Mỗi khi bắt đầu thánh lễ, chúng ta đều được mời gọi thú nhận tội lỗi cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em một cách công khai. Lời thú nhận cùng với sự hối tiếc đau đớn khi đấm ngực 3 lần và nói: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Vì nếu chỉ là tội vô tình thì ta chỉ cần nói với nhau “xin lỗi” là xong, nhưng nếu điều ta xúc phạm tới nhau gây hậu quả nghiêm trọng khiến chúng ta phải xin lỗi nhiều lần và nhiều cách khác nhau như: “tôi xin lỗi, tôi thực sự hối tiếc vì làm điều đó, hãy tha lỗi cho tôi . . .”
Chúng ta sám hối không chỉ về lời nói, việc làm mà còn về tư tưởng đã nghĩ, đã nung nấu, đã toan tính dẫn đến nảy sinh những điều bất chính như: tham lam, dâm ô, lừa dối . . . Suy cho cùng, mọi tội lỗi đều phát sinh từ tâm suy tưởng. Tâm làm chủ là nguyên nhân gây nên những lời nói, việc làm sai trái.
Điều đáng tiếc là chúng ta thường dễ dàng đấm ngực khi đọc kinh, nhưng có mấy ai dám công khai xin lỗi về những điều mà chúng ta gây đau khổ, thất thoát cho nhau. Trong đời tôi, chỉ duy nhất một lần nhìn thấy một vị giám mục đến trước phòng một cha xứ và xin lỗi cha ấy về một chuyện nào đó, khiến cha xứ ấy ngạc nhiên và hoảng sợ vì lời xin lỗi của bề trên.
Có ai đó nói rằng: “lầm lỗi là của con người, nhận lỗi, sửa lỗi là của thánh nhân”. Dẫu biết vậy, nhưng có mấy ai đã dám nhận sai và sửa sai? Ngay cả cha mẹ cũng mấy ai dám xin lỗi con cái về những lời nói, việc làm của mình đã làm tổn thương hoặc gương mù cho con cái? Có mấy vị lãnh đạo đã đủ khiêm tốn để nhận trách nhiệm về quyết định của mình mà gây đau khổ, phiền hà cho cộng đồng và xã hội?
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống theo tinh thần Phúc Âm. Tinh thần phúc âm được thể hiện qua việc tôn trọng sự sống là chớ giết người và còn biết kiểm soát lời nói trong tinh thần bác ái yêu thương. Đi sâu vào các mối tội đầu đều khởi nguồn từ tư tưởng bất chính mới nảy sinh hành động. Thế nên, lời Chúa còn mời gọi chúng ta phải loại ra khỏi lòng mình những tư tưởng bất chính dầu chỉ là những ước ao phạm tội cũng là lỗi với giới răn Chúa.
Điều quan trọng nhất để có thể cải thiện cái ác, cái xấu thành điều thiện lành, chúng ta phải luôn kiểm soát tư tưởng để kịp thời ngăn chặn, loại bỏ những tư tưởng bất chính, những toan tính tội lỗi để tâm trong sáng, hướng thiện thì lòng mới thanh thoát, bình an.
Như vậy, sự hoàn thiện mình theo giáo huấn của Chúa phải khởi đi từ tư tưởng luôn nghĩ những điều tích cực và loại bỏ những điều tiêu cực để tâm trong sáng thì lời nói và việc làm mới mang lại bình an cho bản thân và những người đang sống với chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng ta biết thống hối ăn năn một cách chân thành để lời thú tội “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” của chúng ta không phải là một công thức máy móc mà là lời van lơn đầy nuối tiếc về những tư tưởng, lời nói, việc làm gây tổn thương cho tha nhân. Nguyện xin Chúa là Đấng nhân từ xin tha thứ cho những yếu đuối của chúng ta, và xin Ngài giúp chúng ta cũng biết sống tha thứ và hoà giải với nhau. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền