Lời mở
Tâm tình chính là tình cảm riêng tư, thầm kín của mỗi người, được bày tỏ, thổ lộ cách rất riêng cho người mình yêu mến nhất (x. Tự Điển Việt). Xem ra, tâm tình mang đậm sắc những yếu tố của trái tim là “tình yêu”. Đức Giê-su thực hiện sứ vụ cứu độ theo kế hoạch tràn đầy yêu thương của Chúa Cha. Tình yêu Người đi vào mọi ngõ ngách khát vọng của trái tim con người, nên tất cả nhân loại, được đón nhận yêu thương từ Thiên Chúa Tình Yêu trong mầu nhiệm Cứu Chuộc mà không phân biệt đối xử, loại trừ. Đó là yếu tố nền tảng cho vai trò làm Thầy, làm mẹ mà những người thánh hiến, những môn đệ đích thực của Đức Giê-su phải thấm nhuần nên như một mặc nhiên. Như Thầy Giê-su – yêu cho đến cùng, “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của người Thầy dám hiến mạng vì yêu thương học trò, và vĩ đại biết bao cho bằng tình yêu của người mẹ hy hiến mạng sống vì hạnh phúc con mình” (x. Ga 15,13).
I. TÂM TÌNH CỦA THẦY GIÊ-SU
1. Tâm tình chảy vào tâm huyết sâu thẳm của Thầy dành cho các môn đệ
Lời tâm huyết bộc bạch của Thầy Giê-su minh hoạ cách sống động và sâu sắc tâm tình Thầy trò: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con”.
Khó khăn biết bao khi Thầy nhìn thấy viễn tượng tương lai đầy nguy hiểm mà tha thiết nói lên lời này: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn” (Ga 15, 9-11).
Tâm nguyện mong mỏi cho các môn đệ nên một trong yêu thương, đừng để mất một ai. Chúa đã nghiêm nghị: “Đây là lệnh truyền của Thầy: ‘Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình’.”(Ga 15, 12-13).
Tình yêu của Thầy ghi sâu, lan rộng đến nỗi trở nên thân hữu cùng trò: “Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết” (Ga 15, 14-15).
Tâm huyết của Thầy chân thật, tràn đầy yêu thương, nên Thầy cho các môn sinh biết rõ định hướng của Thầy: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau” (Ga 15, 9-17).
Khi sai các môn đệ đi thực tập sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ: Thầy đã chuyển trao trọn vẹn quyền năng của Thầy, không giữ lại gì. Tin Mừng Thánh Mat-thêu kể: “Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị những yếu tố nền tảng của vị tông đồ: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
Đức Giê-su nhắn nhủ cặn kẽ môn đệ của mình: “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó”.
Chúa rất lo lắng nên cảnh giác: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 1. 5-16).
2. Sự bày tỏ của tâm tình nơi Trái tim của Thầy
Tình yêu tự bản chất là một huyền nhiệm nên không ai thấu cảm hết được những điều kỳ diệu bởi tình yêu. Thiên Chúa trong sự khôn ngoan vô cùng Người đã thiết định yếu tố nền tảng – là tình yêu nơi con người. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định: “Ơn gọi căn bản và bẩm sinh của con người là tình yêu, vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa là tình yêu (số 1604).
Sứ vụ là trọng trách thiêng liêng, cao cả của Đức Giê-su. Vì thế, thời sứ vụ công khai, điều tiên quyết mà Chúa lo lắng, đó là việc chọn 12 tông đồ. Tin Mừng Luca kể rằng: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13).
Một công việc thật quan trọng với Chúa, thế nhưng qua danh sách Nhóm Mười Hai, có lẽ chúng ta kinh ngạc, vì cơ bản đa phần họ là dân thuyền chài chuyên nghiệp, vì chuyên nghiệp nên ngay từ niên thiếu đã phải theo ngành nghề với cha anh, qua đó, học vấn chắc chắn là thấp kém. Về nhân cách thì hạn chế, nhiều vị cá tính nóng nảy, bốc đồng, so đo, nhỏ nhen. Về đạo đức thì có lẽ cả tập thể mười hai đều không biết ăn chay và cũng chẳng biết cách cầu nguyện (x. Lc 11, 1). Đa phần là rơi vào tham, sân, si – cụ thể nhất, là ham hố chức quyền. Ba năm theo Thầy thường tranh giành với nhau về cái chức làm đầu trong tập thể; ngay những ngày Chúa loan báo Người sắp đi vào cuộc khổ nạn – Người sẽ bị nộp và sẽ bị giết chết, nhưng các ông không mảy may chia sẻ cảm thương Thầy, trái lại, còn tranh cãi nhau xem ai là người lớn hơn trong Nước Thầy (Mc 9, 30-34).
Hai anh em nhà Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã từng được Chúa Giêsu đặt biệt hiệu là “con thiên lôi” (Mc 3,17). Ngoài ra, nghe rằng hai ông Simon và Giuđa Tađêô mà một trong hai có biệt danh là “quá khích”, thuộc nhóm Zêlốt, nhóm này chủ trương là đánh đuổi đế quốc Rôma để giành lại độc lập tự do cho dân tộc Do Thái đang bị đô hộ. Biện pháp của họ là ám sát. Họ dùng phương pháp “bạo lực cách mạng”. Người ta đã từng xem nhóm này là “ông tổ” của chủ nghĩa khủng bố. Thế mà, Chúa đã thu nhận hết.
Ba năm theo Thầy, chứng kiến bao phép lạ kỳ diệu Thầy làm: chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền – từ câm, mù, què, liệt và khu trừ quỷ ma, cho người chết sống lại…. Dân chúng tuốn đi theo Chúa 3, 4 ngày. Họ lũ lượt đến cùng Người, có khi lên tới 4.000 người đàn ông, khi thì 5.000 người, không kể đàn bà con trẻ. Và Chúa đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi họ (Mt 14, 13-21; Mt 15, 29-37). Ngoài ra, nghe chân lý Chúa giảng, Thánh Mac-cô mô tả: “Dân chúng từng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư (Mc 1, 21-22). Và: “Trong hội đường, có một người bị thần ô uế nhập. Chúa đã lệnh cho nó xuất khỏi người ấy. Nó thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê (x. Mc 1, 23. 26-28).
Thánh Mat-thêu cũng cho thấy nhận định của dân chúng về Cách giảng dạy của Đức Giê-su: “Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ (Mt 7, 28-29).
Thế nhưng, các môn đệ lại rất coi thường Thầy. Chúng ta nghe những sự thật:
Khi cô Maria, chị của Lazaro lấy bình thuốc thơm hảo hạng xức chân Đức Giêsu. Trước việc làm của cô, Giuđa cho là một việc làm uổng phí, hắn trách Maria: sao không bán bình dầu lấy 300 đồng bạc mà cho người nghèo. Hắn đã coi thường Thầy ngang tầm một đồ vật. Phần Chúa Giê-su, Người nhẹ nhàng bảo: người nghèo lúc nào chúng con cũng có, còn Thầy thì không có mãi đâu (x. Ga 12, 3).
Lần khác, khi Thầy trò gặp bão táp trên Biển Hồ. Chúa Giê-su nằm ở đằng lái dựa gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người và nói lời bất kính: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và biển: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng, biển lặng như tờ. Rồi Người ôn tồn nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?”
Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?” (Mc 4, 37-41). Và còn nhiều lần khác nữa.
Với cái nhìn nhân loại, thì chúng ta tự hỏi tại sao Chúa lại chọn lớp người nghèo nàn về mọi phương diện như thế? Thưa, đó là kế hoạch của Thiên Chúa. Người tỏ cho chúng ta rằng – đường lối của Người khác xa đường lối chúng ta. Người đến để cứu độ, thế nên, đối với Thiên Chúa mọi sự đều là có thể (x. Mt 19,26). Không chỉ bằng quyền năng trong lời nói và hành động, nhưng Người dùng cách thức của Người – là tình yêu mà giáo hóa các tông đồ. Sức mạnh của tình yêu thật diệu kỳ. Chính tình yêu của Thầy chí thánh đã làm cho các tông đồ đổi thay. Tất cả họ đã dần trở nên khiêm tốn và quảng đại. Giacôbê là vị tử đạo đầu tiên trong tập thể Tông Đồ (Cv12,1-3). Hầu hết họ đã hân hoan đồng chịu số phận với Thầy. Gioan khi tháp tùng Phêrô đi rao giảng Tin Mừng, ông trở nên rất khiêm nhu hiện diện như là người trợ lý đồng hành âm thầm (x. Cv 3-4). Tất cả họ quả là những ngư phủ xứ Galilê từ những người đánh cá kiếm tiền, đã dần chuyển thành người chinh phục tha nhân cách vô vị lợi. Và họ đã nên nền móng vững chắc của Giáo Hội.
Truyền đạt đức tin Ki-tô giáo, trước tiên là loan báo về Đức Giê-su Ki-tô, một Thiên Chúa tình yêu, để đưa mọi người đến chỗ tin vào Người. Sau khi Chúa về trời, Chúa Thánh Thần tiếp nối và đồng hành với các tông đồ. Các ông đã nên những người tiên phong, tràn trề nhiệt huyết, họ đã khao khát loan báo về Thầy: “Chúng tôi không thể không công bố những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe, đã sờ đụng được – Đó là Lời Sự Sống” (Cv 4, 20). “Sự sống đã xuất hiện, chúng tôi đã nhìn thấy và xin loan báo cho anh em. Sự Sống đời đời hằng ở bên Chúa Cha và nay đã xuất hiện cho chúng ta, để cả anh em nữa cũng được hiệp thông với chúng tôi”. Các tông đồ chia sẻ hạnh phúc viên mãn: “Chúng tôi được hiệp thông với Chúa Cha và Đức Giê-su Ki-tô”. Niềm hạnh phúc viên mãn trong tình yêu kết hiếp ấy đã tràn trụa đến độ các ngài mong chia sẻ cho mọi người. “Những điều này chúng tôi viết ra cho anh em để niềm vui của chúng tôi được trọn vẹn” (1 Ga 1, 1-4).
Tất cả họ đã được biến đổi vì tình yêu của Thầy.
3. Sự bày giãi tâm tình của Thầy qua hành động của tình yêu
Ðức Giêsu xác định với những người Do Thái: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết các chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, chiên nghe tiếng của tôi; tôi gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi chiên từ chuồng ra, tôi đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của tôi. Và thật cảm động: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. Mục tử nhân lành đưa đàn chiên tới sự sống đời đời”. Chúa Giêsu còn đề cập đến một số hình ảnh khác nữa, trái tim mục tử nhân lành cùng chung nhịp đập với trái tim của đàn chiên. Sự chung nhịp của mục tử nhân lành và đàn chiên giúp từng con chiên cảm nhận được sự an bình thư thái ngay cả khi đối diện với muôn ngàn hiểm nguy, vì chúng có mục tử ở bên (Ga 10).
Người thao thức: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (x. Ga 10, 11. 4. 16).
Ý nghĩa thâm sâu Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta rằng, Người đã yêu con người đến độ hiến mạng sống cho con người: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). “Không ai cất mạng sống tôi được, chính tôi tự mình thí mạng sống tôi“ (Ga 10,18).
II. TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI MẸ NƠI ĐỨC GIÊ-SU
Trong sự khôn ngoan, khi sáng tạo Thiên Chúa đã phú bẩm nơi thiên chức của người mẹ một sự kỳ diệu, lạ lùng! Chúng ta suy nghĩ về hai sự kiện sau, minh hoạ tình yêu của người mẹ:
1. Người mẹ hy sinh thân mình cứu con trong trận động đất.
Một phụ nữ trẻ đã hy sinh thân mình để che chở và bảo vệ đứa con nhỏ của cô trong trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011. Câu chuyện xúc động này đã lan truyền khắp thế giới mạng, khiến nhiều người phải thán phục trước tình mẫu tử thiêng liêng và tinh thần dũng cảm của người Nhật.
Khi lực lượng cứu hộ bắt đầu các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Và họ đã thấy thi thể của một phụ nữ trẻ. Cô đã chết. Thi thể cô trong tư thế rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện, cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó. Ngôi nhà sập lên lưng và đầu cô.
Viên đội trưởng đã tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên sung sướng: “Một đứa bé! Có một đứa bé!”. Một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ, bé đang ngủ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên. Sau khi mở tấm chăn, Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ của bé nhìn thấy một điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn trên màn hình, viết: “Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”.
Ôi! Thật kỳ diệu về tình mẫu tử! Tất cả những ai đã đọc mẩu tin đều không ngăn nổỉ dòng nước mắt (x. nguồn: afamily.vn).
2. Loài chim đã lấy máu mình nuôi con.
Qua văn học, chúng ta biết có một loại chim tên là Bồ Nông. Khi không thể tìm được thức ăn cho con, thì nó tự mổ rách ngực để lấy máu của nó nuôi con.
Hình ảnh chim bồ nông trở thành biểu tượng cho lòng mẹ yêu thương con thắm thiết, sẵn sàng hiến mình cho con được sống. Một phiên bản khác là bồ nông dùng máu của mình nuôi đàn con đang chết đói, cuối cùng vì kiệt sức chim mẹ lại mất mạng.
Hình ảnh bồ nông và ý nghĩa `Kitô giáo cũng được tìm thấy trong các tác phẩm văn học Phục hưng: Dante (1321) trong Hài kịch thần thánh, đã gọi Đức Kitô là “Bồ Nông của chúng ta”. John Lyly trong tác phẩm Euphues (1606) viết, “Bồ Nông, Đấng đã đổ máu mình ra để mang lại thiện ích cho người khác.”
Trong ý nghĩa hạn từ “Chim bồ nông” trong Kitô giáo:
Trong bài thánh thi “Adoro te devot”, thánh Tôma Aquinô cũng dùng hình ảnh bồ nông để nói về Chúa Giêsu Kitô: Lạy Chúa Giêsu là như chim mẹ nuôi con, xin rửa sạch con bằng Máu Thánh Chúa.Vì chỉ một giọt máu Chúa cũng đủ làm cho tội cả loài người được sạch trong (x. nguồn: dongthanhtamhue.net/2020/05/chim-bo-nong-trong-kito-giao).
Đức Giê-su, Thầy Chí thánh đã mở ra cho chúng ta một điều vô vàn kỳ diệu về tình yêu một Thiên Chúa yêu nhân loại của Người cho đến cùng, bằng tình yêu mẫu tử thắm thiết, sâu rộng. Quả vậy, chính Thầy, trước khi đi vào cuộc khổ nạn đã bày tỏ. Vào buổi chiều ấy, buổi chiều ăn bữa “Tiệc biệt ly” với các môn đệ, gọi là thứ Năm Tuần Thánh – Trong bầu khí tràn đầy yêu thương, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể – Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Anh em hãy cầm ấy mà ăn: đây là Mình Thầy. Cũng thế, Người cầm ấy chén, dâng lời chúc tụng tạ ơn và nói: Anh em cầm lấy mà uống: Đây là Máu Thầy. Chúa Giêsu ban MÌNH và MÁU Người cho chúng ta qua hy tế thập giá. Một tình yêu sâu sắc, vĩ đại của Thầy Giê-su, Người đã lấy chính Thịt và Máu mình để nuôi sống chúng ta. Và truyền cho các Tông đồ phải năng làm việc đó để tưởng niệm cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người – một tình yêu cho đến cùng hầu dưỡng nuôi toàn nhân loại cho đến tận thế. Chúng ta hãy xác tín: Khi ăn uống Mình và Máu Đức Ki-tô, ta được nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Tất nhiên chúng ta trở thành những người mang Chúa Ki-tô, có Mình và Máu Người thâm nhập toàn thân. Theo Thánh Phê-rô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa. Trái tim Người mở ra, Người an ủi, nhắn nhủ các môn đệ cũng chính là Người nói với chúng ta: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Đức Giêsu đã muốn để lại cho Hội Thánh một hy tế hữu hình mà bản tính con người cần như một nhu cầu. Hy tế đẫm máu – chính Người đã hiến mạng – một lần duy nhất trên thập giá và sẽ được cử hành luôn mãi cho đến tận thế, đem lại ơn cứu độ nhờ được dưỡng nuôi bằng Thịt và Máu cực thánh của Người. Như một di chúc, thật xúc động, khi Chúa xác định: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 56-57). Trên thập giá, sau quá trình của cuộc hành hình khủng khiếp, cạn cùng sự tàn nhẫn của con người trên Đấng Tạo Hoá – thân xác Người nát tan, trái tim Người bị đâm thủng, tuôn trào cho đến giọt máu cuối cùng, nhưng một Thiên Chúa Tình Yêu đã ngửa mặt lên cùng Cha mà trao dâng trọn tình yêu cho nhân loại: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm, không biết việc họ làm!” Rồi Người gục đầu xuống và trao thần khí (Lc 23, 34).
III. SỐNG TÂM TÌNH NGƯỜI THẦY, NGƯỜI MẸ NHƯ CHÚA GIÊ-SU
Ơn gọi căn bản và bẩm sinh của con người là tình yêu, vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa là tình yêu. Bởi vậy, xin khẳng định: con người được sống hạnh phúc, được thăng hoa, được phát triển một cách phong phú mọi chiều kích của một con người toàn diện: thể lý, tâm lý, tâm linh – vì nó được yêu và được trao ban tình yêu. Từ đó những yếu tố nền tảng về thần học-nhân học và Thánh Kinh giúp bất cứ con người nào cũng được mặc nhiên dần vươn tới chỗ thấm nhuần tinh thần mà Chúa Ki-tô đòi hỏi, vì tất cả những yếu tố đó giúp họ tìm lại được nguồn cội của mình – là hình ảnh thuở ban đầu, hình ảnh của Thiên Chúa. Được nên đồng hình đồng dạng với Đấng họ yêu mến, dần dẫn họ tới quy trình hoán cải và họ sống sâu sắc trong Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô cho chúng ta minh hoạ cụ thể nhất. Trong quy trình hoán cải đã dẫn Phao-lô tới chỗ biến đổi 180 độ; và thay đổi từ trong ra ngoài – Ngài đã sống chết cho Đức Ki-tô, đã trải nghiệm và đã làm chứng về điều đó. Với lòng trung thành của thánh nhân, Thiên Chúa đã đưa ngài đến chính Rô-ma, nơi thánh nhân sẽ hiến mạng sống cho Chúa. Phao-lô vẫn khẳng khái: “Ai có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu Đức Kitô” (Rm 8, 35); Ngài xác định, vì “Tôi sống mà không phải là tôi mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Căn tính của người tu sĩ là nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, nên chúng ta phải coi đó là cội nguồn của mình. Con người chúng ta phải tràn đầy Thiên Chúa, tất cả những gì tốt lành nơi chúng ta đều đến từ Thiên Chúa Tình Yêu và hoàn tất nơi Thiên Chúa Tình Yêu; có nghĩa “Đời sống thánh hiến luôn luôn làm chứng sán lạn về sự kết hiệp bất khả phân ly giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh em” (ĐSTH số 63).
Những chứng minh đầy phong phú về tâm tình chứa chan yêu thương khởi từ trái tim một Thiên Chúa tình yêu được trình bày trên phần I và II, đã hiển nhiên cho ta thấy sự cứu độ bao tâm hồn nhân loại đầy khắc khoải, khổ đau. Vậy bằng cả tâm tình của người Thầy, người mẹ như Thầy Giê-su như thế, chúng ta mới đủ khiêm tốn, hiền lành như Thầy để kiên nhẫn, để trao ban tình yêu chân thật như Thầy. Chỉ có thế, tha nhân và nhất là các đối tượng tông đồ mới tuốn theo ta để lắng nghe lời chân lý, để được đỡ nâng, vực dậy và đồng hành trên đường lữ hành trần thế, để họ an bình hướng về thực tại trên trời. Tuy vẫn miệt mài hoạt động nơi trần thế nhưng họ luôn khăng khít hướng về chiêm niệm cùng Cha trên trời, nơi đích điểm con người phải đi về.
Bằng cả trái tim của người Thầy, người mẹ như Thầy Giê-su, chúng ta mới có khả năng làm cho môi trường sống và sứ vụ của chúng ta thấm nhuần sức sống của Tin Mừng tình yêu, mới có sức làm cho mọi người hưởng trọn niềm vui và hạnh phúc Nước Trời ngay tại thế.
Trong dịp Đại hội Tu sĩ Trẻ Thế Giới lần thứ Nhất tháng 10/1997. Khoảng 850 tu sĩ trẻ nam nữ của trên dưới 700 Tu hội trên toàn cầu, với chủ đề “Chúng tôi đã thấy Chúa”, họ đã gửi cho chúng ta một thông điệp: “Là nam nữ tu sĩ trẻ, chúng tôi đã khám phá thấy đời sống thánh hiến là một điều đẹp đẽ lấp đầy cuộc sống con người. Vì lẽ đó, xác định căn tính không phải là vấn đề của chúng tôi. Chúng tôi tin tưởng mình có ơn gọi, bởi vì ơn gọi đã làm cho cuộc sống chúng tôi tràn đầy hạnh phúc và có ý nghĩa”. Cha Amedeo Cencini cảm kích và ngài kết luận: “Đâu là những yếu tố hay khía cạnh trong đời sống thánh hiến mà các tu sĩ trẻ đặc biệt được cảm kích? Chắc hẳn là yếu tố này: Tình huynh đệ. Chúng ta có thể nói tình huynh đệ thật sự là mẫu số chung, là yếu tố chính nối kết những cảm xúc đã được biểu lộ nơi các tu sĩ trẻ” (Tâm Tình Chúa Con, phần nhập đề, ch. 4). Tôi rất đồng ý với nhận định này của Cha Amedeo Cencini. Tình yêu nơi cộng đoàn thánh hiến sẽ nuôi dưỡng người tu sĩ một cách phi thường trên hành trình theo Đức Ki-tô vác thập giá và chịu đóng đinh.
Nói tóm, là chứng nhân, là môn đệ của Thầy Giê-su, người thánh hiến phải có trái tim chứa chan yêu thương của Thầy, để hân hoan dấn bước theo Thầy và cùng Thầy yêu thương tha nhân trong sứ vụ cứu chuộc.
LỜI KẾT:
Để cứu độ nhân loại theo kế hoạch yêu thương của Cha, Đức Giê-su đã định hướng cho sứ vụ của Người – một sứ vụ khởi nguồn từ “tình yêu Thiên Chúa”, đòi hỏi một sự “huỷ mình” đích thực. Phần trên chúng ta đã trình bày rất cụ thể về lối sống tuyệt vời này của Người. “Vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su đã không nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng Thiên Chúa, nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống trong kiếp phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).
Chúng ta không thể đi con đường khác Thầy. Bởi vạy, sự “huỷ mình” “bỏ mình” tuyệt đối như Thầy chính là thước đo tình yêu. Chính một đời sống bỏ mình, vét rỗng chính mình, tự hủy, hy sinh, hãm mình, để nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su vác thập giá, thì hành vi từ “bỏ mình” cho chúng ta biết chúng ta có tình yêu thực đối với Đức Giêsu.
Và dấu chứng thứ hai mà thánh Gio-an tông đồ viết: “Ai nói yêu Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói láo” (1Ga 4, 20). Chính tình yêu đối với anh em cho chúng ta thấy chúng ta yêu mến Thiên Chúa đích thực. Tình yêu đối với tha nhân nơi người thánh hiến được thể hiện qua hành vi giúp đỡ, đồng hành sâu sát với các linh hồn nơi sứ vụ được sai đến.
Đức Giê-su đã xác định mẫu gương sống động của Người: “Con Người đến không để được người ta hầu hạ phục vụ, nhưng là để hầu hạ phục vụ và thí mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc. 10, 45). Như vậy, những yếu tố cơ bản nơi người thánh hiến phải mang cung cách phục vụ không thể thiếu nơi người tôi tớ. Đó là “từ bỏ mình,” “vét rỗng chính mình,” “tự hủy,” “hy sinh hãm mình,” “chết cho chính mình,” “phục vụ,” “khiêm tốn,” cùng diễn tả một thực tại.
Xin Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa và làm mới lại mặt địa cầu ban cho chúng ta sức mạnh để được ơn biến đổi mỗi ngày.
Không từ bỏ chính mình thì không thể trở thành môn đệ Đức Giê-su (Mc 8,34), và như vậy, cũng không thể trở thành người thánh hiến chân thực.
Sr. Theresa Nguyễn Thị Mừng