GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 60: NGHE LÀ LÀM THEO
Bài 60: NGHE LÀ LÀM THEO
Hỏi:
Làm thế nào để có thể lắng nghe thực sự được lời Chúa muốn nói và muốn mình thực hiện?
Làm thế nào để có thể lắng nghe thực sự được lời Chúa muốn nói và muốn mình thực hiện?
Trả lời
Bạn thân mến,
Bạn đã đặt ra một câu hỏi quan trọng không chỉ đối với bạn mà còn với bất cứ người tín hữu nào khác, bởi vì tin vào Chúa tức là ao ước được lắng nghe và thi hành ý muốn của Ngài. Giả như Chúa hiện ra với bạn và bảo bạn làm điều này điều kia, tôi tin chắc là bạn sẽ không ngần ngại làm theo. Thế nhưng một trường hợp giả định như thế lại chưa bao giờ và rất có thể là sẽ không bao giờ xảy ra trong cuộc đời của bạn.
Có thể bạn đã từng nghe chuyện Chúa hay Đức Mẹ hiện ra với một số vị thánh và trao cho họ những sứ mạng đặc biệt. Thế nhưng đó chỉ là vài trường hợp rất họa hiếm. Vậy số đông các tín hữu lắng nghe lời Chúa bằng cách nào? Và bạn cũng đang tự đặt ra câu hỏi đó cho bản thân mình khi phân vân không biết những gì mình đang làm và ơn gọi mình đang sống có đúng là ý Chúa muốn hay không. Khi bạn nêu ra câu hỏi như vậy tức là bạn đã tin chắc rằng Chúa đang muốn bạn thực hiện một điều gì đó, vấn đề là bạn không biết phải làm thế nào để có thể nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Dường như có người nói mà chưa có người nghe, hoặc là người nghe vẫn chưa nghe được.
Vì bạn tin rằng Thiên Chúa muốn ngỏ lời với bạn nên tôi sẽ bắt đầu chia sẻ từ điểm này: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa thích trò chuyện. Ngài không phải là Đấng câm lặng. Tôi đề cập điều này là bởi vì không phải ai cũng nghĩ như vậy. Không ít người cho rằng không có Thiên Chúa, hoặc nếu có thì Thiên Chúa đó xa cách ngàn dặm và bỏ mặc con người. Trong những tình huống khó khăn của cuộc sống như thiên tai, chiến tranh, tội ác, nghèo khổ, bệnh tật, đau đớn, chết chóc… con người đã kêu lên Thiên Chúa nhưng không nghe thấy Ngài hồi âm.
Trong những trường hợp như thế, thay vì mong muốn lắng nghe tiếng Chúa “như thế nào” thì nhiều người đã rơi vào tuyệt vọng và đặt vấn đề “có Chúa hay không.” Họ đã đánh đồng việc họ không nghe thấy tiếng Chúa với việc không có tiếng Chúa, hoặc thậm chí là không có Chúa. Đối với những người này thì tiếng Chúa, nếu có, cần phải rõ mười mươi, có thể được kiểm chứng dễ dàng, kiểu như xin cái gì là phải cho đúng cái đó mới “linh”!
Như vậy, thay vì mở rộng tâm hồn để lắng nghe tiếng Chúa trong mọi tình huống của cuộc sống thì nhiều người đã khép lòng mình lại, ép Chúa phải nói theo cách họ muốn nghe, phải làm theo cách họ nghĩ. Một thái độ như thế chính là trở ngại lớn nhất trong việc lắng nghe và đón nhận tiếng Chúa. Do đó, nếu bạn muốn nghe được tiếng Chúa thì trước hết bạn phải tin rằng có Thiên Chúa đang nói chuyện với mình và xin ơn được mở lòng ra để hiểu và đón nhận lời ấy.
Như bạn có thể đã biết, trong bất cứ cuộc trò chuyện nào thì người nghe luôn luôn ở thế thụ động, tức là họ chỉ “nghe” thấy những gì được nói ra và được truyền đạt tới, không có gì khác hơn. Yếu tố chủ động nơi người nghe chính là việc “lắng” đọng tâm hồn để đón nhận thông điệp. Người nghe không thể tự ý cắt xén hay bóp méo nội dung thông điệp được truyền tải. Như vậy, việc lắng nghe bao gồm thái độ bị động của phần “nghe” lẫn chủ động của phần “lắng.” Lắng nghe lời Chúa cũng vậy, tâm hồn bạn cần có độ lắng nhất định, chứ không phải cứ muốn nghe là nghe được ngay, cho dù Chúa vẫn hằng luôn trò chuyện với bạn.
Thật dễ hiểu vì sao có rất nhiều người chọn tham gia các cuộc tĩnh tâm hàng năm hoặc là trước những quyết định quan trọng trong cuộc đời họ. Những đợt tĩnh tâm được tổ chức nhằm tạo điều kiện giúp người ta lắng đọng tâm hồn trong bầu khí thinh lặng, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, phản tỉnh về dữ kiện xảy ra trong cuộc sống, chú ý hơn đến những chuyển động cảm xúc trong tâm hồn dưới sự hướng dẫn đồng hành của người có nhiều kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng.
Nếu bạn không có điều kiện tham gia những cuộc tĩnh tâm chính thức như vậy thì bạn vẫn có thể dành riêng cho Chúa không gian tĩnh lặng cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn của mình để nghe được tiếng Ngài. Do đó, nếu bạn cảm thấy rằng mình không nghe được tiếng Chúa, câu hỏi cần đặt ra là bạn đã lắng đọng tâm hồn đủ để những lời thì thầm của Chúa được vang lên trong lòng mình hay chưa.
Một điểm khác mà có lẽ bạn cũng đã có kinh nghiệm trải qua, đó là tính chọn lọc và cá vị (hay riêng tư) của việc lắng nghe. Tính chọn lọc ở đây không hẳn là thái độ phản kháng hay cố chấp, khước từ mọi thông điệp được truyền tải. Điều tôi muốn nói ở đây là ngay cả khi bạn thật lòng khao khát lắng nghe thì việc lắng nghe vẫn mang tính chọn lọc ở một mức độ nhất định. Nghĩa là bạn sẽ chỉ nghe rõ những điều gần gũi hay đụng chạm đến mình nhiều nhất, còn những điều khác dễ bị “bỏ ngoài tai” dù bạn không cố ý. Ví dụ, sau khi được nghe cùng một bài giảng ở nhà thờ, có người nhớ chi tiết này nhưng người khác lại nhớ chi tiết khác, tùy vào mối bận tâm riêng của họ. Nói cách khác, chúng ta chỉ đón nhận được những âm thanh có tần số phù hợp với ăng–ten của mình thôi.
Trò chuyện với Chúa cũng vậy, nhiều lúc chúng ta không nhận ra và hiểu được tiếng Chúa chỉ vì chúng ta không đặt trọn tâm trí vào việc tìm kiếm và lắng nghe thánh ý của Ngài. Lời Chúa không thể lọt tai chúng ta được nếu tâm hồn chúng ta chỉ hướng đến những giá trị khác trái ngược với đức tin. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Như thế, muốn được, muốn thấy hay muốn mở cho thì trước hết chúng ta phải giữ thái độ tha thiết cầu xin, khao khát kiếm tìm, kiên trì gõ cửa nhà Chúa. Trong đời sống đức tin, những người càng thờ ơ nguội lạnh, không cố gắng xây dựng tương quan với Thiên Chúa, ít khi thao thức về đời sống thiêng liêng, sống kiểu được chăng hay chớ thì càng khó nghe được tiếng Chúa.
Ngoài ra, lời Chúa không phải chỉ để nghe cho vui tai mà là để thực thi. Lời Chúa là lời của sự sống, chắc chắn sẽ làm trổ sinh hoa trái nơi đời sống người nghe. Do vậy rất nhiều khi chúng ta nghe được tiếng Chúa nhưng lại phớt lờ đi chỉ vì từ trong thâm tâm chúng ta không sẵn sàng hoặc là không muốn làm theo lời đó. Ví dụ khi bạn đang thù ghét một người nào đó thì bạn sẽ thấy lời Chúa dạy phải yêu thương mọi người ngay cả kẻ thù có lẽ chỉ dành cho ai khác chứ không phải cho mình, hoặc có thể là cho mình nhưng không phải lúc này! Như thế, nếu bạn không nghe được tiếng Chúa thì phải tự hỏi mình đã sẵn sàng và khao khát để được lời Chúa biến đổi con người mình ngay lúc này hay chưa.
Bản chất siêu việt của Thiên Chúa không bị giới hạn trong thế giới vật chất, nhưng không phải vì thế mà Thiên Chúa không có cách ngỏ lời với con người. Lời của Thiên Chúa là lời nhập thể, tức là lời đó được diễn tả theo cách phù hợp với khả năng đón nhận của con người. Lời Chúa không phải là thứ ngôn ngữ huyền bí chỉ những người có khả năng đặc biệt mới nghe và hiểu được.
Những gì xa lạ với kinh nghiệm con người thì không thể được coi là lời Chúa, bởi vì Thiên Chúa nói lời của Ngài là để con người nghe được và sống theo chứ không phải để chơi trò úp úp mở mở đánh đố con người. Quan trọng hơn cả, lời của Thiên Chúa không phải là âm thanh hay chữ viết nhưng chính là Ngôi Lời, tức là Lời mang lấy thân xác con người, ở giữa con người và nói cho con người về Thiên Chúa. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1–2)
Suốt cuộc đời mình ở trần gian, đặc biệt là trong thời gian sứ vụ công khai, Đức Giêsu chính là hiện thân của lời Thiên Chúa nói với dân Ngài. Đức Giêsu đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, có quyền năng chữa lành mọi bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại, ban sự sống mới cho con người khi hòa giải tội nhân với Chúa, giải phóng con người khỏi xiềng xích tội lỗi, kêu gọi con người hoán cải đón nhận giá trị Nước Trời. Như thế, lắng nghe lời Chúa chính là để Chúa Giêsu “lọt” vào đời mình. Kinh Thánh được viết ra cũng nhằm mục đích duy nhất là để giúp con người thêm hiểu biết, yêu mến và bước theo Đức Giêsu mỗi ngày một hơn.
Tóm lại, hiểu theo nghĩa chung nhất thì những gì Chúa muốn con người thực hiện chính là kết hiệp nên một với Đức Giêsu Kitô trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Do đó, sẽ không còn khoảng cách thời gian và không gian giữa việc lắng nghe và làm theo lời Chúa. Không phải là “nghe để làm theo” hoặc “nghe và làm theo”, nhưng “nghe là làm theo.” Lắng nghe lời Chúa là để Đức Giêsu chiếm trọn con người mình, là trở thành một Đức Giêsu khác, là chứng nhân đức tin giữa lòng thế giới hôm nay.
Để kết thúc, tôi xin đưa ra một ví dụ để giúp hiểu hơn về việc “nghe là làm theo.” Khi nhận xét một đứa trẻ biết “nghe lời” bố mẹ, chúng ta không có ý nhấn mạnh đến khả năng thính giác hay những lời “dạ vâng” mau mắn của nó. Trái lại, chúng ta muốn khẳng định rằng đứa trẻ này luôn sẵn sàng làm mọi điều đẹp lòng bố mẹ. Có những điều bố mẹ nó không cần phải nói ra nhưng nó vẫn hiểu và ngoan ngoãn thực hiện. Đối với lời Chúa cũng vậy, chúng ta được coi là biết “nghe lời” khi và chỉ khi toàn bộ đời sống chúng ta đều nhắm đến việc tìm kiếm và thi hành những điều đẹp lòng Chúa. Bởi vì khả năng giới hạn của con người, đôi khi rất khó để chúng ta có thể xác định rõ điều nào là đúng ý Chúa và điều nào là không phải. Tuy nhiên, chính thái độ khao khát được lắng nghe và thi hành ý Chúa đã là điều đẹp lòng Chúa rồi.
Nếu chúng ta cần một mẫu gương để noi theo thì không ai khác chính là Đức Giêsu Kitô. Trọn cuộc đời Ngài chỉ để nhằm một mục đích duy nhất là tìm kiếm và thi hành ý muốn của Chúa Cha, kể cả việc sẵn sàng đón nhận hậu quả nặng nề nhất là cái chết treo trên thập giá. Ước gì bạn, tôi và tất cả chúng ta ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn ở điểm này, từ đó suốt cuộc đời của chúng ta không chỉ nhằm mục đích tìm kiếm và thi hành lời Chúa mà còn trở thành chính lời Chúa cho người khác được lắng nghe.
