Tv 136 (135), đáp ca của Thánh Lễ Tất Niên
I. Vĩnh cửu và mới mẻ
1. Vĩnh cửu
Tv 136 là một trong các Thánh Vịnh được biết đến nhiều nhất, vì trong đó có một câu cứ được lập đi lập lại từ đầu đến cuối như một điệp khúc:
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương [1].
Câu này được lập lại đúng 26 lần. Cứ sau mỗi câu, ứng với một hàng, lời này lại được lập lại. Như thế, cả Thánh Vịnh có 26 câu, thì có 26 lần điệp khúc này được hát lên. Nhưng tại sao cứ luôn lập đi lập lại cùng một điều? Lý do rất đơn giản, vì đó luôn luôn là cùng một điều: “muôn ngàn đời” mà! Lập đi lập lại không đổi, đó chính là cách diễn tả ý nghĩa của hạn từ “muôn ngàn đời” hay “vĩnh cửu”, là cách khuôn mình theo ý nghĩa của nó. Lập đi lập lại đôi khi tạo ra sự đơn điệu, nhưng nó cũng có thể làm cho vui thích. Đó chính là trường hợp của lời ca tụng: ca tụng, đó là nói không biết chán điều làm cho chúng ta vui thích: “bây giờ và luôn mãi đến thiên thu vạn đại”. Như thế, điều tốt đẹp hiện diện trước mặt chúng ta phải thực sự tốt đẹp để không cần phải thay đổi. Điều tốt đẹp này chính là “tình thương của Chúa”. Hạn từ Do thái mà chúng ta dịch ra là “tình thương của Chúa”, còn gợi ra tương quan giao ước, và vì thế, nó cũng gợi lên sự kéo dài, tính ổn định và ngay cả vĩnh cửu, vì đây là giao ước của Thiên Chúa. Vì thuộc về một giao ước trong đó tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta tồn tại luôn mãi, nên chúng ta nói không biết chán điều tốt đẹp mà mình nhận được:
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hãy tạ ơn Thần các thần,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hãy tạ ơn Chúa các chúa,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (c. 1-3)
2. Mới mẻ
Có đúng là không biết chán không? Vì chúng ta sẽ ngủ gật mất, nếu 26 câu kia không mỗi lần mỗi khác. Thật vậy, tất cả các câu còn lại của Thánh Vịnh đều khác nhau, cho dù trong ba câu đầu mà chúng ta vừa trích dẫn, sự khác biệt không được lớn lắm: danh xưng của Thiên Chúa được nêu khác đi một chút ở mỗi câu, bởi lẽ đây là lúc lấy đà dựa trên Danh Chúa và chắc chắn được hát lên với nhiều cảm nếm. Điều mà Danh của Thiên Chúa muốn diễn tả và chứa đựng, đó chính là tất cả chủ đề của Tv 136.
Ứng với hai mươi sáu câu giống nhau, có hai mươi sáu câu khác nhau. Tại sao lại khác nhau? Bởi vì nội dung của Tv 136 là một trình thuật, nghĩa là các biến cố được kể lại. Và trong một câu truyện, luôn luôn xảy ra điều gì đó. Mọi trình thuật đều nhất thiết được phân thành những tình tiết và chỉ có tình tiết khi một sự kiện mới được thuật lại. Chính vì thế, mỗi câu, ít nhất là từ câu 5 đến câu 23, đều diễn tả một biến cố đặc biệt, trừ trường hợp nội dung của câu chỉ là lời loan báo cho những gì sẽ được nói tới (c. 4) hoặc là phần tiếp theo của những gì đang được kể (c. 12.18.22). Các câu 23-24 là phần tóm tắt. Những gì được kể lại gần như là một bản tóm của Sách Thánh, từ sách Sáng Thế đến sách Giosuê, và có thể được chia thành hai phần: phần trình thuật sáng tạo (c. 4-9) và phần trình thuật lịch sử (c. 10-24). Kể lại, đó là trình bày một chuỗi các tình tiết liên tục, vốn là điều tạo ra sự chú ý và thích thú. Nhưng ở đây, trong Thánh Vịnh của chúng ta, điệp khúc “muôn ngàn đời tình thương của Chúa”, giống như những nhát kéo, cắt rời các tình tiết ra. Vậy, “sự cố này” có thể tạo ra những hiệu ứng nào?
Sự cố điệp khúc “muôn ngàn đời tình thương của Chúa” cắt rời chuỗi liên tục các sự kiện, muốn làm cho chúng ta hiểu rằng một biến cố xẩy ra không do bởi biến cố có trước, nhưng bởi sự kiện Thiên Chúa muốn biến cố đó. Cách trình bày như thế làm cho chúng cảm nghiệm được rằng một đàng, mọi tình tiết đều mới mẻ và đàng khác, tình thương của Chúa thì vĩnh cửu. Như thế, hiệu ứng của kết cấu theo từng cặp của Tv 136 là làm cho chúng ta nghiệm được thế nào là hành động của Thiên Chúa: luôn luôn cùng một điều và luôn luôn mới mẻ! Điều này vượt quá thân phận của con người trong thế giới, bởi vì đối với con người cái gì vĩnh cửu thì bất động, thì không mới (chẳng hạn các đền đài cổ xưa hay các rặng núi hùng vĩ) và cái gì mới thì không vĩnh cửu (tiểu biểu nhất là diễn biến thời sự trong cuộc sống, tất cả đều mới lạ nhưng rồi cũng đến lúc kết thúc hay lụi tàn, dù cho có dài như “Truyện 1001 đêm”!).
Không có điều gì thuộc thế giới này có thể chứa đựng được nơi chốn mà ở đó vĩnh cửu và mới mẻ chỉ là một, bởi lẽ chính nơi chốn này chứa đựng thế giới và vì thế chúng ta phải bỏ đi mọi chỗ dựa để đi vào nơi chốn này. Tuy nhiên, Tv 136 lại cố làm cho chúng ta nhận ra rằng mới mẻ và vĩnh cửu đã đi tìm nhau gặp nhau rồi, ngay trong thế giới này bởi sự hiện diện năng động của Thiên Chúa.
II. Sáng tạo và lịch sử
Như chúng ta đã nói, Tv 136 có thể được chia thành hai phần: phần sáng tạo diễn tả khía cạnh vĩnh cửu và phần lịch sử nói về khía cạnh mới mẻ. Sáng tạo được gợi ra cho chúng ta bởi không gian, vốn diễn tả vĩnh cửu, trong khi lịch sử lại liên quan đến thời gian, và chính trong thời gian mà cái mới xẩy diễn ra. Như thế, Thánh Vịnh 136 đã kết hợp được hai giá trị, mới mẻ và vĩnh cửu, ngay ở trong kết cấu đặc biệt của nó.
Sáng tạo diễn tả khía cạnh vĩnh cửu, bởi lẽ các công trình được kể ra tồn tại thật lâu dài:
Tầng trời cao Chúa tạo dựng tài tình,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
trải mặt đất này trên làn nước bao la,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
Người làm ra những đèn trời to lớn,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
cho thái dương điều khiển ban ngày,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (c. 5-9)
Nếu so sánh phần sáng tạo vừa trích dẫn với trình thuật sáng tạo “Bảy Ngày” trong sách Sáng Thế (St 1, 1-2, 4a), chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra tác giả thánh vịnh dừng lại ở ngày thứ tư, nghĩa là ngày các vì tinh tú được tạo dựng. Phải chăng, đối với tác giả, sáng tạo được hoàn tất vào chiều tối thứ tư, sau khi đồng hồ các vì tinh tú đã được lên dây cót để vận hành mãi mãi? Tại sao khuôn khổ bảy ngày không được áp dụng tới cùng ở đây?
Lý do thật đơn giản: tất cả những gì được kể trong Thánh Vịnh thì có cùng bản chất, đó là những phần bất biến của sáng tạo, và là dấu chỉ của vĩnh cửu. Chúng ta có thể gọi phần này là phần “bất động sản” của sáng tạo. Nhưng, những gì mà Thánh Vịnh không kể ra cũng thuộc về một khối thuần nhất, đó là thảo mộc, thú vật và con người, nghĩa là thế giới sinh động chóng qua, vốn là dấu chỉ của cái mới. Chúng ta có thể gọi phần này là phần “động sản” của sáng tạo. Tv 136 đã thay thế, ngay sau câu 9, khung cảnh sinh vật bằng khung cảnh lịch sử, trong đó cái mới được thể hiện.
Như vậy, Tv 136 đã đặt sáng tạo như là lời tựa của trình thuật lịch sử: sáng tạo chất chứa lời hứa vĩnh cửu, nhưng lịch sử, nơi chốn của cái mới, và cũng của những hiểm nguy, có giữ trọn được lời hứa của sáng tạo không?
III. “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”
Như đã được trình bày, vĩnh cửu được diễn tả bởi điều tương ứng với nội dung của bốn ngày đầu của sáng tạo (c. 4-9), và cái mới được diễn tả bởi việc nhắc lại lịch sử (c. 10-24). Nhưng chúng ta còn phải tìm hiểu sự hiệp nhất giữa vĩnh cửu và cái mới được biểu đạt như thế nào trong Tv 136, bởi vì, nếu không có sự hiệp nhất này, thì có lẽ Thiên Chúa sẽ không được diễn tả cách trọn vẹn.
1. Ơn huệ lương thực
Trình thuật sáng tạo “Bảy Ngày” hướng tới một cùng đích, và trình thuật lịch sử khai sinh ra Israel (thường được nhắc lại trong các bản văn Giao Ước) cũng hướng tới một cùng đích. Thật vậy, ơn huệ sau cùng của trình thuật kể lại tuần đầu tiên của vũ trụ, chính là ơn huệ lương thực (St 1, 29-30); và trong trình thuật lịch sử khai sinh ra Israel, cùng đích cũng là bánh Thiên Chúa ban cho dân của Ngài, bánh phát xuất từ đất mà Ngài dẫn dân đến cư ngụ[2]. Như thế, sáng tạo và lịch sử đều có cùng một điểm tới! Chính vì thế mà, trong Tv 136, không có hai lần nói về lương thực. Chỉ có một lần thôi, và đó chính là điểm kết thúc duy nhất ở đó tiến trình sáng tạo và tiến trình lịch sử, chiều kích vĩnh cửu và chiều kích mới mẻ gặp gỡ nhau:
Người ban bánh[3] cho tất cả chúng sinh,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hãy tạ ơn Chúa cửu trùng,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (c. 25-26)
Chúng ta có thể bị choáng, vì nhận ra rằng tấm bánh thường ngày thật quen thuộc và thật đơn sơ, nhưng lại mang một sức nặng ý nghĩa và sự sống quá lớn. Bởi vì bánh diễn tả cuộc gặp gỡ giữa vĩnh cửu và cái mới, và nhất là vì bánh diễn đạt Thiên Chúa và trao ban Thiên Chúa; bởi lẽ, tấm bánh tuy bình thường, nhưng lại chất chứa cùng một lúc vĩnh cửu và cái mới. Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao Đức Giê-su nói: “Ta là bánh hằng sống”. Như thế, tác giả Tv 136 đã tìm ra “điểm hội tụ” của sáng tạo và lịch sử, của vĩnh cửu và cái mới, nơi tấm bánh! Nhưng con đường dẫn đến tấm bánh không thật dễ dàng.
2. Con đường của “bánh”
Để có được tấm bánh đặt ở trên bàn, chắc chắn cần phải có sáng tạo (đất đai, hạt giống, nước, ánh sáng,…), nhưng cũng cần có những lao nhọc, và cả sự giải phóng khỏi những kẻ áp bức nữa. Tv 136 kết thúc với tấm bánh được nhìn nhận như là ơn huệ. Nhưng, trong cuộc sống, Thánh Vịnh được đọc lên để tạ ơn về tấm bánh đã có sẵn ở trên bàn rồi. Tv 136 chính là lời tạ ơn trên bánh; và để tạ ơn, thì phải nhớ lại, nhớ lại ơn huệ sáng tạo, nhớ lại những nhục nhằn của tổ tiên.
Tấm bánh cần đến “sáng tạo gần” (sáng tạo hôm nay), nhưng dưới áp lực của phần trình thuật lịch sử, đã được đẩy lùi thật xa, đến tận “sáng tạo xa” (sáng tạo khởi nguyên); và như thế, tấm bánh, có ở trên bàn, trở thành điểm hẹn của lịch sử phổ quát. Thật vậy, Tv 136 không nói: “… cho Israel”, nhưng đã nói: “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”. Ngoài ra, tấm bánh có ở trên bàn không chỉ biểu thị tương quan trực tiếp với Thiên Chúa sáng tạo, nhưng còn diễn tả tương quan với con người trong điều kiện lịch sử cụ thể (chính trị, xã hội, việc làm, áp bức, đấu tranh, …): bánh ở đây là bánh của những con người tự do, đã được kéo ra khỏi cảnh nô lệ. Như thế, bánh mà Israel dùng hằng ngày đã đến từ Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng đi ngang qua những xung đột lịch sử. Và điều này cũng đúng với mọi người và mọi dân tộc:
Chúa đã nhớ đến ta trong cảnh nhục nhằn,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
gỡ ta thoát khỏi tay địch thù,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (c. 23-24)
Người dâng lời tạ ơn vì tấm bánh được nhận ra như điểm gặp gỡ phổ quát, cũng chính là người được giải thoát khỏi bàn tay vấy máu muốn tiêu diệt. Như thế, lời hứa vĩnh cửu và thử thách cuộc đời hội tụ nơi cùng một tấm bánh.
* * *
Tin Mừng theo thánh Matthêu kể lại rằng, chia sẻ bánh và rượu xong, Đức Giêsu hướng đến cuộc Thương Khó của Ngài “sau khi đã hát Thánh Vịnh” (Mt 26, 30). Câu này đặc biệt gợi lại cho chúng ta Tv 136, bởi vì cùng với các Thánh Vịnh khác, Tv 136 được hát lên để kết thúc bữa ăn Vượt Qua. Như thế Tv 136 hướng đến Thánh Thể và Thánh Thể làm tròn đầy Tv 136.
Vì thế, hát Tv 136 sẽ làm cho chúng ta gần gũi hơn với Đức Kitô, nhất là khi chúng ta nhận ra Ngài trong Thánh Vịnh này, vì Ngài chính là Đấng ban cho chúng ta Bánh của Thiên Chúa, Bánh có sức đổi mới mạnh mẽ hơn cả sự chết, vốn là thử thách tận cùng mà chính Ngài đã vượt qua. Nhưng đồng thời, khi hát Tv 136, chúng ta cũng trở nên gần gũi với tác giả Thánh Vịnh hơn, bởi vì chính tác giả cũng đã được lôi kéo bởi “Bánh Hằng Sống”. Giống như tác giả Thánh Vịnh, chính chúng ta cũng đang được lôi kéo và vẫn chưa đi hết con đường dẫn tới tấm bánh huyền nhiệm này.
Tin Mừng cho chúng ta biết tấm bánh này được nhào nắn như thế nào: bánh đã đi ngang qua thập giá của Đức Kitô, nơi chốn đích thật cho sự biến đổi của bánh. Nơi Thập Giá, lòng ước ao của chúng ta được mời gọi lắng nghe Tin Mừng về Bánh Hằng Sống, khi nhìn ngắm với lòng tin vẻ bề ngoài “nát tan”, không còn gì, của Đức Kitô chịu đóng đinh.
Nếu bánh ăn hằng ngày không làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, thì Bánh Hằng Sống, là chính Đức Giê-su, sẽ làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, bởi vì chính Ngài đã vượt qua và chiến thắng cả tiến trình dẫn đến sự chết và chính cái chết trong cuộc Thương Khó. Đức Kitô đã đưa những lời của Tv 136 vào trong chính cái chết của Ngài. Vì thế, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mời gọi nhận ra lời hứa vĩnh cửu nơi những lời của Tv 136:
Người ban BÁNH cho tất cả chúng sinh,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Chúng ta được mời gọi bước vào hành trình chiêm ngắm mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô với tâm tình tạ ơn của Tv 136 và nhận ra “Tình yêu muôn ngàn đời của Thiên Chúa” được thể hiện cách tron vẹn nơi Người.
Hãy tạ ơn Chúa cửu trùng,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
_______________________
[1] Dịch sát bản văn Do Thái: “Muôn ngàn đời tình thương của Chúa”.
[2] “Bánh” hiểu theo nghĩa rộng, ám chỉ tất cả những gì làm cho người ta sống.
[3] “Bánh”, dịch theo bản văn Do Thái. Nên giữ lại từ ngữ này, thay vì diễn giải là “lương thực” trong bản dịch Việt ngữ.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc