Sau khi đưa ra những đòi hỏi của sự công chính mới, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Đáp lại đòi hỏi ấy của Người, ta đã cố gắng mãi mà vẫn thất bại, ta thấy mình như bất lực. Ngay lúc ấy, Chúa bảo ta: “Không có Thầy anh em không thể làm được gì” (Ga 15, 5). Cầu nguyện là phương thế quan trọng nhất để đáp lại hỏi hỏi của Tin mừng, và cũng là đại phương thế để được cứu độ.
I. VIỆC CẦU NGUYỆN TRONG KINH THÁNH VÀ TRONG HỘI THÁNH
1. Việc cầu nguyện trong Cựu Ước
Kinh thánh ắp đầy những câu chuyện cảm động về cầu nguyện. Abraham chuyển cầu cho thành Sodoma và Gomora (St 18tt), Môsê cầu cho dân Israel và Thiên Chúa đã tha chết cho họ (Xh 32, 11 – 14; Đnl 9, 26 – 29). Với câu chuyện ấy, ta có thể nói rằng cầu nguyện có sức biến chết thành sống. Tương tự như thế là lời cầu nguyện của hoàng hậu Esthe (4, 17tt) và bà Giudita (9, 1 – 14). Sách Tôbia ắp đầy những lời cầu nguyện rất cảm động của Tôbit, Tôbia và Sara (3, 1 – 6; 12 – 15; 8, 5 – 7, 15 – 17; 11, 14; 13, 1 – 18). Sách Đaniel đã để lại cho ta những lời cầu nguyện, hiện đã trở thành lời cầu nguyện của Hội thánh (Đn 3, 24 – 45; 51 – 90). Cảm động nhất có lẽ là chuyện Đaniel cầu nguyện và bị ném vào hang sư tử đói (Dn 6, 1 – 45). Theo lệnh của vua Dario tất cả những ai cầu nguyện với bất cứ thần nào hay người nào ngoài ông, sẽ bị ném vào hang sư tử. Đaniel vẫn cứ cầu nguyện và đã bị ném vào hang sư tử. Suốt đêm ấy Dario đã cầu nguyện với Thiên Chúa cho ông và Đaniel đã được cứu sống. Cầu nguyện vẫn tiếp tục là một đề tài quan trọng trong Tân Ước.
2. Việc cầu nguyện trong Tân Ước
Tân Ước cho thấy, Chúa Giêsu là người cầu nguyện. Chúa đã ăn chay và cầu nguyện suốt bốn mươi ngày trước khi thi hành sứ vụ công khai (Mt 4, 1 – 11). Chúa cầu nguyện trước khi chọn nhóm mười hai (Lc 2, 12 – 16), trước và sau khi làm phép lạ bánh (Lc 9, 12; Mc 6, 45), trước khi phục sinh Lazarô (Ga 11, 41 – 42), trong vườn Gietsimani (Mt 26, 36 – 46) và trên thập giá (Lc 23, 33, 44 – 46). Không còn giờ ăn uống nghỉ ngơi (Mc 3, 20) Chúa Giêsu vẫn còn giờ cầu nguyện, có khi lại còn thức trắng đêm cầu nguyện (Mc 6, 45). Thánh Luca kể lại: “Lần kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở nơi kia” (Lc 11, 1). Lần kia là lần nào, nơi kia là nơi nào? Luca không xác định được vì ở đâu Chúa cũng cầu nguyện và lúc nào Chúa cũng cầu nguyện.
Với Chúa Giêsu, cầu nguyện là hướng về Cha, hướng về Cha khi thất bại (Mt 11, 25tt), lúc thành công (Mt 19, 6; ga 12, 20 – 32), để cho ý Cha được thành sự (Mt 26, 39, 46; Ga 17, 4). Với lời cầu nguyện trên thập giá, Chúa Giêsu đã buông bỏ mọi sự vào trong tay Cha (Lc 23, 33, 44 – 46).
Như thế, cầu nguyện đối với Chúa Giêsu không chỉ là một lời thưa lên với Cha nhưng là cả một cuộc đời làm theo ý Cha và là dành cả cuộc đời để Cha tự do sử dụng.
Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện vì không có Người ta không làm được gì (Ga 15, 5; 21, 15 – 19), “xin sẽ được, tìm sẽ thấy, gõ sẽ được mở cho” (Lc 11, 1 – 13: Mt 6, 5 – 6). Chúa bảo cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Lc 22, 39). Là môn đệ của Chúa Giêsu, ta không thể không cầu nguyện (Ep 6, 18; Col 4, 2; 1Tx 5, 16).
3. Việc cầu nguyện trong Hội thánh
Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, để yêu mến, thờ lạy, ca tụng, tạ ơn và khẩn xin những gì cần thiết cho ta[1]. Cầu nguyện là sống tương quan hiệp thông với Thiên Chúa[2]. Có ba hình thức cầu nguyện: khẩu nguyện, tâm nguyện và chiêm niệm[3].
Sau khi khẳng định, đời sống thiêng liêng mà không có cầu nguyện thì chẳng khác gì có Tin mừng mà không có Đức Kitô, cha Henri M. Nouwen đã định nghĩa cầu nguyện là vươn lên cùng Thiên Chúa, là ra khỏi những bận tâm về chính mình, là tiếp xúc cách sáng tạo với nguồn của mọi sự sống, là rời bỏ vùng đất quen thuộc, là bước vào một thế giới mới và ở lại với Chúa Giêsu. Khi không cầu nguyện, tức không đụng chạm được với Đấng Cứu Chuộc yêu thương, cuộc sống sẽ thành một gánh nặng khủng khiếp: ta sẽ chỉ thấy phải xóa đói giảm nghèo, vạch trần bất công, chiến thắng bạo động, chấm dứt chiến tranh và xóa bỏ cô đơn thôi, nhưng lại bất lực hoàn toàn đối với nhiệm vụ ấy[4].
Cầu nguyện là đi lên cùng Thiên Chúa, là đi vào hiệp thông, là một hành động vâng phục, là mở mình ra cho tình phụ tử của Thiên Chúa và để cho mình thành con cái Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã thành ơn cứu chuộc nhờ đã trở thành lời cầu nguyện[5].
Thánh Têrêsa Avila, một bậc thầy vĩ đại của việc cầu nguyện, không chỉ cho ta thấy lợi ích, những thách thức, khô khan và cách khắc phục những khó khăn ấy trong đời sống cầu nguyện mà còn cho ta thấy bốn bậc cầu nguyện và những phương thế để đạt đến bậc cầu nguyện cao nhất. Bài viết này sẽ tóm tắt những kinh nghiệm của thánh Têrêsa Avila về cầu nguyện và bốn bậc cầu nguyện của bà.
II. CẦU NGUYỆN THEO THÁNH TÊRÊSA AVILA
1. Định nghĩa
Theo thánh Têrêsa Avila thì tâm nguyện là một cuộc trao đổi yêu thương với Thiên Chúa, một mình đàm đạo với Đấng luôn hết mực thương ta[6], là một lời thỉnh cầu lên Thiên Chúa để xin những ơn cần thiết cho ta[7], là nói chuyện với Ngài, giãi bày những nhu cầu của ta cho Ngài[8].
Cầu nguyện là nghĩ đến Chúa hiện diện trong ta[9], đặt mình trong sự hiện diện của Ngài[10], và không ngừng sống trong sự hiện diện ấy[11].
Cầu nguyện là để cho Thiên Chúa cuốn hút ta vào trong Ngài[12], chấp nhận để Chúa “cưỡng bách” ta tìm giờ để ở với Ngài và để Ngài ở với ta[13], là cương quyết bước theo Đấng yêu thương ta[14].
Cầu nguyện là mở cửa ra để Thiên Chúa đổ tràn ân huệ cao trọng của Ngài cho ta[15].
Cầu nguyện là phương thế tốt nhất để sửa đổi chính mình[16].
Têrêsa Avila coi khẩu nguyện là thưa lên với Thiên Chúa mọi nhu cầu của ta. Tâm nguyện là để cho lòng mình nói chuyện với Thiên Chúa đang ở trong ta. Chiêm niệm là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa cách tinh tuyền, thân ái. Bà diễn tả ba hình thức cầu nguyện này cách cụ thể như sau: ta gửi cho bạn mình một lá thư, ta sai đến với bạn ta một người và đích thân ta đến với người bạn ấy hoặc, ta hôn chân, hôn tay và hôn môi người ấy[17].
Têrêsa Avila khẳng định cầu nguyện, kết thân với Thiên Chúa chỉ có lợi không hề có hại, vì nhờ thế, ta có thể chịu đựng mọi khó khăn để ở với Ngài[18]. Vì khi ta cầu nguyện thì chính Thiên Chúa sẽ chịu đựng thay cho ta, ban cho ta dư tràn niềm vui và an ủi[19].
Kinh nghiệm nào Têrêsa Avila để lại cho ta về cầu nguyện cũng thấm thía, nhưng việc để cho Thiên Chúa cuốn hút ta vào trong Ngài, cưỡng bức ta tìm giờ để ở với Ngài có lẽ là những kinh nghiệm quan trọng nhất. Ta đã cầu nguyện rồi mà sao mãi vẫn còn coi Thiên Chúa như người xa lạ, ngoài cuộc, để được cuốn hút vào trong Thiên Chúa, cần phải có những điều kiện nào?
2. Điều kiện
Để ta được cuốn hút vào trong Thiên Chúa và sống trong sự hiệp thông với Ngài, ta cần:
2.1. Cương quyết bước theo Ngài
Cương quyết bước theo Đấng yêu thương ta, hiến toàn thân cho Ngài. Sỡ dĩ ta phải có sự cương quyết này là vì, ta luôn lừng khừng và bủn xỉn trong việc hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Ta vẫn chưa dứt bỏ được lòng ham mê thế gian này. Ta quyết tâm sống nghèo, nhưng lại luôn tìm cách để không chỉ không thiếu thốn mà còn dư thừa nữa, nên đã kết thân với nhiều người để có được những thứ ta muốn. Và khi đã có được những thứ ấy, ta coi trọng, khó rời xa chúng. Ta quyết tâm từ bỏ danh vọng, nhưng khi bị tổn thương, ta đã gầm gừ như một con thú bị thương. Ta bảo ta đã dâng hết mọi sự cho Thiên Chúa, nhưng kỳ thực, ta chẳng dâng gì, tất cả đều vẫn ở trong tay ta. Chúa không làm chủ cũng chẳng được quyền quản lý những thứ ấy[20]. Ta cần phải cương quyết, vì điều tốt muốn làm, ta không làm được, còn điều xấu chẳng muốn ta lại cứ làm (x. Rm 7, 15).
Thánh Têrêsa Avila cũng cho thấy, rất nhiều người đã bước vào đời cầu nguyện này, nhưng lại tháo lui, không đạt đích. Vì thế, cương quyết là điều kiện quan trọng để tiến xa trong đời cầu nguyện. Không cương quyết tận dụng một giờ cầu nguyện thì khi có cả ngày ta cũng chẳng lợi dụng được[21]. Chính bà cũng đã can đảm ép mình cầu nguyện, khao khát lãnh nhận hồng ân[22].
2.2. Một lương tâm trong sạch
Cần một lương tâm trong sạch. Dù Thiên Chúa thích ở trong ta, ban cho ta mọi ơn phước, nhưng lòng ta không trong sạch và không khát khao ân sủng, thì Thiên Chúa có ban, ta cũng chẳng nhận được[23].
Xưng tội thường xuyên và thực hành việc cầu nguyện[24]. Nếu ta kiên trì để Chúa ở với mình mỗi ngày ít là hai giờ, Chúa sẽ cấm quỉ tấn công ta và cho ta sức mạnh để chiến thắng chúng, vì Ngài không để ai đặt niềm trông cậy vào Ngài và ước ao sống đời cầu nguyện phải thất vọng[25].
2.3. Dẹp bỏ dịp tội
Dẹp bỏ mọi dịp tội, không dẹp bỏ dịp tội, ta sẽ xa lìa Thiên Chúa, không muốn truyện trò thân mật với Ngài, sẽ không thực hành nhân đức và sợ cầu nguyện[26]. Hơn nữa, một khi đã sa vào đó, ta không còn an toàn nữa, không còn sức chống lại những kẻ thù không ngừng tấn công nữa[27]. Nếu ta coi bước vào đời cầu nguyện như việc chăm sóc một khu vườn, thì để có được một vườn cây ăn trái xum xuê, điều đầu tiên phải làm là nhổ sạch cỏ dại, đó là những cuộc giải trí độc hại, phù phiếm, những thứ danh dự hão và các sự thuộc về thế gian này[28]. Ta cần quyết tâm không xúc phạm đến Thiên Chúa và xin Ngài tha thứ cho những tội nặng ta đã phạm đến Ngài[29].
2.4. Khiêm tốn
Ý thức mình nghèo nàn, để thấy ơn Thiên Chúa cao trọng, để khiêm tốn hơn và để cố gắng làm hài lòng một mình Thiên Chúa thôi. Nền tảng quan trọng của đời sống cầu nguyện này là khiêm nhường, càng gần Thiên Chúa, càng cần khiêm nhường, nếu không toàn lâu đài sẽ sụp đổ. Khiêm nhường ở đây là không quá cậy dựa vào mình nhưng cần tin vào những người có kinh nghiệm, tin tưởng và kết thân với những người cùng chí hướng[30]. Ai biết trông cậy vào các thánh, nhất là thánh Giuse, thành tâm tôn kính Ngài bao giờ cũng tiến xa trên đường nhân đức, và gặt hái được nhiều lợi ích lớn lao[31].
2.5. Một đức tin sống động
Cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa và có một đức tin sống động. Ai nhận ra mình được Thiên Chúa sủng ái, sẽ dễ dàng khinh chê thế gian, sẽ làm mọi việc có thể để không còn luyến ái thế gian, và sẽ hướng toàn tâm về Thiên Chúa[32].
2.6. Vác thập giá theo Chúa
Vác thập giá, chấp nhận cực nhọc. Đã là môn đệ Chúa Giêsu, ai cũng phải vác thập giá, nếu không sẽ hư mất, sẽ không còn là môn đệ Người. Vác thập giá ở đây là từ bỏ mình, vì không từ bỏ bản thân, ta sẽ không thể nhận được những gì Thiên Chúa muốn ban[33], từ bỏ danh dự của mình, từ bỏ gia đình và không chuyện vãn với thân nhân[34].Ai muốn đi vào con đường này thì phải tự nguyện chết đi đối với thế gian, nếu không thế gian sẽ giết chết họ. Thế gian này chẳng có gì tốt cả, chỉ có mỗi cái là nói xấu những kẻ nhân đức[35]. Việc gắn bó với danh dự của mình như một sợi dây không gì có thể cắt đứt được và là một lực cản khiến những người đã cầu nguyện lâu năm cứ lè xè dưới đất[36]. Đức Kitô đã chịu sỉ nhục vì ta đến chết trên thập giá, thì danh dự của ta, nếu có thì cũng phải từ đó mà ra[37].
