Trước khi đi vào câu hỏi về bản tính của ơn chảy nước mắt, thiết tưởng nên nhắc lại rằng các ơn của Chúa Thánh thần mang nhiều hình dạng khác nhau. Khi nói tới 7 ơn Chúa Thánh thần, tuy rằng dựa theo đoạn văn của Isaia chương 11 câu 2-3, chúng ta không coi đó như là bản liệt kê đầy đủ hết tất cả những hồng ân mà Chúa Thánh thần ban cho các tín hữu. Con số đó chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi: số 7 tượng trưng cho sự sung mãn dồi dào. Trên thực tế, bên cạnh 7 ơn Chúa Thánh thần, thần học cổ điển còn liệt kê thêm các hoa trái của Thánh thần, dựa trên thư gửi Galát 5,22, tựa như: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Hồng ân cao quý hơn hết là yêu thương bác ái, như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi Rôma 5,5. Vì thế tất cả những gì có liên hệ đến đức ái cũng đều được quy gán cho Thánh thần, cách riêng là những đặc tính được nêu lên trong bài ca đức ái ở 1 Côrintô 13: nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, vv. Trong số muôn vàn hồng ân của Thánh thần, dĩ nhiên là mỗi người, mỗi nơi, mỗi thời chú trọng tới một vài hồng ân mà mình thấy cần thiết hơn cả cho đời sống. Chẳng hạn như trong Tông đồ công vụ, xem ra thánh Luca nhấn mạnh tới sự vui mừng hân hoan mà Thánh thần ban cho các tín hữu giữa lúc gian truân thử thách. Còn vài nhà tu đức thời Trung cổ thì chú trọng đến ơn chảy nước mắt và họ đã nài xin Thánh thần ban cho ơn đó; thậm chí cho đến năm 1970, Sách Lễ Rôma còn đăng “lời nguyện xin nước mắt”.
Tại sao lại xin ơn nước mắt? Chúa Thánh thần là nguồn mạch yêu thương hoan lạc. Ngài chỉ có thể trao cho ta nụ cười chứ lấy đâu ra nước mắt mà ban?
Thường thì chúng ta gắn nước mắt với nỗi buồn, và gắn nụ cười với niềm vui. Nhưng mà không hẳn lúc nào cũng vậy. Có lúc chúng ta vui quá đến chảy nước mắt. Nhiều câu chuyện đã thuật lại cảnh hội ngộ của cha con, mẹ con, vợ chồng, anh chị em sau nhiều năm xa cách hay thất lạc. Họ sung sướng quá, ôm nhau và bật lên tiếng khóc. Và làm việc ở trường học, tôi đã chứng kiến nhiều lần cảnh một thí sinh khóc khi nghe tuyên bố thi đậu! Trong những hoàn cảnh này, nước mắt biểu lộ cảm xúc vui mừng chứ không phải là buồn phiền lo âu. Thậm chí có thể nói rằng: khi ta vui vừa vừa thì miệng nở nụ cười, còn khi nào vui quá thì nước mắt trào ra!
Như vậy, các nhà tu hành xin ơn chảy nước mắt là vì họ muốn hưởng niềm vui đến mức tột độ phải không?
Không phải như vậy. Đừng nghĩ như vậy, tội chết! Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước, có thành ngữ “nước mắt cá sấu”: ở trong bụng thì vui mà bên ngoài thì giả vờ sụt sùi! Các nhà tu hành đã xin ơn nưỡc mắt theo nghĩa khác. Khởi điểm của nó là chính các bản văn trong Kinh thánh. Dĩ nhiên, xét vì là một tác phẩm thuật lại các cảm tình của con người, chúng ta gặp nhiều đoạn văn mô tả nước mắt như là biểu hiệu của buồn sầu, lo lắng, tủi nhục, nhớ nhung. Chẳng hạn như đầu thánh vịnh 137, tâm trạng của người lưu đày được diễn tả như sau: “Bờ sông Babilon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion”. Hay là thánh vịnh 42, 4, “Châu lệ là cơm bánh đêm ngày / khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi: Này Thiên Chúa ngươi đâu?” (Xem thêm Tv 6,7-8; 39,13; 102,10). Mồ hôi nước mắt tượng trưng cho cảnh vất vả lao nhọc như ta đọc thấy trong thánh vịnh 126: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúc vàng”. Tuy nhiên một ý nghĩa đặc biệt của nước mắt được truyền thống tu đức ghi nhận là tấm lòng thống hối, như chúng ta thấy cảnh của một phụ nữ tội lỗi được Luca kể lại chương 7 câu 38; và ông Phêrô cũng chảy nước mắt dàn dụa sau khi nhận ra tội của mình (Luca 22,62). Các nhà tu đức coi nước mắt như là một hồng ân bởi vì họ dựa theo bản văn của Luca 6,21 nói về các mối phúc: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười”.
Như vậy ơn nước mắt dành cho các người tội lỗi, chứ những người lành thánh đâu cần phải xin ơn ấy làm gì?
Câu chuyện không đơn giản như vậy. Đành rằng nước mắt là biểu lộ của lòng thống hối ăn năn, nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Một đàng, chúng ta có thể thống hối thực tình mà không cần phải chảy nước mắt. Các giáo phụ đã dư biết điều đó rồi. Việc thống hối diễn ra trong ý chí chứ không phải chỉ dừng lại ở cảm xúc. Đàng khác, nước mắt không phải chỉ diễn tả tâm tình thống hối mà còn bộc lộ nhiều tâm tình khác nữa. Chẳng hạn như bàn về sự thống hối, viện phụ Gioan Climacô (thế kỷ VII) đã phân biệt nước mắt sợ hãi và nước mắt yêu thương. Nước mắt sợ hãi là khóc lóc vì lo sợ sẽ bị Chúa phạt xuống hỏa ngục; còn nước mắt yêu thương là khóc lóc vì đã làm mất lòng Chúa là Đấng tốt lành. Vì thế mà những dòng nước mắt này tiếp tục chảy, cho dù ta đã cải thiện thống hối. Một cách tương tự như vậy, thánh Grêgôriô Cả cũng nói tới hai thứ nước mắt, tương ứng với hai thứ sợ hãi: một thứ nước mắt sợ hãi của nô lệ, sợ bị trừng phạt; một thứ nước mắt của con cái, do lòng ước muốn những thực tại trên trời. Thực ra, không phải chỉ có hai thứ nươc mắt mà thôi đâu; đan sĩ Cassianô (sống vào thế kỷ IV) đã phân biệt tới 5 loại nước mắt. Loại thứ nhất, nước mắt trào ra khi nhớ đến tội lỗi. Loại thứ hai nước mắt chảy ra vì khủng khiếp lo sợ trước cảnh phán xét và hỏa ngục. Loại thứ ba phát xuất từ sự việc chiêm ngắm những thực tại trên trời. Loại thứ bốn bắt nguồn từ sự đau đớn vì thấy có người chai lì trong đường tội lỗi. Loại thứ năm bộc phát khi thấy người lành bị hoạn nạn hoặc thấy bao nhiêu tội ác trên đời này. Như vậy chị thấy rằng Cassianô có tầm nhìn rộng rãi hơn. Bởi vì không những ông ta chỉ khóc lóc khi nghĩ đến tội của mình hay là khóc lóc vì lòng yêu mến Chúa, nhưng còn khóc lóc vì tội của người khác, khóc lóc vì muốn chia sẻ vào sự đau khổ của người khác. Vào thời Trung cổ, chúng ta thấy có nảy lên nhiều phong trào “khóc” hay là phong trào “nước mắt” do động lực này. Chẳng hạn như trong tiểu sử của thánh Đaminh, mỗi đêm Người quỳ cầu nguyện dưới chân Thánh giá, và khóc rống lên: “Lạy Chúa, số phận của các người tội lỗi sẽ ra sao?”. Sự khóc lóc này mang chiều kích tông đồ, thuộc loại thứ bốn mà Cassianô đã nói trên đây. Nhất là nhiều phong trào đền tạ ra đời, chia sẻ vào những sự đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá hay là của Mẹ Maria. Chúng ta thấy một chứng tích còn ghi lại trong bài ca tiếp liên “Stabat Mater dolorosa”. Sau khi đã chiêm ngắm cảnh Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, tác giả đã van nài thế này: “xin cho con được chia phần thống khổ của Con Mẹ; xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than cùng Đấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm” (Fac ut tecum lugeam). Như vậy nước mắt vừa là dấu chỉ của tâm tình thống hối, vừa là dấu chỉ của lòng bác ái yêu thương, như thánh Bênađô đã nói.
Nãy giờ cha chỉ mới giải thích ý nghĩa của nước mắt. Nó có liên hệ gì với Chúa Thánh thần đâu?
Có chứ. Nguyên việc thống hối đã được coi như ơn của Chúa Thánh thần rồi. Ngay từ trong Cựu ước, ta đã thấy tư tưởng nói đến thần khí Chúa đổi mới tâm can, canh tân con tim của ta, biến nó từ tình trạng lòng chai dạ đá sang tình trạng chung thủy mến yêu. Nếu không có ơn Chúa, con người sẽ không nhận thấy lỗi lầm của mình và sẽ không biết thống hối. Các nhà tu hành còn nhận thấy rằng các tội nhân khóc lóc tội mình là một chuyện thường tình rồi; còn người đã vào bước vào đường tu đức lại cần phải có ơn đặc biệt để biết chảy nước mắt vì lòng mến Chúa và yêu tha nhân. Thánh Têrêxa Avila đã nói tới nước mắt như là hồng ân đi kèm theo việc cầu nguyện. Trong cấp đầu tiên, nước mắt trào ra bởi vì con tim cảm xúc khi suy đến tình yêu của Chúa. Cảm xúc này còn có tính cách tự nhiên. Nhưng lên đến các cấp độ cầu nguyện cao hơn, nước mắt cứ trào ra mà ta không biết được căn do từ đâu; ắt hẳn là do ơn Chúa. Thậm chí thánh Têrêxa nói rằng lắm khi lửa mến Chúa quá mạnh đến nỗi nước mắt ra như được dội lên để cho tâm hồn được tươi mát. Nhưng đồng thời thánh Têrêxa cũng cảnh giác những ảo tưởng. Đừng lầm tưởng rằng có thể đo lường trình độ nhân đức với lượng nước mắt trào ra. Thánh Inhaxiô, một con người xem ra đanh thép, cũng đã nói nhiều đến ơn nước mắt. Người đã xin cho chính mình được ơn nước mắt, và khuyến khích những ai dự Linh thao cũng hãy xin ơn đó, mặc dù Người không quên nhấn mạnh rằng không nên đồng hóa nước mắt với chính lòng mến Chúa yêu người. Lòng mến này được diễn tả qua lối sống và hành động chứ không phải là qua nước mắt.
Trên đây cha có nói là Sách lễ Rôma trước đây có lời nguyện xin ơn nước mắt. Lời nguyện ấy như thế nào?
Cho đến khi xuất bản Sách Lễ hiện hành vào năm 1970 (được cải tổ theo ý muốn của công đồng Vaticano II), chúng ta còn gặp thấy lời nguyện xin ơn nước mắt (pro petitione lacrimarum) bắt nguồn từ thời Trung cổ, tạm dịch như sau: “Lạy Thiên Chúa toàn năng và dịu hiền. Chúa đã làm cho nước hằng sống trào ra từ tảng đá để cho dân Israel được giải khát. Xin Chúa cũng làm vọt ra khỏi con tim chai đá của chúng con những dòng nước mắt thống hối, ngõ hầu chúng con có thể khóc lóc về tội lỗi của mình và đáng nhận ơn tha thứ do lòng Chúa lân tuất”. Chúng ta thấy rằng ơn nước mắt được hiểu về sự thống hối. Tuy vậy, trong các lời nguyện linh mục đọc trước khi dâng Thánh lễ, chúng ta cũng tìm được lời xin được tiến lên bàn thánh “với tâm hồn trong trắng và suối lệ trào dâng”, (cum cordis puritate et lacrimarum fonte), biểu hiệu của tâm tình sốt mến. Vài nhà tu đức còn chú giải thêm: những giọt lệ này sẽ lau sạch đôi mắt của chúng ta để có thể nhìn thấy Chúa rõ hơn.
Giuse Phan Tấn Thành, op.
Nguồn tin: daminhvn.net