Thứ Sáu sau Chúa Nhật VI Phục Sinh năm C
TIN MỪNG: Ga 16, 20-23a
20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.
21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.
22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay khởi đầu và kết thúc đều hướng các môn đệ đến niềm vui, ngang qua giai đoạn lo buồn (c. 20; 22-23a); trong phần trung tâm (c. 21), Người giải thích tại sao phải trải qua giai đoạn lo buồn rồi mới đến niềm vui, bằng kinh nghiệm rất đời thường, đó là kinh nghiệm cưu mang và sinh con của người mẹ, của mẹ chúng ta. Xin cho mỗi ngày, chúng ta kinh nghiệm được lời hứa của Đức Giê-su:
Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. (c. 20)
1. “Anh em sẽ khóc lóc than van” (c. 20)
Đức Giê-su nói về cuộc Thương Khó mà Người sắp trải qua; trong cuộc Thương Khó, thế gian sẽ vùi dập Người, và vùi dập Người cho đến chết với tâm trạng vui mừng hả hê; còn các môn đệ, vốn đặt hết hi vọng vào Người, vốn đặt cuộc đời mình vào lời nói, việc làm và ngôi vị của Người, sẽ lo buồn, khóc lóc và than van, như lời thánh sử Mác-cô kể lại: “Bà (Maria Magdala) đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc” (Mc 16, 10) và như thánh sử Luca kể về sự buồn bã của hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 17)
Nhưng, Đức Giê-su nói: “Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. Niềm vui gặp lại Đức Ki-tô sống động, như thánh sử Gioan kể lại: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20). “Được thấy Chúa”, nhưng theo một cách thế đặc biệt, khác với kinh nghiệm gặp gỡ trước cuộc Thương Khó, bởi lẽ Người đã thực sự “băng qua” sự chết.
Các môn đệ cũng được mời gọi đi theo Đức Ki-tô bằng con đường Vượt Qua, nghĩa là sống đời mình như một cuộc vượt qua, nhờ, với và trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô phục sinh. Như sách Tông Đồ Công Vụ kể lại cho chúng ta, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô như được tái hiện lại trong hành trình sống và loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô của các môn đệ, các môn đệ thời Giáo Hội sơ khai, các môn đệ của mọi thời, các môn đệ hôm nay, là chính chúng ta.
Đức Giê-su nói: “Nỗi buồn của anh sẽ trở thành niềm vui”. Lời của Đức Giê-su không chỉ nói tới niềm vui sau thử thách, nhất là thử thách tận cùng là sự chết, nhưng niềm vui ngay trong thử thách hôm nay. Vì cuộc Vượt Qua của Người mang lại niềm hi vọng, và vì thế mang lại ý nghĩa cho cuộc thương khó của người môn đệ. Và nhất là cuộc thương khó của người môn đệ làm cho mình trở nên giống Đức Ki-tô, nên một Đức Ki-tô. Trong tình yêu, thật là niềm vui to lớn, khi được trở nên giống nhau, nên một với nhau.
2. Qui luật muôn đời của sự sống (c. 21)
Nhưng phải chăng con đường của mầu nhiệm Vượt Qua là quá cao vời, quá khó khăn, hay quá xa lạ với chúng ta? Khi nói về kinh nghiệm cưu mang của người mẹ, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhận ra dấu vết của mầu nhiệm Vượt Qua được ghi khắc ở khắp nơi, trong sáng tạo và trong lịch sử; và con đường của mầu nhiệm Vượt Qua hoàn toàn phù hợp với qui luật của sự sống:
- Đó là bóng tối và ánh sáng, bóng tối đêm đen và ánh sáng ngày mới. Đó hạt lúa mì, phải chịu chôn vùi và nát tan, để sinh ra nhiều hạt khác.
- Đó là kinh nghiệm ngủ và thức hằng ngày: “Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ. Rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi” (Tv 3, 6).
- Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền nơi những người con. Điều đặc biệt đúng theo nghĩa đen nơi những người mẹ: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra”. Nhất là khi có những người mẹ, hy sinh sự sống của mình để sinh con.
- Đó là sự hy sinh cuộc đời của các linh mục, tu sĩ nam nữ để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm.
Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”; và Ngài vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào.
3. “Thầy sẽ gặp lại anh em” (c. 22-23a)
Mầu nhiệm vượt qua của Đức Ki-tô làm cho mọi cuộc vượt qua của loài người và của từng người không bị tan biến, nhưng có niềm hi vọng và như thế, tất cả đều có ý nghĩa. Nhờ, với và trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, niềm vui và hoa trái sự sống mới đã có ngay hôm nay, trong hành trình thập giá. Chính vì thế, Đức Giê-su nói:
Niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. (c. 22)
Nhưng không chỉ có niềm vui “gặp gỡ” Đức Ki-tô phục sinh, nhưng niềm vui này còn được đặt nền tảng trên sự hiểu biết thâm sâu Đức Ki-tô, nhờ thánh thần của Người: “Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Vì thế, Đức Giê-su nói: “Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa”. Sự hiểu biết có sức biến đổi sâu rộng, mà thánh Phao-lô có kinh nghiệm:
Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Pl 3, 7-9)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc