ÂN HUỆ VÀ THẬP GIÁ TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
Mỗi người khi sinh là sinh ra một mình, khi chết cũng chết một mình, nhưng sống là sống với và sống cho người khác. Do đó, sự tương quan của các cá nhân trong xã hội tạo một mạng lưới(Network) liên đới, nối kết các cá nhân lại với nhau thành một tổ chức hay cộng đoàn. Bởi vậy, cộng đoàn là một cơ thể sống, có định hướng và nhằm hoàn thiện cuộc sống và thoả mãn nhu cầu cá nhân và đoàn thể.
Nhưng thực tại nào cũng đều có hai mặt. Trong cuộc sống luôn có sự thiện và sự ác, ánh sáng và bóng tối, hạnh phúc và đau khổ. Cũng vậy, đời sống chung tuy mang lại cho ta muôn vàn ân huệ nhưng cũng không thiếu thập giá. Nhưng nếu chúng ta hiểu và cảm nghiệm dược thập giá là con đường duy nhất dẫn tới vinh quang, thì thập giá đó lại trở thành một ân huệ vô cùng lớn lao.
- Ân huệ trong đời sống cộng đoàn
Con người có bản tính xã hội, theo ý Đấng Tạo Hoá: con người đều bởi một Chúa, đều là một loại, đều có chung một cùng đích. Thiên Chúa luôn lấy tình Cha săn sóc mọi người. Thiên Chúa đã muốn rằng tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ. Bởi vì mọi người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa là Đấng đã “cho tất cả nhân loại do một nguyên tổ cư ngụ trên khắp mặt đất, nên họ đều được gọi tới cùng một cứu cánh duy nhất là chính Thiên Chúa” (Hc.MV, số24).
Do đó, yêu mến Thiên Chúa và anh em là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Thánh Kinh dạy ta rằng tình yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tình yêu anh em.(x.1Ga 4,20).
Hơn nữa, khi cầu nguyện với Chúa Cha: “xin cho mọi người nên một…, như chúng ta là một” (Ga 17,21-22), Chúa Giêsu mở ra những viễn tượng (Vision) mà lý trí con người không thể đạt tới được. Như vậy Chúa Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của các con cái Chúa trong chân lý và đức ái. Sự tương tự này cho thấy con người, tạo vật duy nhất ở tr?n gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ, chỉ có thể gặp lại chính mình nhờ thành thực hiến thân. (x. Lc17,33).
Thật vậy, khi mỗi người sống tốt các mối tương quan trong cộng đoàn chính là lúc chúng ta diễn tả gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi, hay là tỏ bày Nước Thiên Chúa ngay tại trần gian này. Một cộng đoàn hoàn hảo khi cộng đoàn đó giúp cho mỗi người nhận ra mình là anh hay em của người khác và có cùng một Cha chung; một cộng đoàn lý tưởng là một cộng đoàn giúp cho mỗi cá nhân nhận ra đời sống chung là một ân huệ.
Quả thế, đời sống chung là một ân huệ. An huệ là vì mình được sống chung với nhau, được làm anh em với nhau dù rằng mình không cùng quê quán, không cùng một dòng họ… Bởi từ cộng đoàn mà mỗi người được trưởng thành nhân cách.
Do vậy, cộng đoàn là trường học dạy bạn và tôi biết từ bỏ ý riêng để sống vâng phục. Vâng phục không những với Bề Trên mà còn vâng phục cả với bề dưới nữa. Nhờ đó mà chúng ta diệt trừ được tính kiêu căng, lòng ham danh vọng và quyền lực.
Cộng đoàn là nơi giúp bạn và tôi biết rõ con người thực của mình, để từ đó luôn sống khiêm nhường, trung thực và nhân hậu hơn.
Cộng đoàn là chỗ giúp bạn và tôi phát triển nhân cách và tài năng, thăng hoa tình huynh đệ, nhờ biết nhận ra điều hay lẽ phải nơi người anh em cũng như sẵn sàng thông cảm lầm lỗi của họ, vì biết rằng mình cũng yếu đuối và lầm lỗi.
Cộng đoàn là nơi giúp bạn và tôi thể hiện trách nhiệm và tình thương với anh em, nhất là mỗi khi họ đau ốm hay già cả. Lúc đời xế chiều là lúc cần đến sự quan tâm và lòng bác ái hơn bao giờ hết.
Cộng đoàn còn là nơi cho bạn và tôi bày tỏ tình con thảo và lòng kính trọng đối với Bề Trên cũng như anh chị em của mình. Ngược lại cộng đoàn cũng là nơi Bề Trên thể hiện lòng vị tha và tình mẫu tử với con cái mà Chúa đã trao phó cho mình chăm sóc- cai trị trong yêu thương và phục vụ. “Cai trị mà không có tình thương thì trở thành độc ác”.
Không những thế, nhờ cộng đoàn mà bạn và tôi được san sẻ gánh nặng và được tôn trọng, như Thánh Công Đồng Chung VaticanôII đã nói tới trong sắc lệnh về việc canh tân và thích nghi đời sống dòng tu rằng: “Là chi thể Chúa Kitô, các tu sĩ hãy mang lấy gánh nặng của nhau và kính trọng lẫn nhau trong tình giao hảo huynh đệ” (số 15). “Hơn nữa, đời sống cộng đoàn có tình huynh đệ đích thực sẽ gìn giữ và bảo trì an toan đức khiết tịnh” (số12), đồng thời khử trừ được trạng thái cô đơn mà mỗi người đều mắc phải, nhất là trong một thế giới đầy dẫy những sự kiện vô nhân và một xã hội máy móc.
Như vậy, nhờ cộng đoàn mà tôi phát triển nhân cách, thăng hoa đời sống và hoàn thiện chính mình. Nhưng bên cạnh những ân huệ mà cộng đoàn đem lại, bạn và tôi không thể không nhận ra rằng có thập giá trong đời sống cộng đoàn.
2. Thập giá trong đời sống cộng đoàn.
Nếu ai đó đã từng sống chung trong bất kỳ một tổ chức hay đoàn thể nào thì sẽ cảm nghiệm được thế nào là một đời sống chung. Cái làm cho một dòng tu giá trị nhất và cũng hy sinh nhất đó là đời sống cộng đoàn. Một vị Bề Trên cao cấp của một dòng tu, sau cuộc kinh lý, đã để lại một nhận xét như sau: “có những tu sĩ bằng lòng với một cuộc đời rất khổ sở, thiếu thốn, sẵn sàng nhận kín hết các giờ hoạt động, miễn sao tránh được đời sống cộng đoàn” (Gpa, 5).
Quả thật, nếu bạn và tôi nhìn vào một gia đình truyền thống với ba thế hệ sống chung (Ông Bà – Cha Mẹ – Con Cái) tại Việt Nam, thì ta có thể nhận ra những tương tác trong đời sống của họ. Mỗi người sẽ nhìn cuộc sống với lăng kính mà họ được tôi luyện trong môi trường và hoàn cảnh của mình. Người già có quan niệm sống của người già. Người trẻ có lối sống và suy nghĩ của người trẻ. Là một gia đình huyết tộc mà còn như vậy huống nữa là một cộng đoàn tu trì gồm đủ mọi thành phần, một cộng đoàn với bao con người khác nhau. Khác nhau về tuổi tác, tính tình, trình độ, quê quán…có khi còn khác nhau ngay cả trong đường lối tu đức. Thật vậy, những ai đã sống hơn một nửa thế kỷ hẳn là phải được huấn luyện với một linh đạo hay đường lối tu đức khác với nền linh đạo ngày nay. Trong đời sống tu trì ngày hôm nay không còn ai dạy các tu sĩ hãm mình bằng cách dùng roi da đầu bịt sắt để đánh vào thân thể của mình cho đến khi chảy máu mới thôi, và cũng không còn ai phải ép mình mà uống nước thải từ chậu giặt để lập đức nữa. Bời vì, đó là lối linh đạo phát xuất từ quan niệm triết lý của triết gia Hy lạp- Platon, một quan niệm ép xác lấy hồn. Còn ngày hôm nay, với Công Đồng VaticanoII thì “con người là một tổng thể xác và hồn”. Bởi vậy, con người không những trọng linh hồn mà còn phải trọng thân xác nữa, vì thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Thần. “Một tinh thần lành mạnh trong một thể xác cường tráng”
Từ những lối giáo dục khác nhau, tuổi tác khác nhau, tính tình khác nhau… sẽ tạo nên những cái nhìn và mối tương giao khập khiễng nếu không muốn nói là xung khắc. Nói cách khác từ những dữ kiện đó, người này sẽ là thánh giá cho người kia. Và vì thế bạn và tôi sẽ không lạ gì khi có những cái nhìn soi mói hay những lời nói và thậm trí cả hành động xúc phạm tới mình nữa. Thập giá là luật chơi của cuộc đời. Không ai có thể lẩn tránh thập giá. Nếu có cuộc sống nào đẹp hơn cuộc sống của bạn và tôi đang sống thì hẳn là Chúa Giêsu đã không phải đau khổ và chết nhục nhã như vậy. Bởi đó, nếu mỗi ngày bạn và tôi suy niệm về thập giá thì ta sẽ không còn ca thán hay chê bai đời sống cộng đoàn nữa. Trái lại nếu trong đời sống cộng đoàn không có tình thương và sự thông cảm đích thực thì cộng đoàn sẽ trở thành một cái lò đốt cháy nhân cách con người, và sẽ biến người này thành hoả ngục cho người kia đúng như nhà triết học hiện sinh vô thần Jean Paul Sarte đã nói: “Tha nhân là hoả ngục cho tôi”.
Chắc có người sẽ thắc mắc: Chẳng phải là Chúa Giêsu đã dạy là muốn theo Ngài thì hãy vác Thập Giá mình mà theo Chúa đó sao? Và Công Đồng Chung Vaticanô II đã chẳng nhắcnhở các tu sĩ trong sắc lệnh về canh tân thích nghi dòng tu là: “Theo Chúa Kitô như Phúc Am dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu dòng, nên tất cả các hội dòng phải coi tiêu chuẩn ấy như là quy luật tối thượng” (số 2). Nhưng, như chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta là phải vác lấy thập giá của chính mình mà theo Chúa. Và đức ái kitô giáo, hơn nữa là tình huynh đệ cùng dòng, tình yêu còn thúc đẩy chúng ta vác đỡ thánh giá cho người anh em, bởi lời nói hay hành vi của mình. Người tu sĩ đắc đạo là người không bao giờ nghĩ – nói xấu hay chỉ trích cũng như xét đoán người anh em của mình. Đồng thời cũng là người không muốn và bắt người khác phải vác thập giá của mình đang vác, vì “ơn Thầy đủ cho con” (2Cr 12,9).
Có như thế, thì thập giá trong đời sống cộng đoàn mới trở nên thánh giá cứu độ cho mọi người, chứ không phải thập giá làm vong thân con người
3/ Kết luận.
Qua những điều bạn và tôi vừa cùng nhau suy nghĩ, chúng ta nhận thấy rằng đời sống cộng đoàn cả là một ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã rộng tay ban tặng cho chúng ta, đúng như giáo huấn của Giáo Hội đã dạy: “Đời sống tu trì thuộc về mầu nhiệm Hội Thánh. Đó là Hồng ân Hội Thánh tiếp nhận từ Thiên Chúa và trao lại như một bậc sống ổn định cho tín hữu được Thiên Chúa mời gọi khấn giữ các lời khuyên Phúc Am” (GLGHCG số 926). Bên cạnh những ân huệ cáo quý đó đời sống cộng đoàn cũng không thiếu những thập giá, nhưng là thập giá đưa tới vinh quang, đưa tới ơn cứu độ. Cũng như, không có thánh giá thì không có ơn cứu độ; đời sống cộng đoàn mà vắng bóng thập giá thì cũng chẳng có triều thiên vinh hiển nào.
Bạn thân mến, trên đây là một vài cảm nghiệm từ đời sống cộng đoàn dưới ánh sáng mầu nhiệm thập giá Chúa Giêsu mong được chia sẻ với bạn, để bạn và tôi, mỗi ngày chúng ta khám phá thêm tình thương mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta trong đời sống, ngõ hầu bạn và tôi sống làm sao để mọi người thấy rằng: Dòng tu hay cộng đoàn của chúng ta là những vườn hoa đủ thứ bông hoa xinh tươi và toả hương thơm; là những công viên để mọi người đến ngắm nhìn vẻ đẹp và hít thở “không khí trong lành”; là nơi sản sinh cho Giáo Hội muôn vàn đấng thánh; là nơi phát xuất những bậc anh hùng tử đạo (tử đạo trong tâm hồn), những nhà truyền giáo nhiệt thành, những tấm lòng vàng, những bàn tay phục vụ; và cũng là những thiên thần hiện thân cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với bạn: nếu ai đó nghĩ rằng đi tu là để tìm một nơi ấm cúng hay một tổ ấm, thì người đó đã tìm nhầm địa chỉ rồi. Bởi vì đi tu trước hết và tối hậu là tìm gặp Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Ngoài Chúa ra, không đâu là tổ ấm đích thực. Mỗi tu sĩ nghe và làm theo Lời Chúa sẽ là tổ ấm cho chính mình và cho anh chị em của mình. Và vì thế bạn sẽ không còn tự hỏi xem dòng tu này hay dòng tu nọ có còn hấp dẫn tôi nữa không, và bạn cũng sẽ không còn chê đời sống cộng đoàn là thánh giá nữa. Nhưng điều bạn tự vấn phải là: Chúa Giêsu có còn hấp dẫn tôi nữa không, Chúa Giêsu có còn là đối tượng duy nhất của lòng tôi nữa không???