Truyện kể một lữ hành mồ hôi nhễ nhãi vác trên vai một cái bao đựng đầy sỏi đá. Bước đi của người này như bị ghì lại bởi sức nặng của thời gian và sức nặng trong chiếc bao. Có người nhìn thấy đã khuyên anh ta bỏ đi những viên sỏi đá đó, nhưng anh không nghe. Sau cùng vì thấy không thể tiếp tục đi được nữa, nên anh đành lòng ngồi xuống bên vệ đường, mở chiếc bao, lựa tìm những viên nhỏ nhất bỏ đi. Như một phép mầu, anh thấy nhẹ nhõm và bước đi những bước mạnh mẽ hơn. Điều này khiến anh tự suy nghĩ, tại sao không bỏ hết mà còn giữ lại làm gì những sỏi đá trong bao. Nhưng có một thôi thúc nào đó từ bên trong nên anh vẫn không muốn bỏ hết. Chấp nhận bước đi những bước nặng nề, vất vả nhưng không đành buông bỏ. Cho đến cuối cùng vì quá mệt mã, anh quyết định ngồi lại vứt bỏ tất cả những sỏi đá còn lại. Và cũng từ đó, anh bước đi những bước nhẹ nhàng, vui vẻ, hạnh phúc hơn. Anh còn có thời giờ thưởng thức những cảnh đẹp bên đường cho đến khi về tới đích.
Người lữ hành đó có thể là tôi, là bạn, là chúng ta. Cái bao sỏi đá đó là những hận thù, tranh chấp, giận hờn, ghen ghét, thù oán, và những xúc phạm đến thể xác, tinh thần mà người khác đã làm cho nhau, hoặc do chính chúng ta đã làm, đã gây ra cho người khác. Những thứ đó đã tạo nên một khối nặng đè trên lương tâm cũng như cuộc sống của con người. Trên lý thuyết, ai cũng nhận ra và cũng biết điều này, nhưng do cái tôi của mình nên đành chấp nhận bước đi với những nặng nề đó hơn là buông bỏ, tha thứ để nhẹ nhàng trên hành trình cuộc sống.
Kinh nghiệm đời thường
Trong thực tế, bạn đã vô tình hay cố ý làm buồn lòng một người nào bao giờ chưa? Nếu có, bạn cảm thấy thế nào khi nhận được sự cảm thông và tha thứ từ người mà mình đã gây đau khổ cho họ?
Hoặc bạn đã bị người nào đó vô tình hay hữu ý làm bạn phải đau khổ, nhục nhã, thiệt thòi cả thể xác lẫn tinh thần bao giờ chưa? Nếu có, bạn cảm thấy thế nào khi chính bạn nói lời tha thứ, hòa giải?
Cả hai trường hợp trên, người nhận sự tha thứ và người nói lời tha thứ đều có cùng một cảm giác, đó là niềm vui, bình an và sự nhẹ nhàng của tâm hồn. Cảm thấy thoải mái và thấy được vẻ đẹp cũng như giá trị cuộc đời. Đời sống có ý nghĩa hơn, đáng yêu hơn, và đáng sống hơn. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, người nói lời tha thứ sẽ cảm nghiệm được phần thưởng tinh thần nhiều hơn, sâu thẳm hơn, vì: “Cho thì đáng quí hơn nhận”. Giá trị và kết quả của hành động tha thứ cũng theo chiều hướng tâm lý này.
Khi bị xúc phạm, bị coi thường, phản ứng đòi lại công bằng, lấy lại danh dự là điều ai cũng nghĩ và hành động như vậy. Nhưng điều này thường dẫn đến hậu quả tiêu cực. Chúng ta sẽ khó lòng nhận lại những gì mình đã mất, nhất là những thiệt thòi tinh thần, vì người đã xúc phạm đến chúng ta không dễ dàng nhận họ có lỗi và cần phải xin lỗi. Để nói lời xin lỗi, người đó phải chấp nhận mình có lỗi, cần được tha thứ. Điều này rất khó xảy ra. Cũng vậy, để nói lời tha thứ, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận mình bị thua thiệt để tìm kiếm sự bình an, tình thương, và lòng nhân ái.
Tóm lại, cả người tha và kẻ được tha đều cần có yếu tố tự hạ. Từ ngữ tâm linh gọi là khiêm tốn, khiêm nhường, và từ ngữ tâm lý gọi là thật với mình. Thiếu nó, người tha thứ không dễ chấp nhận tổn thương và thiệt thòi về phía mình để sẵn sàng tha thứ. Người được tha thứ cũng không dễ dàng nhận mình có lỗi để nói lời xin lỗi và chấp nhận tha thứ.
Cái tôi cản đường
Hình ảnh người bộ hành chấp nhận vác trên vai bao sỏi đá nặng, chấp nhận bước đi những bước nặng nề, vất vả nhưng không đành buông bỏ đã diễn tả phần nào về cái tôi của mỗi người.
Cái tôi tự ty mặc cảm khiến nhiều người luôn luôn buồn giận, phiền trách chính mình. Từ đó nảy sinh nghi ngờ, ghen tương, so sánh, tị hiềm và ác cảm với người khác. Ngược lại, cái tôi tự tôn, tự đại luôn thổi phồng, đánh bóng và cho phép một số khác tự cho mình quyền trên và thống trị kẻ khác. Điều này dẫn đến những cái nhìn khinh bỉ, coi thường, chà đạp, hạ nhục giá trị và phẩm giá của người khác.
Cái tôi với những động lực tiêu cực xét từ hai mặt như trên sẽ không cho phép một người nhận mình thua kém. Danh dự đâu, mặt mũi đâu, tư cách đâu? Làm sao có thể tự hạ xin lỗi một cách dễ dàng như thế được. Như một kết quả tất yếu, nó không cho phép chúng ta nói lời xin lỗi, hoặc chấp nhận sự tha thứ ngay cả khi biết rằng mình yếu kém hoặc có lỗi.
Về phía người đúng, người bị kẻ khác xúc phạm thì sao? Làm gì có sự tha thứ dễ dàng. Công bằng ở đâu? Tha như vậy còn ai sợ mình nữa, còn ai kính trọng mình nữa? Làm vậy sẽ mất hết tiếng tăm, mất hết phẩm giá, mất hết uy tín. “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn!” Một quan niệm bệnh hoạn về công bằng xã hội! Và như người lữ hành với bao sỏi đá trên vai, nhiều người sẵn sàng “chấp nhận bước đi những bước nặng nề, vất vả nhưng không đành buông bỏ…” vì cái tôi.
Thêm vào đó, một trong những kinh nghiệm thực tế về việc tha thứ, đó là tâm lý “Tha và quên” (Forgive and forget). Tâm lý này cũng là một cản trở lớn trong hành động tha thứ. Thực tế có nhiều điều người ta có thể tha, có thể bỏ qua một cách dễ dàng nhưng quên nó thì đòi hỏi phải có nhiều thời gian. Tha đấy nhưng vẫn không quên. Bỏ qua đấy mà lâu lâu vẫn nhớ. Nhưng tha mà không quên được những điều người khác đã xúc phạm, đã làm thiệt hại, đã gây ra đau khổ cho mình thì cũng như không tha, hoặc tha nửa vời! Người được tha có thể quên mình đã làm phiền ai đó, nhưng người tha mà không quên thì cái lỗi của người đã xúc phạm đến mình vẫn luôn ở trước mặt. Và như vậy, nỗi đau, nỗi buồn, sự giận hờn cứ như phảng phất đâu đó khiến họ không thể thực hiện được tác động tha đúng nghĩa. Tóm lại, tha mà không quên cũng là một khối đá nặng trong túi sỏi đá mà người không tha luôn mang trên vai, trong khi vẫn phải bước đi những bước mệt mỏi và chậm chạp.
Tâm lý tha thứ
Đối diện với cái tôi của mình là yếu tố cần thiết cho hành động tha thứ và đón nhận thứ tha.
Trong thực hành, khi lục lọi ký ức tìm tòi những lý luận vững chắc, những chứng cớ để đòi lại công bằng, có bao giờ chúng ta suy niệm đến việc cầu xin Thượng Đế, Đấng Tối Cao để được Ngài thương và tha thứ chưa? Điều này nhắc nhở chúng ta về thực tế con người của mình: Từ hư vô trở thành hiện hữu, từ tinh thần đến thể chất, từ thân xác đến tâm hồn… Tất cả những gì mình đã có, đang có và sẽ có đều phát xuất do tình thương của Thượng Đế. Món nợ với Ngài quả là to tát, đó là chưa kể tới những đam mê, yếu đuối, khuyết điểm, và tội lỗi mà chúng ta thường ngày xúc phạm đến Ngài. Nhưng Ngài vẫn tha tất cả cho chúng ta với chỉ một điều kiện nhỏ là chúng ta phải tha cho nhau.
Thật ra, Thượng Đế rất hiểu con người. Ngài biết ta có ưu và khuyết điểm, có tốt và có xấu, có tư tưởng hướng thiện, làm lành và cũng có những dục vọng lôi kéo làm ác. Thế nên Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta tâm lý tha thứ, đó là tâm lý yêu mình: “Không ai ghét mình bao giờ” [1]. Yêu mình là thứ tình yêu thiêng liêng phát xuất từ tình yêu Tạo Hóa. Ngài là Thượng Đế của tình yêu [2]. Yêu mình trong trường hợp này không phải là yêu cái tôi của mình, không phải là hành động xuất phát do tự ái.
Tâm lý yêu mình dưới cái nhìn tích cực, trưởng thành không cho phép chúng ta tự làm khổ mình. Mà một trong những nỗi khổ gậm nhấm, nghiền nát tâm can chính là những mối hận thù, giận hờn, oán ghét không tha thứ. Nó khiến chúng ta cảm thấy như mang bao đá nặng trên vai, kéo lê những bước nhọc nhằn trên đường. Do đó, tha thứ cho một ai đó, trước hết là chúng ta tự giải thoát cho chính mình, bỏ đi những khối đá đang đè nặng trên vai mình, tạo cho mình những bước chân nhẹ nhàng, thảnh thơi, những cái nhìn, nụ cười hạnh phúc, và những khoảnh khắc bình an.
Sau khi đã học biết yêu và tha cho chính mình, con người sẽ vươn tình yêu đến tha nhân, vì con người có xã hội tính. Nó không chỉ sống cho riêng mình. Hành động của nó, cuộc sống của nó luôn mang ý nghĩa tương quan giữa con người với con người. Thomas Merton (1915-1968), nhà tư tưởng và chiêm niệm đã viết một tác phẩm nổi tiếng trình bày về những sợi giây liên kết này có tên: “Không ai là một hòn đảo” (No man is an island). Theo tác giả, từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi xuôi tay nhắm mắt, tất cả chúng ta đều chịu ơn, đều mang ơn lẫn nhau. Do đó, Không ai có thể nói rằng mình không cần ai, không phiền ai, cũng như không muốn bị ai làm phiền. Vì thế, con người cần phải học biết đón nhận, học biết tha thứ để sống hòa bình với nhau, sau khi đã học biết yêu và tha cho chính mình.
Tha thứ và được thứ tha
“Chính khi thứ tha là khi được tha thứ” [3]. Triết lý sống này vẫn còn nguyên giá trị cho bạn và cho tôi hôm nay. Đi giữa cuộc đời trên đôi vai nặng trĩu những phiền muộn, giận hờn, ghét bỏ, thù oán, tranh chấp là bước đi với khối đá hai vai. Chỉ khi nào bỏ nó đi thì chúng ta mới có thể bước những bước nhẹ nhàng, thanh thản, bình an và hạnh phúc. Cuộc đời mới thật sự ý nghĩa, đáng sống, và cuộc sống mới có giá trị.
Ts. Trần Mỹ Duyệt
______________
1. Êphêsô 5:29.
2. 1 Gioan 4:8.
3. St. Phanxicô Assisi (1181/1182-1226).