Đó là khẳng định của người tin trong mối tương quan giữa Thiên Chúa – con người – biến cố. Khi ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa, con người tìm ra Ý Nghĩa để khoả lấp những ước muốn, thao thức và tự do của mình. Bên cạnh đó, con người cũng ý thức được các biến cố trong vũ trụ diễn ra theo quy luật của nó, nên con người phải có những hành động một cách độc lập và tự do theo khả năng tối đa mình. Con người phải chiến đấu để tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống cũng như chịu trách nhiệm đối với chính mình và thế giới.
Thiên Chúa ở bên cạnh con người nhờ mặc khải (Kinh Thánh và Truyền Thống Thánh), nhờ Thần Khí trong tâm hồn con người, nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu và Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người. Tuy nhiên sự hiện diện ấy gắn liền với sự vắng mặt, chứ không hiện diện một cách rõ ràng nên chúng ta phải không ngừng tìm kiếm, đón nhận và gặp gỡ. Do đó, con người luôn ở giữa hai thái cực của thất vọng, buồn phiền, lo lắng, sợ hãi do sự vắng mặt của Thiên Chúa và của an ủi, khích lệ, thoả mãn, đem lại sức sống mà sự hiện diện của Thiên Chúa đem lại. Ở giữa hai thái cực ấy, con người đi vào một hành trình đầy thử thách, phiêu lưu với nhiều giằng co với sự chọn lựa của tự do và trách nhiệm của một con người trưởng thành trong Đức tin.
Khi những tai hoạ xảy đến, ví dụ một tai nạn, một dịch bệnh hay tai ương, người tôn giáo sẽ giải thích Thiên Chúa ở trong biến cố ấy theo nghĩa Thiên Chúa muốn và hành động khiến những tai hoạ ấy xảy ra. Họ sẽ dùng các cụm từ: theo ý Chúa muốn, Chúa đã cho phép / khiến cho điều ấy xảy ra, hay Chúa cho và Chúa lấy đi… khiến cho người khác nghĩ thầm rằng: sao Chúa tàn nhẫn thế? Đó thật ra là những cách giải thích cho qua chuyện. Ví dụ một chàng thanh niên qua đời, nếu anh ta tốt lành, người ta sẽ nói Chúa thương đưa anh ta về Trời, còn nếu đó là một thanh niên ăn chơi hư hỏng, người ta lại nói Chúa phạt anh ta và nhắc nhở những người khác. Điều này đôi khi làm cho con người không thể chấp nhận và phản kháng, chống lại kiểu Thiên Chúa như vậy.
Khi một tai nạn tương tự xảy ra, người vô thần chỉ cần biết người tài xế chạy quá nhanh, không thể làm chủ tốc độ và gây tai nạn chết người. Đó là tất cả những gì xảy ra, và chỉ thế thôi. Con người không thể làm chủ các biến cố cho dù người ta nỗ lực hết sức với mọi tiến bộ khoa học kĩ thuật, nên bất cứ lúc nào các biến cố (ví dụ cái chết) đều có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Trong thực tế cuộc sống ấy, người vô thần sẽ tìm mọi cách để tự bảo vệ và làm chậm lại biến cố khủng khiếp ấy. Hoặc họ sẽ cuồng nhiệt vội vã tìm mọi cách tận hưởng lạc thú ở đời với bất cứ giá nào.
Trong khi đó, người tin suy nghĩ và phản ứng giống người vô thần trước các biến cố: những sự việc này phải xảy ra như thế thôi, không thể khác hơn, đó là một điều tất nhiên. Ví dụ tai nạn này xảy ra là do tài xế chạy quá nhanh, đường trơn và khúc cua quá gắt, không có gì phải quy trách nhiệm cho Thiên Chúa, Thiên Chúa không liên quan như thể Ngài đã làm cho tai nạn xảy ra. Thiên Chúa không có lý do gì để gây ra cái chết, gây đau khổ cho những người này, trong khi để cho những người khác sống mạnh khoẻ, sung túc. Tất cả xảy ra vì tính độc lập riêng của chúng.
Nhưng khác với người vô thần, người tin không dừng lại ở các biến cố một cách đơn thuần, nhưng khám phá những ý nghĩa hàm chứa trong các biến cố, mà công đồng Vatican II gọi là “dấu chỉ thời đại”. Cái chết là một biến cố, nhưng biến cố ấy và mọi biến cố khác đều mang trong chúng những lời kêu gọi, những đề nghị, những dấu chỉ. Ngoài ra, người tin còn nhận ra Ý Nghĩa Tuyệt Đối, Tình Yêu, Sự Sống nơi Thiên Chúa, Đấng đang ở bên cạnh con người, ân cần yêu thương, chờ đợi và dẫn dắt con người. Do đó, trong các biến cố dường như vô nghĩa, trong cảnh nguy khốn, bệnh tật, bất công, tai họa… người tin tìm ra ý nghĩa cụ thể với tự do và trách nhiệm.
Người tôn giáo thực hiện các chương trình kế hoạch của Thiên Chúa đã được định sẵn. Người vô thần xem con người đơn độc đối diện với các biến cố, và cuối cùng là mất tất cả trong cái chết. Còn người tin cũng nhìn nhận con người phải đơn độc đối diện với các biến cố, nhưng có mối liên hệ với Thiên Chúa để tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống này dựa trên Ý Nghĩa Tuyệt Đối là sự hiện diện của Thiên Chúa. Tạo nên ý nghĩa trong các biến cố nghĩa là con người có tự do để tạo nên cuộc sống và phát triển đời sống ấy.
Còn đối với cái chết, biến cố bi đát nhất, khủng khiếp nhất, điều phí lý nhất, vốn dĩ xóa sạch mọi nỗ lực và ý nghĩa của con người, thậm chí Thiên Chúa dường như trở nên vô nghĩa khi con người đứng trước cái chết. Cho dù người ta cho rằng Thiên Chúa ở ngoài các biến cố, nhưng Thiên Chúa có liên quan đến thế giới này một cách tổng quát với những biến cố không ngừng xảy ra trong đó có cái chết.
(Viết theo Francois Varone, Vấn đề từ Thiên Chúa vắng mặt)