Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’
“Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’
“Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”
++++++++++++++
Nếu đọc thoáng qua bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, có thể một số người sẽ hơi bị “sốc” và tự hỏi: Làm sao Chúa Giêsu có thể tán thành những mưu toan gian lận và khen ngợi một tên lừa đảo và dối trá như thế?
Dụ ngôn này hơi khó hiểu vì Chúa Giêsu có vẻ như đưa người quản gia bất lương làm gương mẫu. Nhưng đây là một dụ ngôn, có nghĩa là một câu chuyện được đặt ra, mượn những sự kiện trong đời sống thường nhật, để đánh động người nghe cũng như để họ dễ nhớ, nhằm đưa ra một bài học nào đó. Bài dụ ngôn phải được hiểu theo nghĩa tổng quát, chứ không nên đi sâu vào các chi tiết nhỏ. Chẳng hạn, dụ ngôn người quản gia bất lương này không nhằm mục đích giảng dạy cho những người làm trong ngân hàng hoặc trong cơ quan tín dụng, lại càng không phải cho những người đổi tiền!
Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu dạy chúng ta về vị trí và cách sử dụng tiền bạc. Người mô tả người quản gia qua hai hình ảnh.
Hình ảnh thứ nhất, đó là một người quản gia bất lương vì đã phung phí của cải nhà ông chủ của mình. Ðây là một việc phải tránh. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”, có nghĩa là: nếu anh em không biết dùng tiền bạc vào việc gây dựng tài sản Nước Trời, làm sao người ta có thể giao phó cho anh em tài sản vĩnh cửu này? Ðối với Chúa Giêsu, tiền bạc là một “việc rất nhỏ”, so với Nước Trời là một “việc lớn.”
Hình ảnh thứ hai, đó là cách xử sự của người quản gia bất lương này. Vì biết sẽ bị đuổi việc, nên ông ta kiếm cách bảo đảm cho tương lai mình, đó là giảm nợ cho các con nợ của ông chủ, để sau này khi gặp thiếu thốn, những người đó sẽ giúp đỡ lại mình.
Ở đây, Chúa Giêsu không cổ vũ sự gian dối của người quản gia. Người gọi người quản gia là bất lương, nhưng Người khen sự khôn khéo của ông và đưa ra làm gương mẫu. Chúa Giêsu chuyển đổi sự lo lắng cho tương lai ở trần gian này thành sự lo lắng cho đời sống vĩnh cửu. Người kêu mời các môn đệ biết dùng tiền của một cách khôn khéo, trong viễn ảnh Nước Trời. Nếu người quản gia khéo léo biết dùng tiền của thế gian để có thêm bạn bè và để chuẩn bị cho tương lai, huống chi là những người Kitô hữu, là “con cái ánh sáng”, cần phải chuẩn bị đời sống vĩnh cửu trong việc chia sẻ tiền của, tài sản mình với những ai đang sống trong thiếu thốn. Chúa nhật tuần sau (Chúa nhật 26 Thường Niên), chúng ta sẽ nghe phần tiếp theo của bài Tin Mừng: dụ ngôn anh La-da-rô nghèo khó và ông nhà giàu không biết chia sẻ của cải của mình.
Theo Chúa Giêsu, người khôn khéo là người biết sử dụng tiền bạc như một phương tiện, chứ không phải là một mục đích. Tiền bạc có thể là một phương tiện tốt, một đầy tớ tốt. Người ta có thể dùng nó để chia sẻ và tạo tình thân hữu. Tiền bạc có thể mang niềm vui cho kẻ khác khi ta biết chia sẻ, để tạo ra những cuộc gặp gỡ, trao đổi và tạo điều kiện dễ dàng cho việc thông tin liên lạc.
Nếu tiền bạc có thể làm đầy tớ tốt, thì ngược lại, tiền bạc có thể là một ông chủ xấu, là “bất chính”, như lời Chúa Giêsu nói (c. 9). Nó có thể là một cái bẫy chỉ cho thấy sự an toàn giả tạo và hão huyền. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có nhiều kinh nghiệm để hiểu rằng tiền của không phải là tất cả khi so với với tình yêu, với tình bạn và nhất là khi so với sức khỏe!
Chúa Giêsu muốn chúng ta đặt tiền bạc vào đúng vị trí của nó, và biết dùng của cải trên trần gian này để xây dựng “nơi ở vĩnh cửu” (c. 9) qua sự chia sẻ, sự đoàn kết và lòng quảng đại.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống khôn ngoan, không bị lệ thuộc vào của cải, biết sử dụng nó cho việc xây dựng đời sống vĩnh cửu của mình, như lời Chúa Giêsu đã chỉ dạy.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa