ĐẤNG BAN SỨC MẠNH
Hình ảnh các tông đồ tề tựu ở một nơi, trên lầu cao, làm chúng ta liên tưởng tới tình trạng cách ly tập trung trong thời đại dịch Covid-19. Lúc đó, các tông đồ hoang mang lo lắng, một phần vì không biết tương lai sẽ thế nào, phần khác vì sợ người Do Thái hành hung gây sự. Trong bối cảnh đó, các ông không biết làm gì hơn là cầu nguyện. Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu cùng hiện diện với các ông.
Thánh Gioan trong bài Tin Mừng cũng nói với chúng ta về một tình trạng “cách ly” khác. Sau khi chứng kiến Thầy mình chịu chết đau đớn trên thập giá, các tông đồ sợ hãi, tập trung trong một ngôi nhà đóng kín cửa. Tác giả nói rõ lý do: vì sợ người Do Thái.
Đại dịch Covid-19 đã gây biết bao hệ luỵ và làm cho con người hoang mang. Cách ly tập trung là một trong những phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh. Trong số những người phải cách ly, có đủ mọi thành phần: quân đội, Việt kiều, bác sĩ, sinh viên, linh mục, tu sĩ… Đương nhiên việc phải đi cách ly tập trung là việc chẳng đặng đừng. Tuy vậy, sau thời gian cách ly, một số người có những trải nghiệm thú vị. Họ cảm thấy có thời gian để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời, để “sống chậm” hơn. Họ quan tâm đến người khác hơn và cũng cảm nhận được sự quan tâm của nhiều người đối với mình, trong đó có những người thân và cũng có cả những người không hề quen biết, nhưng đã cùng chung sức chung lòng động viên khích lệ những người đang phải sống cách ly. Nhiều người đã thay đổi cái nhìn về cuộc sống sau hai tuần cách ly. Trong xã hội, dịch bệnh cũng làm cho mọi người sống có trách nhiệm hơn với công ích và với tha nhân. Khi nghiệm ra cuộc đời thật ngắn ngủi, chóng qua và vô thường, người ta cố gắng sống tốt hơn.
Trở lại với các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Chính trong lúc các ông đang “cách ly tập trung,” Chúa Thánh Thần ngự đến. Thời gian “cách ly” là lúc các ông nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã dạy. Người hứa sẽ xin Chúa Cha ban cho các ông một đấng Phù trợ. Đấng này là Sức mạnh, là sự Khôn ngoan, là Sự thật. Những giây phút cầu nguyện đã giúp các ông dọn mình chuẩn bị đón Ngôi Ba Thiên Chúa. Ơn đầu tiên mà Chúa Thánh Thần ban cho các ông “là ơn ngôn ngữ.” Các ông nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, tuỳ theo ơn Chúa Thánh Thần ban cho. Một điều thật kỳ diệu: Chúa Thánh Thần vừa soi sáng cho các tông đồ để các ông rao giảng về Chúa Giêsu, vừa mở lòng soi trí cho những người đang nghe các ông rao giảng, để họ nhận biết và tin theo.
Cũng vậy, chính trong tình trạng “cách ly” mà các tông đồ được gặp gỡ Đấng Phục sinh. Với lời chào bình an, Chúa Giêsu trao ban cho các ông Thánh Thần. Được gặp gỡ Đấng Phục sinh, các ông hết hoang mang lo lắng. Thay thế vào đó là niềm vui mừng khôn tả, vì được thấy Chúa.
Thực ra, Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện trong cuộc đời. Ngài là nguyên lý hoạt động của cỗ máy vũ trụ. Nhờ Ngài mà thế giới hiện hữu và vũ trụ tuần hoàn, bốn mùa xuân hạ thu đông thay nhau đắp đổi. Tác giả Thánh vịnh đã khẳng định: “Ngài lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Ngài gửi sinh khí tới, là chúng được dựng nên và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 103, 29-30). Nếu một ngày nào đó, không có ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ, Giáo Hội sẽ trở thành xác không hồn. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội của Chúa Kitô lan tỏa một vẻ đẹp diệu kỳ. Vẻ đẹp ấy thể hiện qua tình hiệp nhất giữa các tín hữu, qua sức mạnh của đức tin, qua tính linh thiêng của những nghi thức phụng vụ. Chúa Thánh Thần còn làm cho vẻ đẹp Giáo Hội rạng ngời nơi khuôn mặt và cuộc đời các tín hữu, giúp họ dấn thân hy sinh, kiên vững trung thành sống chết vì Chúa.
Sách Giáo lý của Giáo Hội công giáo đã liệt kê những biểu tượng chỉ Chúa Thánh Thần như: nước, sự xức dầu, lửa, áng mây và ánh sáng, dấu ấn, bàn tay, ngón tay, chim bồ câu. Tất cả những biểu tượng trên diễn tả những nhu cầu cần thiết để con người có thể sống và đạt được hạnh phúc trên trần gian. Thế gian sẽ vắng bóng sự sống nếu không có Chúa Thánh Thần. Cuộc sống con người sẽ mất định hướng nếu không có Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô khẳng định: dù có nhiều hoạt động khác nhau trong Giáo Hội, nhưng chỉ có một Thánh Thần là động lực duy nhất, thúc đẩy và soi sáng cho con người, vì ích chung (Bài đọc II).
Nếu Chúa Thánh Thần vẫn đang hiện diện và hoạt động, thì ngày lễ Hiện Xuống có ý nghĩa gì? Thưa: ngày lễ này trước hết là lời tuyên xưng Đức tin vào sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống (Kinh Tin kính). Đây là dịp nhắc nhở cho các tín hữu về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời, trong Giáo Hội và trong tâm hồn người tín hữu. Khi cử hành lễ Hiện Xuống, Giáo Hội cũng kêu cầu Chúa Thánh Thần tiếp tục đổ muôn ơn của Ngài xuống trên Giáo Hội, canh tân cuộc đời, canh tân Giáo Hội và đổi mới lòng con người. Trong một xã hội còn nhiều gian dối, Giáo Hội kêu cầu Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý; trong một xã hội bị tổn thương do bạo lực và suy đồi luân lý, Giáo Hội kêu cầu Chúa Thánh Thần là Đấng chữa lành; Vào lúc Giáo Hội đang bị tấn công tứ phía, Giáo Hội kêu cầu Chúa Thánh Thần là Đấng Trợ lực. Giáo Hội tin vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, như linh hồn của Giáo Hội. Nhờ sự hướng dẫn khôn ngoan của Ngài, Giáo Hội không sợ bị lầm lạc.
Đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến bao giờ? Không ai có thể trả lời. Nhiều người đã nói đến việc sống chung với Covid. Dẫu thế nào đi nữa, đây cũng là dịp để chúng ta sống tình liên đới, lưu tâm đến người khác và trân trọng những giá trị sống mà chúng ta đang được hưởng. Hãy lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần từ nơi sâu thẳm của tâm hồn. Xin Ngài giúp chúng ta. Amen!
TGM Giuse Vũ Văn Thiên