chúa đã tạo dựng, an bài mọi vạn vật không thể tự dưng mà có được.
Năm cuối đại học kết thúc, Liêm được trường giữ lại làm nghiên cứu sinh, học tiếp cao học. Liêm hạnh phúc trong ngày lễ tốt nghiệp cùng bạn bè dù bố mẹ không hiện diện cùng cậu. Giữa những thao thức cuộc đời, Liêm luôn luôn đi tìm ý Chúa, Liêm khắc khoải như Thánh Âu Tinh:
“Chính Chúa đã thúc giục con tìm niềm vui trong việc ngợi khen Ngài, vì Chúa đã dựng nên con cho Chúa nên lòng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”[4]
Sau ba tháng tốt nghiệp đại học, Liêm gọi điện cho ông Hoành báo tin ngày cậu vào thỉnh viện Dòng Đa Minh. Liêm xin phép bố mẹ tạm dừng việc học ở đây để đi theo Đấng mang lại sự sống cho cậu. Liêm xin lỗi bố mẹ vì không giúp được gì cho gia đình sau ngần ấy năm học hành:
– Con xin phép đến ở nhà Chúa, và con tin Chúa sẽ ở cùng gia đình mình.
– Kiên trì cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa nói với mình qua Thánh kinh, Thánh lễ, các Bí tích..
– Thiên Chúa là Đấng rất gần với chúng ta, hãy khám phá Thiên Chúa trong những điều bình dị nhất.
– Hãy trao đổi với những người bạn tin tưởng, có kinh nghiệm đức tin về những gì bạn khúc mắc.
– Tìm đọc những quyển sách khám phá Thiên Chúa qua những môn khoa học, qua các nghiên cứu, bài viết của những người đáng tin cậy.
– Chiêm ngắn vạn vật, cảm nếm cuộc sống có những điều rất bình dị nhưng cũng thật kỳ diệu. Hãy nhìn cuộc sống với con mắt đức tin để tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa vì chỉ có Ngài mới quyền năng trước vạn vật.
– Tham gia những nhóm tình nguyện viên, giúp đỡ những người kém may mắn và khám phá Thiên Chúa là nguồn sống, niềm vui của cuộc đời. Cảm nghiệm Thiên Chúa là Đấng hi vọng của cuộc sống này…
[1] Cơ thể con người có thể làm được những điều này thì thật sự đáng kinh ngạc, tại https://kienthuckhoahoc.org/kham-pha-kh/co-the-nguoi-co-the-lam-duoc-nhung-dieu-nay-thi-that-su-qua-kinh-ngac-arev
[2] Lê Hùng (theo MNN), 15 điều kỳ diệu về cơ thể con người, tại https://vnexpress.net/15-dieu-ky-dieu-ve-co-the-con-nguoi-3103898.html
[3] Lê Hùng (theo MNN), 15 điều kỳ diệu về cơ thể con người, tại https://vnexpress.net/15-dieu-ky-dieu-ve-co-the-con-nguoi-3103898.html
[4] https://dongten.net/2015/03/09/noi-khac-khoai-cua-thanh-au-tinh-trong-tac-pham-tu-thuat/