Thứ năm sau Chúa Nhật V Mùa Chay năm C
TIN MỪNG: Ga 8, 51-59
51 Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” 52 Người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết. 53 Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai? “
54 Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.55 Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người.56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”
57 Người Do-thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham! “58 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! ” 59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
1. Lời Hằng Sống
Chúng ta chỉ cần ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng, theo gương Đức Maria, một lời này thôi của Đức Giê-su:
Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết[1] (c. 51)
Lời này của Đức Giê-su gợi lại cho chúng ta một lời khác, được Người nói khi kết thúc Bài Giảng Trên Núi: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá… Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát” (Mt 7, 24-26).
Khi nghe lời này của Đức Giê-su, người Do thái đã hiểu sự sống con người theo nghĩa thể lí, nghĩa là sự sống theo qui luật “sinh lão bệnh tử”; vì thế, họ nêu vấn nạn: các đấng thánh lớn nhất của họ, là Abraham và các ngôn sứ, hằng tuân giữ Lời Thiên Chúa, vậy mà vẫn chết hết! Theo người Do thái, khi Đức Giê-su nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết”, Ngài đã tự coi mình là ai? Lời của Ngài có sức mạnh nào? Phải chẳng Ngài bị quỉ ám? (c. 52-53)
Khi suy nghĩ như thế, người Do Thái lại vô tình nhắc lại lời của Đức Giê-su một lần nữa, làm cho đoạn văn rất ngắn: “51 Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” 52 Người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (c. 51-52) có một cấu trúc hoàn hảo:
(a) Lời của Đức Giê-su – Sự Sống (không bao giờ phải chết)
(c. 51)
(b) Sự Chết (Abraham và các ngôn sứ đã chết)-(c. 52a)
(a’) Lời của Đức Giê-su – Sự Sống (không bao giờ phải chết)
(c. 52b)
Còn chúng ta, nếu chúng ta chỉ hiểu sự sống của chúng ta ở bình diện thể lí, chúng ta cũng sẽ nêu những vấn nạn tương tự như người Do thái, chúng ta cũng sẽ tất yếu khinh chê lời của Đức Giê-su và không tin nơi Ngài. Bởi vì, ở bình diện thân phận con người, dù chúng ta có cố gắng tuân giữ lời của Đức Giê-su đến mấy đi nữa, chúng ta cũng sẽ phải trải qua những thử thách, đau khổ của cuộc đời, của ơn gọi và cuối cùng là phải chết. Hơn nữa, chính Đức Giê-su cũng chết, cái chết bi đát trong cuộc Thương Khó và trên Thập Giá, mà chúng ta sẽ tưởng niệm trong Tuần Thánh sắp đến.
Nhưng sự sống mà Đức Giê-su nói tới, là sự sống “không bao giờ phải chết”; mà sự sống “không bao giờ phải chết” không thể là sự sống hiện tại của chúng ta. Bất tử trên đời này có vẻ là điều thú vị; và loài người chúng ta ở mọi thời và ở khắp nơi luôn đi tìm quả trường sinh hay một thứ thần dược trường sinh. Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ kĩ lại mà xem, nếu ai cũng sống mãi trên đời này, không chịu chết, thì sẽ ra làm sao? Chắc chắn sẽ có rất nhiều phiền phức nhất là khi đã lớn tuổi: người già làm sao chịu đựng được người trẻ, và người trẻ làm sao chịu đựng người già, khi mà những khác biệt thế hệ càng ngày càng lớn? Và nhất là làm sao đi vào vĩnh cửu, nếu không rời bỏ thời gian? Nhưng xét cho cùng, cuộc sống này có đáng cho chúng ta sống mãi không?
Đúng là Đức Ki-tô đã chết, như tất cả chúng ta sẽ phải chết, nhưng Ngài đã phục sinh, đã chiến thắng sự chết để đi vào sự sống vĩnh cửu. Vì thế, ai tuân giữ lời của Người, sẽ không bao giờ phải chết, bởi vì Lời của Người, giống như và đồng nhất với Ngôi Vị của Người, và Người là Ngôi Lời hằng sống, đi ngang qua sự chết nhưng vẫn sống, nghĩa là mạnh hơn sự chết!
2. Sự sống hôm nay
Lời của Đức Giê-su là Lời hằng sống, mạnh hơn sự chết. Vì thế, Lời của Người cũng phục vụ cho sự sống của chúng ta ngay hôm nay nữa. Bởi vì, chúng ta đâu chỉ sống bằng sự sống thể lí, đâu chỉ sống bằng việc thỏa mãn các nhu cầu: ăn, mặc, ở, đi lại và các tiện nghi khác; nhưng còn bằng tương quan nữa, tương quan tình thương, và những tương quan khác, phát xuất từ tình thương, đó là: tình bạn, chăm sóc, quan tâm, đón nhận, lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, tương trợ, liên đới, bao dung, tha thứ… Thiếu những tương quan này, chúng ta không thể sống được; và nếu có sống, thì cũng như chết; như chúng ta thường nói: “như cái địa ngục”. Một em bé, dù còn phụ thuộc nhiều vào việc thỏa mãn các nhu cầu thể lí, cũng rất cần sự hiện diện, hơi ấm và những lời nói âu yếm, vỗ về, yêu thương của cha mẹ và những người thân yêu.
Con người không chỉ sống bằng sự sống thể lí, nhưng còn sống bằng tương quan tình yêu nữa, tình yêu của Chúa và tình yêu của nhau. Và Lời Chúa là Lời tình yêu và tác tạo tình yêu. Vì thế Lời Chúa là lời mang lại sự sống, cho dù thân xác này có tiều tụy và qua đi, sự sống bằng tương quan tình yêu cũng không bao giờ bị mai một, đôi mắt của chúng ta vẫn nhìn ra sự sống ngay trong sự chết đang đến và đã đến. Đó là “kinh nghiệm thiêng liêng” mà Đức Giê-su sẽ sống một cách viên mãn trên Thập Giá.
Và Lời Chúa không tác tạo ra của cải, nhưng tác tạo nên tương quan, tương quan tình thương, tình bạn, đón nhận, bao dung và tha thứ. Và trong cuộc sống hiện tại và hằng ngày của chúng ta trong hoàn cảnh ngày nay, chúng ta cần biết bao những tương quan này, nhất là trong đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn và cả trong môi trường làm việc và trong đời sống xã hội nữa. Lời Chúa là Lời ban sự sống, sự sống sau sự chết và cả sự sống hằng ngày của chúng ta.
3. Mầu nhiệm Vượt Qua
Thập Giá là “bằng chứng” khách quan, cho thấy Người Do Thái đã đúng: trong cuộc Thương Khó, họ sẽ giết Đức Giê-su, để cho thấy lời Người không những không làm cho ai sống, mà chính sự sống của mình cũng không giữ được! Nhưng chính khi họ giết Chúa, họ làm cho lời Chúa được ứng nghiệm: họ làm việc cho sự chết, còn Đức Giê-su hướng về sự sống, đi về sự sống, trao ban sự sống, ngay khi Ngài đi vào sự chết và băng ngang qua sự chết.
Bởi vì, lời của Ngài là Lời Hằng Sống, có trước Abraham, tác tạo nên mọi sự và là ánh sáng và cùng đích của mọi sự. Nơi Người, Lời, Sự Sống và Ánh Sáng là một:
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành
ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. (Ga 1, 3)
Vậy, lời của ai là chân thực, của người Do Thái hay của Đức Giê-su? Hình ảnh sau đây mang lại cho chúng ta tiêu chuẩn để phân định:
Họ liền lượm đá để ném Người.
Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ. (c. 59)
Một bên là sự giận giữ, với hành động ném đá toan giết chết, một bên là Đức Giê-su bình an, lánh đi để đi con đường sự sống và trao ban sự sống. Đó chính là hình ảnh diễn tả cách tuyệt vời mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta tưởng niệm mỗi ngày trong Thánh Lễ và đặc biệt trong Tuần Thánh sắp đến; và như lời nguyện Thánh Vịnh đã loan báo:
Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài,
còn con đây thì được thoát khỏi. (Tv 141, 10)[2]
——————————————————-
[1] Dịch sát bản văn Hi-lạp: “chắc chắn mãi mãi sẽ không thấy sự chết”.
[2] Câu Thánh Vịnh loan báo Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, nhưng đã bị loại bỏ trong Sách CGKPV (Tuần I, Chúa Nhật, Kinh Chiều I; trong Mùa Chay, được đọc vào Tuần V).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc