MỘT ĐIỀM LẠ VĨ ĐẠI
“Một điềm lạ vĩ đại đã xuất hiện trên trời!” Hôm nay, thế giới Công giáo chiêm ngưỡng và ca tụng một điều kỳ diệu. Ngay từ thuở sơ khai, các tín hữu Kitô đã nhận ra, người phụ nữ được diễn tả trong sách Khải huyền là Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Đức Giêsu thành Nagiarét. Kể từ sau Công đồng Êphêsô (431), ngày lễ Đức Mẹ an nghỉ (Dormition de Marie) đã được cử hành tại nhiều nơi, nhất là trong các Giáo Hội Đông phương. Tuy vậy, phải đợi gần 20 thế kỷ sau, tín điều Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời mới được Giáo Hội công bố chính thức. Tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng tuyên bố: “Chúng tôi công bố, tuyên xưng và định tín giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải này: Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Vô nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên trời hiển vinh cả hồn lẫn xác.” Trong lời tuyên tín long trọng trên đây, Đức Giáo Hoàng đã nhắc tới cả 4 đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ, tức là ơn vô nhiễm nguyên tội; ơn trọn đời đồng trinh, ơn làm Mẹ Thiên Chúa và ơn được về trời cả hồn và xác.
Đức Maria là một điềm lạ không phải chỉ ở thời điểm Mẹ được đưa về trời, nhưng suốt cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã trở nên một điềm lạ cho cả lịch sử. Điềm lạ là điều người ta rất ít thấy, hoặc là điều không thể có trong thế giới tự nhiên. Quả vậy, mọi người sinh ra đều mắc tội tổ tông truyền, riêng có Trinh nữ Maria thành Nagiarét được Chúa gìn giữ cách đặc biệt ngay từ khi được thụ thai trong lòng thánh Anna. Vì vậy, Đức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền, là hậu quả do Ađam và Evà đã phạm ở đầu lịch sử. Cũng vậy, theo lẽ thông thường, chẳng có phụ nữ nào đã sinh con mà lại còn trinh khiết. Đức Mẹ được ơn trinh khiết trọn đời, trước, trong và sau khi sinh Đức Giêsu. Có một thời, người ta bận tâm tranh luận về Đức đồng trinh của Đức Mẹ, nhưng nếu đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì như Sứ thần Gabrien nói với Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin: đối với Thiên Chúa, không có gì mà Ngài không làm được. Và sau cùng, là danh hiệu Mẹ Thiên Chúa. Đức Mẹ chỉ là một tạo vật, mà lại tôn vinh là Mẹ Thiên Chúa. Bởi lẽ Đức Mẹ đã sinh ra Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, nên Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu thì cũng là Mẹ Thiên Chúa.
Đức Maria vẫn đang là điềm lạ cho chúng ta. Mẫu gương của người Công giáo không phải là một con người trần thế, dù đó là một vĩ nhân hay một lãnh tụ. Lý tưởng của chúng ta là Đức Giêsu, Con Người Hoàn Hảo. Đức Maria cũng là mẫu gương cho chúng ta trong đời sống Đức tin. Bà Elisabeth đã ca ngợi: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Chính Đức tin và niềm tín thác của Đức Mẹ đã làm cho Đức Mẹ được tôn vinh. Dù đã về trời, Đức Mẹ vẫn hiện diện giữa Giáo Hội để dẫn dắt và nâng đỡ chúng ta trong hành trình Đức tin. Có Đức Mẹ dẫn đường, chúng ta sẽ không sợ lạc lối. Đức Mẹ được ví như Sao Biển, giúp người vượt biển lựa chọn hướng đi và cập bến bình an. Giáo Hội hân hoan mừng lễ hôm nay, không chỉ vì những ơn lạ Chúa ban cho Đức Trinh nữ thành Nagiarét, mà còn vì Giáo Hội thấy nơi Đức Mẹ hình ảnh của chính mình trong tương lai. Vâng, Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội phải được hoàn thành (Lời Tiền tụng Thánh lễ).
Thánh Luca là tác giả duy nhất ghi lại bài ca Tạ ơn (Magnificat) của Đức Trinh nữ Maria. Trinh nữ có ý lên đường để kể cho người chị họ những điều kỳ diệu Thiên Chúa sắp thực hiện cho dân Ngài, thì bà Elisabeth đã biết hết những gì đã xảy ra, và bà nói: “Bởi đâu tôi được thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” Trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời vì cảm nhận được bàn tay Chúa thương yêu dìu dắt, Trinh nữ đã hát lên bài ca cảm tạ. Nội dung bài ca diễn tả lịch sử của dân tộc, với những đau thương và hạnh phúc đan xen, nhưng trên tất cả, đó là quyền năng yêu thương của Thiên Chúa. Ngài không bỏ rơi dân riêng Ngài chọn, nhưng luôn nâng đỡ chở che và chăm sóc giữ gìn.
Nếu Đức Trinh nữ Maria là một điềm lạ cho thế giới, thì mỗi chúng ta, những người được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ Bí tích Thanh tẩy, cũng phải trở nên một điềm lạ cho cuộc sống hôm nay. Quả vậy, khi chúng ta chuyên tâm thực hiện giáo huấn của Chúa, chúng ta sẽ làm cho hình ảnh và sự thánh thiện của Người lan tỏa trong môi trường sống của chúng ta, và nơi chúng ta, những người khác sẽ nhận ra chúng ta là con cái của Cha trên trời (x. Mt 5,16).
Nếu thánh Gioan Tông đồ đã nhìn thấy “Đền thờ Thiên Chúa trên trời mở ra,” thì Thánh Phaolô lại nói với chúng ta: “Đức Kitô đã trỗi dạy từ cõi chết mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (Bài đọc II). Vâng, nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, trời đã mở ra, con người có thể lên trời. Giấc mơ ngàn đời của nhân loại đã thành hiện thực. Đức Maria là tạo vật đầu tiên được qua cánh cửa Đền thờ Thiên Chúa trên trời. Chúa Giêsu đã hứa cho tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được vào Đền thờ Thiên Chúa. “Lòng các con đừng xao xuyến. Các con tin vào Thiên Chúa thì hãy tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… ” (Ga 14,1-2).
Giữa biết bao khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta hãy đến với Đức Trinh nữ Maria, xin Mẹ che chở và gìn giữ chúng ta.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên