Tin Mừng (Mc 1, 7-11)
7 Ông Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”
9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan.
10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.11 Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*******
1. “Đức Giê-su từ Na-da-rét đến miền Ga-li-lê”
Đức Giê-su kết thúc thời gian ba mươi năm dài sống bình thường như mọi người chúng ta, thời gian mà chúng ta gọi là đời sống ẩn dật của Đức Giê-su, để bắt đầu giai đoạn mới, giai đoạn hoạt động công khai. Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giêsu rời bỏ làng quê, gia đình, những người thân yêu để lên đường đến sông Gio-đan. Từ một nơi êm ấm, Ngài đến một dòng sông. Dòng sông gợi lên trong chúng ta điều gì? Không an toàn, bỏ ngỏ, nhiều người xa lạ, không ổn định… Đó là một cuộc ra đi sau ba mươi năm sống ẩn dật. Chúng hãy cảm nhận hết sức nặng của ba mươi năm dài này: nặng tình nặng nghĩa, nặng kỉ niệm, nặng kinh nghiệm sống, nặng dấu ấn của các lứa tuổi, tuổi thơ, tuổi thiếu niên…
Đây là một khởi đầu: không chỉ cho một giai đoạn mới trong cuộc đời của Ngài, nhưng còn là một khởi đầu mới trong hành trình Nhập Thể, trong tiến trình Thiên Chúa mặc khải chính mình cho con người nơi Đức Giêsu, trong sứ vụ loan báo Nước Trời và ơn cứu độ của Thiên Chúa, và qua sứ vụ này, Đức Giê-su mặc khải căn tính thần linh của Ngài, là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa. Vì thế, khởi đầu này đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su rồi, giống như mầu nhiệm Giáng Sinh. Vì thế, đây là một khúc quanh trong cuộc đời của Đức Giê-su, một khúc quanh có tính quyết định. Chúng ta hãy dừng lại để khám phá ra tất cả ý nghĩa của tính quyết định liên quan đến biến cố này của cuộc đời Đức Giê-su.
Trong cuộc đời của chúng ta cũng có nhiều khúc quanh; chúng ta có thể nhớ lại. Trong những khúc quanh đó, đã có khúc quanh nào mang tính quyết định chưa? Nếu chưa, bây giờ là lúc, Chúa mời gọi chúng ta, cùng với Chúa, tạo ra một khúc quanh quyết định, nhất là qua kinh nghiệm thiêng liêng “lựa chọn” ơn gọi, hay làm mới lại cho suốt đời.
2. “Và được ông Gioan làm phép rửa”
Chúng ta hãy hình dung khung cảnh Đức Giê-su hòa nhập vào với dòng người nhận mình là tội nhân, đến với Gioan để xin chịu phép rửa (đọc Pl 2, 5-11). Đây là một khởi đầu mới của mầu nhiệm Nhập Thể lớn lao, nhưng Người lại thực hiện ngang qua lựa chọn rất nhỏ bé và khiêm tốn, đó là đến với ông Gioan để được chịu phép rửa. Tương tự như khi đến với loài người chúng ta trong mầu nhiệm Giáng Sinh, Chúa đã sinh ra như một em bé, và hơn nữa, trong một hoàn cảnh thật đơn sơ và khó nghèo. Trong khi đó, Người chính là Đấng mà ông Gioan được mời gọi tôn vinh: “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 29-30; là bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm qua). Theo lời kể của Thánh Mát-thêu (x. Mt 3, 13-17), ông Gioan một mực can ngăn và nói rằng, chính loài người tội lỗi chúng ta mới cần được Ngài làm phép rửa.
Như thế, Đức Giê-su muốn đồng hóa mình với các tội nhân là chính chúng ta, như Ngài sẽ làm trong giai đoạn rao giảng Tin Mừng và một cách tận căn trên Thập Giá. Bởi lẽ, Đức Giê-su muốn sống và bày tỏ cho chúng ta một đức công chính khác với sự công chính theo luật mà loài người thường hiểu và sống; đó là đức công chính của chính Thiên Chúa, như ngôn sứ Isaia loan báo:
Người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.
Người sẽ không kêu to, không nói lớn,
không để ai nghe tiếng giữa phố phường.
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. (Is 42, 1-3)
Chúng ta được mời gọi nhìn ngắm Ba Ngôi để nhận ra đó là “Ba Ngôi Mới”: Chính khi Ngài hạ mình, trong mầu nhiệm phép rửa, và sau này trong mầu nhiệm Thập Giá, lại là lúc Ngài được tôn vinh. Thậy vậy, chính khi Ngài hòa nhập với các tội nhân, để xin chịu phép rửa, như sau này, Ngài sẽ bị bắt, bị lên án và bị đóng đinh như là tội nhân và ở giữa các tội nhân, và chính khi Ngài để mình bị dìm mình xuống dòng nước, như sau này, Ngài không xuống khỏi Thập Giá, nhưng để cho Tội của loài người chúng ta “dìm” đến cùng, vùi dập đến cùng, là giết chết Ngài trên Thập Giá, thì chính lúc đó, khi Ngài lên khỏi nước, và cũng như sau nay, khi Ngài bước ra khỏi cõi chết, Ngài được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nhìn nhận, tôn vinh và mặc khải căn tính đích thật của Ngài:
Con là Con yêu dấu của Cha,
Cha hài lòng về Con. (c. 11)
Chúng ta hãy nhìn ngắm một lần nữa quang cảnh thật lớn lao, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là sự chết và phục sinh của Đức Ki-tô. Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và cũng là hành trình của từng người chúng ta:
– Đức Giê-su ở dưới nước lên.
– Các tầng trời mở ra.
– Thần Khí Thiên Chúa như chim bồ câu ngự xuống trên Người; và có tiếng từ trời cao: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Hình ảnh “từ dưới nước lên” diễn tả Đức Ki-tô bước ra khỏi sự chết; các tầng trời mở ra diễn tả sáng tạo mới; và trong sáng tạo mới có sự hiệp thông trọn vẹn của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng là một “Ba Ngôi Thiên Chúa mới”, bởi vì Ngôi Lời Nhập Thể mang trong mình và mang theo mình một “đàn em đông đúc”, là loài người và từng người chúng ta.
Lời của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”, là lời nhìn nhận và tuyển chọn của Trời Cao đối với Đức Giê-su. Truyền thống của Giáo Hội hiểu lời này của Chúa Cha về Đức Giê-su như là một “biến cố sinh ra”. Và điều này rất phù hợp với kinh nghiệm sống của chúng ta. Vì khi bố mẹ sinh ra thân thể chúng ta thì vẫn chưa đủ để chúng ta là con của bố mẹ, sau này chúng ta còn cần được bố mẹ nói với chúng ta trước mặt mọi người là: “Đây là con của chúng tôi” và còn phải làm giấy chứng nhận nữa, đó là “giấy khai sinh”. Không có giấy khai sinh, trước mặt mọi người và trên bình diện xã hội, chúng ta không là con của ai hết! Giấy khai sinh, chính là Lời nhìn nhận và tuyển chọn vượt lên trên tương quan máu mủ. Để sống có ý nghĩa ở trên đời, ai trong chúng ta cũng cần được nghe đi nghe lại một lời như thế cách minh nhiên hoặc mặc nhiên từ bố mẹ hay những người thân yêu của chúng ta.
Thánh Giu-se không sinh ra Đức Giê-su, nhưng Ngài dâng hiến cả cuộc đời để “làm giấy khai sinh” cho Đức Giê-su, nhìn nhận Ngài là con của mình; và trong hành trình nhập thể, Đức Giê-su cần một lời “xin vâng” như thế.
* * *
Như Đức Giê-su, chúng ta cũng cần được Chúa Cha “sinh ra” như thế, nghĩa là cần được Chúa Cha công bố: “Trong Đức Giêsu Kitô, Thánh Tử Duy Nhất của Cha, con, con là con của Cha, Cha hài lòng về con”. Vì đó là lời tái sinh chúng ta, lời làm chúng ta lớn lên, lời làm nên căn tính Kitô hữu và ơn gọi riêng của chúng ta.
Nhưng chúng ta, cho dù bất xứng, đã nghe được một Lời như vậy từ Thiên Chúa Cha chưa? Bởi lẽ, Đức Giê-su làm tất cả những điều đó, là để diễn tả tình yêu đến cùng, để phục hồi và chia sẻ phẩm giá làm con Thiên Chúa của Ngài cho chúng ta. Và chính khi chúng ta đích thân nghe được lời này của Chúa Cha, chúng ta mới có thể, trong Chúa, nói với nhau: “Em là em yêu dấu của chị (anh), chị (anh) hài lòng về em.”
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc