Ngày 28 tháng 09 năm 2021
Thứ Ba, sau Chúa Nhật XXVI Thường Niên
I. LỜI CHÚA: Lc 9, 51-56
51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến.
53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? “
55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông.56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM
1. Con đường Thập Giá
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay (Lc 9, 51-56) và bài Tin Mừng ngày mai theo mùa thường niên (Lc 9, 57-62) làm nên hai phần rất khác biệt: một đàng, ông Gioan và ông Gia-cô-bê muốn khiến lửa từ trời tiêu hủy người ta và đàng khác, cách thức đi theo Đức Ki-tô.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc kĩ, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cả hai phần đều nói về người môn đệ: đó là những người đang đi theo, những người muốn đi theo hay được mời gọi đi theo. Và khi đi theo Đức Ki-tô, người môn đệ được mời gọi đi theo với tâm tình nào, tinh thần nào, cách thức nào, con đường nào?
Đó là con đường Đức Giê-su đang đi, như thánh sử Luca thuật lại: “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (c. 51), để lên trời ngang qua con đường Thương Khó.
2. Con đường khác
Một đàng, đối với thầy Giê-su, viễn tượng Thương Khó càng ngày càng rõ, vì trước đó, Người đã loan báo đến lần thứ hai và giờ đây Người nhất quyết đi Giê-ru-sa-lem để thực hiện (x. 19, 44-45); nhưng đàng khác, đối với các môn đệ, một viễn tượng khác trái ngược, cũng càng ngày lộ ra rõ nét không kém.
a. Một câu hỏi được đặt ra trong nội tâm các môn đệ: ai trong họ là người lớn nhất? (c. 46-48). Và vấn đề quyền bính sẽ theo các ông đến cùng: Thánh sử Mát-thêu kể lại câu chuyện, người mẹ đi trước, hai người con là ông Giacôbê và Gioan đi sau (theo Chúa mà còn theo mẹ!), để xin Đức Giêsu được ngồi bên hữu và bên tả trên ngai tòa của Ngài (x. Mt 20, 20-23); và họ sẽ tranh luận sôi nổi về quyền bính ngay sau khi Đức Giêsu trao ban chính mình trong bữa tiệc li (x. Lc 22, 24); và một trường hợp khác, các môn đệ, qua hình ảnh hai môn đệ Emmau, hoàn toàn thất vọng khi những gì Đức Giêsu loan báo về Thương Khó được ứng nghiệm. Và chắc chắn, vấn đề quyền bính vẫn còn nguyên đối với tất cả những người đi theo Đức Ki-tô hôm nay.
b. Tiếp đến, đó là vấn đề ảnh hưởng hay độc quyền (c. 49-50): “Chúng con cố ngăn cản vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy”. Chứng kiến điều kì diệu, đó là Danh Thầy Giê-su được tuyên xưng vượt khỏi giới hạn nhóm của mình, và Danh của Người có sức mạnh trừ quỉ, nhưng thay vì tạ ơn Chúa, ca tụng Thầy và chúc mừng người ta, với tâm hồn trẻ thơ, thì môn đệ Gioan và các môn đệ khác lại “cố ngăn cản”, vì người này không thuộc nhóm các môn đệ đi theo Đức Giê-su ! Và chuyện này cũng còn rất thời sự hôm nay.
c. Và với bài Tin Mừng hôm nay, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, đó là tiêu diệt những người từ chối đón nhận Đức Giê-su. Không biết ai đã ban cho các ông cái quyền “khiến lửa từ trời xuống”? Trong thực tế, đôi khi vẫn còn có những người tự ban cho mình những quyền bính tương tự, hay thi hành quyền bính được ban không theo tinh thần Tin Mừng của Đức Ki-tô, nghĩa là cứu sống, nhưng theo kiểu của thế gian và ma quỉ, nghĩa là lên án, loại trừ và giết chết.
3. “Con Người không đến để hủy diệt sự sống”
Nếu trong hai chuyện trước (quyền bính và ảnh hưởng), Đức Giêsu kiên nhẫn và nhẹ nhàng giải thích và thậm chí mặc khải những điều kín ẩn trong tương quan giữa Ngài với em bé, giữa Ngài với Chúa Cha, thì ở đây dường như Ngài không còn giữ được bình tĩnh:
Đức Giêsu quay lai quở mắng các ông. (c. 55)
Một số bản văn tiếng Hi-lạp còn thêm:
Anh em không biết anh em thuộc về thần loại nào;
vì Con Người không đến để hủy diệt sự sống,
nhưng để cứu vớt. (x. Lc 19, 10)
Con đường để cứu vớt sự sống của Đức Ki-tô là con đường Thập Giá. Để mặc lấy những tâm tình của Đức Giêsu, tất yếu các môn đệ cần phải hiểu mầu nhiệm Thập Giá. Lúc này họ không hiểu và cũng không dám hỏi, nhưng sau này Đức Giêsu Phục Sinh sẽ giúp các ông hiểu.
Không hiểu mầu nhiệm Thập Giá, và vì thế không thể mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, sẽ tất yếu bị chi phối bởi các thần loại quyền bính, độc quyền và nhất là thần loại bạo lực để phân biệt, chia rẽ và thanh toán nhau. Và chưa hiểu mầu nhiệm Thập Giá, chắc chắn cũng chính là vấn đề của chúng ta!