Gấp lại những trang cuối quyển sách “Dân Làng Hồ” của tác giả Linh mục Pierre Dourisboure (1825-1890), ngài là một trong những vị thuộc Hội Thừa Sai Pari tiên phong lên vùng Tây Nguyên truyền giáo – quyển sách mà nó đã đọc ít nhất hai lần, nhưng lòng nó vẫn thổn thức. Nhìn vào những mẫu gương, những chiến sĩ đức tin can trường lòng nó còn đó những thao thức. Các nhà thừa sai đầu tiên đặt chân lên đất Việt, những con người mang trong mình “quả tim thép chứa đầy tình yêu”. Tất nhiên cũng như bao người, họ có gia đình, bạn bè, họ có một đất nước bình yên, hiện đại, một cuộc sống bình an và ổn định… Thế nhưng, các ngài đã bỏ tất cả để đến Việt Nam – một đất nước nghèo nàn, văn hoá thấp, lại là một nước thuộc địa thời bấy giờ,… một nơi rất xa lạ đối với các ngài, không cùng văn hoá, không cùng ngôn ngữ, khí hậu khắc nghiệt,… Nhưng cái xa lạ, cái khó khăn đó đã không là cản trở, các ngài đã từ bỏ tất cả để ra đi, chấp nhận tất cả, chẳng mong ngày trở về, thậm chí là đón nhận cả cái chết, chỉ với mục đích duy nhất là “Để Tin Mừng được đến với những người chưa nhận biết Chúa”. Các ngài xem những người xa lạ đó, những người có thể làm hại các ngài là anh chị em của mình, là gia đình, là quê hương mình và bỏ qua tất cả những bức tường của tầng lớp, khoảng cách hay sự phân biệt. Các ngài đã thu được một mùa lúa bội thu từ cánh đồng bát ngát, trên đất Việt. Các ngài đã hoàn thành lệnh truyền của Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15).
Nó cảm thấy thật khâm phục các nhà thừa sai. Sự hy sinh, can đảm, tinh thần và tình yêu vì Tin Mừng của các ngài đã làm nó cảm động. Nhìn vào đức tin, ơn gọi nó đang được nhận lãnh, nhìn vào tất cả hồng ân và tình yêu đang bao phủ, nó lại càng cảm thấy tự hào và biết ơn nhiều hơn. Nó cảm thấy bản thân thật bất xứng với tất cả. Nó muốn làm một điều gì đó cho những người chưa nhận biết Chúa. Vì tất cả những gì nó cảm nhận một lần nữa đốt lên ngọn lửa đã gần như vụt tắt bấy lâu trong tâm hồn nó. Nó trở về với những ước mơ đơn sơ, chân thành thuở ban đầu ấy…
Lúc đầu, khi bước chân vào ơn gọi, nếu ai hỏi nó “đi tu làm gì”. Mặc dù lúc đó chưa hiểu biết gì về đời tu, nhưng nó vẫn cười và nói:“Con đi tu để loan báo Tin Mừng”. Nhưng rồi cái ý nghĩ non nớt ban đầu đó đã có lúc phai nhạt và bị lãng quên đi trong cuộc sống của nó. Khi đã được học hiểu và bước đi thật lâu trong ơn gọi, nó nhận ra đời sống của nó còn đó rất nhiều bất toàn, yếu đuối và tội lỗi. Đời sống nó chưa toát lên vẻ đẹp của Tin Mừng thì làm sao nó có thể loan báo Tin Mừng. Vì nó dần nhận ra, nó ngày càng tôn lên cái tôi to bự ẩn sâu trong con người của nó.
Lật lại một trang nhật ký.
Trong ngày lễ sinh nhật Đức Maria nó được một người hỏi về ý nghĩa ngày sinh nhật của nó. Câu hỏi thoáng qua này làm nó suy nghĩ và cầu nguyện rất lâu. Nó hỏi Chúa:“Chúa ơi, Chúa muốn điều gì nơi cuộc đời con khi gửi con vào trần gian này trong ngày con sinh ra?” Và câu trả lời nó có được không biết từ cầu nguyện hay chỉ là suy nghĩ, phân tích theo ý nó: Nó nghĩ, nó sinh đúng ngày lễ thánh Gioan Vianey (Bổn mạng các cha sở) nên cuộc sống nó sẽ gắn liền với 3 chữ L: “Linh mục, Linh hồn, Loan báo Tin Mừng”. Linh mục, tu sĩ, các nhà thừa sai là những người trực tiếp đem Tin Mừng đến với người khác, họ rất cần lời cầu nguyện của nó. Các linh hồn, các tội nhân cần sự hy sinh, hãm mình và lời cầu nguyện của nó. Và rồi ơn gọi của nó, cuộc đời nó sẽ luôn gắn liền với sứ vụ loan báo Tin Mừng trong linh đạo Đa Minh. Nó đã cảm thấy rất vui vì những ý nghĩ đó. Nó cảm thấy hạnh phúc vì nó nhận thấy cuộc đời nó còn ý nghĩa, còn đó ước mơ, còn đó sứ mệnh phải hoàn thành. Ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ năm đó thật ý nghĩa đối với nó.
Những mẫu gương của các nhà thừa sai trong quyển sách một lần nữa nhắc nhớ nó về tất cả hồng ân nó nhận được. Xung quanh nó, còn rất rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Nó cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc khi được thi hành sứ vụ của Hội dòng, được cộng tác vào sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa.
Trong lớp học nó phụ trách, còn đó rất nhiều em chưa được gia nhập vào Giáo hội, chưa biết Chúa là ai, đó là một ân ban cho nó có cơ hội thực tập. Nó rất vui khi nhìn các em cùng các bạn của mình làm dấu, đọc kinh, cầu nguyện trong các giờ khởi đầu kết thúc ngày học, các giờ cơm, giờ ngủ… Những tâm hồn đơn sơ đó dù chưa hiểu gì, nhưng các em thật đơn sơ, dễ thương trước mặt Chúa và là mẫu gương cho chính bản thân nó.
Nó muốn nối tiếp những bước chân của các nhà thừa sai bằng con người yếu đuối của nó. Nó ước mơ trở nên tay thợ gặt lành nghề trong trong tay Chúa. Nó khao khát trở nên con người sống vì Tin Mừng cứu độ. Nó còn đó thật nhiều thao thức… nhưng càng thao thức nó càng cảm thấy mình bất toàn. Nó phải yêu Chúa nhiều hơn, nó phải bỏ mình nhiều hơn, nó phải cho đi không tính toán nhiều hơn, nó phải sống yêu thương tha nhân nhiều hơn, nó phải luôn quyết tâm để “Tình yêu Đức Kitô thúc bách” toàn bộ cuộc sống nó (x. 2Cr 5, 14)…Vì nó còn quá yêu chính mình, quá tội lỗi… Nó muốn noi gương thánh Gioan Vianey đem các linh hồn về với Chúa. Nó muốn cuộc sống của nó cũng là một lời loan báo Tin Mừng, để rồi như thánh Phaolô, nó cũng có thể thốt lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Maria Nguyễn Thị Hồng Hiếu – (Tập sinh)