Lm. Phanxico de Sale Lê Văn La Vinh, OP
PHÚC ÂM HÓA
Hạn từ này bắt nguồn từ Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới 1974 với chủ đề “Phúc Âm hóa thế giới đương thời”. Và mấy năm trở lại đây, chúng ta lại thấy xuất hiện hạn từ “Tân phúc âm hóa” trong nhiều lãnh vực của đời sống Giáo hội hôm nay… mà Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã chọn chủ đề Tân Phúc Âm hóa cho nhiều năm liên tiếp trong thời gian vừa qua.
Dưới ánh sáng của Thượng Hội Đồng, Phúc âm hóa là nhiệm vụ toàn cầu của Giáo hội. Phúc âm hóa là loan báo cho con người biết Tin mừng Phúc âm đã được ban cho chúng ta trong Đức Kitô. Đó là chia sẻ với con người niềm xác tín của chúng ta rằng Đức Kitô đã tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài bằng cách mặc khải mối hiệp thông giữa Ba Ngôi: Cha – Con và Thánh Linh. Trong Ngài, Ba Ngôi yêu thương chúng ta và cũng muốn chúng ta yêu thương nhau như các Ngài.
Phúc Âm hóa được thực hiện trước hết bằng lời nói, nghĩa là truyền đạt lại điều mà Thiên Chúa đã nói trong Đức Kitô và bởi Đức Kitô đã tự mặc khải chính mình.
Nhưng Phúc Âm hóa (PAH) không chỉ là loan báo một việc có tính trí thức và văn hóa làm giàu thêm kiến thức của con người. PAH phải là một cuộc sống, cuộc sống được soi sáng bởi Lời, được chỉ dẫn bởi những hiểu biết, và phải thực hiện bằng chính cách sống.
ĐỜI TU
Từ lâu nay, các tu sĩ trong các Dòng tu đã tham gia và hiện diện trên nhiều lãnh vực trong đời sống xã hội và Giáo hội: từ việc mục vụ nơi xứ đạo như coi Giáo xứ, dạy Giáo lý, phân phát các Bí tích… cho đến các lãnh vực xã hội như y tế, giáo dục và các công tác xã hội nơi người nghèo, người bệnh…
Nhưng đâu là đặc trưng của sứ mạng của các tu sĩ? Đặc trưng không thể thiếu trong việc PAH? Thưa đó là CUỘC SỐNG, là HỮU THỂ của người tu sĩ và là CHỨNG TÁ của Tin Mừng.
Trước hết là CUỘC SỐNG TU SĨ: Theo Lumen Gentium (Hiến chế Tín lý về Giáo hội), đời tu không thuộc cơ cấu phẩm trật của GH nhưng là một cách riêng biệt để biểu lộ sự thánh thiện của Giáo hội, cho nên rất cần cho Giáo hội. Tu sĩ xuất thân từ giáo dân chứ không nhất thiết từ giáo sĩ, cũng như không phải mọi giáo sĩ đều là tu sĩ. Như thế đời tu gần đời giáo dân hơn là đời giáo sĩ.
Theo lịch sử thì đời tu xuất hiện như là một tiếng gọi Giáo hội thức tỉnh để quay về với PÂ, nhiều vị sáng lập dòng tu không gì khác hơn là kêu gọi Giáo hội tìm về với giá trị của Tin Mừng mà Giáo hội đã đánh mất… (Các thánh ẩn tu thời đầu, thánh Phanxico, Vinh Sơn…)
Với thời gian, Giáo hội thừa nhận chính thức đời tu. Trên căn bản, đời tu có tính tông đồ, nghĩa là phải sống theo lối sống các tông đồ. Việc tông đồ không phải chỉ gói gọn trong đời sống mục vụ của Giáo xứ mà được triển khai thật phong phú và đa dạng. Mà làm tông đồ là ơn gọi của mọi Kitô hữu do Bí tích Rửa tội và Thêm sức, cho nên mọi Kitô hữu đều có ơn gọi làm tông đồ, trong đó có ơn gọi tông đồ của các tu sĩ.
Các tu sĩ làm tông đồ bằng cách nào? Thưa các vị không nhất thiết làm tông đồ bằng những hoạt động (oeuvres) của mình, mà phải bằng chính sự hiện hữu (être) của mình. Nghĩa là dù hình thức sống của họ ra sao hay hoạt động thế nào, họ cũng phải hiện diện như một tu sĩ. Hiện hữu của tu sĩ ấy, nói rõ hơn nghĩa là bằng cuộc sống, bằng hoạt động họ phải cho thế giới thấy được sự hiện diện của chính Đức Kitô (đời sống chứng tá).
ĐỨC GIÊSU KITÔ – CON NGƯỜI
Qua mầu nhiệm nhập thể, Đức Kitô trở thành một con người. Nhập thể là bước đầu của việc Phúc âm hóa. Khi làm người, Đức Giesu đã sống trọn vẹn thân phận của một con người, một người dấn thân, chan hòa vào thực tại cuộc sống thời đại đó.
Đời tu, nếu muốn có tính Phúc âm hóa thì trước tiên người tu sĩ phải học làm người trước, là người nam, người nữ, với tất cả những tính khí, khuynh hướng và đặc điểm giới tính riêng của mỗi người. Trong dòng lịch sử, chúng ta thấy Giáo hội dường như có nhiều “nam tính” từ cách tổ chức, phụng vụ, sinh hoạt cho đến điều hành… Các tổ chức nữ giới hầu như không có và các dòng nữ thì hầu như lệ thuộc nhiều vào người nam (cha linh hướng, vị bảo trợ…). Ngày nay, nhờ cách nhìn mới sau Công đồng Vatican II những điều vừa nói trên đã giảm nhiều và các tổ chức nữ giới, đặc biệt các dòng nữ trong Giáo hội cũng như nhiều cá nhân nữ tu đã đóng góp nhiều và tìm ra cho mình một vị trí tốt đẹp và xứng đáng trong lòng xã hội và Giáo hội. Người nữ tu hôm nay đã nhận ra những quyền lợi và những nghĩa vụ đặc thù cũng như thiên hướng của mình và đảm nhận chúng một cách có ý thức. Như thế, trong việc Phúc âm hóa, người nữ tu sẽ cống hiến cái phần đặc biệt của mình để làm cho sự hiện diện của Chúa Kitô được sáng tỏ trong cuộc đời và hoạt động của các chị.
ĐỨC GIÊSU KITÔ – CON NGƯỜI VÌ NGƯỜI KHÁC
Đọc lại Tin Mừng, chúng ta thấy đức Kitô là một con người luôn hướng về người khác để cảm thông, thấu hiểu và chạnh lòng thương và sau đó là cứu giúp, chữa lành.
Đời tu Kitô giáo từ thế kỷ thứ IV xuất phát từ quan điểm thần học về sự “trốn tránh thế gian”, các tu sĩ chúng ta tự tách mình ra với lối sống xa lìa thế gian và cách ly với con người. Trong một thời gian dài nhiều thế kỷ, các dòng tu đã coi việc không chia sẻ là một nhân đức để rồi sống xa cách với hoàn cảnh của đại đa số nhân loại trên thế giới, ra như các tu sĩ thu mình vào nếp sống bảo đảm vững chắc của tu viện để tránh khỏi những va chạm, khủng hoảng lo lắng, tranh đua mà mọi người thường hay gặp. Nếp sống này dẫn tới nguy cơ là người tu sĩ không cần phải cố gắng nỗ lực (vì có nhà Dòng nuôi) và cũng không cảm thấy để hiểu được nỗi lo lắng hằng ngày của các người sống đời gia đình phải đương đầu, thiếu sáng tạo, không cần phải nỗ lực vươn cao… Có thể chăng là chính nếp sống này đã bóp chết nghẹt tinh thần anh dũng phấn đấu của mỗi người.
Nhờ luồng gió mới của Công đồng Vat. II với chủ đích là quy Kitô và với tinh thần cởi mở bước ra thế giới, đời sống Giáo hội nói chung và đời sống cũng như cung cách sống của giới tu trì ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Các từ ngữ hội nhập văn hóa, đem đạo vào đời, đi ra vùng ngoại biên, đến với muôn dân… đã được nhắc đi nhắc lại như một mục tiêu, như một lối sống mới của Giáo hội và của các tu sĩ để trở thành một Chúa Kitô khác trong thế giới hôm nay. Đó chẳng phải là người tu sĩ hôm nay đang Phúc Âm hóa thế giới (là làm cho mọi giá trị của Tin Mừng được thấm nhập vào mọi lãnh vực trong đời sống xã hội và con người hôm nay) đó sao?
ĐỨC GIÊSU – VỊ NGÔN SỨ
Nhiều người đương thời với Đức Giesu vẫn gọi Ngài và xem Ngài như là một vị ngôn sứ. Ngài biết, Ngài thấy và Ngài đã quyết định, Ngài chỉ ra những sai lầm Ngài tố cáo những mâu thuẫn của thái độ lễ nghi và thói biệt phái, Ngài lên án thói giả hình nói một đàng, làm một nẻo, Ngài đã làm cho sứ điệp của Ngài trở thành nguồn giải phóng và trung thực nội tâm, Ngài đặc biệt là một người chân thật đã phục hồi quyền tối thượng của Thiên Chúa và của con người.
Nếu chúng ta muốn Phúc âm hóa thế giới với tư cách là tu sĩ thì chúng ta cũng phải tìm lại sứ mạng ngôn sứ của chúng ta trong Giáo hội và trong thế giới. Rất nhiều đấng sáng lập đã sống sứ mạng ấy, các ngài đã phản đối Giáo hội thời của các ngài đồng thời vẫn duy trì lòng tha thiết yêu mến Giáo hội và tôn trọng nhịp sống của Giáo hội, và các ngài sống nhịp sống ấy với sức mạnh của Thánh Linh.
Chức năng ngôn sứ nơi người tu sĩ đã được các thông điệp và tông huấn như Lumen Gentium, Perfectae Caritatis, Ecclesiae Sanctae muốn khám phá lại tinh thần và hứng khởi căn bản của Đấng lập dòng, nghĩa là tìm lại tác động của Chúa Thánh Linh tác động trên các ngài vào một thời điểm nhất định của đời các ngài và của đời sống Giáo hội. Cách riêng với Đức Giáo hoàng Phanxico – người đã thiết lập năm Đời Sống Thánh hiến và trong Tông huấn Năm Đời sống Thánh hiến, ngài nhấn mạnh đến sứ mạng ngôn sứ của người tu sĩ hôm nay là phải biết đánh thức thế giới.
Mỗi tu sĩ chúng ta hãy làm sáng tỏ nét độc đáo phong phú đa dạng của những đoàn sủng nhà Dòng mình để mưu lợi ích cho Giáo hội và cho thế giới.
Chúng ta sẽ bảo đảm sự hiện diện hữu ích của Dòng chúng ta trong công cuộc Phúc âm hóa, chứ không phải chỉ là nhiều hình thức nhiều kiểu mẫu như nhau cứ lập đi lập lại mà không có gì độc đáo, đặc trưng.
ĐỨC GIÊSU KITÔ – CON THIÊN CHÚA
Trong khi đi ra giảng và thi hành sứ vụ, nhiều lần Đức Giêsu đã cho biết Ngài là Con Thiên Chúa. Và Ngài khẳng định rằng, để nhận biết được điều ấy phải nhờ vào tác động của Thánh Linh nói và hoạt động trong chúng ta.
Phúc Âm hóa là loan báo, bày tỏ, làm chứng cho Tin Mừng. Tin Mừng – là ơn Cứu độ, là sự giao hòa và được sống với Thiên Chúa – không phải là một ý tưởng, mà chính là một biến cố, một thực tại sống động. Thực tại ấy chính là con người Đức Kitô, Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống cho mọi người ở mọi thời. Phúc âm hóa là làm cho mọi người biết đón nhận, yêu thương cái thực tại ấy: là chính Đức Kitô. Ngài đã tỏ mình ra là Con Thiên Chúa nhập thể và còn tiếp tục hiện diện trong Giáo hội của Ngài trong suốt lịch sử.
Giáo hội chỉ là Giáo hội khi thực hiện việc Phúc âm hóa, nghĩa là khi thông qua các phần tử của mình, Giáo hội tỏ cho thế giới thấy được sáng kiến và ý định của Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người được thực hiện nơi Đức Kitô.
Thế giới ngày nay đã vắng bóng Thiên Chúa khi coi những giá trị của mình là tuyệt đối. Trong thế giới đó, các tu sĩ phải là những người qua cách sống của mình và cách đánh giá của mình về những thực tại cuộc sống, làm cho thế giới thấy rằng còn có nhiều thứ giá trị hơn vượt lên trên những điều mà thế giới hôm nay sùng bái và tuyệt đối hóa. Và nhất là các tu sĩ phải chứng tỏ qua đức tin được tiếp xúc thâm sâu với Thiên Chúa, cho thế giới thấy được là đang có sự hiện hữu của một AI ĐÓ, một Đấng và cho Ngài và vì Ngài mà chúng ta hôm nay dám sống, dám dấn thân.
Chỉ khi nào được như thế chúng ta hiện diện hữu ích trong Giáo hội như những người Phúc âm hóa. Muốn được như thế, các tu sĩ phải Phúc âm hóa chính mình; nghĩa là làm cho cuộc sống của ta, hoạt động của ta mang nhiều ý nghĩa và đậm chất Tin Mừng.
Mặt khác, việc tự Phúc Âm hóa giả thiết rằng chúng ta quan tâm đến thế giới mà chúng ta đang sống và vì nó mà chúng ta dấn thân. Những người có trách nhiệm trong Dòng tu phải nhìn xa và rộng, bởi vì trong đà chuyển biến mau lẹ của thế giới ngày này, cái hiện tại của chúng ta sống sẽ mau chóng qua đi và nếu chúng ta cứ ù lì và dậm chân tại chỗ thì khả năng cao chúng ta là những người tụt hậu và là người tự đào thải chính mình trong dòng chảy của cuộc đời hôm nay.
TẠM KẾT:
Với ơn gọi đặc biệt của mình, các tu sĩ trong thế giới hôm nay luôn được nhắc nhớ đến sứ mạng Phúc Âm hóa con người và thế giới hôm nay, nghĩa là qua lời rao giảng, cách sống và hoạt động của mình, người tu sĩ phải biết ướp cuộc sống bằng men Tin Mừng và làm cho môi trường sống của mình dậy men đó bằng cuộc sống đậm tình bác ái, công bằng, nhân bản hầu làm thăng tiến cuộc sống nhân gian và qua đó giới thiệu khuôn mặt của Chúa Kitô, làm chứng cho Chúa Kitô hay nói rõ hơn là làm cho Chúa Kitô được hiện diện lúc này tại đây thông qua cuộc sống của người tu sĩ cho mọi người hôm nay.