Ngày 28 tháng 01 năm 2023
Thứ Bảy tuần III Thường Niên năm A
TIN MỪNG (Mc 4, 35-41)
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.
37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? “39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
(Bản dịch Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
****************************
1. Cuồng phong và giấc ngủ
Chúng ta hãy đặt mình trong tình huống này: cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước; trong khi đó Đức Giê-su vẫn ngủ! Vì thế, các môn đệ không chỉ hoàng hốt, nhưng còn đánh thức và trách cứ Người:
Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi,
Thầy chẳng lo gì sao? (c. 38)
Chúng ta hãy hình dung ra sự tương phản gần như tuyệt đối, để cảm thông với các môn đệ và cũng để nhận ra kinh nghiệm này cũng hiện diện trong đời sống đức tin và hành trình đi theo Đức Ki-tô của mỗi người chúng ta:
– Một bên là gió rít sóng gào, một bên là Đức Giê-su, đang ngủ vô tư như em bé (vì chỉ có em bé mới có thể ngủ trong những tình huống như thế).
– Một bên là các môn đệ chạy tới chạy lui hốt hoảng la hét, mất hết lòng tin.
– Một bên là tư thế nghỉ ngơi, an bình, hơi thở nhẹ nhàng, hoàn toàn phó thác của Đức Giê-su.
Hơn nữa trong bài Tin Mừng, thánh sử Mác-cô còn kể lại một chi tiết rất có ý nghĩa, đó là Đức Giê-su ngủ ở đàng lái!
Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái,
dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. (Mc 4, 38)
Giữa sức mạnh của phong ba, bão táp, con thuyền được lèo lái, không phải bởi một sức mạnh lớn hơn, nhưng bằng một giấc ngủ ngon lành, nghĩa là bằng sự tín thác tuyệt nơi Thiên Chúa.
Biến cố này giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu; thực vậy, trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu cũng sẽ đối đầu và chiến thắng sức mạnh của sự dữ, của tội lỗi và của sự chết bằng sự hiền lành tuyệt đối.
2. Lòng tin
Vừa nãy, các môn đệ trách Đức Giêsu; còn bây giờ, sau khi ngăm đe gió và truyền cho biển yên lặng, Người trách các môn đệ (theo thánh sử Mát-thêu (Mt 8, 26), Người trách các môn đệ trước, để nêu bật lên sóng gió trong tâm hồn và sức mạnh dẹp yên của lòng tin):
Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế?
Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”(c. 40)
Qua lời trách này, Đức Giê-su muốn nói với các môn đệ rằng, các ông không được hoảng lên, kêu la và đánh thức Thầy như thế. Đáng lẽ các ông phải “ngồi yên”!
– Cứ để biển động như thế.
– Cứ để gió gào như thế.
– Cứ để sóng thét và vùi dập con thuyền như thế.
– Và cứ để Người ngủ như thế.
Bởi vì chính Người đã lên thuyền và các ông đi theo Người. Nhưng nếu các ông cứ để yên thì chuyện gì xẩy ra, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra chuyện gì sẽ xẩy ra, sẽ chết hết! Như các môn đệ đã hốt hoảng la lên: “chúng ta chết đến nơi rồi!”
– Biển sẽ động đến tận cùng khả năng hung hãn của nó.
– Gió sẽ gào đến hết hơi của nó.
– Sóng sẽ thi thố hết sức mạnh kinh hồn của nó.
– Và Đức Giêsu sẽ cứ ngủ bình yên; nhưng ở đây, Ngài sẽ không để mình bị vùi dập, vì chưa đến “giờ”, và đây không phải là cách Người sẽ chết.
3. “Im đi! Câm đi!”
Chúng ta hãy cảm nếm sức mạnh của lời Chúa, vì đó là sức mạnh của Ngôi Lời sáng tạo:
Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển:
“Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. (c. 39)
Lời Chúa làm cho hư vô chuyển thành hiện hữu; hỗn mang trở thành trật tự; kêu gào trở nên yên lặng. Chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa lời trách của Đức Giê-su dành cho các môn đệ: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Lời trách vừa thẳng và nặng. Thẳng và nặng giống như Chúa nói với sóng gió. Tại sao vậy? Bởi vì lòng chúng ta cũng có sóng gào gió thét, cũng có hỗn mang. Để dẹp yên, có lẽ còn khó hơn; vì thế, theo lời kể của thánh Mát-thêu, Người thực hiện điều này trước khi nói với sóng gió (x. Mt 8, 23-26).
Các môn đệ vừa nãy sợ sóng gió, sợ chết; bây giờ lại tiếp tục hoảng sợ trước căn tính thật sự của Đức Giê-su. Chúa dẹp yên sóng gió bên ngoài rồi; nhưng sóng gió nội tâm dường như vẫn còn:
Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau:
“Vậy người này là ai, mà cả đến gió
và biển cũng tuân lệnh?” (c. 41)
Tương tự như khi các ông hoảng sợ và tưởng là ma khi thấy Đức Kitô phục sinh từ cõi chết. Căn tính của Đức Giê-su lộ ra bởi sức mạnh của lời sáng tạo: chế ngự khuất phục hỗn mang, sự chết. Như các môn đệ, chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết căn tính của Chúa, dù ngài đồng thuyền với ta. Vì như thánh Phao-lô nói: “Mọi sự được tạo dựng bởi Ngài và cho Ngài.” (Col 1, 16)
* * *
Nơi Mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa sẽ “ngủ” ở giữa gió rít sóng gào: một bên là bạo lực tuyệt đối; một bên là hiền lành tuyệt đối. Ngài sẽ để yên cho Biển động, sóng to gió lớn, dập vùi Ngài cho đến chết. Ngài muốn để mọi sự diễn ra như thế, để chúng ta tín thác tuyệt đối vào ngôi vị của Ngài, và cũng để kinh nghiệm quyền năng tuyệt đối của Ngài trên Sự Dữ và Sự Chết. Quyền năng chỉ bộc lộ mức độ tuyệt đối khi trực diện với thế lực đối lập đã thi thố hết sức mạnh của nó.
Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta gặp thử thách hay hiểm nguy, chúng ta kêu và Chúa “thức dậy” cứu chúng ta. Nhưng cũng có khi, chúng ta được mời gọi có kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm của mầu nhiệm Thương Khó, nghĩa là hoàn toàn phó thác, để cho Thiên Chúa dẫn chúng ta đi ngang qua bão tổ của thử thách, như Đức Giê-su. Thực ra, dù muốn dù không, đó sẽ là thời điểm của sự chết, tất yếu sẽ đến với mỗi người chúng ta; và chúng ta được mời gọi sống thực tại này như một hành trình Vượt Qua.
Xin Chúa ban cho chúng ta lòng tín thác của bé thơ, như Đức Giê-su, nơi vòng tay yêu thương và bao dung của Thiên Chúa Cha.
Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui. (Tv 131, 2)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc