Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh
Cuốn Đối thọai viết rất dài về ba tình trạng của tâm hồn trên con đường thánh thiện hay là ba bậc thang để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Đối với Catarina sẽ là một sai lầm nếu như chúng ta nhảy bậc hay là không có sự nối kết giữa bậc này với bậc khác. Đạo lý của Catarina rất rõ ràng và luật tiến triển trong đời sống thiêng liêng thật cần thiết. Con đường nên thánh gồm ba bậc không phải là điều mới mẻ do Catarina đặt ra, chị lấy lại trong truyền thống của Giáo hội, nhưng áp dụng vào tinh thần Đa Minh có nghĩa là chị không dừng lại ở bậc thứ ba là sự hiệp thông, nên một hoàn toàn với Thiên Chúa. Nhưng đối với chị, sự hiệp thông này dẫn đến lòng bác ái đối với tha nhân và đời sống tông đồ. Chính ở điểm này chúng ta khám phá ra nét đặc sắc của Catarina, chị đã sống hài hòa giữa chiêm niệm và hoạt động.
1. Bậc thứ nhất: tâm hồn từ bỏ sự yêu mình.
2. Bậc thứ hai: tâm hồn mặc lấy đức ái nơi cạnh sườn Chúa Giêsu.
3. Bậc thứ ba: nên một với Chúa Giêsu và loan báo Tình Yêu.
1. Bậc thứ nhất: đôi bàn chân của Đức Kitô chịu đóng đinh, tâm hồn từ bỏ sự yêu mình
Bắt đầu cho hành trình thiêng liêng, linh hồn đặt mình dưới chân cầu tức là dưới chân thập giá của Đức Kitô: như Đức Kitô bị treo lên khỏi mặt đất linh hồn trong giai đoạn này cũng phải bước lên thập giá, rút chân khỏi mặt đất, khỏi các tật xấu.
Khi leo lên bậc thang này, tâm hồn phải leo lên bằng đôi chân của ý chí (hay ước muốn) và lòng yêu mến. Hình ảnh đôi chân trên đường nên thánh cho chúng ta thấy nên thánh không phải là sống cao siêu, nhưng bằng đôi chân của mình, đôi chân bước đi trên mặt đất chứ không bay bổng trong không gian. Nói một cách khác đời sống thiêng liêng phải được xây dựng trên đời sống nhân bản, trên nhân cách con người. Nếu không tòa nhà thiêng liêng sẽ sụp đỗ khi gặp khó khăn, nguội lạnh trong đời sống cầu nguyện hoặc thử thách trong sứ vụ.
Đối với Catarina trong bậc này tâm hồn phải từ bỏ sự yêu mình. Nếu từ bỏ sự yêu mình thì làm sao hiểu được giới răn của Chúa hãy yêu thương tha nhân như chính mình. Yêu như chính mình có nghĩa là phải yêu mình thì mới yêu người khác như mình được. Vậy ở đây muốn nói đến tình yêu nào?
Trong đời sống thiêng liêng của thời trung cổ, nhất là nơi thánh Thomas, tình yêu này là tình yêu mà chúng ta yêu chỉ vì mình, tình yêu nhằm thỏa mãn những ước muốn thân xác, đi tìm sở thích và thỏa mãn các giác quan vì thế nó không phải là đối tượng của giới răn yêu thương. Chính sự yêu mình này sẽ làm cho chúng ta tự khép lại trong chính mình. Nó là nguyên nhân của tất cả các tật xấu, nó làm cho ý chí bị mù quáng lệch lạc do đó phải chạy trốn, giết chết nó đi. Catarina dùng rất nhiều hình ảnh để nói về sự yêu mình này. Nó được so sánh như con dao, ngọn lửa, nộc độc hay là bệnh phong hủi.
Đâu là những hậu quả của tình yêu này? Vì tình yêu này, con người không nhận biết tình yêu Thiên Chúa, sống trong sự bất công và ngăn cản con người thấy lòng tốt của Thiên Chúa, nó làm cho đôi mắt của niềm tin bị lu mờ. Một khi sự yêu mình chiếm ngự thì con người không thể nào đi vào trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa, một khi đã không có một đời sống mật thiết với Chúa thì chắc chắn đời sống đối với tha nhân cũng không đạt đến được.
Làm thế nào chúng ta có thể từ bỏ tình yêu riêng này? Catarina khẳng định rằng với ý chí cương quyết của chính bản thân và trong máu Chúa Giêsu: hãy bơi lội trong máu Đức Kitô chịu đóng đinh, chính nơi đó sẽ thiêu đốt tất cả những tình yêu dục vọng và tất cả những thỏa mãn cá nhân”.
Yêu mình thật sự là gì? là chấp nhận những gì mình có và mình là. Yêu mình là có trách nhiệm hòan toàn về những hành vi của mình. Cuối cùng yêu mình là chấp nhận rằng những người khác cũng được Thiên Chúa yêu như yêu chính mình. Ngài đã yêu họ như Ngài đã yêu tôi, cho nên đến lượt tôi, tôi cũng phải yêu họ như chính bản thân và chấp nhận quyết định của Thiên Chúa trên họ. Thiên Chúa, tha nhân và tôi được hàn gắn bằng một tình yêu tuyệt đối.
Chúng ta biết rằng bậc thứ nhất này rất mong manh bởi vì chúng ta có thể bước xuống khỏi thập giá. Bậc thứ nhất thật cần thiết nhưng chưa đủ để chúng ta tiến trên con đường trọn lành nhưng còn phải mặc lấy đức bác ái.
2. Tâm hồn mặc lấy đức bác ái nơi cạnh sườn Chúa Giêsu
Trong bậc thang này, tâm hồn khám phá ra tình yêu Thiên Chúa cách sâu thẳm. Tâm hồn không còn sợ hãi và quên đi chính mình vì tình yêu Đức Kitô đã chiếm trọn. Trong bậc thứ hai này, tâm hồn trở nên bạn của Thiên Chúa. Đâu là đặc ân của tình bạn? Thiên Chúa nói với Catarina rằng: người ta chỉ tỏ ra những bí mật cho bạn hữu của mình (Ga 15,15).
Bậc thứ hai là một cuộc gặp gỡ rất thân mật của Catarina với Chúa Giêsu, chị cảm thấy lòng mình như tan biến ra trong đại dương yêu thương. Vì thế, cạnh sườn Chúa Giêsu đã trở thành nơi trú ngụ của Chị khi gặp những thử thách, những khó khăn trong sứ vụ. Chị cũng mời gọi các nữ tu hãy ẩn náu trong cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh; nếu không thật vô dụng khi chị em đóng mình trong bốn bức tường của tu viện, luật nội vi chỉ dùng để kết án các chị em mà thôi” (T. 75).
Cạnh sườn Chúa còn là nơi yên nghỉ của các tâm hồn, trong một lá thư cho cha linh hướng chị viết: “Ngọn lửa bừng cháy trong con và với một cảnh tượng lạ lùng, con thấy những người ki tô hữu và không ki tô hữu đã đi vào trong cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Và con nhờ vào ước muốn và tình cảm con đã đi ngang qua giữa họ và con đã cùng với họ đi vào trong Chúa Giêsu, chúng con được dẫn dắt bởi cha thánh Đa Minh…(T. 219). Chúa Giêsu đã mở con tim mình ra trên thập giá cho tất cả mọi người. Cạnh sườn không chỉ là nơi mà toàn thể nhân loại đã đi vào, nhưng đó cũng là nơi mà các thánh “nhảy mừng trong những thương tích còn mới, những vết thương chưa lành, những thương tích luôn kêu xin Thiên Chúa thương xót nhân loại trong lúc chờ đợi ngày phán xét sau hết (ĐT 41). Đó là niềm hy vọng của Catarina đối với tương lai của Giáo Hội lữ hành. Một niềm hy vọng được xây dựng trong sự Phục Sinh của Đức Kitô, trong cạnh sườn không bao giờ khép lại. Niềm hy vọng này cũng mở ra cho mầu nhiệm cánh chung vì Giáo hội trên trời luôn luôn ở trong cạnh sườn của Chúa Giêsu. Giáo hội lữ hành và giáo hội trên trời làm nên một trong trái tim Chúa Giêsu.
Trong bậc này, tâm hồn mặc lấy đức ái. Chính trong thập giá Đức Kitô mạc khải hai chiều kích của đức ái: chiều dọc hướng về Thiên Chúa và chiều ngang là tình yêu tha nhân. Chính vì thế tâm hồn phải uống đức ái này trong cạnh sườn của Chúa Giêsu, như trẻ thơ bú sữa mẹ. Catarina viết cho một bề trên như sau: Mẹ yêu dấu, chúng ta phải làm như đứa bé ước ao được uống sữa mẹ, chúng đã dùng miệng mình để làm những giọt sữa chảy ra. Chúng ta cũng làm như thế nếu chúng ta muốn nuôi dưỡng tâm hồn mình; chúng ta phải đến với trái tim Chúa Giêsu suối nguồn của lòng mến, bằng thân xác Ngài, chúng ta có thể kiếm múc dòng sữa để nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta và các nhân đức sẽ được phát triển…
Hình ảnh này có thể quá trẻ con đối với chúng ta, nhưng nó mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Cũng như đứa trẻ chỉ có thể sống và lớn lên nhờ sữa mẹ thế nào, thì tâm hồn phải được nuôi dưỡng trong cạnh sườn của Chúa Giêsu như vậy để được lớn lên trong đức ái.
Theo Catarina có ba động lực chính của tình yêu tha nhân:
Động lực thứ nhất: tha nhân hiện hữu và đóng một vai trò quan trọng. Chị hiểu rằng tình yêu Thiên Chúa liên kết chặt chẽ với tình yêu tha nhân. Hai tình yêu này chỉ là một vì con người không thể yêu Thiên Chúa hết sức mình nếu không yêu tha nhân. Theo Catarina tình yêu tha nhân là nhân chứng tình yêu chúng ta đối với Thiên Chúa. Chúng ta phải yêu thương tha nhân không giới hạn. Một tình yêu vô vị lợi biến đổi trái tim con người. Đó là thực tế vì tình yêu nảy sinh tình yêu, tình yêu xóa bỏ hận thù. Chỉ có tình yêu là phương thuốc cho một thế giới chia rẽ vì chiến tranh và quyền lực của con người.
Làm thế nào thực hiện tình bác ái với tha nhân và không rơi vào những phán đoán sai lầm? Khi gặp nết xấu của tha nhân thì phải tự đặt câu hỏi cho chính mình trước khi đặt câu hỏi cho họ. Trong đức ái, tâm hồn mang lấy những nết xấu của tha nhân với lòng khoan dung, mang lấy họ trong lời cầu nguyện với giọt nước mắt và kêu xin.
Bằng việc chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Catarina học cách yêu và lòng bao dung. Chúng ta biết rằng ngay từ đầu thành lập Dòng, từ thương xót, bao dung là từ đầu tiên được thốt ra từ môi miệng những người sống trong ơn gọi Đa Minh. Phải nói rằng không có đời sống đa minh thật sự nếu không được xây dựng trên lòng thương xót, lòng thương xót là căn tính của dòng thuyết giáo, ngay từ đầu thánh Đa Minh đã kêu lên: Ôi lòng thương xót của tôi, những người tội lỗi sẽ ra sao?
Động lực thứ hai: Thiên Chúa đã ban phát các hồng ân cho mỗi người một cách khác nhau. Chúa muốn chúng ta cần đến nhau, cần thực hiện bác ái đối với nhau cho nên Ngài ban cho mỗi người những hồng ân vật chất và tinh thần khác nhau, mỗi người có một tài năng riêng, không ai tự hào rằng mình có tất cả mọi tài năng ch 148 tr. 388.
Động lực thứ ba: mọi nhân đức đều thực hiện qua tha nhân. Đây là một điểm độc đáo của Catarina, nhằm đề cao ảnh hưởng xã hội của các hành vi tốt cũng như xấu của chúng ta, dù đó là hành vi thầm kín riêng tư (ĐT 6).
3. Nên một với Chúa Giêsu và loan báo Tình yêu
Trong bậc thang này, tâm hồn trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh (ĐT 78). Catarina trình bày bậc thứ ba này bằng hình ảnh cái miệng Chúa Kitô (ĐT 76). Bậc thứ ba có 4 nét đặc trưng: tình con cái, sự nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa, sự bình an và loan báo tình yêu.
Tình con cái: đâu là sự khác biệt giữa tình bạn hữu và tình con cái? Sự khác biệt hệ tại mối liên hệ với phần thưởng đời sau. (ĐT 63): tình bạn chỉ thổ lộ tâm tình bí mật còn tình con cái thì nắm chắc phần gia tài. Tình con cái thì đau khổ là niềm vui, ở đây không phải là yêu thích sự đau khổ của những trường phái khắt kỷ, nhưng đau khổ vì lòng yêu mến Chúa và các linh hồn.
Sự nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa: trong bậc thứ ba, tâm hồn được nghỉ ngơi trong Chúa Ba Ngôi, luôn kết hợp với Chúa trong mọi nơi mọi lúc (ĐT 78).
Sự bình an: ở bậc này tâm hồn sẽ gặp được sự bình an đích thật vì tâm hồn được áp vào miệng Chúa và hưởng cái hôn bình an (ĐT 77), sự bình an này không ai có thể lấy đi được. Bình an là một hồng ân tuyệt vời mà nó chỉ có thể trao ban qua hy lễ của Chúa Giêsu. Nó là hồng ân được thánh hiến. Chính vì thế chúng ta chỉ tìm thấy bình an trong thập giá của Đức Kitô.
Loan báo tình yêu: trong ĐT 76 chúng ta thấy cái miệng có hai chức năng: nói và ăn.
Về chức năng nói, tâm hồn nói với Chúa về tha nhân trong cầu nguyện và nói về Chúa cho tha nhân. Hai phương diện chiêm niệm và hoạt động được thể hiện rất rõ nét ở tâm hồn đang trong bậc thứ ba.
Về chức năng ăn, hình ảnh Catarina dùng có vẻ như quá vật chất. Nhưng nó thể hiện một tình yêu cao độ vì trong bậc này tâm hồn khao khát ơn cứu rỗi các linh hồn. Catarina lấy lại lời Chúa Giêsu: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ vượt qua này với anh em trước khi chịu khổ hình” (Lc 22, 15). Chị nói rằng Chúa không cần đến của ăn vật chất đã hành động đối với chúng ta như một người chết đói. Ngài mong muốn chia sẻ với chúng ta lễ vượt qua của lòng khao khát, nên Ngài yêu cầu chúng ta hãy đói khát lương thực là các linh hồn và ăn thứ lương thực ấy qua việc cầu nguyện và thi hành sứ vụ. Được nuôi dưỡng trong tình yêu Chúa Kitô chịu đóng đinh, chị như người chết đói, chị đã ăn các linh hồn. Catarina hình dung ra thánh phụ Đa Minh mời gọi các con cái của mình đừng làm gì khác ngoại trừ việc ngồi tại bàn ăn này nhờ ánh sáng của việc học hỏi, đồng thời chỉ tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu chuộc thế giới.
Trong 3 bậc, chỉ có bậc thứ 3 mới nói đến hoạt động tông đồ, điều này cho thấy hoạt động tông đồ chỉ mang lại hiệu quả khi chúng ta sống liên kết mật thiết với Chúa, khi chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh, khi chúng ta đạt đến đỉnh cao của sự trọn lành.
Thay lời kết
Chúng ta vừa rảo qua 3 điểm nổi bật trong linh đạo Catarina: cái nhìn về con người, về Đức Kitô và con đường nên thánh từ Thập giá Đức Kitô. Qua 3 điểm này chúng ta thấy đúng như lời của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong Thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình yêu’: “Người ta không thể say mê Thiên Chúa mà không say mê con người và ngược lại, người ta không thể say mê con người mà thiếu vắng Thiên Chúa. Thiếu một trong hai thì chỉ là sự vá víu và khập khểnh trong hành trình bước theo Chúa. Vì ai muốn loại bỏ tình yêu thì cũng đồng thời không xem con người là con người nữa. Vẫn luôn luôn có đau khổ cần đến sự trợ giúp. Vẫn luôn luôn còn có sự cô đơn. Vẫn luôn còn có sự thiếu thốn về vật chất, nơi mà sự trợ giúp theo nghĩa thực hiện tình yêu tha nhân là cần thiết” (số 28).