Nói thì dễ mà làm thì khó, vì trong đời sống chúng ta có quá nhiều va chạm. Nào là cạnh tranh nghề nghiệp, củng cố địa vị, giành giật quyền lợi. Nào là những khác biệt về tính tình, tuổi tác và văn hóa… Vì thế, để yêu thương người khác, chúng ta phải vất vả, cố gắng rất nhiều.
Shirieda là một thanh niên Nhật Bản, trong phi đội Thần Phong, sống sót sau một lần ném bom khi phi cơ bị trúng đạn. Tuyệt vọng vì nước Nhật đầu hàng, khi quả bom nguyên tử rớt xuống Nagasaki. Để trả thù cho dân tộc, anh quyết định đi ăn trộm bất cứ cái gì của những người Âu Châu. Trưa hôm ấy, anh lẻn vào kho của nhà dòng Salésien, nhưng chẳng may bị phát giác. Anh định bỏ chạy, nhưng liền bị bắt. Anh thú nhận vì cần đinh mà anh đã ăn trộm. Cha bề trên dẫn anh trở lại nhà kho, lấy cho anh một túi đinh và bảo:
– Lần sau, nếu cần gì, anh cứ đến với tôi.
Anh ngạc nhiên trở về nhà và suốt đêm hôm ấy anh đã suy nghĩ về hành động bác ái trên. Sáng hôm sau, anh trở lại nhà dòng và nói với cha bề trên:
– Xin cha dạy con cũng biết sống yêu thương như cha.
Và cuối cùng, anh đã trở thành một linh mục Công giáo.
CÂY ROI TRONG MỤC VỤ:
Trích “Nhật Ký Truyền Giáo” của Lm. Ngô Phúc Hậu: Sáng nay mình dâng lễ tại nhà ông Hai Hiếu. Ông Hai ở giữa lương dân, thậm chí cả vợ và con cháu của ông cũng là lương dân. Ông “nghỉ đạo” 70 năm rồi. Trong chuyến viếng thăm lần trước, mình đã tìm hiểu nguyên nhân nghỉ đạo của ông.
– Tại sao ông Hai nghỉ đạo lâu thế?
– Hồi xưa con ở Trà Lồng. Có một lần con đi lễ trễ, bị ông Cố Quimb-rôtz bắt nằm xuống, đánh một trận chảy máu đít. Con sợ, con giận, con bỏ đạo luôn cho tới bây giờ. Hồi ấy con mới có 19 tuổi.
– Tại sao ông Hai đi lễ trễ vậy?
– Thì nhà con ở sâu trong ruộng, con đi sớm không được.
– Bây giờ ông Hai còn giận không?
– Hết rồi.
– Bây giờ ông Hai trở lại nhá.
Ông Hai xưng tội nhệu nhạo cùng với dòng nước mắt.
Cha Quimb-rôtz là một linh mục có tài kinh bang tế thế. Chính cha đã từng có mặt trên mảnh đất Cái Rắn này vào cuối thập niên hai mươi và đầu thập niên ba mươi. Chính cha đã mua lại căn nhà lầu của ông Tòa Sửu để làm nhà xứ Cà Mau, nơi mình đã ở 19 năm trời. Cuộc đời của cha được thế hệ đàn anh đúc kết như sau: năng nổ và nóng nảy như ông Lỗ Trí Thâm trong “Thủy Hử”. Chính vì thế, cha Quimb-rôtz đã cai trị bằng ngọn roi. Với ngọn roi mây, cha tạo được những họ đạo nề nếp, trật tự, rất đẹp mắt.
Nhưng cũng với ngọn roi mây ấy, cha đã đánh bật một tin đồ ra khỏi nhà thờ. Người tín đồ ấy đi lang bạt kỳ hồ từ năm 19 tuổi cho tới năm 89 tuổi mới có cơ may trở về với Chúa. Ngọn roi mây có điểm ưu và khuyết, nhưng bên nào nặng, bên nào nhẹ, thì mình chưa dám khẳng định. Mình liên tưởng đến những công trình lớn như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc và Kim Tự Tháp của Ai Cập.
Ngày nay khách du lịch trầm trồ khen ngợi những công trình vĩ đại của thời xưa ấy, mà quên phắt đi rằng: để đạt được công trình vĩ đại, các công trình ấy đã phải trả giá bằng hằng triệu lần vi phạm nhân quyền và chà đạp nhân phẩm. Người ta đã phải dùng tới hàng triệu ngọn roi, để xây Vạn Lý Trường Thành và Kim Tự Tháp. Vậy thì lời hay lỗ?
Nếu lấy sự nghiệp làm trọng, thì thế là lời, lời lớn.
Nếu lấy con người làm trọng, thì thế là lỗ lớn, là phá sản.
Và cha nói tiếp:
Hôm nay là ngày Chúa nhật: cha phó dâng lễ sáng. Mình đi qua đi lại xung quanh nhà thờ, để tạo bầu khí trang nghiêm cho giờ lễ. Nhà thờ chưa đầy người, thế mà có một chú bé đứng chầu rìa ở bên cửa hông. Mình vỗ vai em:
– Con vô đi, trong kia còn chỗ.
Em quay ngoắt một cái, chạy vọt xuống cửa phía dưới. Lại đứng chầu rìa. Lòng tự ái lãnh đạo bốc lên tới lỗ mũi. Mình dằn cơn nóng xuống, thủng thỉnh đi theo em. Mình lại vỗ vai em:
– Trong kia còn nhiều chỗ lắm.
Em chuồn. Mình nắm tay em kéo vô. Em dạng chân chống chỏi. Nhân đức hiền lành xì ra ngoài hết. Mình nghiến răng lại, hai bàn tay sắt siết hai vai em:
– Vô không?
Em tỉnh queo, nhỏng mỏ :
– Con đi lễ chứ có làm gì đâu mà cha làm hung làm dữ.
Mình thả lỏng hai tay. Em bước ra cổng, rồi biến mất trong dòng người.
Có lẽ em sẽ không bao giờ trở lại nữa. Mình nhìn lên bàn thờ, nhìn lên nhà tạm, rồi nhìn lên cây thánh giá. Ánh mắt của mình không dừng lại được ở bất cứ nơi nào. Nó đành nhắm lại, vì xấu hổ.
Em đã cho mình một bài học xứng đáng. Em là thầy của mình. Thầy ơi, vì con mà thầy đã từ giã thánh đường; vì con mà có lẽ thầy sẽ bỏ đạo. Xin thầy hãy trở lại, để lương tâm của con tìm được sự bình an. (Nhật ký Truyền Giáo của Lm Ngô Phúc Hậu)
Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta cũng vậy. Có những người rất thành công trong cách xử sự cũng như cách lãnh đạo, và vì thế họ rất được nhiều người yêu thương và trọng kính. Nhưng cũng có những người rất vụng về trong cách xử thế nên thường phải gặp thất bại trên thương trường hoặc chính trường của họ.
Cách đây nhiều năm công ty điện phải đối diện với công việc tế nhị là: Truất phế anh chàng Charles Steinmetz khỏi chức vụ chủ tịch hãng. Steinmetz là một thất bại trong việc lãnh đạo hãng. Tuy nhiên hãng không dám động đến ông ta vì hãng còn cần đến ông ta. Vì thế, họ cho ông một chức danh mới. Họ đặt cho ông chức danh kỹ sư cố vấn hãng điện, một danh xưng mới cho công việc ông đang làm và đặt người khác lên làm chủ tịch hãng. Ông steinmetz rất hài lòng sung sướng.
Như thế chúng ta thấy các quan chức của hãng rất khéo léo nhẹ nhàng thu xếp cho ông ta và họ đã làm được điều đó mà không có bão tố xảy đến bằng các thu xếp để ông có thể giữ được thể diện của mình.
HÃY ĐỂ NGƯỜI TA GIỮ ĐƯỢC THỂ DIỆN CỦA HỌ. Rất là quan trọng, rất là quan trọng. Ít người trong chúng ta nghĩ đến điều đó. Chúng ta hành động theo cách chúng ta, tìm lỗi người ta, đe dọa họ, chỉ trích họ trước mặt người khác mà không hề quan tâm gì đến việc làm tổn thương đến danh dự người khác. Trong khi chỉ một ít phút suy nghĩ, một lời quan tâm, một sự cảm thông thật sự cũng có thể làm giảm đi sự đau khổ của người khác rất nhiều.
Tôi thích một bức thư đã được viết bởi một người chủ có tên là Marshall Granger: Đuổi nhân viên thì không có chút gì vui thích. Bị đuổi thì càng tệ hơn. Công việc của công ty chúng ta là tùy thuộc vào mùa. Vì thế, chúng ta phải để nhiều người ra đi sau khi mùa khai thuế đã xong.
Có một câu trong nghề nghiệp chúng ta là: Không ai thích dùng búa rìu. Việc khai thuế đã làm xong sớm hết sức có thể và thông thường thì nói trong cách nầy: “Ngồi xuống ông bạn ơi. Mùa thuế đã qua và chúng tôi xem thấy không còn gì nữa để giao nhiệm vụ cho ông. Dĩ nhiên, ông hiểu ông chỉ được dùng cho mùa thuế bận rộn đó mà thôi.
Hậu quả trên những người nầy là một sự thất vọng và một cảm giác xuống tinh thần. Hầu hết trong họ là nhân viên kế toán và họ không còn chút tình cảm nào đối với cái hãng đã từ bỏ họ cách bất thường như vậy.
Gần đây tôi đã quyết định để họ đi với một ít quan tâm và ít bị khủng hoảng hơn. Vì thế, tôi gọi từng người một vào chỉ sau khi suy nghĩ cẩn thận về công việc của họ, và tôi đã nói như thế nầy: Ông bạn, ông đã làm việc rất tốt. Thời gian mà tôi gởi ông tới Neward, bạn có một công tác khó khăn nhưng bạn đã làm rất tốt. Chúng tôi muốn bạn biết rằng công ty rất hãnh diện về bạn. Bạn có khả năng. Hãng tin tưởng vào bạn. Chúng tôi không muốn bạn quên điều đó.
Kết quả? Họ ra đi với cảm giác tốt hơn về việc cho nghỉ việc. Họ không cảm thấy xuống tinh thần. Họ biết rằng nếu có công việc, chúng tôi sẽ giữ họ lại. Và khi chúng tôi cần họ, họ đến với chúng tôi với một cảm tình thân thiện hơn.
Trong một buổi thảo luận khác, 2 người bạn trong nhóm đã thảo luận kết quả tiêu cực của việc phàn nàn ngươc lại với kết quả tích cực của việc để người ta giữ thể diện của họ.
Fred Ckark đã nói về một biến cố đã xảy ra trong công ty ông: “Ở một trong những cuộc họp về sản xuất của chúng tôi, một phó giám đốc hỏi những câu hỏi quá sắc bén về một trong những viên giám sát liên quan đến vấn đề sản xuất. Giọng điệu của ông ta đầy công kích và nhằm chỉ ra sự thực hiện sai trái về phía của viên giám thị. Không muốn bị xấu hổ trước mặt các bạn ông ta, viên giám thị đó không trả lời. Điều đó làm cho ông phó giám đốc nổi giận, la mắng om xòm.
Tất cả những quan hệ tốt đẹp có trước khi xảy ra cuộc đụng độ nầy đã tiêu tan trong một ít phút ngắn ngủi. Viên giám thi, một nhân vật rất tốt biến thành vô dụng đối với công ty từ lúc đó. Một tháng sau ông rời khỏi hãng và làm cho một hãng khác ở gần đó, tôi biết ông sẽ là một nhân viên làm việc rất giỏi và chúng ta đã mất đi một người rất tử tế và có khả năng.
Một phẩn tử khác trong nhóm là Anna Mazzone đã thuật lại cách thế một câu chuyên cũng giống như vậy đã xảy ra ở công việc của cô. Nhưng một sự khác biệt trong tiến trình và kết quả rất khác biệt.
Cô Mazzone một chuyên gia giới thiệu và bán hàng cho hãng, được giao cho trách vụ: Kiểm lại và trình làng một sản xuất mới. Cô nói cho nhóm rằng: Khi những kết quả của cuộc xét nghiệm đến, tôi đã làm hỏng hết. Tôi đã làm một sai lỗi cực kỳ nghiêm trọng và toàn thể xét nghiệm phải bị làm lại. Tôi không có giờ để trình bày với chủ tôi trước khi có cuộc họp mà trong đó tôi phải trình bày về dự phóng làm việc.
Khi tôi được gọi lên để trình bày, tôi run sợ. Điều mà tôi có thể làm là giữ để khỏi bị té xỉu. Tôi không khóc nên đã khiến cho mọi người đàn ông cảm thấy ngạc nhiên. Tôi đã tường trình cách ngắn gọn và nói rằng sau khi có cuộc họp, tôi sẽ nghiên cứu lại lỗi lầm đó. Nói xong tôi ngồi xuống và chờ đợi ông chủ tôi nổi trận.
Nhưng không, ông cảm ơn tôi về công việc của tôi và ông lưu ý rằng không phải ngoại lệ đối với một người làm điều sai lỗi về một dự án mới và ông vẫn tin tưởng rằng sự xem xét lại sẽ chính xác và có ý nghĩa đối với công ty. Ông bảo đảm với tôi trước mặt những đồng nghiệp của tôi rằng ông tin tưởng vào tôi và biết tôi đã làm hết sức mình, và tôi thiếu kinh nghiệm chứ không phải thiếu khả năng, đó chính là lý do cho sự thất bại.
Tôi rời khỏi cuộc họp với đầu óc trên mây và với sự quyết tâm rằng không bao giờ để ông chủ tôi buồn phiền nữa.
Ngay khi chúng ta là đúng và người khác thì sai. Chúng ta chỉ làm hại cái tôi nếu làm cho người khác mất mặt. Một nhà tâm lý người Pháp đã viết: Tôi không có quyền nói hay làm gì làm mất giá một người trong con mắt họ. Vấn đề không phải là ta nghĩ gì về họ nhưng là họ nghĩ gì về họ. Xúc phạm một người về phẩm cách của họ là một trọng tội.
Một người lãnh đạo thật sự nên theo nguyên tắc này: Phải giữ thể diện của người khác!