Bạn đã đặt ra một câu hỏi quan trọng không chỉ đối với bạn mà còn với bất cứ người tín hữu nào khác, bởi vì tin vào Chúa tức là ao ước được lắng nghe và thi hành ý muốn của Ngài. Giả như Chúa hiện ra với bạn và bảo bạn làm điều này điều kia, tôi tin chắc là bạn sẽ không ngần ngại làm theo. Thế nhưng một trường hợp giả định như thế lại chưa bao giờ và rất có thể là sẽ không bao giờ xảy ra trong cuộc đời của bạn.
Có thể bạn đã từng nghe chuyện Chúa hay Đức Mẹ hiện ra với một số vị thánh và trao cho họ những sứ mạng đặc biệt. Thế nhưng đó chỉ là vài trường hợp rất họa hiếm. Vậy số đông các tín hữu lắng nghe lời Chúa bằng cách nào? Và bạn cũng đang tự đặt ra câu hỏi đó cho bản thân mình khi phân vân không biết những gì mình đang làm và ơn gọi mình đang sống có đúng là ý Chúa muốn hay không. Khi bạn nêu ra câu hỏi như vậy tức là bạn đã tin chắc rằng Chúa đang muốn bạn thực hiện một điều gì đó, vấn đề là bạn không biết phải làm thế nào để có thể nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Dường như có người nói mà chưa có người nghe, hoặc là người nghe vẫn chưa nghe được.
Vì bạn tin rằng Thiên Chúa muốn ngỏ lời với bạn nên tôi sẽ bắt đầu chia sẻ từ điểm này: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa thích trò chuyện. Ngài không phải là Đấng câm lặng. Tôi đề cập điều này là bởi vì không phải ai cũng nghĩ như vậy. Không ít người cho rằng không có Thiên Chúa, hoặc nếu có thì Thiên Chúa đó xa cách ngàn dặm và bỏ mặc con người. Trong những tình huống khó khăn của cuộc sống như thiên tai, chiến tranh, tội ác, nghèo khổ, bệnh tật, đau đớn, chết chóc… con người đã kêu lên Thiên Chúa nhưng không nghe thấy Ngài hồi âm.
Trong những trường hợp như thế, thay vì mong muốn lắng nghe tiếng Chúa “như thế nào” thì nhiều người đã rơi vào tuyệt vọng và đặt vấn đề “có Chúa hay không.” Họ đã đánh đồng việc họ không nghe thấy tiếng Chúa với việc không có tiếng Chúa, hoặc thậm chí là không có Chúa. Đối với những người này thì tiếng Chúa, nếu có, cần phải rõ mười mươi, có thể được kiểm chứng dễ dàng, kiểu như xin cái gì là phải cho đúng cái đó mới “linh”!
Như vậy, thay vì mở rộng tâm hồn để lắng nghe tiếng Chúa trong mọi tình huống của cuộc sống thì nhiều người đã khép lòng mình lại, ép Chúa phải nói theo cách họ muốn nghe, phải làm theo cách họ nghĩ. Một thái độ như thế chính là trở ngại lớn nhất trong việc lắng nghe và đón nhận tiếng Chúa. Do đó, nếu bạn muốn nghe được tiếng Chúa thì trước hết bạn phải tin rằng có Thiên Chúa đang nói chuyện với mình và xin ơn được mở lòng ra để hiểu và đón nhận lời ấy.
Như bạn có thể đã biết, trong bất cứ cuộc trò chuyện nào thì người nghe luôn luôn ở thế thụ động, tức là họ chỉ “nghe” thấy những gì được nói ra và được truyền đạt tới, không có gì khác hơn. Yếu tố chủ động nơi người nghe chính là việc “lắng” đọng tâm hồn để đón nhận thông điệp. Người nghe không thể tự ý cắt xén hay bóp méo nội dung thông điệp được truyền tải. Như vậy, việc lắng nghe bao gồm thái độ bị động của phần “nghe” lẫn chủ động của phần “lắng.” Lắng nghe lời Chúa cũng vậy, tâm hồn bạn cần có độ lắng nhất định, chứ không phải cứ muốn nghe là nghe được ngay, cho dù Chúa vẫn hằng luôn trò chuyện với bạn.
Thật dễ hiểu vì sao có rất nhiều người chọn tham gia các cuộc tĩnh tâm hàng năm hoặc là trước những quyết định quan trọng trong cuộc đời họ. Những đợt tĩnh tâm được tổ chức nhằm tạo điều kiện giúp người ta lắng đọng tâm hồn trong bầu khí thinh lặng, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, phản tỉnh về dữ kiện xảy ra trong cuộc sống, chú ý hơn đến những chuyển động cảm xúc trong tâm hồn dưới sự hướng dẫn đồng hành của người có nhiều kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng.
Nếu bạn không có điều kiện tham gia những cuộc tĩnh tâm chính thức như vậy thì bạn vẫn có thể dành riêng cho Chúa không gian tĩnh lặng cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn của mình để nghe được tiếng Ngài. Do đó, nếu bạn cảm thấy rằng mình không nghe được tiếng Chúa, câu hỏi cần đặt ra là bạn đã lắng đọng tâm hồn đủ để những lời thì thầm của Chúa được vang lên trong lòng mình hay chưa.
Một điểm khác mà có lẽ bạn cũng đã có kinh nghiệm trải qua, đó là tính chọn lọc và cá vị (hay riêng tư) của việc lắng nghe. Tính chọn lọc ở đây không hẳn là thái độ phản kháng hay cố chấp, khước từ mọi thông điệp được truyền tải. Điều tôi muốn nói ở đây là ngay cả khi bạn thật lòng khao khát lắng nghe thì việc lắng nghe vẫn mang tính chọn lọc ở một mức độ nhất định. Nghĩa là bạn sẽ chỉ nghe rõ những điều gần gũi hay đụng chạm đến mình nhiều nhất, còn những điều khác dễ bị “bỏ ngoài tai” dù bạn không cố ý. Ví dụ, sau khi được nghe cùng một bài giảng ở nhà thờ, có người nhớ chi tiết này nhưng người khác lại nhớ chi tiết khác, tùy vào mối bận tâm riêng của họ. Nói cách khác, chúng ta chỉ đón nhận được những âm thanh có tần số phù hợp với ăng–ten của mình thôi.
Trò chuyện với Chúa cũng vậy, nhiều lúc chúng ta không nhận ra và hiểu được tiếng Chúa chỉ vì chúng ta không đặt trọn tâm trí vào việc tìm kiếm và lắng nghe thánh ý của Ngài. Lời Chúa không thể lọt tai chúng ta được nếu tâm hồn chúng ta chỉ hướng đến những giá trị khác trái ngược với đức tin. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Như thế, muốn được, muốn thấy hay muốn mở cho thì trước hết chúng ta phải giữ thái độ tha thiết cầu xin, khao khát kiếm tìm, kiên trì gõ cửa nhà Chúa. Trong đời sống đức tin, những người càng thờ ơ nguội lạnh, không cố gắng xây dựng tương quan với Thiên Chúa, ít khi thao thức về đời sống thiêng liêng, sống kiểu được chăng hay chớ thì càng khó nghe được tiếng Chúa.
Ngoài ra, lời Chúa không phải chỉ để nghe cho vui tai mà là để thực thi. Lời Chúa là lời của sự sống, chắc chắn sẽ làm trổ sinh hoa trái nơi đời sống người nghe. Do vậy rất nhiều khi chúng ta nghe được tiếng Chúa nhưng lại phớt lờ đi chỉ vì từ trong thâm tâm chúng ta không sẵn sàng hoặc là không muốn làm theo lời đó. Ví dụ khi bạn đang thù ghét một người nào đó thì bạn sẽ thấy lời Chúa dạy phải yêu thương mọi người ngay cả kẻ thù có lẽ chỉ dành cho ai khác chứ không phải cho mình, hoặc có thể là cho mình nhưng không phải lúc này! Như thế, nếu bạn không nghe được tiếng Chúa thì phải tự hỏi mình đã sẵn sàng và khao khát để được lời Chúa biến đổi con người mình ngay lúc này hay chưa.
Bản chất siêu việt của Thiên Chúa không bị giới hạn trong thế giới vật chất, nhưng không phải vì thế mà Thiên Chúa không có cách ngỏ lời với con người. Lời của Thiên Chúa là lời nhập thể, tức là lời đó được diễn tả theo cách phù hợp với khả năng đón nhận của con người. Lời Chúa không phải là thứ ngôn ngữ huyền bí chỉ những người có khả năng đặc biệt mới nghe và hiểu được.
Những gì xa lạ với kinh nghiệm con người thì không thể được coi là lời Chúa, bởi vì Thiên Chúa nói lời của Ngài là để con người nghe được và sống theo chứ không phải để chơi trò úp úp mở mở đánh đố con người. Quan trọng hơn cả, lời của Thiên Chúa không phải là âm thanh hay chữ viết nhưng chính là Ngôi Lời, tức là Lời mang lấy thân xác con người, ở giữa con người và nói cho con người về Thiên Chúa. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1–2)
Suốt cuộc đời mình ở trần gian, đặc biệt là trong thời gian sứ vụ công khai, Đức Giêsu chính là hiện thân của lời Thiên Chúa nói với dân Ngài. Đức Giêsu đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, có quyền năng chữa lành mọi bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại, ban sự sống mới cho con người khi hòa giải tội nhân với Chúa, giải phóng con người khỏi xiềng xích tội lỗi, kêu gọi con người hoán cải đón nhận giá trị Nước Trời. Như thế, lắng nghe lời Chúa chính là để Chúa Giêsu “lọt” vào đời mình. Kinh Thánh được viết ra cũng nhằm mục đích duy nhất là để giúp con người thêm hiểu biết, yêu mến và bước theo Đức Giêsu mỗi ngày một hơn.
Tóm lại, hiểu theo nghĩa chung nhất thì những gì Chúa muốn con người thực hiện chính là kết hiệp nên một với Đức Giêsu Kitô trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Do đó, sẽ không còn khoảng cách thời gian và không gian giữa việc lắng nghe và làm theo lời Chúa. Không phải là “nghe để làm theo” hoặc “nghe và làm theo”, nhưng “nghe là làm theo.” Lắng nghe lời Chúa là để Đức Giêsu chiếm trọn con người mình, là trở thành một Đức Giêsu khác, là chứng nhân đức tin giữa lòng thế giới hôm nay.
Để kết thúc, tôi xin đưa ra một ví dụ để giúp hiểu hơn về việc “nghe là làm theo.” Khi nhận xét một đứa trẻ biết “nghe lời” bố mẹ, chúng ta không có ý nhấn mạnh đến khả năng thính giác hay những lời “dạ vâng” mau mắn của nó. Trái lại, chúng ta muốn khẳng định rằng đứa trẻ này luôn sẵn sàng làm mọi điều đẹp lòng bố mẹ. Có những điều bố mẹ nó không cần phải nói ra nhưng nó vẫn hiểu và ngoan ngoãn thực hiện. Đối với lời Chúa cũng vậy, chúng ta được coi là biết “nghe lời” khi và chỉ khi toàn bộ đời sống chúng ta đều nhắm đến việc tìm kiếm và thi hành những điều đẹp lòng Chúa. Bởi vì khả năng giới hạn của con người, đôi khi rất khó để chúng ta có thể xác định rõ điều nào là đúng ý Chúa và điều nào là không phải. Tuy nhiên, chính thái độ khao khát được lắng nghe và thi hành ý Chúa đã là điều đẹp lòng Chúa rồi.
Nếu chúng ta cần một mẫu gương để noi theo thì không ai khác chính là Đức Giêsu Kitô. Trọn cuộc đời Ngài chỉ để nhằm một mục đích duy nhất là tìm kiếm và thi hành ý muốn của Chúa Cha, kể cả việc sẵn sàng đón nhận hậu quả nặng nề nhất là cái chết treo trên thập giá. Ước gì bạn, tôi và tất cả chúng ta ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn ở điểm này, từ đó suốt cuộc đời của chúng ta không chỉ nhằm mục đích tìm kiếm và thi hành lời Chúa mà còn trở thành chính lời Chúa cho người khác được lắng nghe.
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021