Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (Ga 21, 1-19).
Bấy giờ, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-mon Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-mon Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-mon Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Si-mon Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết.
Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
++++++++
Sau cái chết của Đức Giêsu, một vài môn đệ cùng nhau trở về quê tiếp tục nghề cũ. Ông Phêrô rủ sáu tông đồ khác đi đánh cá ở biển hồ Tibêria. Nhưng suốt đêm hôm ấy, các ông đã vất vả cực nhọc mà chẳng bắt được con cá nào.
Rạng sáng, Đức Giêsu đứng trên bờ hồ, mà họ không nhận ra. Người xin họ thức ăn và kêu họ thả lưới lại. Dù mỏi mệt, họ vâng lời Chúa, quăng lưới và bắt được rất nhiều cá.
Từ đây, các ông được sai đi không phải để lưới cá, nhưng là lưới người trong việc truyền giáo. Và sự thành công không tùy thuộc vào kinh nghiệm và kiến thức của họ nữa, mà tùy thuộc vào sự tuân phục Lời của Đấng sai họ đi.
“Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được 153 con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.” Ở đây, ông Phêrô xử sự như một đội trưởng và sẽ trở thành thủ lãnh của Giáo Giáo Hội hoàn vũ. Lưới không bị rách biểu tượng sự hợp nhất của Giáo hội Chúa Kitô.
Tại sao có 153 con cá? Theo thánh Giê-rô-ni-mô, các nhà động vật học thời đó phân biệt được 153 loại cá. Do đó con số này tượng trưng cho tất cả mọi thứ cá trong biển. Và như thế, dưới cái nhìn của các nhà chú giải thì mẻ lưới của các tông đồ sẽ quy tụ toàn thể gia đình nhân loại để làm thành một cộng đoàn duy nhất.
Khi các môn đệ kéo lưới đầy cá vào bờ, Đức Giêsu đã dọn sẵn bữa ăn cho họ. Đúng là vị Thầy khiêm nhường phục vụ các môn đệ của mình! Lạ lùng thay! Mọi sự đều sẵn sàng ngay cả trước khi các môn đệ mang đến cho Đức Giêsu ít cá mới bắt được. Nhưng Đức Giêsu kêu các ông mang cá đến, vì Người luôn cần sự cộng tác của họ. Chúng ta cần đến Chúa, nhưng Chúa cũng cần đến chúng ta!
Các môn đệ không bao giờ nghĩ là họ sẽ gặp Đức Giêsu ở bờ hồ, nhưng chính tại nơi đó Chúa chờ họ. Chúa không ở trên mây trời, nhưng hiện diện trong đời sống thường nhật của chúng ta với những vui buồn, sướng khổ. Chúa hiện diện trong những buổi gặp gỡ của chúng ta, trong những cử chỉ phục vụ và chia sẻ. Người nói với chúng ta mỗi ngày: “Hãy thả lưới! Đừng nản chí: Ta luôn ở với các con!” Điều mà thế gian không làm được, Chúa làm được ; điều mà thế gian cho là thất bại, có thể nên thành công đối với Thiên Chúa.
Trong phần thứ hai của đoạn Tin Mừng, có lẽ chúng ta ngạc nhiên khi Đức Giêsu hỏi ông Phêrô đến ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ba câu hỏi của Đức Giêsu có thể ám chỉ ba lần chối Chúa của Phêrô, và điều này làm ông buồn. Chúng ta biết ông Phêrô thuộc loại “ruột ngựa”, không quen với những bài diễn văn, lại càng không quen với những lời tỏ tình. Ấy thế, ông lại trả lời với Đức Giêsu đến ba lần: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” Và Đức Giêsu trao phó Giáo Hội cho ông. Như thế, quyền lực của Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi, không dựa trên những kiến thức thần học và giáo thuyết của mình, cũng không dựa trên những nhân đức anh hùng và trên những công trạng, nhưng chỉ dựa trên tình yêu của mình đối với Chúa. Mặc dù chối Chúa ba lần, Phêrô vẫn được Chúa trao quyền cai quản Giáo Hội, bởi vì ông yêu Chúa. Chính tình yêu giúp ông hăng say phục vụ theo gương Thầy mình.
Phần chúng ta, chúng ta đừng quá khắt khe với những yếu đuối và những thiếu sót của Giáo Hội, của những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, mà hãy tự vấn trước câu hỏi của Đức Giêsu: “Này con, con có yêu mến Ta không ?”
Đức tin không thể tách rời với tình yêu. Vì thế, qua tình yêu thương, chúng ta có thể nhận ra Chúa trong đời sống hằng ngày. Như Gio-an, môn đệ được Đức Giêsu thương mến, là người đầu tiên, đã nhận ra Người, trong khi làm việc trên biển hồ: “Chúa đó!”
Nếu chúng ta tìm kiếm Chúa với tình yêu thương, Chúa sẽ hiện diện giữa chúng ta.
Ngay bên con thuyền đời của chúng ta, lúc biển lặng hoặc khi sóng gầm, Chúa Giêsu vẫn hiện diện trên bờ hồ và đến gặp chúng ta. Chúng ta có nhận ra Người không?
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa