Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.
Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công biên soạn bản tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.
Khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.
Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người được được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
*****
Chúng ta đang ở trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu trên toàn thế giới được cử hành hàng năm, từ ngày 18 đến 25 tháng một. Tuần cầu nguyện này được các Giáo Hội Kitô: Công Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành và Anh Giáo đồng thuận cùng nhau tổ chức.
Tuần cầu nguyện này do linh mục Paul Couturier (1881-1953), tỉnh Lyon (Pháp) phát động lần đầu tiên vào năm 1935. Vì xác tín rằng vào thời điểm đó, lời cầu nguyện là cách thức duy nhất có thể có, và lời cầu nguyện của các tín hữu, dù đơn sơ nhất, cũng quan trọng như các cuộc thảo luận của các nhà thần học, ngài đề nghị các Kitô hữu gặp nhau mỗi năm để cùng nhau cầu xin “sự hiệp nhất mà Chúa Kitô muốn, bằng những phương tiện mà Người muốn”, theo lời ngài nói.
Thật vậy, sự hiệp nhất này không chỉ là ước muốn của các Kitô hữu, mà là ước muốn nền tảng của chính Chúa Giêsu cho Giáo Hội của Người. Trước ngày chịu nạn, Đức Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17, 21). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho chúng ta thấy sự sáng suốt khôn ngoan tuyệt vời của Người. Người biết sẽ có hàng triệu người tin vào mình, cũng như biết rằng thảm kịch của các môn đệ của Người sẽ là sự chia rẽ.
Anthony de Mello, một linh mục người Ấn Độ đã tưởng tượng ra câu chuyện như sau:
“Chúa Giêsu than phiền là Người chưa được một lần tham dự một trận túc cầu nào. Chúng tôi bèn đưa Người đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin Lành và một đội Công Giáo. Đội Công Giáo làm bàn trước 1-0. Chúa Giêsu vỗ tay hoan hô và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, đến phiên đội Tin Lành làm bàn, một đều. Lần này Chúa Giêsu cũng vỗ tay reo hò và tung mũ lên trời.
Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu. Ông ta lấy tay đập lên vai Người rồi hỏi : ‘Ê ông bạn, ông bạn ủng hộ bên nào vậy ?’ Xem chừng như vẫn còn bị khích động bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời: ‘Tôi hả ? Tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu thôi’. Người khán giả đã khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, bây giờ lại càng bực bội hơn. Ông quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: ‘Hắn là một tên vô thần!’.
Trên đường trở về nhà, chúng tôi chất vấn Chúa Giêsu về tình hình tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi nói với Người: ‘Thưa Chúa, những người có tôn giáo thật là buồn cười. Họ tưởng rằng Chúa chỉ đứng riêng về phía họ và nghịch lại với những người thuộc tôn giáo khác’.
Chúa Giêsu gật đầu tỏ vẻ ưng ý. Người nói: ‘Đó là lý do tại sao ta không ủng hộ tôn giáo mà chỉ ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người trọng hơn ngày Sa-bát. Chúng con nên biết là chính những người có tôn giáo đã treo Ta lên thập giá’”.
Câu chuyện tưởng tượng trên đây cho chúng ta thấy rằng một trong những vết thương lớn nhất của nhân loại trải qua mọi thời đại, đó là thái độ bất khoan dung đưa đến những cuộc chiến tranh tôn giáo. Con người thường bị cám dỗ nhân danh Thượng Đế và hệ tư tưởng của mình để triệt hạ, loại trừ và bách hại người khác.
Khi nói về sự hiệp nhất, chúng ta luôn mơ ước về một sự hiệp nhất dễ dàng, nghĩa là những người không không cùng quan điểm với chúng ta phải gia nhập vào nhóm của chúng ta! Sự hiệp nhất theo ý Chúa muốn không phải ở việc xóa bỏ những sự phong phú riêng biệt của mỗi người hoặc của mỗi nhóm. Giáo Hội phải xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng những sự khác biệt chính đáng. Hiệp nhất nhưng không đơn điệu, đa dạng nhưng trong hiệp nhất và hiệp thông. Chỉ có một Chúa, một phép rửa, một đức tin, nhưng có nhiều cách khác nhau để diễn tả đức tin. Để giới thiệu và trình bày một Chúa Giêsu, phải cần bốn sách Tin Mừng, tại sao chúng ta không chấp nhận các cách giải thích và sống Tin Mừng khác nhau trong Giáo Hội và trên thế giới ?
Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô dùng hình ảnh các chi thể trong cùng một thân thể để nói về Giáo Hội trong sự đa dạng, trong sự bổ túc và liên đới của mọi thành viên.
Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội. Ước mong tất cả các thành viên biết sống hiệp nhất trong sự tôn trọng nhau với những khác biệt, biết lắng nghe và đối thoại. Hiệp nhất nhưng không đồng nhất, đa dạng trong hiệp nhất, đa diện trong hiệp thông. Lúc đó, Giáo Hội sẽ được ví như một khu vườn xinh đẹp với đủ loại hoa, với nhiều màu sắc và hương thơm khác nhau. Và với tất cả những bông hoa tươi đẹp này, chúng ta cùng nhau kết thành một bó hoa lớn để dâng lên Thiên Chúa trong thánh lễ Chúa nhật này.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa