TIN MỪNG (Lc 23, 33.39-43)
33 Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái.
39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! “40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! “
42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! “43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*****************
Trong Thánh Lễ hôm nay và trong suốt tháng 11 cầu cho các tín hữu đã qua đời, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn ngắm Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá và lắng nghe lời ban sự sống của Người:
Tôi bảo thật anh, hôm nay,
anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng (c. 43).
Chúng ta hãy phó thác tất cả các tín hữu đã qua đời, nhất là những người thân yêu quá cố của chúng ta, nơi tình thương bao dung của Đức Giê-su Ki-tô Vua, như thánh Phao-lô xác tín:
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời (Cl 1, 20).
1. Vua Vũ Trụ và điểm kết thúc
Bài Tin Mừng theo Thánh Luca của Thánh Lễ II cầu cho các tín hữu đã qua đời, cũng là bài Tin Mừng được công bố trong Thánh Lễ Chúa Nhật cuối cùng của mùa Phụng Vụ năm C, tôn vinh Đức Giê-su Ki-tô, là Vua Vũ Trụ, nghĩa là, như Thánh Phao-lô nói: “Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1, 18). Vì thế, Lời Chúa trong Thánh Lễ đặc biệt này đem lại cho chúng ta một niềm hy vọng rất lớn.
Trước hết, chúng ta đang ở vào thời gian cuối năm Phụng Vụ và đặc biệt trong ngày hôm nay, chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã qua đời: điều này nhắc nhớ chúng ta rằng, mọi sự, dù là trời dù là đất, dù có bền vững, dù có mới mẻ, dù còn trẻ trung, tất cả sẽ đi đến điểm kết thúc, trong đó có thế giới chúng ta đang sống, nhất là chính cuộc đời của chúng ta. Dù chúng ta ở lứa tuổi nào, rồi một ngày kia, chúng ta cũng sẽ đi đến điểm kết thúc là sự chết, giống như những người quá cố được an táng ở các nghĩa trang hay được lưu tồn trong các nhà hài cốt, mà chúng ta đã viếng thăm trong tháng 11 này, và nhất là giống như những người vừa qua đời hay mới qua đời đang còn ở giữa chúng ta, vẫn chưa được mai táng.
Nhưng chúng ta có niềm hy vọng là Đức Giê-su Ki-tô, bởi vì Người đã vượt qua điểm tận cùng của mọi sự, Người đã chiến thắng cái chết, là điểm tới của tất cả chúng ta, để trở thành Vua của chúng ta, cả ở đời này lẫn đời sau. Vậy, chúng ta đừng tôn ai làm Vua, đừng biến điều gì làm chủ, làm chúa, làm thần tượng, hay làm cùng đích của chúng ta, dù đó là tiền của, phương tiện, bằng cấp, thành công, danh vọng, tiếng tăm. Bởi vì, cùng với chúng ta, tất cả rồi sẽ qua đi. Người Do thái, trong bài đọc trích sách Samuen (2Sm 5, 1-3), đã tôn Đa-vít làm vua, nhưng vua Đa- vít cũng sẽ chết. Người Do thái và chúng ta hôm nay được mời gọi hãy tôn thờ một Vị Vua duy nhất, mà vua Đa-vít chỉ là hình bóng thôi, đó là Đức Ki-tô Vua Muôn Loài.
Như thế, khi chúng ta tôn vinh Đức Ki-tô là Vua, chúng ta không chỉ tôn vinh Người là Vua Vũ Trụ, nhưng còn là và nhất là Vua của cuộc đời của chúng ta, và không chỉ là Vua của cuộc đời mai sau, sau cái chết, nhưng còn là Vua của cuộc đời chóng qua của chúng ta hôm nay. Điều này sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta bình tâm với mọi sự khi phải lựa chọn, tương đối hóa mọi sự, đem lại hướng đi và niềm hy vọng cho chúng ta ngay hôm nay.
2. Vua Vũ Trụ và Vua người Do thái
Nhưng bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay còn mời gọi đi xa hơn, khi mời gọi chúng ta chiêm ngắm cách thức Đức Giê-su Ki-tô trở thành Vua Vũ Trụ, trở Vua của chúng ta, Vua của muôn loài.
Tất cả chúng ta đều biết, trên Thánh Giá, phía trên đầu Đức Giê-su Ki-tô, có chữ INRI, đó là những chữ viết tắt từ câu này trong tiếng La tinh: Iesus Nazarenus, Rex Judaeorum. Như bài Tin Mừng thuật lại, dòng chữ này có nghĩa là “Giê-su Nazareth, Vua người Do Thái”. Đó là bản án của người Do Thái dành cho Đức Giê-su, vì họ không nhìn nhận Người là Vua của họ; nhưng đó cũng là sự sỉ nhục, vì người Roma, cụ thể là quan Phi-la-tô, cố ý muốn treo tấm bảng INRI, để nhục mạ người Do Thái.
Là bản án, là sỉ nhục đến tận cùng, nhưng đó lại là cách Chúa dùng để trở thành Vua của chúng ta, để tỏ bày sự cảm thông với những thử thách, đau khổ và nhất là điểm tận cùng của chúng ta, là sự chết. Lúc Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, người ta đã muốn tôn Người làm Vua theo kiểu Vua Chúa trần gian (Ga 6, 15), thì Người không chịu; nhưng khi người ta bắt Người, xét xử, đánh đòn và đóng đinh Người trên Thập Giá, thì Người lại chịu.
Bởi vì, Đức Giê-su không muốn làm Vua theo kiểu loài người, ở xa và ở trên cao, rồi bắt người khác phải phục vụ, trao ban và hi sinh cho mình; Đức Giê-su muốn làm Vua theo cách thức của Thiên Chúa, đó là cảm thông với mọi đau khổ của chúng ta, nhất là sự chết, để chiến thắng sự chết và chia sẻ và trao sự sống phục sinh và viên mãn của Người cho chúng ta.
3. Vua Vũ Trụ và lòng thương xót
Ngoài ra, Đức Giê-su để mình bị đóng đinh trên Thập Giá, còn để nói cho chúng ta rằng, Người là Vị Vua bao dung và thương xót, dù loài người chúng ta, dù mỗi người chúng ta có tội lỗi như thế nào: tội lỗi tầy trời như những người bắt, đánh, kết án và giết Chúa, nhưng Chúa đã thưa với Thiên Chúa ngay lúc Người bị đóng đinh trên Thập Giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). tội lỗi như tên trộm cùng chịu hành hình với Người, nhưng anh này chỉ cần ngỏ lời xin với tất cả lòng thành: “Xin nhớ đến tôi”, Đức Giê-su đã ban lời sự sống cho anh, ngay trong bầu khí chết chóc: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Lề Luật, hiểu theo nghĩa chặt là những điều cấm mình nhiên, được phát biểu thành bản văn. Vì thế, để làm nên tội, cần có ba yếu tố: đó phải là điều cấm, phải biết đó là điều cấm và phải hành động một cách tự do. Khi nhìn thấy hành vi phạm lỗi, chúng ta đã vội vã lên án rồi. Còn Chúa, Chúa không chỉ nhìn thấy hành vi, nhưng còn thấu xuất con tim, thấu xuất hoàn cảnh, quá khứ, vết thương lòng, nỗi khổ tâm của người phạm tội. Vì thế, Người luôn cảm thương người tội lỗi, chẳng hạn cách Người thương cảm người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 2-11). Trong hành vi phạm tội, chúng ta vừa là tác nhân, vừa là nạn nhận của Sự Dữ. Bởi vì Sự dữ mạnh hơn con người, nhưng Chúa lại mạnh hơn Sự Dữ; mạnh hơn, ở đây còn có nghĩa là thông suốt hơn, bao dung hơn, thương xót hơn.
Vì vậy, trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy phó thác tất cả các tín hữu đã qua đời, nhất là những người thân yêu quá cố của chúng ta nơi tình thương bao dung của Đức Giê-su Ki-tô Vua, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cầu nguyện:
Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa và chúng con sẽ được cứu độ…
Chúa đã làm cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa,
và đã hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.
Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài/ trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót.
(Trích Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc