Giăng câu bắt cá đó là một nghề để sống và cũng là thú tiêu khiển của những người giầu, người già nhàn rỗi đi tìm sự yên tĩnh, trầm ngâm bên con suối, bờ sông với cần câu đong đưa trên nước.
Nhưng thực tế cho ta thấy giăng câu, cắm câu, để bắt được con cá cũng đâu phải dễ như nhà thơ Nguyễn Khuyến đã viết:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Người đi câu cá phải mang theo hành trang thật công phu: cần câu, mồi câu, đèn soi khi đi đêm, giỏ tre, vợt cá…. Ngoài ra còn đòi hỏi sự hiểu biết về tập tính, mùa vụ, vùng nước lặng hay nước chảy….
Thú vui của người đi câu cá thật khó tả giữa cái miên man vô định và sự bất ngờ vùng vẫy của những con cá cắn câu. Khi cá cắn câu dù to hay nhỏ cũng làm cho nhịp tim người câu rộn ràng và vui tươi hơn.
Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh người truyền giáo như một ngư phủ ra đi giăng lưới để mang về cho Giáo Hội những mẻ lưới người thuộc đủ mọi sắc tộc trên trần gian. Người truyền giáo cũng sẽ rất vui khi đưa ai đó về với Chúa, với con thuyền của Giáo hội. Điểm khác biệt là người truyền giáo lại ra đi không bao bị, không mang lỉnh kỉnh trang thiết bị và cũng không là công việc chỉ dành cho người giầu, người già , người nhàn rỗi mà là từng người chúng ta đều có thể trở thành những ngư phủ của Chúa.
Người truyền giáo không cần kinh nghiệm, cũng không cần trang thiết bị vì ra đi truyền giáo là núp bóng Chúa Thánh Thần chở che và dẫn đưa như lời bài hát của Đức Tổng Sài Gòn đã viết:
Địa cầu đầy Thánh Thần Chúa…
Dù đường dài đi tới đâu…
Đã có Thánh Thần ở đó trước người…
Khởi hành từ Đức Ki-tô…
Cuộc hành trình như vô tận…
Nhưng cuối chân trời vẫn
rực sáng ngày mùa vui…
Quả vậy, truyền giáo là dựa vào sức mạnh và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Vì khi hiện ra ban bình an và trao sứ mạng cho các tông đồ, Đức Kitô Phục Sinh “thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Sau khi nhận được Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh, các tông đồ hăng say rao giảng Tin Mừng cứu độ của Người, các ngài coi việc rao giảng là một nhiệm vụ và là niềm vui “vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em và nhờ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô phù trợ” (Pl 1,19).
Chúa Giê-su chính là mẫu gương truyền giáo. Chính Ngài đã vạch cho chúng ta con đường sống trọn vẹn ơn gọi làm người đó là sống cho Thiên Chúa. Sống cho Thiên Chúa là luôn tìm thấy thánh ý Chúa, là sống làm vinh danh Thiên Chúa và trở nên khí cụ mang tin mừng của Chúa đến cho mọi nơi. Tột đỉnh của tôn vinh Chúa Cha là hiến tế thập giá để cứu độ nhân loại.
Xin Chúa giúp chúng ta biết noi gương Chúa Giê-su sống vâng ý Chúa Cha để danh Chúa được cả sáng và muôn nơi cùng ca tụng tôn vinh Chúa. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền