Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tin Mừng (Mc 1, 12-15)
12 Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*******
1. “Người chịu Xa-tan cám dỗ” (c. 12-13)
Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Mầu Nhiệm mà chúng ta tôn kính vào Chúa Nhật I Mùa Thường Niên, khi kết thúc Mùa
Giáng Sinh,
Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.
Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày,
chịu Xa-tan cám dỗ. (c. 12-13)
“Cám dỗ”, trong tiếng Hi lạp, còn có nghĩa là “thử thách”. Tương tự như trong tiếng Anh hay tiếng Pháp, động từ to tempt hay tenter vừa có nghĩa là “cám dỗ” vừa có nghĩa là “thử thách”; tùy theo chủ thể hay nội dung mà chúng ta hiểu đó là cám dỗ hay thử thách.
Thiên Chúa thử thách con người (chứ không thể cám dỗ!); còn Xa tan thì cám dỗ. Và con người cũng thử thách Thiên Chúa nữa; như Đức Giê-su nói với Xa tan trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4, 7); và như Dân Chúa trong sa mạc, thử thách Đức Chúa tới mười lần, nghĩa là lúc nào cũng thử thách (x. Ds 14, 22).
Và khi cám dỗ liên quan đến lòng tin, chứ không phải là các vấn đề luân lí (trộm cắp, giết người…) hay dục vọng, thì nên dịch là thử thách. Trong trường hợp của Đức Giê-su, Xatan “cám dỗ” Ngài về lòng tin mà Đức Giê-su đặt để nơi Thiên Chúa, chứ không phải là hay không thể là vấn đề luân lí hay giới tính (x. Mt 4, 1-11). Tương tự như Dân Chúa trong sa mạc, họ chịu thử thách về lòng tin. Bởi vì, theo sách Sáng Thế (x. St 3) mặc khải cho chúng ta về tội nguyên tổ, thái độ nội tâm nghi ngờ Thiên Chúa, không tin Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ngay trong lòng của mình, mới là gốc của mọi tội, tội luân lí hay dục vọng.
* * *
Thiên Chúa “thử thách” con người, không chỉ qua những biến cố cuộc đời, nhưng qua chính thân phận và ơn gọi làm người, nhưng với mục đích khác hẳn. Giống như những thử thách trong sư phạm huấn luyện, đó chính là để cho chúng ta lớn lên trong tương quan tình yêu và nhưng không với Chúa. Còn Ma Quỉ, và những người hành động theo Ma Quỉ, ý thức hay không ý thức, thử thách người khác nhằm mục đích lên án; theo nghĩa này “thử thách” được gọi là “thử” hay “giăng bẫy”, như những người Pha-ri-sêu và luật sĩ hay làm để hại Đức Giê-su. Và ở mọi thời, nhất là thời nay, người ta hay làm hại nhau theo kiểu này.
Ngoài ra, loài người chúng ta cũng “chuyên môn” thử thách Chúa và thử thách nhau; trong trường hợp này, thử thách có nghĩa là: không tin, nên thử cho biết. Nhưng vì đã không tin, nên loài người chúng ta sẽ thử thách Chúa và thử thách nhau không cùng (rõ nhất là trường hợp của người ghen tương). Bởi lẽ, tin không phải đến từ biết, vì người ta không biết hết về Chúa và về nhau, nhưng đến từ quyết định tự do của con tim; tin là quà tặng của con tim (điều này được minh họa thật rõ trong tình yêu nam nữ).
Công trình của Thiên Chúa là con người tin vào Đấng Ngài sai đến (x. Ga 6, 29 theo bản văn Hi-lạp). Tin là cả một công trình; chính vì thế, công trình của ma quỉ cũng phải là làm cho con người không tin, nghi ngờ; và không tin vào Thiên Chúa, sẽ tất yếu tin vào những điều khác, thuộc về ma quỉ và sự chết. Không tin nơi Thiên Chúa, thì người ta sẽ thuộc về sự chết, làm việc sự chết, bởi vì sự chết là mạnh nhất, có khả năng xí xóa tất cả, giải quyết mọi vấn đề, và nhất là làm cho mọi người “huề cả làng”.
* * *
Trong biến cố chịu phép rửa, Đức Giê-su được nhìn nhận là Con Thiên Chúa; nhưng điều này không miễn cho Người khỏi chịu thử thách trong hoang địa, do chính Thần Khí dẫn đưa. Đức Giê-su Ki-tô, dù là Con Thiên Chúa, vẫn để cho mình được dẫn đi chịu thử thách, dù mang thân phận Thiên Chúa, Người vẫn muốn chia sẻ thân phận đầy thử thách của loài người chúng ta. Trong khi đó, loài người chúng ta lại ham muốn thân phận thần linh của Ngài, khi tin và làm theo lời của Ma Quỉ: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3, 4-5)
Ngài chịu thử thách để cảm thông với thân phận và số phận đầy thử thách của loài người và từng người chúng ta, và nhất là để chia sẻ chiến thắng thử thách cho chúng ta; bởi vì cả loài người và từng người chúng ta, không ai đứng vững được trước thử thách. Hình ảnh Đức Giê-su sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người, diễn tả và loan báo chiến thắng của Đức Giê-su đối với thú tính, Xa tan, sự dữ và sự chết.
2. Tin Mừng “Mầu Nhiệm Vượt Qua” (c. 14)
Sau khi chịu cám dỗ và chiến thắng Xa-tan, và sau khi ông Gio-an bị nộp,
Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê
rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (c. 14)
“Sau khi Gioan bị nộp”, điều này có nghĩa là, về phương diện lịch sử, ông bị bắt, bị giam và bị giết một cách bất công bởi những con người cụ thể. Như thế, đó là kế hoạch của con người phát xuất từ lòng ghen ghét đi đôi với bạo lực, không chấp nhận những gì thuộc sự thật và ánh sáng. Nhưng đồng thời, đó cũng là, một cách mầu nhiệm, “kế hoạch của Thiên Chúa”, như cách nói “bị nộp” diễn tả về phương diện đức tin, theo khuôn mẫu của cách Thiên Chúa đã hành động trong lịch sử cứu độ, và vẫn còn hành động như thế. Ngài nương theo hành trình của sự dữ và tội lỗi để thực hiện kế hoạch của mình. Thật vậy,
– Sự kiện Gioan bị nộp (in divine passive, ở thể thụ động thần linh) lại loan báo mầu nhiệm Thương Khó của Đức Giêsu, như lời truyền phép trên bánh trong Thánh Lễ: “Anh em hãy nhận lấy mà ăn. Đây là mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em”.
– Và ngay sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến Galilê rao giảng Tin Mừng của sự sống của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể nghĩ đến những kinh nghiệm “bị nộp’ nho nhỏ hằng ngày của chúng ta: đó là những lúc chúng ta bị coi thường, không được tôn trọng, bị hiểu lầm, bị phân biệt; và những kinh nghiệm “bị nộp” lớn hơn: bị ghét, bị loại trừ, bị bách hại.
Nhưng đó lại là những cơ hội tốt, Chúa mời gọi để chúng ta công bố Tin Mừng của Thiên Chúa, làm chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, sống sự “hiền lành và khiêm nhường” của Đức Ki-tô, bày tỏ lòng thương xót và bao dung của Thiên Chúa, như chính Đức Giê-su mời gọi:
Người ta sẽ nộp anh em…,
hưng đó là cơ hội làm chứng cho họ được biết. (Mc 13, 9)
Hay đúng hơn, đó là những cơ hội để cho Đức Kitô đến công bố Tin Mừng của Ngài ngay trong những khó khăn và thử thách của chúng ta.
3. “Sám hối và tin vào Tin Mừng” (c. 15)
Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô trong Thánh Lễ Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay, còn kể lại chính lời rao giảng của Đức Ki-tô:
Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa
đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. (c. 15)
Trong Mùa Chay thánh này, xin cho chúng ta sống lời mời gọi này của Đức Giê-su: “Sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đó cũng là lời gọi dành đích thân cho từng người chúng ta, khi chúng ta cúi đầu đón nhận vết tro, vào ngày Thứ Tư Lễ Tro vừa qua.
Công trình của Thiên Chúa là con người tin vào Đấng Ngài sai đến (x. Ga 6, 29 theo bản văn Hi-lạp): tin nơi Tin Mừng Người rao giảng và tin Người là Tin Mừng sống động Thiên Chúa ban cho con người, vì lòng thương xót. Tin là cả một công trình của Thiên Chúa! Chính vì thế, công trình của ma quỉ cũng phải là làm cho con người không tin, nghi ngờ Thiên Chúa, như nó đã cám dỗ Đức Giê-su trong hoang địa, cám dỗ ông bà nguyên tổ trong vườn E-đen, cám dỗ mỗi người chúng ta trong cuộc sống. Không tin vào Thiên Chúa, sẽ tất yếu tin vào những điều khác và hành động theo những điều khác, thuộc về ma quỉ và sự chết: vô ơn, ghen tị, ham muốn, loại trừ, bạo lực dưới mọi hình thức. Chúng ta được mời gọi nhận ra những điều này có nơi chúng ta, sám hối và để cho Chúa giải thoát chúng ta bằng Tin Mừng của Người.
* * *
“Sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đó chính là con đường, và là con đường duy nhất để chiến thắng mọi cám dỗ của Ma Quỉ và để làm cho Triều Đại Thiên Chúa, và làm cho NIỀM VUI TIN MỪNG về NGỌN LỬA PHỤC SINH, như Đức Thánh Cha mời gọi Giáo Hội trong sứ điệp Mùa Chay, tỏa lan trong tâm hồn và trong gia đình và giáo xứ, trong môi trường sống và làm việc của chúng ta[1].
[1] Có thể đọc ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2021 và 2024.