2.7. Chiến thắng khô khan và ma quỉ
Cần sống trong cô tịch, kính sợ Thiên Chúa vì lòng yêu mến Ngài. Khi gặp khô khan không thể suy nghĩ được gì, ta cần một quyển sách. Sách là bạn thân thiết, là nguồn an ủi, giúp tránh khô khan, mồi nhử cho linh hồn[38].
Để chiến thắng ma quỉ, ta cần nghĩ đến những tội đã phạm, nghĩa vụ của ta đối với Chúa, sự hiện hữu của hỏa ngục, vinh quang và những cực hình Chúa đã phải chịu vì ta[39].
Ai đã quyết tâm không ngừng cầu nguyện, tức để Chúa cuốn hút vào trong Ngài bằng cách cương quyết đi theoChúa, cương quyết không phạm tội, dù chỉ tội nhẹ, từ bỏ các dịp tội, vác thánh giá theo Chúa, chết đi đối với thế gian, tin tưởng cậy trông các thánh và những người cùng chí hướng, chắc chắn sẽ đạt được những ơn cần thiết để ngày càng hiệp thông với Thiên Chúa hơn.
3. Kết quả
3.1. Được nhiều ân sủng Thiên Chúa
Ai đã bắt đầu cầu nguyện đều được Chúa ban nhiều ơn để hướng đến bậc cầu nguyện yên tĩnh, giúp họ thấy rõ và tránh được nhiều lầm lỗi, tránh được mọi tội trọng và cách đặc biệt nhất, họ không thể bỏ cầu nguyện được[40]. Thánh Têrêsa Avila còn quả quyết ai yêu thích cầu nguyện, kể cả khi không chuẩn bị đủ như cần phải chuẩn bị, hay bị quỉ cám dỗ và sa ngã cả ngàn cách do ma quỉ gây nên, thì Chúa vẫn đem họ tới ơn cứu độ. Vì Chúa luôn ban cho người cầu nguyện muôn vàn hồng ân đến độ cả khi họ phạm tội, mà vẫn trung thành cầu nguyện, thì Chúa sẽ cho họ ơn hoán cải. Ai đã hoán cải, thì Chúa sẽ ban nhiều ơn hơn cả trước khi họ sa ngã nữa[41].
3.2. Được thuộc về Thiên Chúa
Ai chăm chỉ cầu nguyện sẽ không thấy mệt mỏi khi nói hay nghe người ta nói về Chúa[42]
Ai cầu nguyện sẽ để Chúa hướng dẫn tới bất cứ nơi nào Chúa muốn. Họ không thuộc về mình nữa mà thuộc về Chúa. Được an ủi hay phải thử thách, sốt sắng hay khô khan không còn là vấn đề đối với họ nữa. Họ chỉ biết một điều là phụng sự Chúa. Họ không yêu mến thế gian hay bất cứ sự gì thuộc về thế gian, chỉ mình Chúa đem lại niềm vui. Họ có thể đạp cả thế gian dưới chân, vì ý thức rằng khinh chê mọi sự mau qua, ít giá trị sẽ chiếm được hạnh phúc lớn lao, vĩnh cửu[43].
3.3. Được hưởng niềm vui thiên giới
Ai cầu nguyện sẽ sung sướng chiêm ngưỡng các kỳ công của Thiên Chúa, sự cao cả của tình yêu Ngài dành cho ta. Lòng họ được an ủi, con tim bừng cháy. Họ có được niềm vui ở thiên đàng từ hôm nay, niềm vui này sẽ giúp họ không còn thấy gì khác ngoài Thiên Chúa và những gì Chúa muốn họ thấy, không còn ao ước gì nữa. Ai có được niềm vui này sẽ hoàn toàn khinh chê thế gian và tách mình cách tuyệt đối khỏi những sự vật trần thế. Họ không chỉ chấp nhận mà con vui thích bị khinh chê, thù ghét[44].
3.4. Cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa
Những người chuyên cầu nguyện được ơn ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa cách rõ ràng hơn, lúc nào cũng thấy Chúa nhìn mình. Ai cầu nguyện sẽ cảm được sự hiện diện của Chúa, được hoàn toàn chìm ngập trong Ngài. Toàn thân sững sờ trước sự hiện diện này của Chúa. Đây là một niềm vui không hoàn toàn thuộc giác quan, cũng không hoàn toàn thuộc tinh thần, là tặng phẩm của Thiên Chúa. Tuy không thể thấy được vẻ đẹp của Ngài, nhưng họ biết họ gặp Ngài hệt như người mù hay người ở trong bóng tối, tuy không thấy người kia, vẫn có thể nói với và biết rằng người ấy đang ở với mình[45].
3.5. Được ơn trung thành cầu nguyện
Người đã được ơn cầu nguyện thì không gì có thể ngăn cản họ cầu nguyện. Vào giờ cầu nguyện, bệnh tật có thể khiến họ không ở cô tịch lâu được, thì trong ngày họ vẫn sẽ tìm được giờ khác để cầu nguyện. Cả khi hoàn toàn bị ngăn trở vì sức khỏe, họ vẫn có thể cầu nguyện bằng cáchdâng cho Chúa những bệnh tật, nhớ đến Đấng vì Ngài ta chịu đau khổ, nhẫn nhục chịu đựng nghịch cảnh và có thể cầu nguyện mọi nơi mọi lúc[46].
Người cầu nguyện luôn làm ích cho tha nhân, họ không lên thiên đàng một mình, mà đem theo nhiều người. Trong sinh hoạt hằng ngày, họ không bao giờ nói xấu ai. Họ luôn tự nhủ không được ước muốn hay nói những điều họ không muốn người ta nói về mình. Ngoài ra, họ còn thích nói với Chúa và nói về Chúa cho người khác[47].
Nhưng làm sao ta có thể đạt được kết quả ấy?
4. Phương Pháp
Thánh Têrêsa Avila đã chỉ cho ta một phương pháp cầu nguyện như sau:
Nghĩ đến Đức Kitô hiện diện trong ta, tưởng tượng ra một biến cố nào đó của cuộc đời Người đang tái diễn trong ta[48].
Nghĩ đến một biến cố nào đó trong cuộc đời Người, nghĩ đến những hoàn cảnh cô đơn, những đau khổ của Người.
Suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa: Chúa trong vườn Dầu, những giọt mô hôi máu và nỗi cô đơn Người đang phải chịu, ao ước lau khô những giọt mồ hôi ấy. Hãy nghĩ tới những tội lỗi của ta khiến Chúa phải đớn đau như thế. Cứ ở đó cho tới khi bị chi phối bởi những ý tưởng khác[49].
Đối với những người theo phương pháp cầu nguyện này, tốt hơn nên có một quyển sách. Việc đọc sách đạo đức này sẽ giúp dễ dàng hồi tâm. Đọc sách còn có thể thay thế tâm nguyện khi takhông thực hành được. Ngoài ra sách còn giúp ta có thể vượt qua những lúc khô khan và thử thách dữ dội[50].
Đề tài cũng là yếu tố quan trọng trong việc cầu nguyện.
5. Đề tài
Ta có thể nghĩ đến lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho ta: Thiên Chúa luôn ban thưởng vì những việc lành và những ước muốn ngay lành của ta. Ngài luôn làm cho những bất toàn của ta nên hoàn hảo và có giá trị, phi tang các tội lỗi và những hành vi bất chính của ta. Hơn nữa, Ngài còn che mắt không để cho người khác thấy những việc xấu xa của ta, nhưng lại làm bật lên những nhân đức chẳng đáng gì của ta[51].
Ta có thể nghĩ đến những cách thức ta xúc phạm đến Chúa, những nghĩa vụ của ta đối với Ngài, nghĩ đến sự hiện hữu của hỏa ngục, vinh quang và những cực hình, sỉ nhục Chúa Giêsu đã phải chịu vì ta[52]
Ta cũng có thể nhận ra sự hèn hạ và vô ơn của ta đối với Thiên Chúa, tán dương những kỳ công Thiên Chúa thực hiện cho ta, suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa, tình yêu Thiên Chúa dành cho ta. Nếu có thêm lòng yêu mến nữa, thì chắc chắn ta sẽ được an ủi, sẽ nghẹn ngào đến độ không sao cầm lại được. Đó là cách Thiên Chúa an ủi những ai sẵn sàng chịu khổ vì Ngài[53].
6. Lợi ích
Cầu nguyện không gây khó khăn gì mà chỉ đem lại lợi ích[54]. Cầu nguyện giúp ý chí ta luôn tùng phục thánh ý Thiên Chúa, sẵn sàng chịu đau khổ, thà chết cả ngàn lần chứ không phạm tội vì cầu nguyện luôn giúp ta ý thức về thiên đàng, hỏa ngục và các chân lý khác[55]. Ngoài ra, cầu nguyện còn cho thấy rõ Chúa luôn ở với ta, nên cũng giúp ta luôn hướng về Ngài[56]. Vì thế khi bỏ cầu nguyện, ta sẽ giống như người lênh đênh trên biển bão tố, dễ dàng sa ngã, tuy có trỗi dậy, nhưng không hy vọng sẽ không ngã lại, yếu đuối đến độ không tránh được các tội nhẹ, chưa có sự sợ tội trọng như đáng lẽ phải có. Khi ở với Chúa thì xao xuyến, bồi hồi vì lòng lưu luyến thế gian. Bỏ cầu nguyện, ta sẽ rơi vào một cuộc sống khốn khổ nhất[57].
Nhiều người tuy không bỏ, nhưng không thể vượt qua được những khô khan và thử thách trong đời cầu nguyện, đâu là những khó khăn trong cầu nguyện và ta phải làm gì để khắc phục những khó khăn đó?
7. Thử thách và cách chữa trị
7.1. Thử thách
Suốt hai mươi tám năm bước vào đời cầu nguyện, thánh Têrêsa Avila đã trải qua mười tám năm sống trong tình trạng giằng co giữa Thiên Chúa và thế gian và những trạng thái giao tranh đáng kể[58]. Khi cầu nguyện, bà chỉ nôn nao, mong sao cho chóng hết giờ, thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ, thay vì nghĩ tới những điều bổ ích. Bà thích làm những việc đền tội nặng nề hơn là chuẩn bị tâm hồn cầu nguyện[59], thậm chí không thể nghĩ ra một tư tưởng tốt[60]. Mỗi khi vào nhà nguyện bà đều thấy bực bội, bà phải can đảm lắm mới ép mình cầu nguyện.
Theo bà, những thử thách ấy là điều cần thiết, vì trước khi giao kho báu (ơn cầu nguyện) cho ta, Thiên Chúa muốn thử xem ta có thể uống chén đắng và vác thập giá với Người chăng bằng cách gửi các thử thách, khô khan và cám dỗ đến cho ta. Chúa cũng dẫn ta qua con đường khô khan này để ta thấy rõ sự bất xứng và bất lực của ta. Những ơn Chúa ban cao cả vô cùng, nên Ngài cũng muốn cho ta thấy sự khốn nạn của ta, để ta khỏi kiêu căng như Lucife[61]. Những khô khan trong đời sống cầu nguyện cũng cho thấy Thiên Chúa của ta không phải là “sản phẩm của trí tuệ con người”, vì nếu Ngài do ta vẽ ra, thì ta muốn sốt sắng, tất sẽ sốt sắng. Đây ta rất muốn mà vẫn không được, vì đó là ý Chúa không phải ý ta, khi nào Chúa muốn, ta mới được.
7.2. Cách chiến thắng thử thách
Để chiến thắng những khô khan và thử thách ấy, ta cần:
Để Chúa hướng dẫn ta tới bất cứ nơi đâu, vì ta không thuộc về mình nữa, mà là sở hữu của Ngài[62].
Hân hoan vì biết rằng ta đang được làm việc cho một vị hoàng đế cao cả, nên chỉ mong làm đẹp lòng Ngài, cố gắng chu toàn nhiệm vụ đã được ủy thác[63]. Nếu thấy mình không sốt sắng thì đừng buồn, nhưng hãy tạ ơn Chúa vì đã ban cho ta ơn biết làm vui lòng Ngài[64]
Ý thức rằng mọi việc Chúa làm đều nhằm lợi ích cho ta, nên phó thác mọi sự cho Chúa, theo Chúa bất cứ nơi nào Chúa đi ngay cả đến cái chết trên thập giá[65].
Không buồn phiền vì khô khan, bất an hay chia trí, nhưng vác thánh giá theo Chúa, không để Chúa vác một mình. Dù khô khan này có kéo dài suốt đời, ta cũng không để Đức Kitô ngã dưới sức nặng của thập giá[66].
Khao khát sự cô tịch, hiệp thông với Thiên Chúa, từ bỏ mọi thú vui thế gian[67].
Nếu nỗi bất ổn do thể lý, do thời tiết thay đổi, thì càng thúc bách, linh hồn càng ra tồi tệ, nên cần thay đổi đôi chút trong các giờ cầu nguyện, có thể đọc sách hay làm việc bác ái, nhưng cả những việc ấy ta cũng không làm được thì phải nghỉ ngơi, hay tìm cách giải trí vì lòng yêu mến Chúa[68].
Luôn ở với Chúa, tập thói quen nồng nàn yêu mến Chúa, kể cho Ngài nghe những thử thách, chia sẻ cho Ngài niềm vui[69].
Những khô khan này rất có thể do ma quỉ, nên điều quan trọng là phải có được sự biện phân rõ ràng[70].
8. Ma quỉ
Ma quỉ là tên xảo trá, điêu ngoa (Ga 8, 44), nhưng cũng là tên có thể tự xuất hiện dưới hình ảnh một thiên thần[71] và luôn tìm mọi cách để tách con người ra khỏi Thiên Chúa, nên cũng tìm mọi cách để ta bỏ cầu nguyện[72].
8.1. Cám dỗ ta làm điều xấu
Quỉ kích thích nhiều người làm điều sai quấy. Chúngthuyết phục những người chuyên lo yêu mến và cố làm hài lòng Thiên Chúa che đậy đi những ước muốn tốt đẹp của họ nhưng lại thôi thúc những người có khuynh hướng làm điều xấu phô trương khuynh hướng ấy ra và công khai xúc phạm tới Thiên Chúa, làm cho người ta thấy việc theo đuổi những thú vui, phóng túng là chuyện bình thường, thúc đẩy những người này gièm pha, dè bỉu những người hiến mình cho Thiên Chúa, khiến họ phải điêu đứng và cuối cùng phải kết thân với mình[73].
8.2. Cám dỗ ta bỏ cầu nguyện
Quỉ làm cho ta sợ tâm nguyện, làm cho ta không nghĩ đến cách ta xúc phạm tới Thiên Chúa, những nhiệm vụ của ta đối với Ngài, không nghĩ tới thiên đàng, hỏa ngục, những cực hình Chúa Giêsu đã chịu vì ta, làm cho ta chán cầu nguyện[74]. Khi ta phạm tội, quỉ nói với ta rằng có cầu nguyện cho lắm cũng chẳng ích gì, vì tội ta phạm đã phá vỡ mọi sự khiến ta không còn xứng đáng với ơn Thiên Chúa ban nữa[75].
Khi ta thấy mệt trong người, quỉ bảo rằng cầu nguyện lúc này sẽ hại cho sức khỏe, bây giờ cần nghỉ ngơi để khi khác sẽ cầu nguyện tốt hơn. Quỉ cám dỗ ta nuông chiều thân xác, làm hết sức để thân xác ta bất lực, rồi thuyết phục ta tin rằng các việc đạo đức chỉ làm hại sức khỏe ta[76].
Quỉ làm ta hiểu sai về đức khiêm nhường khi bảo rằng ước ao bắt chước các thánh là kiêu ngạo, vì là tội nhân, thán phục gương anh hùng của các thánh thì được, nhưng không được bắt chước các ngài[77].
8.3. Cách chiến thắng ma quỉ
Để chiến thắng ma quỉ, thánh Têrêsa Avila khuyên ta hướng hết tư tưởng vào Thiên Chúa để Thiên Chúa biến cám dỗ của ma quỉ thành động lực để ta hướng về Thiên Chúa hơn, không tìm kiếm thú vui trong cầu nguyện mà chỉ quyết tâm cầu nguyện, vác đỡ thánh giá Chúa và làm vui lòng Ngài[78].
Như thế, ta đã nói qua về định nghĩa, điều kiện, kết quả, đề tài, phương pháp, lợi ích, khó khăn và cách khắc phục khó khăn trong cầu nguyện cách chung theo thánh Têrêsa Avila. Nói tới thánh Têrêsa Avila, ta không thể không nói tới rất nhiều kinh nghiệm phong phú về ma quỉ, sự xảo trá của chúng, cách phân định những hành động của chúng và khắc phục chúng. Trong bài này, người viết cũng sẽ dành một phần để nói về ma quỉ, nhưng trước hết, ta sẽ cùng nhau tìm hiểu bốn bậc cầu nguyện của thánh nhân.
III. BỐN BẬC CẦU NGUYỆN THEO THÁNH TÊRÊSA
Thánh Têrêsa Avila đã ví việc cầu nguyện như việc tưới vườn. Bà đã đưa ra bốn hình ảnh tương ứng với bốn cách tưới: dùng tay vớt nước từ giếng lên; lấy thùng múc nước tưới; dẫn thủy nhập điền và cuối cùng tưới bằng nước mưa lai láng. Mỗi mức độ cầu nguyện đều có những đặc điểm, đề tài, phương pháp, khó khăn và những biện pháp khắc phục.
BẬC MỘT: DÙNG TAY TƯỚI NƯỚC
Đây là một giai đoạn rất khó khăn, nhiều đòi hỏi nhưng nếu cố gắng theo sát phương pháp đã được đề ra, ta sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp.
1. Đặc điểm
Bậc cầu nguyện này được ví như việc dùng tay lấy nước từ giếng lên. Đây là một công việc rất khó khăn, vất vả trong việc làm chủ giác quan. Những người ở trong giai đoạn này vì đã quen sống xao lãng, nên phải cố gắng tập trung, không quan tâm đến những gì mắt thấy tai nghe trong suốt giờ cầu nguyện. Họ còn phải ở nơi cô tịch, nhìn lại quá khứ, thật tâm hoán cải. Việc nhìn lại này có thể gây bực bội. Ngoài ra họ còn phải cố gắng suy niệm về cuộc đời Đức Kitô. Việc suy niệm ấy cũng làm họ mệt mỏi[79].
Ở bậc này, lý trí đã gợi lên được những tâm tình sốt sắng: cảm thương Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn, hân hoan vì sự phục sinh của Chúa, nhưng ai chưa đạt được mức độ này, nghĩa là, không thể nghĩ ra được một tư tưởng tốt nào, thì cũng đừng tìm kiếm[80]. Nhiều người đã phải trải qua tình trạng khô khan, chán nản, buồn bực. Trong trường hợp ấy, Thánh Têrêsa Avila khuyên họ đừng buồn, vì việc chính yếu của ta là được phục vụ Chúa và làm hài lòng Ngài[81].
Thánh Têrêsa Avila đã chỉ cho ta những đòi hỏi cần thiết không chỉ để khắc phục những khó khăn trên mà còn để tiến xa trong đời cầu nguyện.
2. Đòi hỏi
2.1 Biết mình
Đòi hỏi đầu tiên là biết rõ mình và biết sống cách thận trọng[82], không bao giờ được lơ là với việc biết mình. Đây là một đòi hỏi quan trọng đối với mọi bậc cầu nguyện. Dù ta đã đạt đến bậc cầu nguyện cao siêu đến đâu đi nữa, thì ta cũng vẫn phải thường xuyên trở về với việc biết mình này. Thánh Têrêsa Avila nhấn mạnh, biết mình tội lỗi là bánh ăn với mọi món ăn khác, không có bánh này, ta sẽ không thể dùng bữa, nhưng cũng phải dùng cách điều độ. Khi đã mệt mỏi và đã thấy mình tội lỗi không xứng đáng ở trước Thiên Chúa thì tốt hơn ta nên chuyển đề tài khác Chúa sẽ soi sáng cho ngay lúc ấy[83]. Vì thế, kiểm điểm đời sống và quá khứ để biết mình là một đòi hỏi quan trọng[84]. Biết mình tội lỗi và luôn đặt trước mắt ta những lầm lỗi của mình để ta khỏi thấy những lầm lỗi của người khác, coi mọi người khác tốt hơn ta, cũng là điều cần thiết để nên hoàn hảo, để đạt được một nhân đức chắc chắn. Ta cần cầu xin cho được ơn này[85].
2.2. Từ bỏ thế gian
Đòi hỏi quan trọng không kém là từ bỏ thế gian. Nhiều người thường quan niệm cách sai lầm, hay che đậy lòng ham mê của cải khi bảo rằng “có thực mới vực được đạo”. Thật ra, những bận tâm, lo lắng về của cải sẽ ngăn cản việc nguyện ngắm, sẽ phá vỡ tâm linh, khiến ta lừng khừng, không tiến được[86]. Thánh Phaolô cũng cho nhắc ta: “Ta không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy, nếu có cơm ăn áo mặc ta hãy lấy thế làm đủ. Còn kẻ ham làm giàu thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và những ước muốn ngu xuẩn độc hại là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham mê tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn ấy nhiều người đã lạc xa đức tin và chìm đắm trong cảnh đớn đau sâu xé” (1 Tim 6, 7 – 10). Ta cần tin tưởng vào Thiên Chúa hơn nữa, để khỏi ham mê tiền bạc của cải. Ta cũng cần phải sống như thể trên thế gian này chỉ có một mình Thiên Chúa với một mình ta thôi, bỏ hết mọi mối bận tâm về mọi sự và mọi người để chỉ làm hài lòng một mình Thiên Chúa[87].
2.3. Vác thánh giá
Ta cần xác tín việc vác thánh giá là điều không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu và nhất là trong đời sống cầu nguyện và cần quyết tâm vác thánh giá ngay từ đầu. Thánh Têrêsa Avila cho rằng rất nhiều người đã bắt đầu, nhưng chẳng bao giờ tới đích, vì ngay từ đầu, họ đã khước từ thánh giá, nên khi thấy mình không tiến, không suy luận được, đã chán nản và bỏ cuộc[88].
2.4. Quyết tâm đạt đích
Ta phải luôn cố gắng đạt đích[89], không có quyết tâm này, ta khó có thể tiến xa. Nếu cách thánh không liên tục thực hiện ước muốn, chắc chắn các ngài đã không đạt tới bậc trọn lành. Không cố gắng, không tiến được, không mài sắt chắc chắn sẽ không có ngày nên kim. Chúa luôn chờ mong và yêu mến những người can đảm khi họ sống khiêm nhường và không quá cậy vào mình. Ta cần không ngừng luyện tập đức khiêm nhường này[90].
Cương quyết ngay từ đầu là điều rất cần thiết, nhưng trong bậc cầu nguyện này, ta phải chậm chậm theo sự khôn ngoan và ý kiến của người hướng dẫn[91]. Những người mới khởi sự có khả năng suy luận, không nên lúc nào cũng suy luận. Họ cũng cần thay đổi đề tài suy gẫm, cần có dành thời gian nghỉ ngơi. Đây là điều rất có lợi, đừng nghĩ rằng nghỉ ngơi là mất giờ vô ích[92]. Nếu đã cố gắng mà ta vẫn có cảm tưởng là mình chưa vươn lên được, thì đừng cố vươn lên, làm thế sẽ không tiến được mà còn tụt hậu nữa[93].
Như thế, biết rõ mình, cố gắng vác thánh giá ngay từ đầu là những đòi hỏi cần thiết. Ta phải liệu cơm gắp mắm, nhưng cũng phải liều vì Chúa[94], thì mới đạt được kết quả.
3. Kết quả
Ai đã quyết tâm trung thành với việc cầu nguyện ngay ở giai đoạn thứ nhất này đều sẽ đạt được những kết quả sau:
Biết mình đã thuộc về Chúa, nên họ phó thác mọi sự cho quyền năng Thiên Chúa, sẵn sàng theo Chúa đến bất cứ nơi đâu, sẵn sàng vác thánh giá Chúa, không để Chúa vác một mình. Chính vì thế họ bình an, không sợ hãi gì[95].
Họ khao khát được ở nơi cô tịch, hiệp thông với Thiên Chúa. Họ từ bỏ mọi thú tiêu khiển của thế gian[96].
Vì đã cảm thương Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người, họ được thanh thoát, tự do, không bận tâm đến việc mình sốt sắng hay khô khan, được an ủi hay phải âu lo[97]. Họ không làm cho mình buồn khổ, vì buồn phiền chỉ làm họ thêm hoang mang[98].
Họ luôn để Chúa hướng dẫn[99], luôn quyết định làm nhiều công việc trọng đại cho Thiên Chúa và thức tỉnh tình yêu của mình đối với Thiên Chúa[100].
Nói chung, ở bậc cầu nguyện này, người ta đã có thể phó mình cho Thiên Chúa, sẵn sàng vác thánh giá, từ bỏ những sự thuộc về thế gian, chấp nhận mọi sự Thiên Chúa gửi đến, sẵn sàng để Chúa hướng dẫn, và quyết tâm làm nhiều việc trọng đại cho Thiên Chúa. Nhưng ta phải cầu nguyện thế nào để có được những kết quả ấy?
4. Phương pháp
Thánh Têrêsa Avila chỉ cho ta cách cầu nguyện sau:
4.1. Đặt mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa
Đặt mình trong sự hiện diện của Đức Kitô, luôn ở với Người, tập luôn nồng nàn yêu mến Người và tâm sự với Người: cầu xin những gì ta còn thiếu, kể với Người những thử thách đang phải chịu, chia sẻ niềm vui với Người. Không cần phải đọc nhiều kinh, cứ đơn sơ thưa với Người những ước vọng và nhu cầu của ta[101], không cần phải soạn kỹ những lời để nói với Người, chỉ giãi bày những nhu cầu của ta, ý thức rằng Người có lý khi không cho phép ta ở trước mặt Người[102], và kết hợp đời ta với đời Người[103]. Thực hành này cũng cần thay đổi để khỏi nhàm chán, làm linh hồn mệt mỏi[104].
4.2. Suy niệm các biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu
Hình dung Đức Kitô đang ở với ta, lấy làm vui vì được ở với Người. Khi suy niệm về việc Chúa Giêsu chịu đánh đòn chẳng hạn, ta hãy cố tìm ra lý do vì sao Chúa phải đau đớn buồn phiền và cô đơn đến thế. Nếu trí khôn có được nhiều hiểu biết, ta sẽ tìm được nhiều bài học do mầu nhiệm này gợi lên[105]. Khi suy niệm về cuộc thương khó Chúa Giêsu, nên nghĩ về nỗi đau của Người. Tại sao Chúa Giêsu lại phải đau thế? Đấng chịu đau đớn ấy là ai? Người phải chịu vì ai và chịu với tình yêu nào? Nhưng cũng đừng nặn óc như thể buộc phải có các trả lời ngay cho những gợi ý ấy. Đôi khi chỉ cần ngồi yên với Người, chăm chú nhìn Người, nói chuyện vơi Người, hạ mình xuống trước mặt Người, hoan hỉ trong Người, nhớ rằng Người đã chẳng làm gì để phải chịu những cực hình ấy. Những lời cầu nguyện này rất có ích[106] và cũng là phương pháp khởi sự, tiếp tục và kết thúc việc cầu nguyện của ta, là con đường chắc chắn và tuyệt hảo cho đến khi Chúa chỉ cho con đường khác[107].
4.3. Suy gẫm về các mầu nhiệm khác
Ta cũng có thể suy gẫm về các đề tài khác, vì có người thích suy gẫm về hỏa ngục, người khác về sự chết, người khác nữa lại được ích khi suy về quyền năng cao cả và tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta. Mọi đề tài đều tốt, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải quay về với cuộc khổ nạn của Chúa, vì đây là đề tài luôn phát sinh mọi sự tốt lành. Người mới bắt đầu cần xem đề tài nào có ích cho mình nhất[108].
4.4. Sự cần thiết của suy gẫm
Tự mình, ta phải suy luận, vì không suy luận, ta sẽ không đạt được gì, còn khi Thiên Chúa không cho ta suy luận, Ngài sẽ cho ta một đối tượng để chiêm ngưỡng. Thánh Têrêsa Avila nhắc cho ta biết rằng khi Thiên Chúa không cho, lý trí ta sẽ không thể suy luận được còn khi Thiên Chúa đã muốn thì ta tức khắc hiểu được ngay những gì trước đây đã suy mãi mà vẫn không hiểu. Không suy luận quỉ sẽ nhen lên trong ta những ảo tưởng[109].
Ngoài ra, ta phải cố làm cho mình hạnh phúc và thoải mái, nếu cần cứ giải trí, để khi nguyện gẫm lại ta nhiệt thành, sốt sắng hơn[110].
Đối với Thánh Têrêsa Avila, cầu nguyện theo phương pháp này rất cần phải có người hướng dẩn.
5. Người hướng dẫn
Theo thánh Têrêsa Avila, người hướng dẫn phải là người có kinh nghiệm, khôn ngoan, và thông thái.
Người ấy phải có kinh nghiệm để giúp ta biết mình, người không có kinh nghiệm sẽ làm ta căng thẳng, đau khổ[111]. Nếu không tìm được những người thông thái, thì ít nhất những người hướng dẫn phải là người hiểu biết và có đời sống cầu nguyện. Nói thế không có nghĩa là ta không nên tiếp xúc với những người thông thái, vì thà không cầu nguyện còn hơn rơi vào tình trạng lầm lạc[112]. Ở Việt nam đang có những người theo các phong trào cầu nguyện, nhưng bị hướng dẫn cách sai lạc, đã đi đến chỗ không cần Hội thánh và các bí tích. Họ bảo không cần đọc kinh, không cần đi lễ, chỉ cần đọc lời Chúa và cầu nguyện thôi. Người bệnh không cần đi nhà thương, chỉ cần đặt tay cầu nguyện. Họ sửa kinh “lạy Chúa tôi, tôi tin thật… bấy nhiều điều ấy cùng các điều HỘI THÁNH DẠY” thành “cùng các điều LỜI CHÚA DẠY”, mà không hiểu rằng để có thể hiểu Lời Chúa cách chính thống, ta cần được Hội thánh dạy.
Tuy nhiên, ta cũng không được nói cách sai lầm rằng người thông thái mà không cầu nguyện thì không phải là người hướng dẫn thích hợp. Những người này không phản đối việc cầu nguyện và cũng biết bản chất của cầu nguyện theo Kinh thánh nên sẽ không bị ma lừa gạt[113]. Hơn nữa, các vị thông thái nhất là các tu sĩ luôn có một chế độ khổ chế khắc nghiệt: hành xác, ăn uống kham khổ, vâng phục, ngủ ít[114], nên có thể chiến thắng ma quỉ (x. Mc 9, 29).Không có học là điều bất tiện, tuân theo xét đoán của một người không biết xét đoán sẽ là một thập giá không nhỏ, nên ta cứ sống tự lập cho tới khi tìm được một vị có đủ điều kiện[115].
6. Nền tảng
Khiêm nhường là nhân đức Thánh Têrêsa không ngừng nhắc tới, và coi là một tiêu chuẩn quan trọng để đo lường sự thánh thiện[116] và là nền tảng của lâu đài nội tâm[117].
Theo Têrêsa, khiêm nhường là nhìn nhận tất cả mọi sự ta có đều do bởi Chúa[118], nên ta hướng mọi sự tốt lành của ta về Chúa, nếu ta có nói gì thì cũng nói vì vinh quang Thiên Chúa[119].
Người khiêm nhường không bối rối khi người khác được khen, nhưng vui mừng vì thấy Thiên Chúa đang tỏ quyền năng của Ngài nơi mọi người, là người không quan tâm tới những lời khen chê của thế gian.
Têrêsa coi đức khiêm nhường chính là nền tảng của toàn bộ lâu đài nội tâm. Vì con người càng tự hạ, thì càng được Thiên Chúa nâng lên[120]. Theo thánh nữ, người khiêm nhường thật là người khi có ai thấy được điều tốt nơi mình, thì liền xin Thiên Chúa tỏ cho họ thấy tội lỗi của mình, để họ thấy mình bất xứng với những ơn mình lãnh nhận[121]. Khiêm nhường thật không xuất phát trong náo loạn, không gây bất an cho linh hồn, không đem khô khan và tăm tối nhưng đem đến niềm vui, sự bình an, ngọt ngào và ánh sáng[122].
Trong đời sống cầu nguyện, nếu Chúa chưa ban ơn an ủi trong bậc này, thì ta đừng tìm cách đạt cho bằng được, nhưng phải khiêm nhường. Sự hiểu biết kèm theo với lòng khiêm nhường sẽ là một trợ lực vô giá trong giai đoạn này[123].
Tuy nhờ biết áp dụng phương pháp cầu nguyện này, ta đạt được những ơn cao trọng để có thể tiến tới những bậc xa hơn, nhưng “nếu đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”[124]. Ta vẫn gặp phải những khó khăn do sự yếu đuối của kiếp người và sự ghen tức của ma quỉ.
7. Trở ngại
Một trong những lý do khiến ta không thể tiến xa và tiến nhanh trong đời cầu nguyện, đó là vì ta cố gắng cầu nguyện, nhưng lại vẫn cứ sống theo sở thích của ta. Tội lỗi đã khiến ta không lưu tâm tới điều này và ta cứ lê lết không thể bay cao được. Khuynh hướng tội lỗi trong ta cũng khiến ta nuông chiều xác thịt. Chỉ hơi bệnh một chút, ta đã không dám trung thành với việc cầu nguyện, sợ như thế sẽ làm hại thể xác. Hơn nữa, quỉ lại đổ dầu vào lửa, khích lệ ta bỏ cầu nguyện, và làm cho ta không thể cầu nguyện được. Thánh Têrêsa Avila đã chiến thắng những thử thách này khi không bận tâm tới sức khỏe nữa, mà mỗi khi bị quỉ khiến bận tâm về sức khỏe, thánh nhân thường trả lời “có chết cũng chẳng sao”. Chính vì thế bà không chỉ tìm lại được sức khỏe mà còn tiến xa trong đời sống cầu nguyện[125].
Đó là bậc cầu nguyện thứ nhất, còn bậc cầu nguyện thứ hai thì sao?
BẬC HAI: KÉO NƯỚC TỪ GIẾNG LÊN, CẦU NGUYỆN YÊN TĨNH
1. Đặc điểm
1.1. Thiên Chúa luôn ở với ta
Ở bậc cầu nguyện này, một bậc cầu nguyện khởi đầu mọi ơn lành, ta không còn nghi ngờ rằng Thiên Chúa đang ở với ta. Sự tin tưởng này sẽ làm ích cho ta hơn tất cả mọi sợ hãi. Những người luôn hướng về tình yêu và lòng biết ơn, tất cũng sẽ luôn hướng về Thiên Chúa[126]. Thiên Chúa muốn ta biết rằng Ngài luôn ở với ta, Ngài hiểu ta, luôn muốn ta nhận ra sự hiện diện của Ngài, và nhận ra Ngài muốn bắt đầu làm việc trong ta cách đặc biệt, muốn ta thấy tận mắt ơn trợ giúp đặc biệt của Ngài – Ngài muốn lấp đầy khoảng cách tội lỗi đã tạo nên giữa ta với Ngài. Ta thường không biết làm gì, muốn gì hay xin gì. Ơn Thiên Chúa ban trong bậc cầu nguyện này ta không thể hiểu và không biết xử sự thế nào. Ta thấy mình giống như Thiên Chúa[127] (x. 1 Ga 4, 17).
1.2. Ta đụng chạm được thế giới siêu nhiên
Trong bậc cầu nguyện này, ta bắt đầu hồi tâm cách dễ dàng và cũng đụng chạm được thế giới siêu nhiên mà sức riêng không thể đạt được. Ta ít vất vả hơn, ân sủng cũng lộ rõ hơn. Ta có thể tập trung các quan năng: ý chí đã để cho Thiên Chúa chiếm hữu, trở thành tù nhân của Đấng yêu thương mình mạnh đến độ ta không còn được tự do yêu thứ gì khác[128].
1.3. Thiên Chúa nhen lên trong ta một tia lửa
Thiên Chúa bắt đầu nhen lên trong lòng một tia nhỏ của tình yêu Ngài. Sự hồi tâm và yên tĩnh, tức tia lửa nhỏ do Thần khí Thiên Chúa nhen lên, nếu không bị tội lỗi dập tắt, sẽ trở thành một tiếng vang lớn, thành một đám cháy lớn Thiên Chúa dùng để đốt những tâm hồn hoàn thiện. Tia lửa này là bằng chứng ta được Thiên Chúa ban cho những ơn trọng đại nếu ta sẵn lòng đón nhận[129].
1.4. Ta không thuộc về đất nữa, ta là công dân Nước Trời
Ta không thuộc về đất nữa, ta được nhận làm công dân Nước Trời, nên ai đã được diễm phúc thế mà còn quay lưng lại thì sẽ như người trượt dốc xuống vực thẳm. Người ta chỉ đánh mất ơn này do sự mù quáng kinh khủng hay sự dữ nặng nề gây ra[130]. Ta cảm được sự no thỏa ngọt ngào và bình an sâu lắng. Ta được no thỏa trong Chúa đến độ dù trí nhớ và trí tưởng tượng vẫn có thể làm ta chia trí, nhưng bao lâu ý chí còn kết hợp với Chúa, bấy lâu ta vẫn giữ được sự yên tĩnh nghỉ ngơi. Tuy ý chí vẫn chưa hoàn toàn thuộc về Chúa, nhưng nó vẫn bị Chúa cuốn hút, đến độ trí nhớ và trí tưởng tượng có cố mấy cũng không lấy mất niềm vui của nó được[131].
Niềm vui của những người ở mức độ này mãnh liệt hơn và còn mãnh liệt hơn nữa khi những ơn họ nhận được do việc từ bỏ, tồn tại lâu hơn[132]. Lý trí bây giờ cũng ca tụng Thiên Chúa bằng những tư tưởng, ngôn ngữ cao đẹp. Tuy vẫn trầm ngâm như người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18, 13 – 14) nhưng ý chí vẫn cảm tạ Chúa cách mãnh liệt hơn cả lý trí[133].
2. Trở ngại
Trí nhớ và trí tưởng tượng đôi khi trợ giúp nhưng đôi khi lại cản trởý chí. Trong trường hợp này, ý chí không cần phải bận tâm, cứ bình an ở với Chúa, vì hai quan năng này cứ đi đi về về, nếu Chúa muốn ý chí chia sẻ niềm vui cho chúng, chúng sẽ không còn ra ngoài nữa, nếu không, chúng sẽ tiếp tục tìm kiếm. Chúng làm hại ý chí bằng những hình ảnh chúng đang có[134].
Ta cần biết mình phải làm gì để tiếp tục đi trên con đường này, vì không biết phải làm gì, ta sẽ cảm thấy cô đơn. Ta cũng cần hành động với sự kính sợ và thận trọng, và cần nhiều kinh nghiệm để có thể phân biệt được ơn Chúa với sự ngụy trang của ma quỉ[135]. Như thế, ta mới đạt được kết quả.
3. Kết quả
Trong bậc cầu nguyện này, ta sẽ có được niềm vui tràn trề mà không phải vất vả bao nhiêu, không chán, cả khi cầu nguyện lâu giờ.[136]
Các nhân đức phát triển hơn trước nhiều. Ta được nếm trước vinh quang tương lai, một niềm vui trần gian không ban được. Tiền bạc, danh vọng, vui sướng trên trần gian so với niềm vui này chẳng là gì, nên ta dễ giũ bỏ mọi sự thèm khát thế gian. Đây là một niềm vui đem lại no thỏa. Niềm vui này không do ta, nếu Chúa không ban, ta có tìm, có hãm mình, cầu nguyện mấy cũng chẳng có được bao nhiêu. Chúa bắt đầu thông ban chình mình cho ta[137].Ta cảm được Chúa rất gần ta, ta có thể trực tiếp gặp gỡ Ngài, chẳng cần la to[138].
Ở mức độ này, ta sẽ không còn xúc phạm đến Chúa, không còn phạm tội nữa vì ta đã là công dân Nước Trời[139].
Đó là những ơn ta được trong bậc cầu nguyện này, nhưng ta phải làm gì để đạt được những ơn ấy?
4. Điều kiện
Để đạt được niềm vui của người được nhận làm công dân Nước Trời, và được Chúa ở cùng, ta cần ý thức rằng “ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127, 1), nhờ ý thức ấy, ta sẽ coi mình là không, và hơn không nữa, và như thế ta đã bước được một bước dài về đức khiêm nhường[140].
Ta cũng cần ý thức rằng Chúa muốn và Chúa vui thích ở với ta (x. Tv 149, 4a), để ta khỏi xúc phạm đến Chúa. Bao lâu ta còn quanh quẩn với mình, không để Chúa ở với ta, ta sẽ chẳng làm được gì (Ga 15, 5), sẽ bị cắt đi như một bông hoa héo tàn, đất sẽ lại khô cằn như trước. Vì vậy, ta cần xin Chúa làm cho các nụ nhân đức nơi ta nở hoa, xin Ngài nhổ hết mọi thứ cỏ dại, cắt tỉa bất cứ cây nào Ngài muốn để vườn cây được hoàn hảo[141].
Ta cần nhận biết giá trị cao cả của bậc cầu nguyện này và sự cao cả của hồng ân Thiên Chúa đang ban cho ta[142]. Ta đạt được những kết quả ấy cách nào?
5. Phương pháp
5.1. Ta cần khiêm tốn
Ở bậc cầu nguyện này, ta cần biết chính mình, biết tự trọng dựa vào lòng khiêm tốn và thánh thiện[143]. Thiên Chúa muốn chúng ta khiêm tốn để được lợi ích nhiều hơn, và để không lơ là khi còn ở thế gian này, càng lên cao, càng không được tin vào mình[144]. Càng có được niềm an ủi, càng cần tự hạ nếu lỡ sa ngã, phải luôn hối tiếc sự lành đã mất, và quyết tâm cầu nguyện trở lại, không cầu nguyện sẽ từ chỗ xấu tới tồi tệ[145]. Nếu Thần khí hoạt động, thì ta không cần phải tìm cách tự hạ, Ngài có cách để ta tự hạ khi chỉ cho ta thấy rằng sự tự hạ thật phát sinh từ ánh sáng Thiên Chúa ban trong bậc cầu nguyện này, tự mình ta chẳng có gì tốt cả[146].
5.2. Giữ mình cẩn thận để khỏi phạm tội
Ta cần giữ mình cẩn thận để khỏi sa ngã, khỏi phạm tội[147], thà chết ngàn lần hơn là phạm tội. Cầu nguyện là khí giới cần thiết để tránh phạm tội[148]. Vì nhờ cầu nguyện ta sẽ biết việc mình đang làm, và nếu ta có sa ngã, Chúa sẽ ban ơn sám hối. Không cầu nguyện lúc này là tự sát. Một dấu chỉ cho biết Chúa đang ở với ta, đó là lỡ có sa ngã, ta trỗi dậy ngay, và ta nhận thấy một tình mến vô vị lợi đang triển nở nơi ta và ta ước có những lúc cô tịch để tận hưởng ơn ấy[149].
Hãy cẩn thận, đừng chôn vùi nén bạc đã nhận, Chúa muốn ta mạnh mẽ để có thể nâng đỡ người khác, hãy coi mình là bạn hữu Thiên Chúa[150].
5.3. Cầu nguyện với Thiên Chúa cho mình, cho Hội thánh và tha nhân
Đừng lo tìm lời lẽ hay suy tư để cảm tạ Thiên Chúa, đừng cố moi ra những khuyết điểm của mình. Nếu cứ cố moi ra, thì trí nhớ sẽ xen vào khiến ta phải mệt mỏi, chẳng khác gì lửa còn yếu mà ta cứ chất lên những khúc gỗ thật to sẽ dập tắt ngọn lửa, hãy thưa ngay với Chúa những lời yêu thương, đừng bận tâm tới trí nhớ, hiện nó đang bị rối loạn, cứ kệ nó hay hơn[151]. Điều lý trí phải làm lúc này là ý thức rằng tất cả những gì ta đang được đều do lòng nhân hậu của Thiên Chúa, ta rất gần Chúa, hãy cầu xin với Ngài, cầu cho Hội thánh, cho những người xin ta cầu nguyện và các linh hồn nơi luyện ngục, không cần nhiều lời, chỉ cần thành tâm xin Chúa nhận lời. Những lời cầu nguyện này hữu hiệu hơn những suy tư của lý trí nhiều. Ý chí hãy thể hiện một vài tác động mến yêu đối với Đấng đã ban ơn cho ta, đừng để lý trí tìm kiếm những suy tư hào nhoáng những lý luận uyên thâm[152]. Trong bậc cầu nguyện yên tĩnh này, không được bỏ hẳn tâm nguyện và khẩu nguyện. Bậc cầu nguyện này, nếu không do Thần khí Thiên Chúa, hay do Thiên Chúa ban lúc đầu mà do ta cố đạt tới bằng sức riêng, thì sẽ không có kết quả, mọi sự sẽ tàn phai, ta sẽ rơi vào tình trạng khô khan ban đầu. Còn nếu do quỉ, ta sẽ không có bình an, không khiêm nhường, ta sẽ không ngoan ngoãn như Thiên Chúa muốn những người ở mức độ này, không soi sáng trí khôn, không làm cho ý chí vững mạnh[153]
5.4. Hãy để kinh hồn nghỉ ngơi
Trong khi cầu nguyện, không cần đến các kiến thức, vì ở gần ánh sáng, lý trí sẽ rất sáng. Têrêsa Avila chẳng hiểu tiếng Latinh bao nhiêu, nhưng ở mức độ này, bà không chỉ hiểu tiếng Latinh mà còn hiểu được cả ý nghĩa của các Thánh vịnh. Hãy để linh hồn nghỉ ngơi, dẹp kiến thức sang một bên dù lúc khác sẽ cần. Học được một chút khiêm tốn và chỉ cần một tác động khiêm tốn thôi thì hơn mọi hiểu biết ở trần gian. Ở bậc này không có chỗ cho lý luận, chỉ cần chân thành đơn sơ bày tỏ mình trước Thiên Chúa, Đấng muốn ta nên khờ dại[154]. Ta chỉ cần hướng trọn tâm hồn và ước muốn về Thiên Chúathôi là đủ[155].
5.5. Khước từ mọi thú vui
Ta cũng cần khước từ mọi thú vui, và bước vào đời cầu nguyện với một quyết tâm duy nhất là vác thánh giá Đức Kitô, hướng đến Vương quốc Thiên Chúa[156], không tò mò, không háo hức tìm kiếm niềm vui[157]. Nếu muốn được giải thoát khỏi cạm bẫy ma quỉ ta phải bước ngay vào đường thánh giá, tìm mọi cách để làm vui lòng Thiên Chúa[158]. Nhưng bậc này khác với bậc thứ nhất ở chỗ, ta từ bỏ của cải thế gian không phải vì tính nhất thời mau qua của nó mà còn sẵn sàng từ bỏ cả khi những sự tồn tại đến muôn đời nữa[159].
Như thế, đây là bậc Chúa ban nhiều ân sủng, khiến ta cảm nhận được Chúa đang ở với ta, ta không thuộc về thế gian này mà thuộc Nước Trời. Vậy trong bậc thứ ba, ta sẽ được những gì?
BẬC BA:
DẪN THỦY NHẬP ĐIỀN: CHÚA LÀM HẾT MỌI SỰ
1. Đặc điểm
Trong bậc cầu nguyện này, Thiên Chúa làm hết mọi sự, còn ta được tận hưởng mọi thành quả do tay Ngài làm ra[160]. Ta cảm thấy không có Chúa là một cực hình không sao chịu nổi. Chúa là nguồn an ủi duy nhất của ta, ta không còn muốn sống cho mình nữa mà sống cho Chúa[161].
1.1. Một niềm vui làn sang cả thân xác
Ở bậc cầu nguyện này, niềm vui, sự ngọt ngào vượt xa bậc cầu nguyện trước nhiều. Ân sủng dẫy tràn khiến ta không thể lùi bước. Ta hân hoan tận hưởng vinh quang vô biên, ngất ngây hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa, một niềm vui không sao diễn tả được[162]. Bất cứ lúc nào viếng thăm ta, Thiên Chúa cũng đổ tràn niềm vui[163], nên ta hớn hở như những người, tay cầm nến, bước vào cái chết mình mong đợi. Đó là cái chết hoàn toàn đối với thế gian này và là việc tận hưởng Thiên Chúa[164]. Việc tận hưởng này lớn đến độ linh hồn như thể ra khỏi xác[165]. Các quan năng hoàn toàn mất khả năng hoạt động. Ta không còn biết làm gì, nên nói hay im lặng, nên cười hay nên khóc, một sự điên dại thiên đình. Ta chiếm được sự khôn ngoan chân thật và nếm được niềm hạnh phúc vô biên[166]. Niềm vui trong bậc cầu nguyện này lan sang cả thân xác, ta có thể trông thấy được[167].
1.2. Toàn thân hướng về Thiên Chúa
Các quan năng không hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa, nhưng sự kết hợp với Thiên Chúa ở bậc này vẫn hơn hẳn bậc trước, nhưng không thể xác định được hơn ở chỗ nào. Các quan năng chỉ còn một sự tự do duy nhất là sống với Thiên Chúa[168], có cố mấy cũng không thể lo ra như trước, chúng chỉ còn biết tán dương Thiên Chúa, đến độ ta muốn toàn thân ta thành lưỡi để tán dương Thiên Chúa, ta như xuất thần[169], lý trí không còn mệt mỏi nữa, mà chỉ bỡ ngỡ trước những gì Thiên Chúa đang thực hiện[170].
Thiên Chúa cầm giữ ý chí và cả lý trí nữa, vì lý trí lúc này chỉ lo hướng về Thiên Chúa, không còn ngó ngang ngó dọc nữa, vì đã có được đối tượng ưng ý, nhưng trí nhớ và trí tưởng tượng vẫn còn gây náo loạn, khiến ta chưa kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa được. Trí nhớ chẳng nhớ rõ được gì, chỉ chạy hết chỗ này tới chỗ khác, trí tưởng tượng cũng thế, ai để ý đến nó vẫn bị lo ra. Điều này cho thấy tội lỗi vẫn trói buộc ta, khiến ta không thể kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa[171].
1.3. Muốn chia sẻ niềm vui cho tha nhân
Giống như người phụ nữ trong Tin mừng (Lc 15, 9), ta muốn chia sẻ hạnh phúc này với tha nhân, vì mình ta, ta không hưởng hết được[172]. Ta muốn cho mọi người ta gặp cũng được điên dại vì lòng mến Chúa[173]. Nếu so sánh với Maria và Martha, thì bậc cầu nguyện trước, ta chỉ muốn hưởng niềm vui và sự bình an Chúa ban, còn trong bậc cầu nguyện này, ta cũng có thể làm trọn nghĩa vụ của Martha. Trong bậc cầu nguyện này, ta vừa chiêm niệm, vừa hoạt động, vừa làm việc bác ái vừa chu toàn nhiệm vụ mình, vừa chăm chỉ đọc sách. Nhưng ta cũng biết rằng mọi sự ta làm được không do tự ta mà do từ một nơi khác[174].
1.4. Muốn vác thánh giá tới cùng
Thánh giá ở bậc này vừa nặng vừa nhẹ: vừa êm ái vừa không chịu nổi. Ta không bao giờ muốn thoát khỏi thánh giá mà chỉ muốn vác thánh giá nặng hơn và vác cho tới tận thế, không tìm nghỉ ngơi cho riêng mình, còn sức là còn muốn phục vụ Chúa cho đến khi không còn phục vụ được nữa. Chịu cực vì Chúa lúc này thật êm ái và cảm thấy cực lòng khi phải trở về với cuộc sống với những lo toan, vất vả hằng ngày[175].
1.5. Ta là của riêng Chúa
Chúa coi ta là của riêng Ngài, ta không thuộc về mình nữa, mà thuộc về Thiên Chúa[176]. Ta không còn thèm khát các thú vui thế gian này nữa, vì đã được hưởng một một niềm vui cao trọng hơn trong Thiên Chúa, được hưởng Ngài cách thâm thúy trọn vẹn hơn, được ở với Ngài[177]. Ta được hưởng sự tự do Thiên Chúa ban, nên ta sẽ làm hết mọi sự để khỏi trở lại với kiếp nô lệ[178].
1.6. Ta được biến đổi
Các nhân đức đã vững mạnh hơn, ta đã được biến đổi, đã thực hiện được những việc trọng đại mà không biết nhờ đâu ta làm được. Những nhân đức này ta đã luyện tập nhiều năm mà vẫn chưa đạt được. Đức khiêm nhường vững mạnh và sâu xa hơn trước.Ta luôn thấy rằng mọi sự đều do bởi Chúa. Ta được kết hợp toàn diện và đích thật với Thiên Chúa[179].
2. Đòi hỏi
Những người trong bậc cầu nguyện này cần gặp gỡ, soi sáng cho nhau, khuyến khích, chỉ bảo, giúp đỡ nhau để có thể làm vui lòng Thiên Chúa. Không ai biết mình bằng những người yêu thương mình, nhưng để giúp nhau, cần thành thật với nhau, vì nếu chỉ dùng các lời nói cho vừa lòng nhau, thì sẽ chẳng giúp được ai. Để khích lệ nhau, cần vứt bỏ hết mọi thứ khôn khéo, chỉ cần làm bừng cháy tình yêu Thiên Chúa[180] (x. 1 Thes 2, 2 – 7).
Không màng chi tới danh dự, những được mất của cuộc đời, mà chỉ lo sao cho Thiên Chúa được tôn vinh[181]. Ý chí phải can đảm đón nhận mọi sự Chúa cho, phải để Thiên Chúa hoàn toàn tự do thực hiện những gì Ngài muốn[182]
Ta phải tận hưởng niềm vui này trước, khi đã no thỏa mới chia sẻ cho tha nhân, vì nếu ta không biết lợi dụng và ân cần đền đáp những ơn Thiên Chúa ban mà chỉ lo chia cho người khác, ta sẽ chết đói[183]
3. Phương pháp
Ta phó thác mọi sự cho Thiên Chúa, đến độ Thiên Chúa muốn sao cũng được, Ngài muốn ta lên thiên đàng, ta lên, muốn ta xuống hỏa ngục, ta xuống, muốn ta sống, ta sống, muốn ta chết, ta chết[184].
Tự hiến hoàn tòan cho Thiên Chúa đến độ không còn lo lắng gì[185].
Khi bị trí tưởng tượng và trí nhớ quấy nhiễu, đừng bận tâm, hãy coi nó như con điên, cứ để nó muốn làm gì thì làm. Nó là một tên nô lệ, ta phải kiên nhẫn chịu đựng[186].
BẬC BỐN
TƯỚI VƯỜN BẰNG MƯA
1. Đặc điểm
1.1. Đặc điểm chung
1.1.1. Toàn thân tận hưởng niềm vui Thiên Chúa ban
Ta có thể nói, trong bậc cầu nguyện này, linh hồn đã chết hoàn toàn đi đối với thế gian[187]. Ta không chỉ cảm thấy mà còn được tận hưởng niềm vui, tận hưởng được một phần thiện hảo bao gồm hết mọi thiện hảo. Các giác quan mất hút trong cuộc vui hưởng này, không giác quan nào được tự do hoạt động. Thân xác không còn khả năng, linh hồn không còn sức chuyển thông niềm vui cả khi các quan năng được kết hợp với Thiên Chúa[188]. Ta không thể biết thời gian các quan năng không thể hoạt động kéo dài bao lâu. Ý chí được tiếp xúc với Thiên Chúa, các quan năng khác quấy rầy, nhưng vì ý chí vẫn không xao động nên, các quan năng khác lại chìm vào trong tình trạng bất động. Khi say sưa vì được nếm thử sự ngọt ngào của việc được kết hợp với Thiên Chúa, chúng sẵn sàng mất chính mình để được lợi nhiều hơn, nên kết chặt với ý chí[189]. Các quan năng bất lực, đang suy nghĩ bỗng không thể suy được, đang đọc cũng không thể đọc được, cầu nguyện cũng thế[190]. Các quan năng đều ngưng hoạt động vì vui sướng[191]. Các giác quan như thể khép lại để có thể hưởng Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn, ta chỉ còn một việc phải làm là yêu mến Chúa. Lý trí tìm được đối tượng của mình[192].
1.1.2. Ta được ở trong Thiên Chúa
Linh hồn hoàn toàn chết đi đối với chính mình, để được chìm sâu vào trong Thiên Chúa. Ta cảm thấy rõ ràng mình ở trong Thiên Chúa, không còn phải là ta sống nữa mà Thiên Chúa sống trong ta (Gl 2, 20), ta không thể làm gì, chỉ còn biết tin[193]. Linh hồn cảm thấy ngất ngây vì niềm hoan hỉ ngọt ngào, cơn ngất trí này khiến ta từ từ ngưng thở và mất hẳn sức lực, bất cứ một cử động nào cũng làm cho toàn thân đau đớn, mắt nhắm lại mà nếu có mở cũng chẳng thấy gì, có cố đọc cũng không đọc được, cố nghe cũng chẳng nghe được, cố nói cũng vô ích[194].
Trong bậc cầu nguyện này, ta được chìm ngập trong niềm âu yếm ngất ngây. Ta vui mừng khi thấy mình bị tiêu tan đi. Đôi khi vào lúc kết thúc giờ cầu nguyện, ta thấy mình hoàn toàn ở ngoài mình đến độ ta không biết mình tỉnh hay mơ. Nhưng rồi ta biết đó không phải là mơ, nước mắt trào ra, không sao ngăn nổi[195]. Hiện tượng này xảy ra ngay khi ta bắt đầu cầu nguyện[196]. Y như đám mây hút nước và đưa nước lên cao thế nào, ta cũng được Thiên Chúa chiếm lấy, đưa lên cao và tỏ cho thấy những gì thuộc Nước Trời Ngài đã chuẩn bị cho ta[197].
1.1.3. Bỡ ngỡ trước ân sủng của Thiên Chúa
Do lòng nhân hậu, Thiên Chúa đã kết hợp với ta ngay khi ta còn ở trên dương thế khiến ta phải bỡ ngỡ[198]. Thanh Têrêsa Avila đã phải xin Thiên Chúa thận trọng khi ban ơn này cho bà. Bà xin Ngài đừng quá vội quên những hành động gian ác nặng nề của bà, đừng tuôn đổ những của châu báu của Ngài vào trong bình vỡ, đừng đưa kho tàng phong phú vào trong một tâm hồn vẫn còn quá thèm khát thế gian. Nếu Chúa làm thế, người ta sẽ có cớ để coi thường những hồng ân ấy. Bà con khẩn xin Chúa lấy đi hồng ân trọng đại Chúa đang ban cho bà ở trần gian để ban cho những ai có thể làm vinh danh Thiên Chúa hơn bà. Nhưng sau đó bà lại coi việc cầu xin ấy là điên dại và thiếu khiêm tốn vì Thiên Chúa biết điều gì thích hợp với bà[199].
Trong bậc cầu nguyện nay, linh hồn thoát khỏi các thọ tạo cách mau lẹ hơn nhiều[200]. Vì nhận ra thân phận mỏng dòn của mình, nên càng nhận được nhiều ơn hơn các bậc cầu nguyện khác, ta càng khiêm nhường hơn, ta cảm thấy mình bất xứng cách tuyệt đối, thấy rõ sự khốn nạn của ta, ta sững sờ kinh ngạc khi dù đã được hưởng không biết bao nhiêu ân sủng của Thiên Chúa, thế mà ta lại vẫn cứ sa ngã, nhưng Thiên Chúa lại vẫn thứ tha[201].
2. Đặc điểm của sự ngất trí
2.1. Ta bị đưa lên khỏi đất, nhưng không sao cưỡng lại được
Khi ngất trí, linh hồn không thể làm linh hoạt thân xác. Thân nhiệt giảm hẳn, thân xác lạnh dần, tuy vẫn cảm được sự ngọt ngào và niềm vui tột độ không sao cưỡng lại được. Trong bậc kết hợp, ta vẫn tự chủ hoàn toàn, và có thể cưỡng lại cách hữu hiệu. Cơn ngất trí giống như một cảm hứng rất mau và rất mạnh. Ta biết và thấy mình được đem đi, nhưng không biết đi đâu[202]. Vào những lúc đầu, một nỗi kinh hoàng thường chiếm lấy ta. Đầu và toàn thân bị nhấc bổng lên khỏi đất. Tóc trên đầu dựng dứng. Nhưng đây là một sự sợ hãi hòa lẫn với tình mến yêu tha thiết ta dành cho Đấng yêu thương ta đến độ không thỏa mãn với việc kéo linh hồn ta lên, nên đã kéo cả thân xác ta lên cùng Ngài. Ta chống chọi cách bất lực nhất là tại những nơi công cộng[203]. Khi cố chống lại cơn ngất trí, ta thấy có một sức mạnh ở dưới chân đẩy ta lên, chiếm lấy ta và ta cảm thấy mệt nhừ tử. Ta chẳng làm được gì vì ai nào có thể chống lại quyền lực Thiên Chúa! Thánh Têrêsa Avila không thích ngất trí nhất là tại các nơi công cộng. Bà kể có lần trước khi rước lễ, bà bị ngất trí, bà rất khổ tâm. Nhiều lần khi cảm thấy sắp ngất trí bà liền ngã ra và các chị em chung quanh đã đỡ bà lên. Bà tha thiết xin Chúa ban cho bà những ơn mà bề ngoài không ai biết, và Chúa đã nhận lời bà[204].
Những cơn ngất trí như thế biểu lộ quyền năng cao cả của Thiên Chúa, vì ta nhận ra có một Đấng nào đó mạnh mẽ hơn ta, nhận ra được như thế khiến ta khiêm tốn hơn[205].
Trong cơn ngất trí, Thiên Chúa kéo ta ra khỏi thế gian, đặt ta vào trong vùng đất của Ngài[206]. Lúc này ta phải mạnh dạn, can đảm và phải liều để có thể phó thác mọi sự cho Thiên Chúa và sẵn sàng để Thiên Chúa đem đi đâu tùy ý[207].
2. 2. Một nỗi hãi hùng đầy hoan lạc
Sau cơn ngất trí là một nỗi đớn đau cả hồn lẫn xác đều phải chịu. Nỗi đau này không do ta[208]. Ta phải chịu một cơn cùng quẫn, mà thánh Phaolô mô tả là “tôi cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô” (Pl 2, 19). Sở dĩ thế là vì ta chưa ở trên trời nhưng lại không khao khát những sự thuộc về thế gian và vì ta cũng không thuộc thế gian nên ta lửng lơ giữa trời và đất. Ta có cảm tưởng là mình bị cả đất trời bỏ rơi. Ta khao khát Nước Trời, nhưng lại chưa thuộc hẳn về Trời, nên sự khao khát ấy dằn vặt ta, nhưng nỗi đau này bao giờ cũng kèm theo niềm hạnh phúc lớn lao. Đây là nỗi đau hãi hùng nhưng cũng đầy hoan lạc[209].Ta thấy khổ tâm khi phải quay trở lại thế gian, phải thấy những cảnh lố lăng, phải đáp ứng những nhu cầu của thân xác, phải ăn, phải ngủ. Ta thấy mình vẫn còn bị tù túng trong thế gian[210]. Ta buồn vì còn phải ở chốn lưu đầy, phải lưu đầy xa Chúa[211].
2. 3. Ta được chìm sâu trong Thiên Chúa
Sau cơn ngất trí thân xác ta nhẹ tênh đến độ ta có cảm tưởng như chân mình không còn đạp đất. Thân xác vẫn ở trong tình trạng ngất trí. Tuy không thể liên lạc với thế giới bên ngoài, nhưng ta vẫn nghe, vẫn hiểu cách lờ mờ[212]. Chỉ khi cơn ngất trí lên cao, ta mới không nghe, không hiểu vì khi ấy, ta được chìm sâu trong Thiên Chúa hay đúng hơn Chúa nhận chìm ta vào trong Ngài. Nhưng Thiên Chúa cũng chỉ cầm giữ ý chí thôi, trí nhớ, trí tưởng tượng vẫn tự do, nhưng vẫn không làm gì được ý chí[213]. Lúc này ta thường nhắm mắt, vì có mở cũng chẳng thấy gì. Hết cơn ngất trí các quan năng vẫn chưa trở lại bình thường, có khi phải mất vài ngày sau mới bình phục hoàn toàn[214].
3. Đòi hỏi
3.1. Từ bỏ mọi sự thuộc thế gian và xa tránh các dịp tội
Ta nhận chỉ được những hồng ân cao cả trong bậc cầu nguyện này sau một thời gian dài thực hành tâm nguyện khi lý trí, ý chí đã dốc cạn sức để tìm cách làm vui lòng Thiên Chúa[215] vì Chúa ban ân sủng để ta phục vụ Ngài[216]. Nhưng để hoa trái của bậc cầu nguyện này phong phú và sâu sắc, ta cần từ bỏ những sở thích riêng, từ bỏ tiền bạc danh vọng, từ bỏ khoái lạc vì nó chỉ đem lại bất an, đau khổ[217], cần phải bỏ hẳn các cuộc giải trí vì nó sẽ dẫn ta tới nhiều dịp tội[218]. Ta cần phải từ bỏ thật chứ không chỉ từ bỏ ngoài môi ngoài miệng[219]. Ta cũng cần tránh xa các dịp tội, thận trọng gìn giữ những ơn Chúa ban[220], cần một lòng yêu mến và đức khiêm nhường thật thì mới có thể làm ích cho mình và tha nhân[221] vì yêu thương là phương dược chữa trị mọi tai họa[222].
Ta cần có những nhân đức vững mạnh, cần hy sinh, từ bỏ. Không được tự mình xông vào chiến trận vì muốn thế phải có khí giới, chỉ cần tự vệ thôi cũng được[223]. Ai khiêm nhường, kính sợ Thiên Chúa, không cậy dựa vào sức riêng của mình nhưng nhận ra mọi sự là do Thiên Chúa ban thì đều có thể tiếp xúc với hết mọi hạng người mà không sợ bị ai làm hại[224].
3.2. Dù yếu hèn đến mấy cũng không được bỏ cầu nguyện
Nhưng nếu có yếu đối mà đánh mất ân sủng Thiên Chúa ban thì cũng đừng thất vọng, lượng từ bi của Thiên Chúa bao giờ cũng lớn hơn tội lỗi, cũng vượt xa sự gian ác của ta, đừng nói rằng nếu cứ sa ngã thế này thì tốt hơn đừng tiếp tục cầu nguyện nữa. Khi sa ngã nếu ta bỏ cầu nguyện và không lo sửa mình thì sẽ rất nguy hiểm[225]. Kiên trì cầu nguyện và muốn nối lại tình bạn với Thiên Chúa là những cột trụ vững chắc để khỏi sa ngã nặng nề. Lòng thương xót Thiên Chúa không bao giờ vơi cạn[226].Ngoài ra, ta cũng cần rước lễ thường xuyên, noi theo cuộc sống của Chúa Giêsu, để được nên như Người và cần có người hướng dẫn[227].
2.3. Cảnh giác với những cám dỗ của ma quỉ
Ta cũng cần cảnh giác đối với cám dỗ của ma quỉ. Quỉ luôn cám dỗ ta bỏ cầu nguyện[228]. Nó bảo ta đừng mong sống thân mật với Đấng ta đã công khai chống đối, hãy bằng lòng với những việc đạo đức bình thường, làm tròn việc bổn phận thì đã quá rồi, cầu nguyện thêm nữa làm gì. Khi ta thấy mình tội lỗi, quỉ bảo ta đừng cầu nguyện lại, cứ chờ cho tới khi sạch tội đã, thì mới cầu nguyện lại. Nhưng bỏ cầu nguyện lúc này là đâm thẳng xuống hỏa ngục. Còn khi ta thấy mình không thể lìa xa niềm hạnh phúc Thiên Chúa ban, quỉ liền bảo ta rằng giờ ta đã vững, không còn phải sợ gì, không cần cậy nhờ Thiên Chúa nữa. Vì thế phải kiên trì cầu nguyện[229].
4. Kết quả
4.1. Cầu nguyện đem hạnh phúc
Ở bậc cầu nguyện này, ta nhận được rất nhiều ơn. Ơn đầu tiên ta nhận được, đó là chỉ cầu nguyện mới đem lại cho ta một cuộc sống hạnh phúc[230], nêndẫu thời gian cầu nguyện có lâu mấy đi nữa cũng không làm cho ta khó chịu. Theo Thánh Têrêsa Avila vì cầu nguyện đem lại niềm vui nên cũng đem sự phục hồi sức khỏe[231]. Tuy trong cơn ngất trí thân xác rã rời, nhưng sau cơn ngất trí ta lại thấy mình khỏe hơn trước nhiều, Thiên Chúa ban thưởng cho thân xác vì đã vâng theo linh hồn[232].
4.2. Ta trở nên can đảm cách lạ lùng
Thiên Chúa chiếu soi vào linh hồn ta, nên ta được biến đổi[233]. Ta thấy mình đáng phải sa hỏa ngục, nhưng thay vào đó, ta lại được hưởng vinh quang, nên ngây ngất chúc tụng Thiên Chúa[234]. Ta cảm thấy mọi sự Thiên Chúa ban rất bao la, ta không xứng đáng lãnh nhận, ta cậy nhờ Đức Maria và các thánh trợ giúp, ta ca tụng Thiên Chúa đã ban cho ta những phương dược cần thiết để không chỉ xoa dịu, chữa lành mà còn xóa bỏ tận căn các thương tích của ta[235].Ta trở nên can đảm lạ lùng, ta quyết tâm cách anh hùng, khát vọng thuộc về Thiên Chúa thiêu đốt ta, ta chán ghét thế gian. Ta xa tránh vinh quang hão huyền và dứt khoát không để mình vướng vào những thứ ấy[236]. Ta cảm thấy những thú vui trên đời này chỉ là những thứ ghê gớm[237].
Ta cảm thấy và nhận ra Chúa hiện diện thật trong mọi sự chứ không chỉ là ân sủng của Ngài hiện diện. Chúa hiện diện thế để thông ban chính mình cho ta[238].
4.3. Ta làm ích cho tha nhân
Được tuyển chọn để làm ích cho tha nhân[239], ta thấy những hoa trái của bậc cầu nguyện này không chỉ của riêng ta, ta thấy mình là người quản lý kho tàng của Thiên Chúa, nên bắt đầu chia sẻ cho người khác, bắt đầu mưu ích cho tha nhân[240]. Ta không thể dửng dưng khi thấy mọi người đang theo đuổi những đảo điên giả trá[241]. Hơn thế nữa, ta sẵn sàng xin Thiên Chúa tha thứ cho những người xúc phạm đến ta và vì ta hành động thế, nên Thiên Chúa lại càng rộng tay ban phúc cho ta. Ta không oán hận những người chống đối, mà còn cầu xin Chúa tôn trọng họ[242].
4.4. Một đức tin vững mạnh
Ta bắt đầu tin mà không thắc mắc gì về những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện và cũng không nghi ngờ gì về phương diện đức tin[243]. Ta có được một tình yêu tin tưởng, chắc chắn rằng ta không lìa xa niềm hạnh phúc ta đang được hưởng, và sẽ không bao giờ đổi hạnh phúc này để lấy bất cứ thứ gì thấp hèn hay những thú vui trần thế. Ai đã đạt tới trình độ này mà không bỏ Thiên Chúa, Ngài sẽ không để họ phải hư mất[244]. 183 Ta dâng hết mọi sự, danh dự, ý chícho Chúa, ta là của Chúa, ta xin Chúa sử dụng ta theo ý Chúa, ta sẽ có thể làm mọi sự miễn là Chúa không bỏ ta[245].
4.5. Ơn từ bỏ thế gian, khao khát Thiên Chúa
Khi được ơn ngất trí, ta được Thiên Chúa ban cho ơn từ bỏ khác hẳn với sự từ bỏ ở bậc cầu nguyện kết hợp, cả thân xác ta cũng gớm ghét những sự trần gian là những thứ làm cho đời ta khốn khổ. Ước muốn từ bỏ thấm nhập thật sâu vào trong ta làm ta muốn bay vút lên cao, vượt ra khỏi mình và vượt lên trên mọi vật[246].
Ta không tha thiết gì với thế gian, cả những thứ đã và vẫn đem lại cho ta niềm an ủi, ta chỉ muốn một mình Thiên Chúa, khao khát một mình Ngài. Bất cứ khi nào không phải bận tâm vào việc gì, ta lại rơi vào tình trạng khát mong, nhưng khi khát mong ấy sắp xảy đến ta cảm thấy hãi hùng và khi đạt được khát mong, ta lại muốn cả đời ở trong tình trạng ấy dù rất đau đớn. Các mạch máu hầu như ngưng lại, xương cốt rã rời, chân tay tê cứng. Cơn đau này có thể kéo dài đến hôm sau. Những lúc này ta chỉ muốn chết để được thấy Thiên Chúa. Khát vọng muốn thấy Thiên Chúa mãnh liệt đến độ ta quên hết mọi sự. Ta hân hoan chịu đựng cơn đau này vì đó là con đường thánh giá, nên dù thân xác rời rã, linh hồn vẫn hạnh phúc hỉ hoan[247]. Ta tiếp tục cuộc sống khổ đau, không bao giờ thiếu vắng thánh giá ấy, nhưng lại là một cuộc sống không ngừng phát triển và phát triển mau chóng[248]. Ta còn hân hoan vì nhờ nỗi đớn đau này linh hồn được thanh tẩy, như vàng trong lửa[249].
4.6. Coi thường danh dự và mạng sống
Thiên Chúa chính là linh hồn của ta, Ngài nắm giữ ta, soi sáng cho ta, canh giữ ta. Không gì có thể làm ta chia trí nữa, những gì trước đây làm hại ta, lại thành hữu ích cho ta, mọi sự đều thành phương thế giúp ta hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa[250]. Thiên Chúa ban cho ta ơn thông hiểu các mầu nhiệm, cho ta được hưởng các thị kiến, giúp ta khiêm nhường và khinh chê hết mọi sự đời này[251]. Ta không muốn nghe bất cứ điều gì tốt về mình vì mọi sự tốt lành ta đang có không do tự ta mà do tự Thiên Chúa. Ta nhắm mắt trước những sự vật trần gian và chỉ mở ra để thấy chân lý. Ta không còn sợ mất mạng sống hay danh dự, ta chán ghét mọi sự thuộc thế gian, ta sẵn sàng từ bỏ mạng sống. Ta chỉ còn nghĩ đến những chân lý vĩnh cửu, nên thấy mọi sự khác chỉ là trò trẻ con, ta cười thầm khi thấy những “đại gia” của thế gian vẫn háo hức tìm kiếm những danh dự nhỏ nhen ta đã đạp dưới chân từ lâu[252].
4.7. Một đôi cánh mới
Tuy đau đớn vì phải trở về với cuộc sống thuộc thế gian này, nhưng linh hồn đã có được đôi cánh mới. Ta làm mọi sự nhân danh Đức Kitô. Ta thấy thế gian chỉ là phù vân, nên ta xin Thiên Chúa lấy hết tự do của ta để ta thuộc trọn về Ngài. Ta không còn muốn gì ngoài ý Chúa, không muốn làm chủ mình mà để Thiên Chúa làm chủ, chỉ muốn làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa và làm những điều hợp với ý Thiên Chúa. Nếu ta có gặp được những gì có giá trị, ta cũng không giữ nhưng sẵn sàng để Chúa phân phát. Ta không hài lòng với việc phục vụ Chúa bằng những việc vặt vãnh nữa, mà muốn phục vụ Chúa hết linh hồn, hết trí khôn nhưng ta cũng biết rằng ước muốn ấy không do tự ta mà do Thiên Chúa. Ta không còn bị vướng vào bất cứ thứ gì, ta ngạc nhiên vì sao trước đây ta lại mù quáng đến độ để mình nô lệ cho những thứ ấy, ta mong ước những người ta yêu mến cũng được giải thoát như ta. Ta thấy rõ chỉ những gì làm hài lòng Thiên Chúa mới là danh dự thật, ngoài ra chỉ là danh dự hão, ta khinh chê mọi thứ danh dự hão ấy[253]. Ta nắm ngay lấy những phương thế giúp ta phụng sự Chúa, ta chỉ muốn làm hài lòng một mình Ngài[254]. Ta hổ thẹn vì đã có thời ta thèm muốn tiền bạc dù tiền bạc chỉ mua được lửa thiêu và những cực hình không chấm dứt[255]. Theo Têrêsa Avila, những hiệu quả này chính là thước đo quan trọng để biết đó có phải là ngất trí thật hay không[256] và cũng là tiêu chuẩn giúp ta phân định lời Thiên Chúa, với lời con người và lời ma quỉ.
MA QUỈ VÀ CÁCH PHÂN BIỆT LỜI CHÚA, LỜI CON NGƯỜI VÀ LỜI MA QUỈ
1. Quỉ
1.1. Quỉ cám dỗ ta bỏ cầu nguyện
Ma quỉ là loài có thật đã được các tác giả Kinh thánh đề cập tới (Mt 4, 1 – 11; Lc 4, 1 – 13). Chúng thường cám dỗ ta bỏ Thiên Chúa để ta thuộc về chúng.
Quỉ luôn tìm đủ cách làm người ta sợ tâm nguyện để chúng có thể hại ta[257]. Chúng tạo ra những xôn xao, lo ra để ta bỏ cầu nguyện[258] và khi ta đã bỏ cầu nguyện, chúng sẽ dễ dàng đạt được mục đích của chúng ngay, vì linh hồn nào cầu nguyện, quỉ sẽ mất linh hồn ấy. Khi ta sa ngã, chúng bảo, một người đã được ban cho những ơn cao trọng thế mà còn yếu hèn thì còn tiếp tục cầu nguyện làm gì, chỉ cần đọc kinh cầu nguyện như mọi người là đủ rồi và chúng thuyết phục ta đợi chờ cho tới khi sạch hết mọi tội mới cầu nguyện lại, mà chờ như thế là chờ đến tận thế[259]. Quỉ làm ta chia trí khi cầu nguyện, bận tâm tới những chuyện lặt vặt, khiến ta không còn làm chủ được mình, không thể nghĩ được gì ngoài những điều phi lý nó tạo ra, tâm trí ta ngớ ngẩn, mắt như bị bịt lại. Quỉ làm ta bối rối, náo loạn, xô linh hồn ta vào tăm tối, phiền muộn, làm ta khô khan, không thể cầu nguyện được[260]. Hơn nữa, chúng còn làm thân xác ta bất lực, nó bảo ta rằng các việc đạo đức ta làm chẳng được gì mà chỉ hại sức khỏe thôi[261].
1.2. Bóp méo các nhân đức
Quỉ làm ta hiểu lệch lạc méo mó về đức khiêm nhường, nó bảo ta rằng ước ao những điều cao cả, muốn bắt chước các thánh và chết vì đạo là kiêu ngạo[262]. Chúng làm ta quá tự tin đến độ không còn vậy dựa vào Thiên Chúa nữa[263].
1.3. Tìm mọi cách để ta không tiến được
Chúng luôn tìm cách ngăn cản không cho ta nghĩ tới những cách thức ta phạm đến Thiên Chúa, nghĩ tới các bổn phận của ta đối với Thiên Chúa, sự hiện hữu của hỏa ngục, vinh quang và những cực hình Chúa Giêsu đã chịu vì ta[264].
Quỉ biết rằng khi bàn chuyện với những người khôn ngoan, ta sẽ tiến xa trong đời cầu nguyện, nên chúng tìm mọi cách ngăn cản ta, chúng còn làm cho những người hướng dẫn ta không thể hướng dẫn được, chỉ làm ta thêm khổ tâm[265].
1.4. Phá vỡ sự bình an của ta
Quỉ làm ta cáu kỉnh, khó tính, không kiềm chế được mình, có xưng tội cũng không tìm được ủi an, làm ta không thể nghĩ ra dù chỉ một ý tưởng tốt, làm ta dửng dưng với cuộc đời, không ham thích hãm mình[266].
Nhưng quỉ chỉ hoạt động khi Thiên Chúa cho phép và chỉ có khả năng tấn công những ai hàng phục chúng, hay những người Chúa muốn chịu quỉ tấn công để thanh luyện họ vì lợi ích của họ[267].2.
2. Sự khác biệt giữa lời do con người, lời Chúa và lời ma quỉ.
2.1. Lời con người
Lời do ta tưởng tượng ra dù tinh vi đến mấy ta cũng biết ngay nguồn gốc của nó, ta không nghe cách thụ động mà chủ động tạo ra. Những lời ấy thường lộn xộn, không rõ ràng như lời Thiên Chúa, ta có thể lờ đi, không cần nghe. Nhưng nếu là lời Thiên Chúa thì ta không thể lờ đi được. Những lời không phải là của Thiên Chúa thì không có hiệu quả. Nếu một ai đó, sau khi nói chuyện với ta chẳng để lại gì, thì có thể đó là ảo tưởng, còn một người sau khi nói chuyện với ta đã để lại cho ta một kỷ vật nào đó ta đang nắm giữ, thì chắc chắn đó không thể là ảo tưởng được. Còn lời Thiên Chúa thì bao giờ cũng có hiệu quả, lời ấy luôn khơi lên tình yêu, ban ơn soi sáng, làm cho ta hoan lạc và bình an, giải thoát ta khỏi bất hạnh, vì Thiên Chúa muốn ta nhận ra quyền năng và sự hiệu nghiệm của Lời Ngài[268].
Lời con người không tạo ra một hiệu quả nào trong linh hồn, ta không tin cũng chẳng đón nhận những lời ấy, ta coi đó là những lời nhảm nhí của trí khôn và chẳng khác gì lời của người điên[269].
Lời của ta qua đi rất mau, ta nghe được bất cứ khi nào ta muốn và bất cứ khi nào ta cầu nguyện. Lời Thiên Chúa dù muốn đến đâu, ta cũng không thể nghe được, còn những lúc không muốn, lại nghe được có khi còn bị buộc phải nghe, khi mới được nghe ta rất bối rối[270].
2.2. Lời Thiên Chúa
Lời Chúa phán rất rõ ràng, dù tai xác thịt không nghe được, nhưng tâm trí nghe rất rõ, có muốn bịt tai lại cũng vẫn cứ phải nghe. Khi Chúa đã nói với linh hồn thì trí khôn có thích hay không cũng vẫn phải chú ý đến điều Chúa muốn cho ta hiểu. Lời Thiên Chúa làm cho ta nghe được rất rõ, ta nhớ từng lời cả khi bối rối âu lo, ta nghe được cả một câu dài mà khi bình tĩnh ta cũng không nhớ được. Chỉ cần nghe tiếng đầu tiên, ta đã được thay đổi hoàn toàn nhất là khi ta xuất thần, là lúc ta không thể thấy, nghe hay hiểu gì, các quan năng hoàn toàn bất động[271].
Ta chăm chú và thích nghe Lời Thiên Chúa vì lời ấy có uy tín, không lừa dối ta và uy quyền đến độ nếu là lời khiển trách ta thấy khiếp đảm, còn lời yêu thương, ta sẽ cảm thấy chan chứa niềm vui. Lời Thiên Chúa thường chứa đựng một nội dung ta chưa hề biết đến, có khi rất dài, nói rất nhanh không một trí khôn nào có thể sáng tác được nhanh đến thế. Chúa lại ghi khắc những lời ấy vào trí nhớ nên không thể quên được, nếu có quên thì vẫn không thể quên hết. Những lời an ủi, người ta có thể quên, còn những lời có tính tiên tri, không thể quên được. Lời Thiên Chúa khi nghe ta hiểu ngay khiến ta phải ngạc nhiên. Thiên Chúa thường nói với ta những gì Ngài thích[272].
Lời Thiên Chúa xóa bỏ ngay những buồn khổ, đem lại sức mạnh, niềm xác tín, bình thản và ánh sáng, có sức biến đổi linh hồn, khiến một mình ta có thể đương đầu với toàn thế giới, vì Thiên Chúa có thể bắt bão táp phải im tiếng (x. Mt 8, 23 – 27).
Lời Thiên Chúa bao giờ cũng hợp với Kinh thánh, trái nghịch với Kinh thánh chắc chắn là lời của quỉ[273].
2.3. Lời ma quỉ
Lời quỉ nói không xấu có khi còn tốt nữa, nghe quỉ nói xong, ta có thể vui, nhưng ngay sau đó ta vừa kinh hoàng, vừa chán chường. Lời ma quỉ chỉ để lại những hậu quả xấu, khi nghe ta xao xuyến, ta như bị nhận chìm trong đau đớn, thử thách, ta bị xâu xé. Ta không tìm được nguyên nhân của những xâu xé ấy[274].
Nếu là lời của quỉ thì sẽ không có gì là tốt lành, ta trở nên bất an, bối rối và không thể sinh ra bất cứ việc lành nào. Có thể là có ước muốn tốt, nhưng không mạnh, lòng khiêm nhường do ma quỉ để lại là giả dối, thiếu an tĩnh, dịu dàng[275]
Những niềm vui Chúa ban khác với niềm vui ma quỉ đem đến, quỉ dùng niềm vui này để đánh lừa những người chưa hề biết đến niềm vui của Thiên Chúa. Niềm vui ấy cũng khiến ta nghẹn ngào xúc động, nhưng không kéo dài được, khi gặp thử thách sẽ tàn lụi ngay. Tiêu chuẩn để đo lường niềm vui do quỉ đem đến hay niềm vui Chúa ban chính là sự tiến triển trong đời sống cầu nguyện[276]
3. Phương thế chiến thắng ma quỉ
3.1. Cậy dựa vào Thiên Chúa
Ai tin tưởng vào Thiên Chúa, không dựa vào sức mình, không xúc phạm đến Thiên Chúa, thì quỉ sẽ không làm gì được, vì Thiên Chúa sẽ giải thoát ta. Ta nhớ rằng chỉ một tội nhẹ cũng làm hại ta nặng nề hơn sức mạnh của cả hỏa ngục liên kết lại[277].
Nếu ta quyết tâm chết cả ngàn lần để bảo vệ đức tin, luôn cố gắng sống phù hợp với Giáo lý Công giáo, học hỏi với những người khôn ngoan, thì không ai kể cả ma quỉ có thể lam ta sai trệch với giáo huấn của Hội thánh[278].
3.2. Làm đẹp lòng một mình Thiên Chúa
Nếu ta chỉ có một mục đích duy nhất là làm đẹp lòng Thiên Chúa, không tìm thỏa mãn, an nghỉ, hạnh phúc nào khác ngoài việc thực thi ý Thiên Chúa[279], thì Chúa sẽ ban cho ta ơn can đảm, giúp đập tan bè lũ Satan dễ dàng, và có thể coi ma quỉ như lũ ruồi[280].
Khi ta có được một lương tâm trong sạch, thẳng thắn trước mặt Thiên Chúa, làm vui lòng một mình Ngài, siêng năng xưng tội, tránh mọi dịp tội, ta không chỉ thoát khỏi sự kiềm chế của ma quỉ mà còn có thể đạp lên mọi chủ tể của hỏa ngục[281].
3.3. Vác thánh giá
Khi ta hướng hết tư tưởng, ước muốn vào Thiên Chúa, không tìm kiếm niềm vui, quyết tâm không mơ ước hưởng thụ và bước ngay vào đường thánh giá, chỉ lo làm hài lòng một mình Thiên Chúa, ta sẽ chiến thắng ma quỉ. Nếu ta tin tưởng vào lượng từ bi của Thiên Chúa, nhận biết mình và muốn nối kết lại tình thân với Thiên Chúa thì quỉ sẽ không làm gì được ta[282].
Nếu ta ghét mọi sự vì Thiên Chúa, cố gắng phụng sự Ngài, quỉ sẽ chạy xa ta. Quỉ yêu thích sự dối trá, nên rất thích những người gian dối, những người tìm an ủi trong những sự phù vân. Ta cần tìm an ủi trong những gì thật sự đem lại ủi an, tìm vinh dự trong những gì là vinh dự thật, tìm niềm vui trong những gì là niềm vui thật, quỉ sẽ sợ ta. Vì thế ta cần tiến bước cách thận trọng, chọn người khôn ngoan hướng dẫn, chân thành với người ấy[283].
3.4. Sự yếu hèn của ma quỉ
Quỉ hèn nhát đến độ ta khinh chúng, chúng không còn sức mạnh nữa và ta có thể có thể kiềm chế chúng. Quỉ chỉ có khả năng làm ta sợ chúng khi ta đã sợ chúng rồi bởi đã gắn bó với thế gian này, khi ta yêu mến những gì đáng lẽ ta phải ghét, ta trở thành kẻ thù của chính chúng ta, ta tự làm hại mình lại còn trao vũ khí cho kẻ thù đánh lại ta[284]
Quỉ hiện hình, Têrêsa Avila kinh hoàng, làm dấu thánh giá, quỉ biến mất, nhưng đã quay lại ngay, khi bà rảy nước thánh quỉ biến ngay và không quay lại nữa. Nước thánh buộc quỉ chạy trốn và ngăn ngừa quỉ trở lại, làm cho ta nếm được tình trạng thư thái. Bà khẳng định như thế[285].
Như thế, theo Thánh Têrêsa Avila, cầu nguyện là trao đổi yêu thương với Thiên Chúa, là đàm đạo với Đấng luôn hết mực thương ta, là xin Thiên Chúa những ơn cần thiết cho ta, là nói chuyện với Ngài, giãi bày những nhu cầu của ta cho Ngài, là nghĩ đến Chúa hiện diện trong ta, đặt mình trong sự hiện diện của Ngài, và không ngừng sống trong sự hiện diện ấy.
Cầu nguyện là để cho Thiên Chúa cuốn hút ta vào trong Ngài, để ta ở với Ngài và để Ngài ở với ta, là cương quyết bước theo Đấng yêu thương ta. Cầu nguyện là mở cửa ra để Thiên Chúa đổ tràn ân huệ cao trọng của Ngài cho ta và cũng là phương thế tốt nhất để sửa đổi chính mình.
Nhưng để việc cầu nguyện đạt được kết quả tốt, ta cần phải có phương pháp, cần đáp ứng những đòi hỏi cần thiết, chống trả lại những biếng nhác, kháng cự nơi ta và nhất là chống lại cơn cám dỗ của ma quỉ. Làm được những chuyện ấy, ta hy vọng sẽ đạt được những bậc cầu nguyện mà Thánh Têrêsa Avila đã đưa ra.
Thánh nữ tiến sĩ Hội thánh này không chỉ viết có một quyển Tiểu Sử Tự Thuật mà còn một số tác phẩm quan trọng khác, người viết chưa có điều kiện nghiên cứu, nên bài viết này chắc chắn vẫn còn nhiều thiếu sót. Hy vọng trong tương lai gần sẽ có những bài nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc hơn, làm cho nền linh đạo trong Hội thánh phong phú và đặc sắc hơn.
Lm. Đa Minh Nguyễn Đức Thông, CSsR.
[1] Hội Đồng Giám mục Việt nam, Ủy Ban Giáo lý Đức tin, Tự Điển Công giáo, tr. 114.
[2] GLHTCG 2564 – 2565.
[3] Hội Đồng Giám mục Việt nam, Ủy Ban Giáo lý Đức tin, Tự Điển Công giáo, tr. 114.
[4] Henri M. Nouwen, Chỉ Có Một Điều Cần Thôi, bản dịch của linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR, tr. 31 – 32.
[5] F. X. Durrwell, Đức Kitô, Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ta, tr. 98.
[6] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 65.
[7] Marcell Auclair, Cuộc Đời Mẹ Thánh Têrêsa, tr. 84
[8] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 106.
[9] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 26
[10] Ibid., tr. 108
[11] Marcell Auclair, Cuộc Đời Mẹ Thánh Têrêsa, tr. 87.
[12] Marcell Auclair, Cuộc Đời Mẹ Thánh Têrêsa, tr. 89, 118
Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 67
[14] Ibid., tr. 84
[15] Ibid., tr. 68.
[16] Ibid., tr. 64
[17] Marcell Auclair, Cuộc Đời Mẹ Thánh Têrêsa, tr. 84.
[18] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 65, 57.
[19] Ibid., tr. 67.
[20] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 84 – 85.
[21] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 93.
[22] Ibid., tr. 68
[23] Ibid., tr. 26, 68.
[24] Ibid., tr. 25
[25] Ibid., tr. 66
[26] Ibid., tr. 46
[27] Ibid., tr. 41, 68.
[28] Ibid., tr. 46, 87, 85.
[29] Ibid., tr. 74.
[30] Ibid., tr. 78, 98, 61, 59.
[31] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 43.
[32] Ibid., tr. 80, 85.
[33]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu SửTự Thuật, tr. 86, 87, 93, 95
[34]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sữ Tự Thuật, tr. 300.
[35]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 298
[36]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 302.
[37]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 303.
[38] Ibid., tr. 28, 68, 41, 27, 72.
[39] Ibid., tr. 66.
[40] Ibid., tr. 25, 57.
[41] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 64.
[42]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 69
[43]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 92, 44, 39, 26, 31, 22.
[44] Ibid., tr. 77, 80
[45] Ibid., tr. 76, 22, 73, 63.
[46] Ibid., tr. 28, 54
[47] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 86, 39, 40.
[48]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật,tr. 26
[49]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 71 – 73
[50] Ibid., tr. 26, 27, 73.
[51] Ibid., tr. 29
[52] Ibid., tr. 66.
[53] Ibid., tr. 77.
[54] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 57
[55]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật,tr. 130.
[56] Ibid., tr. 131.
[57]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 62.
[58] Ibid., tr. 63
[59] Ibid., tr. 66 – 67.
[60] Ibid., tr. 90
[61] Ibid., tr. 91
[62] Ibid., tr. 92
[63] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 90
[64] Ibid., tr. 97
[65]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiều Sử Tự Thuật, tr. 91
[66]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 90, 91, 95.
[67] Ibid., tr. 90
[68]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 94
[69] Ibid., tr. 97
[70] Ibid., tr. 94
[71] Ibid., tr. 118
[72] Ibid., tr. 106.
[73] Ibid., tr. 60
[74] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 66
[75] Ibid., tr. 64
[76] Ibid., tr. 94, 104.
[77]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 102 – 103.
[78] Ibid., tr. 129 – 130.
[79] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 88 – 89
[80]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 96
[81] Ibid., tr. 89 – 90.
[82]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiều Sử Tự Thuật, tr. 106
[83]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 110
[84]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 89
[85]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 107.
[86]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 103.
[87]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr.106, 107.
[88]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 93.
[89]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 101
[90]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 101, 102.
[91]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 102.
[92]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 108.
[93]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 96
[94]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 103.
[95]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 91
[96]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 91, 104.
[97]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 91, 92
[98]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 93, 95.
[99]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 92
[100]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 96.
[101]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 97
[102] Ibid., tr. 108
[103] Ibid., tr. 97
[104] Ibid., tr. 108
[105] Ibid., tr. 108
[106] Ibid., tr. 113 – 114
[107] Ibid., tr. 108.
[108] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 109
[109] Ibid., tr. 98, 99
[110]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 101
[111]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 109.
[112]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 110
[113]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 111
[114]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 113.
[115]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr.112.
[116]Marcell Auclair, Cuộc Đời Mẹ Thánh Têrêsa, tr. 355.
[117]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 98
[118]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 298.
[119]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 180.
[120]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 196.
[121]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 298 – 299.
[122]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 280.
[123]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr 98.
[124] Phan Bội Châu, Ngục Trung Thư.
[125]Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 104, 105.
[126] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 131.
[127] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 117 – 118
[128] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 114, 115
[129] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 124
[130] Ibid., tr. 123
[131] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 122
[132] Ibid., tr. 129
[133] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 127 – 128.
[134] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự thuật, tr. 115
[135] Ibid., tr. 118
[136] Ibid., tr. 115
[137] Ibid., tr. 116
[138] Ibid., tr. 117
[139] Ibid., tr. 124, 123.
[140] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 120
[141] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự thuật, tr. 120, 121, 119
[142] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 123
[143] Ibid., tr. 123
[144] Ibid., tr. 130
[145] Ibid., tr. 123
[146] Ibid., tr. 131
[147] Ibid., tr. 123
[148] Ibid., tr. 130
[149] Ibid., tr. 131
[150] Ibid., tr. 125
[151] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 125
[152] Ibid., tr. 126
[153] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 128.
[154] Ibid., tr. 127
[155] Ibid., tr. 128.
[156] Ibid., tr. 129
[157] Ibid., tr. 128
[158] Ibid., tr. 130
[159] Ibid., tr. 128.
[160] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 132, 138.
[161] Ibid., tr. 135
[162] Ibid., tr. 132, 133
[163] Ibid., tr. 139
[164] Ibid., tr. 132, 133
[165] Ibid., tr. 138
[166] Ibid., tr. 132, 133, 135, 136
[167] Ibid., tr. 143
[168] Ibid., tr. 133
[169] Ibid., tr. 134
[170] Ibid., tr. 139
[171] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 141, 142
[172] Ibid., tr. 134
[173] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 134, 135
[174] Ibid., tr. 140
[175] Ibid., tr. 134 – 135
[176] Ibid., tr. 139
[177] Ibid., tr. 141
[178] Ibid, tr. 137
[179] Ibid., tr. 139, 143, 140.
[180] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 137
[181] Ibid., tr. 137
[182] Ibid., tr. 138
[183] Ibid., tr. 139
[184] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 138
[185] Ibid., tr. 139
[186] Ibid., tr. 142.
[187] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 144
[188] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 145
[189] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 151
[190] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 152
[191] Ibid., tr. 170
[192] Ibid., tr. 154
[193] Ibid., tr. 152
[194] Ibid., tr. 150
[195] Ibid., tr. 153
[196] Ibid., tr. 154
[197] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 165
[198] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 146
[199] Ibid., tr. 147
[200] Ibid., tr. 148
[201] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 154, 156
[202] Ibid., tr. 165
[203] Ibid., tr. 166
[204] Ibid., tr. 167
[205] Ibid., tr. 167, 185
[206] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 185
[207] Ibid., tr. 166
[208] Ibid., tr. 168
[209] Ibid., tr. 170
[210] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 183
[211] Ibid., tr. 184
[212] Ibid., tr. 173
[213] Ibid., tr. 174
[214] Ibid., tr. 175.
[215] Ibid., tr. 149
[216] Ibid., tr. 159
[217] Ibid., tr. 178
[218] Ibid., tr. 161
[219] Ibid., tr. 184
[220] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 155, 162
[221] Ibid., tr. 184
[222] Ibid., tr. 178
[223] Ibid., tr. 162
[224] Ibid., tr. 186
[225] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 156
[226] Ibid., tr. 160, 163, 164.
[227] Ibid., tr. 161, 182, 163.
[228] Ibid., tr. 156
[229] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 160 – 161, 163, 156
[230] Ibid., tr. 160
[231] Ibid., tr. 150
[232] Ibid., tr. 175
[233] Ibid., tr. 151
[234] Ibid., tr. 154
[235] Ibid., tr. 156
[236] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 154
[237] Ibid., tr. 161
[238] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 152 – 153
[239] Ibid., tr. 187
[240] Ibid., tr. 155
[241] Ibid., tr. 182
[242] Ibid., tr. 158
[243] Ibid., tr. 159
[244] Ibid., tr. 162 – 163
[245] Ibid., tr. 183
[246] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 168 – 169
[247] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 170 – 172
[248] Ibid., tr. 186
[249] Ibid., tr. 173
[250] Ibid., tr. 186
[251] Ibid., tr. 187
[252] Ibid., tr. 178, 179, 180, 181, 185
[253] Ibid., tr. 176, 177, 178
[254] Ibid., tr. 182
[255] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 178
[256] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 176
[257] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 66
[258] Ibid., tr. 94
[259] Ibid., tr. 160 – 161
[260] Ibid., tr. 281, 280
[261] Ibid., tr. 104
[262] Ibid., tr. 102
[263] Ibid., tr. 163, 282
[264] Ibid., tr. 94
[265] Ibid., tr. 204
[266] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 282, 284, 286
[267] Ibid., tr. 294, 232.
[268] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 221, 222
[269] Ibid., tr. 223
[270] Ibid., tr. 224 – 225
[271] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 220, 222, 223
[272] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 223, 224, 225, 229.
[273] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 231, 227, 316
[274] Ibid., tr. 225 – 226
[275] Ibid., tr. 227, 228
[276] Ibid., tr. 226
[277] Ibid., tr. 226, 229, 232
[278] Ibid., tr. 119, 227
[279] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 231
[280] Ibid., tr. 232, 233
[281] Ibids., tr. 234, 293
[282] Thánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu, Tiểu Sử Tự Thuật, tr. 128, 133, 163
[283] Ibid., tr. 232, 233, 228
[284] Ibid., tr. 231, 232, 294, 258.
[285] Ibid., tr. 290, 295, 291.