Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội bắt đầu mùa chay thánh. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 xem mùa chay là mùa hồng ân, mùa cứu độ: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cor 6:1-2). Mùa chay bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro. Trong phụng vụ hôm nay, chúng ta sẽ thực hiện hai hành vi quan trọng sau: “xức tro” và “giữ chay kiêng thịt.” Chúng ta cùng nhau tìm hiểu cách ngắn gọn ý nghĩa của hai hành vi quan trọng trên dựa vào lời Chúa của ngày hôm nay.
Theo truyền thống của người Do Thái, họ xức tro trên đầu [và mặc phải thô] để khóc than cho người chết và khóc than cho tội lỗi của họ. Nói cách khác, việc xức tro lên đầu là dấu hiệu của việc ăn chay và sám hối. Trong phụng vụ hôm nay, hình ảnh tro được sử dụng để nhắc nhở chúng ta về thân phận bụi đất yếu đuối, về những tội lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Chúa. Khi thừa tác viên xức tro trên đầu chúng ta, họ đọc một trong hai công thức sau: (1) “Hãy nhớ bạn là bụi tro, một mai bạn sẽ trở về tro bụi”; (2) “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Tuy nhiên, ý nghĩa chính của toàn bộ mùa chay và của thứ tư lễ tro hôm nay được diễn tả rõ ràng trong bài đọc 1 của ngôn sứ Giôen: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van” (Ge 2:12). Việc xức tro, khóc lóc, ăn chay, cầu nguyện hoặc bố thí là diễn tả bên ngoài của hành vi “hết lòng trở về với Chúa” qua việc “xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2:13). Như vậy, mùa chay nói đến hành trình nội tâm [trở về với Chúa] hơn là hành trình bên ngoài [ăn chay, kiêng thịt]. Đây là hành trình trở về [metanoia] để cảm nghiệm Thiên Chúa là Đấng “từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Ge 2:13). Thánh Phaolô trong bài đọc 2 diễn tả hành trình này như sau: “Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cor 5:20-21). Tóm lại, hành vi xức tro nhắc nhở chúng ta hai điều: Thứ nhất là thân phận yếu đuối tội lỗi của chúng ta, và thứ hai là tình thương vô biên và lòng thương xót đầy khoan dung của Thiên Chúa.
Việc quan trọng thứ hai chúng ta phải thực hiện hôm nay là giữ chay thánh. Bài đọc 1 viết: “Hãy rúc tù và tại Xion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng” (Ge 2:15). Người Do Thái giữ chay để cầu xin Đức Chúa nhớ đến họ như là dân riêng của Ngài, nhớ đến những công trình kỳ diệu mà Ngài đã làm cho họ để một lần nữa tỏ lòng khoan dung tha thứ cho lỗi lầm họ đã phạm đến Ngài (x. Ge 2:16-18). Như vậy, việc ăn chay không mang tính cách “quy thân” [tập trung vào mình], nhưng là “quy Thiên” [hướng về Thiên Chúa]. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy rằng: “Việc ‘ăn chay’ được thực hiện với những lý do khác nhau như là chữa bệnh, giảm cân và những lý do khác. Nhưng ăn chay với những mục đích như thế không giải thoát chúng ta khỏi cái tôi ích kỷ của mình. Ăn chay là để giải phóng chính mình khỏi khỏi cái tôi để hoàn toàn tự do cho Thiên Chúa và cho người khác nữa. Như vậy, việc ăn chay của người Kitô hữu phải là một cuộc xuất hành mang tính giải phóng khỏi chính cái tôi. Điều này có nghĩa là mùa chay cũng phải là mùa sinh hoa trái qua những công việc tốt chúng ta thực hiện cho người khác, nhất là việc bố thí. Chúng ta hãy nhớ rằng: Thiên Chúa sẽ không dủ lòng thương xót đối với chúng ta khi chúng ta no đầy, sung túc còn những người chung quanh lại đang đói khát và thiếu thốn.”
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta ba công việc đạo đức chính của mùa chay, đó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Ba công việc đạo đức này diễn tả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và tạo nên sự biến đổi tận căn trong đời sống nội tâm của chúng ta. Cả ba lời dạy của Chúa Giêsu về bố thí, cầu nguyện và ăn chay có cùng cấu trúc: Không làm vì động lực bên ngoài [tìm sự khen ngợi của con người] – tránh thái độ đạo đức giả – làm mọi sự với trọn cõi lòng [cách kín đáo và thành thật để chỉ tìm phần thưởng từ Thiên Chúa]. Cấu trúc này được trình bày trong câu đầu tiên của Tin Mừng hôm nay: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6:1). Chúng ta chỉ hiểu điều này khi đặt đoạn Tin Mừng này vào bối cảnh Chúa Giêsu thiết lập nền luân lý mới cho các môn đệ của Ngài, đó là, Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 4:23-7:29).
Việc lành phúc đức thứ nhất là bố thí. Theo truyền thống Do Thái, bố thí thường được tổ chức cách có hệ thống vì nó là một trong ba cột trụ của thế giới. Vì được tổ chức cách có hệ thống, nên thường xảy ra tình trạng “khua chiêng đánh trống…trong hội đường và ngoài phố xá” (Mt 6:2). Chúa Giêsu không muốn điều này xảy ra với các môn đệ của Ngài. Ngài muốn họ vượt ra khỏi khuôn khổ, hệ thống khi làm điều tốt. Nói cách khác, Ngài muốn các môn đệ của Ngài làm điều tốt mọi nơi và cho mọi người cách âm thầm. Tuy nhiên, một chi tiết chúng ta cần lưu ý về việc bố thí là: Đừng bố thí cho người khác những thứ dư thừa hoặc những thứ chúng ta không dùng đến. Hãy bố thí cho người khác những thứ có giá trị đối với chúng ta. Như vậy, chúng ta mới có ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa.
Việc phúc đức thứ hai là cầu nguyện. Cầu nguyện phải là sự hiệp nhất cá vị cách thành thật với Thiên Chúa. Cầu nguyện không mang lại gì cho Chúa, nhưng sinh ơn cứu độ cho chúng ta. Vì vậy, cầu nguyện là lương thực của đức tin. Lời dạy của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện “cách kín đáo trong phòng” không có ý coi thường việc tôn thờ chung bởi vì chính Chúa Giêsu tham dự việc tôn thờ trong đền thánh và hội đường. Theo các học giả Kinh Thánh, “vào phòng, đóng cửa lại” khi cầu nguyện có nghĩa là “vào trong con tim” của mình để gặp Thiên Chúa ở đó và dùng ngôn ngữ tình yêu để đối thoại với Ngài vì Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4:8).
Việc phúc đức thứ ba là ăn chay. [Chúng ta đã trình bày điểm này ở trên, nên chúng ta chỉ trình bày thêm một chi tiết nhỏ dựa trên Tin Mừng]. Theo truyền thống Do Thái, ăn chay là việc đạo đức phổ biến. Nó có thể được thực hiện cách chung cả cộng đoàn hoặc riêng từng cá nhân. Người Do Thái không có mùa chay như chúng ta, nhưng họ có vài ngày ăn chay chung, nhất là lễ Yom Kippur (“Ngày Đền Tội”), và họ giữ chay riêng vào thứ hai và thứ năm. Tuy nhiên, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta nét đặc trưng của việc ăn chay của chúng ta là niềm vui. Chúng ta vui vì, qua việc ăn chay, chúng ta chết đi cho cái tôi của mình và sống cuộc sống mới trong Đức Giêsu Kitô. Nếu việc ăn chay không làm cho chúng ta gần Chúa và trở nên giống Ngài hơn, thì chúng ta vẫn chưa ăn chay thật [chưa chết đi cho tội lỗi của mình].
Điểm cuối cùng chúng ta có thể rút ra để suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là tránh lối sống giả tạo [bề ngoài] để sống thật. Khi đi mua đồ không ai trong chúng ta muốn mua đồ giả, và trong cuộc sống, không ai trong chúng ta muốn làm bạn với những người giả tạo. Chúng ta đến với Chúa cũng vậy, không được giả tạo. Đây là ý nghĩa của mùa chay: là mùa mời gọi chúng ta sống “thật” với ơn gọi làm Kitô hữu của mình [sống “thật” với ơn gọi thánh hiến của mình]. Cụ thể hơn, thái độ sống thật này được Chúa Giêsu mời gọi trong cả ba công việc chính yếu của mùa chay: Làm việc lành phúc đức [bố thí], cầu nguyện và ăn chay. Hãy tránh thái độ “đạo đức giả” (x. Mt 6: 2, 5, 16)!
Lm. Ngọc Dũng