Tin Mừng (Lc 14, 1.7-14)
Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.
Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
*********
Đức Giêsu quan sát thấy những người Pha-ri-sêu ngồi vào cỗ nhất trong các bữa tiệc theo địa vị mà họ cho là của họ. Người đưa ra một quy tắc xã giao chung hơn là những yêu cầu của Tin Mừng, là đừng tự đặt mình quá cao để khỏi phải bị xấu hổ và nhục nhã khi phải bị xuống ngồi chỗ thấp hơn.
Thực ra, mục đích của Đức Giêsu không phải là thiết lập một quy tắc lịch sự. Qua dụ ngôn ngắn này, Người nói về Nước Thiên Chúa và mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta! Một Vương quốc trái ngược với tất cả các vương quốc khác, một Thiên Chúa khác với trí tưởng tượng của chúng ta.
Để vào Nước Trời, ta phải từ bỏ mọi yêu sách về công trạng đối với Thiên Chúa. Lời mời gọi miễn phí. Lời mời này của Chúa không liên quan đến địa vị hay chức vụ mà chúng ta nắm giữ trong xã hội.
Tất nhiên, Thiên Chúa khuyến khích chúng ta phát triển tài năng của mình: trong nghề nghiệp hoặc trong việc học tập của các bạn trẻ. Chúa không cấm chúng ta cầu mong sự thành công và làm việc để đạt được những vị trí tốt nhất và trong xã hội.
Sự khiêm nhường mà Chúa nói tới không phải để làm nhục và hạ thấp phẩm giá của con người. Thiên Chúa cần một con người đứng thẳng trước mặt Người với phẩm giá của loài thụ tạo, được tạo dựng theo hình ảnh Người.
Dưới con mắt Thiên Chúa, điều làm nên giá trị thực sự của một người không nhất thiết phải là sự thành đạt bề ngoài của người đó, nhưng quan trọng là phẩm chất tình yêu thương và sự phục vụ mà người đó thể hiện với người khác. Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Giả như tôi được nói ơn tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1 Cr 13, 2).
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.” Nói cách khác, hãy noi gương Thiên Chúa là Cha của bạn: trong bữa tiệc Nước Trời, Người không chỉ mời những Kitô hữu hoặc những người sùng đạo, nhưng Người mời tất cả những ai đã quan tâm cho những người đói ăn, cho những người khát uống, tiếp đón khách lạ như một người anh em mình, thăm viếng những người đau ốm hoặc trong tù. Lúc đó, thế nào cũng sẽ có những điều bất ngờ vào ngày tận thế, trong “cuộc Phán Xét chung”!
Do đó, Đức Giêsu không chê trách ai muốn đạt đến những vị trí cao nhất trong xã hội nếu người đó có khả năng về điều đó, nhưng với điều kiện là phải luôn luôn hành động trong tình yêu thương để phục vụ người khác và vì lợi ích chung. Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên trong Nước Trời nếu người đó là người đứng đầu trong yêu thương và phục vụ người khác. Đó không phải là điều mà chính Đức Giêsu đã làm sao? Thiên Chúa khiêm nhường và là Đấng khiêm nhường nhất trong các loài thụ tạo. Trong Bữa Tiệc Ly, chúng ta thấy Đức Giêsu lấy khăn mà thắt lưng, quỳ dưới chân con người, rửa chân cho con người. Người nhìn họ từ dưới lên, và chính lúc đó, Người nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai. Chúng ta đã thấy Thiên Chúa phục vụ mọi người, và đó cũng là hình ảnh của Thập giá. Đây chính là sự vĩ đại của Thiên Chúa!
Sở dĩ chúng ta được mời gọi để vượt trên sự phán xét bất lợi của thế giới hiện đại về “kẻ bé mọn, kẻ nghèo khó, kẻ hèn mọn” là vì Thiên Chúa là như vậy. Đức Maria đã hát trong bài Magnificat của mình: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52). Ai khiêm nhường đặt mình phục vụ người khác, không mong được đền đáp, là người đó yêu thương bằng một tình yêu đích thực.
Vào thời điểm này, tại nhiều giáo xứ, các cộng đoàn, các nhóm mong đợi và cần có những người phục vụ, những thừa tác viên trong các lãnh vực: giáo lý, phụng vụ, giúp bệnh nhân, hoạt động từ thiện, v.v… Vì Chúa Kitô đã trở thành tôi tớ, nên các môn đệ của Người phải là những người đầu tiên khiêm nhường dấn thân phục vụ anh chị em mình.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa dạy chúng ta biết yêu thương bằng một tình yêu không tính toán. Ai yêu thương mà không mong đợi sự đền đáp, nhân danh Chúa, sẽ đón nhận niềm vui đích thực. Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa