Lý do để nấu ăn trước hết là một hành động của lòng thương
Một tu sĩ đã nói rằng: “Có một ý nghĩa thiêng liêng đích thực trong hành động nấu ăn.” Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy được ý nghĩa đó?
Nướng bánh, trộn bột, nhào bột, nêm nếm, nhóm bếp… Chuẩn bị thức ăn có thể là việc rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nó cũng có thể nhanh chóng trở thành một công việc lặt vặt. Sự phổ biến ngày càng nhiều của các công thức nấu ăn đơn giản, nhanh gọn, từ bữa ăn chỉ với một món ăn đến các món ăn được chế biến từ không quá ba nguyên liệu, là một minh chứng nổi bật cho điều này.
Tuy nhiên, vị tu sĩ Dòng Đa Minh là Patrick-Marie Bozo, người thường xuyên tổ chức các buổi họp mặt mang tên “Niềm vui Ẩm thực” tại Đền thờ Sainte-Baume ở miền nam nước Pháp, chia sẻ với Aleteia rằng: “Tất nhiên, những công thức nấu ăn này rất hữu dụng, nhưng cách tiếp cận với hiệu suất cao như thế làm chúng ta mất đi một thứ thiết yếu. Giống như cầu nguyện, nấu ăn trước hết là một hành động của lòng thương xót. Hơn nữa, có một mối liên hệ giữa hai hànhđộng này. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thích tỏ mình ra trong các bữa ăn: từ tiệc cưới ở Cana đến Bữa Tiệc Ly, Tin Mừng không thiếu những trường hợp như thế. Ngay cả khi sống lại, Người vẫn muốn nướng cá.”
Nấu ăn, dùng bữa cùng nhau, ngồi quanh bàn: không chỉ đơn thuần là chuyên ăn uống. Vị tu sĩ Dòng Đa Minh nói thêm: “Có một ý nghĩa thiêng liêng đích thực trong hành động nấu ăn cũng như trong hành động thưởng thức một món ăn cùng với những người khác. Thật không may, chúng ta đã đánh mất ý thức này.” Vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể tìm lại ý thức này và thúc đẩy bản thân quay trở lại nhà bếp? Dưới đây là một số ý tưởng đầy cảm hứng:
- 1. Nấu ăn giúp chúng ta đến gần nhau hơn
Nấu ăn cho phép chúng ta cảm thấy được nối kết với nhau. Sư huynh Patrick-Marie nói: “Nấu ăn rèn luyện một mối tương quan đích thực. Theo một cách nào đó, nó buộc chúng ta phải ở bên nhau. Sự hoà hợp giữa gia đình, bạn bè hoặc cộng đoàn được thực hiện trên bàn ăn. Đó là một nền tảng.” Do đó, nấu ăn giúp gắn kết những người thân yêu lại gần nhau hơn. Bằng cách chuẩn bị bữa ăn cho một người nào đó, chúng ta cho họ thấy rằng họ vốn quan trọng đối với chúng ta. Đó là một hành động yêu thương và tương trợ, một hình thức quan tâm giúp làm phong phú thêm đáng kể một mối quan hệ.
- 2. Nấu ăn là phương tiện để quan tâm đến nhau
Một mặt thực phẩm đáp ứng nhu cầu sinh tồn, nhưng mặt khác nó cũng mang lại sự thoải mái. Vì vậy, chẳng có gì là lạ khi một người đang gặp phải gian nan, thử thách, thì những người thân thiết với người đó lại chuẩn bị một món ăn mà người đó yêu thích. Đó là biểu hiện của sự quan tâm và dịu dàng, những điều đôi khi truyền tải tình yêu dành cho người kia tốt hơn nhiều so với những lời an ủi.
Một đầu bếp từng đoạt giải thưởng Olivier Roelinger cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Aleteia ràng: “Nếu tình yêu là muốn làm điều tốt đẹp cho ai đó, thì nấu ăn là một hành động đầu tiên của tình yêu. Lúc bạn nấu ăn cho người khác là chính lúc bạn có thể ‘làm điều tốt đẹp’.”
- 3. Nấu ăn là cách thức nuôi dưỡng linh hồn
Thức ăn là một ơn ban của Thiên Chúa. Nấu ăn là thưởng thức công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Đây là một thực tế mà chúng ta không nên bỏ qua. Chuẩn bị một món ăn cho những người thân yêu của bạn là một khoảnh khắc chiêm niệm và biết ơn. Đó cũng là khoảnh khắc dành cho Thiên Chúa. Người là Đấng ban cho chúng ta sức mạnh để nấu ăn ngon nhất có thể. Người là Đấng đoan chắc rằng chúng ta đừng quá lo sợ về việc nấu nướng sai công thức. Nếu Thiên Chúa hiện diện trong tất cả các chi tiết của cuộc sống hàng ngày, như chúng ta vẫn hằng tin như thế, thì Người cũng hiện diện nơi nhà bếp,nơi một trong những hành động căn bản nhất của cuộc sống. Như Thánh Têrêxa Avila đã nói: “Thiên Chúa ở nơi những chiếc nồi và chảo của bạn; đó là nơi Người đang chờ đợi bạn.”
- 4. Nấu ăn hướng đến việc tạo dựng cộng đoàn
Nấu ăn tạo nên sự thống nhất và nuôi dưỡng tình cộng đoàn.
Sư huynh Patrick-Marie còn nói thêm rằng: “Đối với chúng tôi, những tu sĩ Dòng Đa Minh, là những người giảng thuyết và do đó việc luôn phải di chuyển, nấu ăn và quây quần bên nhau trong bữa ăn là điều rất quan trọng. Điều này cho phép chúng tôi giữ liên lạc. Khi chúng tôi ‘mắc kẹt’ tại bàn ăn vì không thể rời bàn ăn bất cứ lúc nào, thì điều này buộc chúng tôi phải để tâm đến từng anh em, ân cần với nhau, chu đáo với tất cả những người xung quanh bàn ăn.”
Vị tu sĩ Dòng Đa Minh còn tiết lộ rằng thậm chí có một quy tắc, đó là “một món ăn”:
“Mặc dù, vẫn có một sự lựa chọn nhất địnhtrong cuộc sống hàng ngày, nhưng chúng tôi phải thường xuyên ăn cùng một món ăn với tất cả anh em khác. Chia sẻ một cái gì đó chung là điều rất đáng quý. Đối với tôi, đó là một hành động hiệp thông đưa chúng ta đến gần hơn với thiên đàng, nơi chúng tôi sẽ được “dưỡng nuôi” bởi Thiên Chúa và lòng bác ái của những người khác. Gắn kết với nhau, tất cả chúng ta sẽ cùng chung một bàn.”
Tất cả những gì bạn phải làm là lên kế hoạch về thời gian “nấu ăn” trong lịch trình của mình. Giờ đây, bạn đã có được tất cả mọi lý do mình cần để bắt đầu công việc này!
Tác giả: Marzena Devoud
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
(giaophanvinhlong.net / Aleteia 27/8/2022)