WGPSG (05.02.2023) – Nếu không biết cách cầu nguyện thì bạn sẽ khó mà cầu nguyện được. Nên cần phải học cho biết cách cầu nguyện. Trước hết là phải nhờ đến sự thinh lặng. Chúng ta không thể đặt mình trước sự hiện diện của Chúa nếu chúng ta không tập luyện thinh lặng bên trong cũng như bên ngoài.
Không dễ mà đạt được sự thinh lặng nội tâm, nhưng đây là điều không thể thiếu. Chỉ trong thinh lặng ta mới tìm được sức mạnh và được thực sự nên một với Chúa: sức mạnh của Chúa cần phải trở thành của ta để ta có thể hoàn thành mọi sự như ý Chúa muốn; cũng thế, mọi tư tưởng, mọi lời cầu nguyện, mọi hành động và toàn thể cuộc sống của ta cần phải được nên một với tư tưởng, lời cầu nguyện, hành động và cuộc sống của chính Chúa. Sự hiệp nhất này là hoa trái của cầu nguyện, khiêm tốn và tình yêu.
Chúa chỉ có thể ngỏ lời với ta khi trái tim của chúng ta thinh lặng. Nếu bạn tự đặt mình trước mặt Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện, Chúa sẽ nói với bạn. Và khi đó bạn sẽ biết rằng bạn chẳng là gì cả. Chỉ khi bạn biết mình chỉ là hư vô, là trống rỗng, thì Chúa mới có thể lấp đầy bạn bằng chính Ngài. Những linh hồn cầu nguyện vĩ đại là những linh hồn biết thường xuyên thinh lặng thẳm sâu.
Sự thinh lặng giúp ta có cái nhìn khác về mọi sự. Chúng ta cần có sự thinh lặng để có thể thấu hiểu các tâm hồn. Điều cốt yếu không phải là những lời chúng ta nói, nhưng là những lời Chúa nói – những lời Ngài nói với chúng ta, và những lời Ngài nói qua chúng ta. Trong sự thinh lặng như thế, Ngài lắng nghe chúng ta; trong sự thinh lặng như thế, Ngài nói với linh hồn ta, và chúng ta nghe được tiếng Ngài.
Hãy lắng nghe trong thinh lặng. Khi trái tim bạn bị ngập tràn trong hàng triệu nỗi niềm, bạn không thể nghe được tiếng Chúa trong tim bạn. Nhưng từ lúc bạn đặt mình lắng nghe được giọng nói của Chúa trong con tim bình an, con tim của bạn sẽ tràn ngập Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi nhiều hi sinh. Nếu bạn đã nghĩ đến và muốn cầu nguyện, bạn phải sẵn sàng, không trì hoãn. Ngay từ đầu, nếu bạn không quyết tâm, bạn sẽ không đạt đến tột đỉnh của sự cầu nguyện là chính sự hiện diện của Chúa.
Vì thế ngay từ đầu phải tập luyện cầu nguyện cách hoàn hảo: Phải đặt mình lắng nghe tiếng Chúa trong con tim; và trong sự tĩnh lặng của trái tim chúng ta, Thiên Chúa sẽ nói với chúng ta. Rồi khi con tim ta đã đạt được sự tròn đầy như thế, miệng lưỡi ta sẽ thốt ra những điều cần phải nói với Chúa. Sự nối kết sẽ vận hành như thế. Trong thinh lặng của con tim chúng ta, Thiên Chúa nói, và chúng ta chỉ lắng nghe Ngài nói thôi. Khi trái tim bạn đã đạt được sự tròn đầy vào lúc nó thấy mình được tràn đầy Thiên Chúa, tràn đầy tình yêu, tràn đầy lòng thương xót, tràn đầy niềm tin, nó sẽ thúc đẩy môi miệng bạn lên tiếng nói với Chúa.
Hãy nhớ rằng, trước khi nói, bạn cần phải lắng nghe; và chỉ khi đó, từ tận đáy sâu của một con tim đang triển nở, chúng ta có thể nói với Chúa và Thiên Chúa lắng nghe chúng ta.
Những nhà chiêm niệm, những bậc tu hành của mọi thời đại, mọi tôn giáo, luôn tìm kiếm Thiên Chúa trong thinh lặng, trong sa mạc tịch liêu, trong rừng vắng, trên núi cao… Chính Chúa Giêsu cũng đã sống 40 ngày trong tịch liêu trọn vẹn, dành những khoảng thời gian dài, lòng bên lòng với Chúa Cha, trong thinh lặng của đêm đen.
Chúng ta cũng được mời gọi dành riêng ra những khoảng thời gian đặc biệt để đi vào thinh lặng thẳm sâu trong cô tịch với Thiên Chúa. Một mình với Chúa, không sách vở, dẹp qua mọi tư tưởng, mọi kỷ niệm, hoàn toàn trống rỗng để ở trong sự hiện diện của Chúa – chờ đợi Chúa trong thinh lặng, trống rỗng và bất động.
Chúng ta không thể tìm thấy Chúa trong ồn ào, náo động. Hãy ngắm nhìn thiên nhiên: cây cối, hoa cỏ, những cánh đồng lớn lên trong tĩnh lặng; tinh tú, mặt trăng, mặt trời chuyển động trong tĩnh lặng. Điều cốt yếu không phải là những gì chúng ta có thể nói, nhưng là những điều Thiên Chúa nói với chúng ta, những điều Thiên Chúa nói với người khác thông qua chúng ta. Trong thinh lặng, chúng ta lắng nghe. Trong thinh lặng, Chúa nói với linh hồn chúng ta. Chúa ban cho chúng ta đặc quyền nghe được giọng nói của Ngài trong thinh lặng:
thinh lặng của lỗ tai,
thinh lặng của môi miệng,
thinh lặng của tinh thần.
Chúng ta cần có sự tĩnh lặng trong trái tim để có thể nghe được tiếng Chúa ở khắp mọi nơi: tiếng Chúa nơi cánh cửa khép lại, tiếng Chúa nơi những người đang yêu cầu chúng ta, tiếng Chúa nơi chim chóc, cây cối, muông thú…
Nếu chúng ta biết lắng nghe trong thinh lặng, chúng ta sẽ cầu nguyện cách dễ dàng. Càng ngày càng có nhiều những điều bép xép, lải nhải, kể lể được nói ra, viết ra. Đời cầu nguyện của chúng ta sẽ bị tổn thương mỗi ngày một nhiều hơn khi trái tim của chúng ta không có được sự thinh lặng.
Tôi cẩn thận gìn giữ sự thinh lặng trong tim tôi để từ trái tim thinh lặng, tôi nghe được những lời an ủi của Chúa. Và trong sự tròn đầy của con tim, đến lượt tôi, tôi an ủi Chúa nơi những người nghèo khổ.
Chuyển ngữ từ: Il n’y a pas de plus grand amour (p. 22-25)