Ngày 14 tháng 09 năm 2021
Lễ Suy Tôn Thánh Giá
Đối diện với thập giá Đức Giêsu Kitô, không chỉ chúng ta “im tiếng đi mà cung kính” mà chúng ta còn bị lôi cuốn bởi sự thinh lặng của chính thập giá chúng ta chiêm ngắm. Thập giá Đức Kitô không phải là một vật vô hồn, vô nghĩa, một thảm bại không hơn không kém… nhưng “Cây Trường Sinh đó” chất chứa một nội dung vô cùng phong phú: một mầu nhiệm của sự thinh lặng, bằng chứng tình yêu cho đến cùng và là chiến thắng vinh quang của Thiên Chúa đối với sự chết cũng như tội ác của con người.
- Thập giá: mầu nhiệm của sự thinh lặng.
Suốt cuộc hành hình: bị tra tấn, vác thập giá, chịu đóng đinh và cho đến lúc chết trên thập giá, Đức Giêsu hầu như im lặng. Ngoài 7 lời ngắn gọn cuối cùng rút ra từ các sách Tin mừng, chúng ta không biết thêm câu nói nào khác của Đức Giêsu. Vậy sự im lặng của Ngài hẳn có lý do, có ý nghĩa….
– Thứ nhất, sự thinh lặng của Đức Giêsu là tiếng vâng tuyệt đối trong kế hoạch cứu độ của Chúa Cha.
Mặc dù bị xử oan, chịu đau đớn trong thân xác, mặc dù đau khổ tủi nhục vì bị mắng nhiếc phỉ nhổ, bị môn đệ bội phản và cô đơn nhưng… Đức Giêsu vẫn không một tiếng than trách, kêu la. Phải chăng Đức Giêsu chẳng còn nghe, hay vô cảm trước tiếng la ó, lời thách thức hay khiêu khích của nhóm người đã đóng đinh Ngài? “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Israel! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! (Mt 27, 42).
– Thứ hai, sự im lặng của thập giá Đức Giêsu cũng là một loại ngôn ngữ. Nơi Thập giá, Thiên Chúa nói tất cả, Ngài nói bằng sự im lặng. Sự thinh lặng của Thập giá diễn tả sự kết hợp khắng khít, sâu đậm giữa Đức Giêsu với Cha.
Với sự thinh lặng của thập giá, chúng ta cũng được mời gọi đọc ra sứ điệp của Đức Giêsu đối với chúng ta. Quả thật, trong thinh lặng, chúng ta mới dễ dàng sống con người thật của mình và cảm nhận được cái nhìn yêu thương trìu mến của Thiên Chúa nơi dung mạo của Đức Giêsu. Và chỉ trong cái nhìn ấy, chúng ta mới nghe được chính tiếng nói yêu thương của Thiên Chúa.
- Thập giá Đức Giêsu: tình yêu đến cùng.
Trong thinh lặng của thập giá, sự hùng biện của tình yêu sống động của Thiên Chúa lên tiếng (x. Phụng vụ các giờ kinh, giờ Kinh Sách Thứ Bảy Tuần Thánh): “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh mạng sống cho bạn hữu“.
Thánh Gioan tông đồ đã tóm tắt nội dung cốt lõi của đạo Kitô giáo trong một câu thật ngắn gọn nhưng vô cùng quan trọng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Thiên Chúa yêu chúng ta và tình yêu đó không bao giờ ngưng hay suy giảm. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là tình yêu nhưng không, vô biên giới và cho đến cùng. Tình yêu đó thể hiện trọn vẹn nơi thập giá Đức Giêsu Kitô.
Thập giá Đức Giêsu không chỉ mạc khải về tội lỗi của con người, mà còn tỏa chiếu ánh sáng của Tình yêu. Cái chêt của Chúa Giêsu trên thập giá là biểu lộ của một tình yêu tha thứ cho đến cùng. Thập giá của Đức Kitô nói cho nhân loại biết rằng, Thập giá là lời đáp trả của Thiên Chúa đối với sự dữ của thế gian, đó cũng là dấu chỉ của tình yêu, của lòng từ bi và tha thứ. Xét dưới góc độ đó, thập giá Đức Giêsu không phải là thất bại, trái lại là một chiến thắng vinh quang.
- Vinh quang của thập giá.
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá xét theo người đời là một thảm bại, một sự ngu dại, một cớ vấp phạm… nhưng “thập giá đã nở hoa”. Đức tin Kitô giáo dạy chúng ta, chính qua cây thập giá, Thiên Chúa đã chiến thắng. Vinh quang đã thuộc về Thiên Chúa và ơn cứu độ đã hoàn thành đúng như lời Ngài đã hứa trước: “Khi nào Ta được treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta”. Sự chiến thắng của thập giá cũng không theo cách hiểu của người ta mà là chiến thắng sự chết và chiến thắng tội lỗi.
Đối với những kẻ tin, thập giá mới có lý do hiện hữu. Thánh Phaolô đã chẳng xác định: “những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Ngài” (1Cr 1,27-29).
Tóm lại: vinh quang của Thiên Chúa là thập giá, giây phút huy hoàng và thành công nhất là lúc Ngài giương cao lên và giơ đôi tay ôm trọn nhân loại. Khi treo lên cây thập tự, Đức Giêsu không chỉ còn là “vua dân Dothái” nhưng là vua của tất cả vũ trụ và nhân loại cho đến muôn đời. Ngài làm tất cả vì chúng ta, cho chúng ta và để cứu độ chúng ta. Lời yêu thương và hành vi trao ban tình yêu cho đến cùng của Ngài vẫn trào trào trong đời chúng ta nhưng đôi khi được thể hiện qua mầu nhiệm của sự thinh lặng. Vì thế chúng ta khiêm tốn xin Chúa giúp chúng ta “đọc” ra thánh ý Thiên Chúa mỗi khi chiêm ngắm Thập giá Đức Kitô.
Mai Thi