Ngày 05 tháng 09 năm 2021
Chúa Nhật XXIII Thường Niên, năm B
I. LỜI CHÚA: (Mc 7, 31-37)
31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.
33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.
36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM:
Có câu chuyện vui kể rằng: Thưa bác sĩ, xin ông cứu chồng tôi ngay. Anh ấy bị điếc.
– Lâu chưa?
– Mới hôm nay thôi ạ.
– Sao bà biết đích xác thế?
– Hôm nay, khi tôi nói về tiền chợ, tiền điện, tiền nước, tiền ship hàng với xấp hóa đơn tiền, đáng lẽ mặt chồng tôi phải tái đi khiếp hãi, thế mà anh ấy vẫn tủm tỉm cười ngớ ngẩn trông tội, tội là không nói gì, người như mất trí luôn rồi .. .
Ở đời, đôi khi có những người giỏi giả điếc để có thể trốn tránh giải quyết vấn đề, hay có thể là trốn tránh sự thật. Điều ấy ta có thể thấy trong những vùng phong tỏa, hay cách ly vì đại dịch rất nhiều lời kêu cứu vì đói, vì người thân đau bệnh, nhưng đầy tuyệt vọng. Họ kêu cầu giảm tiền điện, giảm tiền nước , giảm các loại cước phí phục vụ nhu cầu đời sống nhưng dường như cho tới nay nhưng tiếng kêu than ấy chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của người nghèo khó, hay đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Và chắc chắn, còn rất nhiều những tiếng kêu vô vọng của những người bất hạnh nhưng chỉ nhận được sự phớt lờ giả điếc của tha nhân.
Xem ra người điếc thì đáng tội nghiệp, còn người giả điếc thì đáng khinh. Cái điếc nào cũng cần chữa trị. Điếc thể lý cần chữa trị để họ có thể hiểu tha nhân và hòa nhập với cộng đồng. Điếc tâm hồn lại càng cần được chữa trị bóc trần lớp băng đá của ích kỷ để giúp tâm hồn họ biết cảm thông và chạnh lòng thương xót anh em. Đây là loại giả điếc làm ngơ để mặc kệ những lời kêu cứu của người khổ đau đang kêu cầu họ.
Bài tin mừng hôm nay nói về một người câm điếc từ thuở mới sinh. Cuộc đời câm điếc đã giới hạn mọi giao tế của anh. Anh không thể nghe người khác tâm sự, và anh cũng không thể thổ lộ hết nỗi lòng của mình cho tha nhân. Một con người sinh ra mà không thể hiểu và thông cảm với tha nhân là một đau khổ triền miên. Có lẽ anh đã sống trong đau khổ thầm lặng và cả những người thân của anh cũng khổ đau như anh.
Thế giới hôm nay vẫn còn đó những con người bị câm điếc do bẩm sinh, do môi trường tác động. Nhưng cái điếc đáng sợ vẫn là loại điếc tâm hồn biểu lộ ra cách sống giả điếc làm ngơ. Câm điếc tâm hồn khiến họ mất tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa và với tha nhân. Họ không còn nghe được tiếng Chúa và tiếng của tha nhân. Họ không nghe được sự thật và không nói được sự thật. Họ không nghe được tiếng nói của lương tri và không nói được tiếng nói của con tim. Họ là những người cần được khôi phục khả năng để hiểu, để cảm thông và để sống tình liên đới với Chúa và mọi người.
Chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả anh chị em đang gặp khó khăn về giao tiếp của thể lý hay tâm hồn. Xin Chúa hãy chữa lành cho tất cả mọi người. Xin Chúa Giê-su hôm nay, cũng nói với từng người: “Ephata”. Hãy mở ra.
Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa. Hãy phá đi bức tường định kiến. Hãy phá đi bức tường ích kỷ. Hãy phá đi bức tường ích kỷ để chia sẻ giúp đỡ những anh em đang gặp hoạn nạn,bất hạnh vì đại dịch.
Hãy mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh em và đi đến với Chúa.. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta nói lên những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, xin hãy chữa bệnh điếc và bệnh ngọng trong tâm hồn con. Amen.
Lm. Jos Tạ duy Tuyền