Thứ Ba sau Chúa Nhật VIII Thường Niên năm C
TIN MỪNG: Mc 10, 28-31
Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! “
29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
Với một vài khác biệt[1], cả ba Tin Mừng nhất lãm đều thuật lại câu nói của thánh Phê-rô: “Chúng con đây (nghĩa là không như anh thanh niên có nhiều của cải, vừa bỏ đi trước lời mời gọi đi theo Đức Giê-su), chúng con đã bỏ lại tất cả và chúng con đi theo Thầy”. Nhưng câu trả lời của Đức Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, là đặc biệt nhất.
Thật vậy, trong cả ba Tin Mừng, Đức Giê-su đều kể ra những gì mà Phê-rô và tất cả những ai đi theo Ngài đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái, ruộng đất. Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô có ít nhất hai đặc điểm:
- Đức Giê-su nói: “Bây giờ, ở đời này, lại không nhận được… gấp trăm”; và Ngài kể lại chính xác những gì người môn đệ đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người mẹ, con cái, ruộng đất. Trong các Tin Mừng khác, Đức Giê-su chỉ nói cách tổng quát rằng, người môn đệ sẽ nhận được hơn nhiều.
- Và Người nói thêm: “Và cùng với sự ngược đãi”. Các tác giả Tin Mừng khác không kể lại chi tiết này.
1. Dứt bỏ điều không thể
Là người Ki-tô hữu, dù lớn hay bé, chúng ta đều được mời gọi đi theo Đức Ki-tô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài trong đời sống hằng ngày, với ơn gọi Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Và để đi theo Đức Ki-tô, sống và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài, chúng ta được mời gọi từ bỏ; và những gì chúng ta được mời gọi từ bỏ lại những điều và những người rất thiết thân với chúng ta, như chính Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái và ruộng đất.
Tất cả những điều này tạo nên một hình ảnh hoàn chỉnh và rất đỗi thân thương, đó là căn nhà, trong nhà có cha mẹ, các anh chị em, và chung quanh nhà là ruộng đất. Chúng ta thử nghĩ mà xem, trên đời này có những gì và có những ai thân thương và cần cho sự sống đối với chúng ta hơn là căn nhà, đất đai và gia đình của chúng ta. Vậy thì, làm sao mà từ bỏ được? Và phải chăng đòi hỏi của Đức Giê-su là không hợp lí, không hợp tình và nhất là không hợp với lẽ sống của con người? Vậy thì, chúng ta phải hiểu như thế nào đòi hỏi quá triệt để nàu của Đức Giê-su, đến độ không thể chấp nhận được?
Vậy “từ bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Dứt bỏ theo Đức Giê-su, hay nói đúng hơn, dứt bỏ trong Chúa, những người thân yêu, chính là để nhận lại như một quà tặng Thiên Chúa ban; và Chúa hứa là chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vì thế, từ bỏ mà Chúa đòi hỏi, là từ bỏ quyền làm chủ người này trên người kia. Nếu không từ bỏ hiểu như trên, chúng ta sẽ coi những người thân yêu và những gì gắn liền với những người thân yêu, là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất nhau, đánh mất chính mình và đánh mất tất cả.
Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chính là để yêu mến nhau như Chúa yêu mến chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” và nhận lại “gấp trăm” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
2. Gấp trăm
Nếu Đức Giêsu chỉ nói: “anh em sẽ nhận được nhiều hơn” như trong Tin Mừng Mát-thêu và Luca (Mt 19, 27-30; Lc 18, 28 -30), chúng ta rất dễ hiểu lời hứa “nhiều hơn” theo nghĩa “thiêng liêng phi thân thể”. Chẳng hạn, một nhà chú giải đã giải thích “nhiều hơn” là niềm vui Nước Trời lớn hơn niềm vui hôn nhân, gia đình và sở hữu. Nhưng cách trả lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta hiểu và nhất là kinh nghiệm một cách thật cụ thể điều mà Đức Giêsu hứa: “bây giờ, trong thời này, anh em sẽ nhận được ở mức độ gấp trăm nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con cái, ruộng đất”.
Và quả thật, các môn đệ và đến lượt chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, trong hành trình bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những anh em cùng chia sẻ một đức tin và nhất là cùng một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời là hiệp thông và chia sẻ.
- Hiệp thông trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha, và như thế, mọi người là anh chị em.
- Chia sẻ những gì mình có, và đón nhận những gì mình được chia sẻ.
Nhưng Đức Giêsu còn nói tới khả thể bách hại. Với những cơn bách hại, chúng ta có thể bị mất hết, bị tước đoạt, bị cắt đứt mọi tương quan, bị trắng tay, và mất cả sự sống của mình. Như tổ tiên của chúng ta trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã từng có kinh nghiệm. Bởi vì, tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta ở đời này chỉ là hình ảnh của sự sống hiệp thông và chia sẻ viên mãn được chính Đức Giê-su hứa ban ở đời sau: “và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.
Còn một chi tiết rất đáng lưu ý trong câu trả lời của Đức Giêsu: Trong danh sách những gì người môn đệ sẽ nhận lại, chỉ có “mẹ”, chứ không có “bố”. Ngài chỉ nói anh em sẽ nhận được gấp trăm về mẹ, chứ không nói gấp trăm về bố! Và lời hứa này của Đức Giê-su quả thực đã luôn ứng nghiệm trong hành trình đi theo Người.
3. Mầu nhiệm Vượt Qua
Sau cùng, Đức Giê-su còn nói: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” Lời này của Đức Giê-su xem ra không tương thích với cuộc đối thoại của Đức Giê-su và các môn đệ về vấn đề “từ bỏ và nhận lại”. Chính vì thế, chúng ta không thấy câu này được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca (x. Lc 18, 28-30). Hơn nữa, dường như câu nói này của Đức Giê-su hay một lời tương tự như thế, cũng được ghi lại trong một bối cảnh khác.
Tuy nhiên, theo cách kể truyện của thánh Mác-cô, chúng ta được mời gọi lắng nghe lời nói này của Đức Giê-su như là câu kết luận không chỉ của cuộc đối thoại này, nhưng còn của cả một trình thuật dài, kể từ khi Người dạy các môn đệ về mầu nhiệm Vượt Qua lần thứ hai (x. Mc 9, 30 – 10, 30). Bởi lẽ, ngay sau đó, Người sẽ nói về mầu nhiệm Vượt Qua lần thứ ba. Vì thế, chúng ta được mời gọi hiểu lời này của Đức Giê-su: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Người, để thay đổi cái nhìn của chúng ta về mọi sự:
a. Về vấn đề “ai là người lớn hơn hết” (9, 33-37); về vấn đề có người không thuộc nhóm các môn đệ, danh của Thầy Giê-su để trừ quỉ (c. 38-40); về vấn đề làm cớ cho người ta sa ngã (c. 42-50); về vấn đề đời sống hôn nhân (10, 1-12); và về vấn đề tương quan giữa trẻ em và Nước Trời (c. 13-18).
b. Về vấn đề gắn bó với của cải (c. 17-27) và về lựa chọn từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giê-su (c. 28-30).
c. Ngoài ra, dựa vào sự ngược đãi mà Đức Giê-su vừa nói (c. 30), chúng ta cũng có thể hiểu rằng, Đức Giê-su loan báo sẽ có sự đảo ngược các giá trị vào ngày phán xét. Lời loan báo này mang lại niềm hi vọng cho tất cả những ai “đã bỏ mọi mà theo Thầy”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
—————————————–
[1] Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, ông Phê-rô nói thêm: “Vậy chúng con sẽ được gì?” Câu hỏi dường như hướng tới chuyện “lương bổng” (Mt 19, 27); trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô và thánh Luc-ca, ông nhấn mạnh đến sự kiện bỏ lại mọi tài sản, thay vì gắn bó như những người giàu có: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ những gì là của mình mà theo Thầy” (Lc 18, 28).